Theo một con số phỏng đoán sơ khởi, dân chúng Hoa Kỳ tiêu xài gần $2.5 tỉ dịp Lễ Tạ Ơn 2014. Trong dịp đoàn tụ gia đình hôm Turkey Day, các “thực sĩ” Hoa Kỳ đã xơi gọn 51 triệu con gà lôi, trong số khoảng 248 triệu chú được nuôi năm nay.
Một cảnh nhân ngày hội… xực cẩu Uất Lâm (Yulin Dog Eating Festival) tại Trung cộng
Trong khi truyền thống ăn gà lôi được kể là điều bình thường và tốt đẹp, không phải thú… xơi tái loài vật nào cũng được tán thưởng. Trong những ngày qua có một tin khiến dư luận xôn xao không ít. Tại Thụy Sĩ, một xứ Tây Phương văn minh không kém Hoa Kỳ, chánh phủ đang phải đối diện nhiều áp lực phải ban hành lịnh cấm… làm thịt chó mèo. Bên ngoài Dinh Quốc Hội Thụy Sĩ tại thủ đô Bern, những ngày này có nhiều người binh vực thú vật thay nhau phân phát thỉnh nguyện thơ đến dân chúng hoặc các chánh trị gia.
Cún cưng khi đã sa cơ cũng buồn.
Thói quen làm thịt chó cũng đã được ghi nhận từ xa xưa ở nhiều nơi trên thế giới, từ Âu sang Á đến Phi. Thường thường, cổ nhân ăn thịt chó như phương cách để giữ ấm, hoặc để sanh tồn, khi không còn lựa chọn nào khác, như đói khát, chiến tranh, v.v… Ngay cả với các giống dân vùng Bắc Cực như Siberia, Bắc Canada, hay băng đảo Greenland, dù rất quý chó, dùng chúng để kéo xe, nhưng vẫn ăn thịt loài cẩu thường xuyên khi cạn nguồn thực phẩm. Nhiều nơi tại Phi Châu trước kia, thịt chó có khi là món ăn hoàng gia, chỉ thấy trong các cuộc yến tiệc linh đình giữa các bậc đế vương. Riêng tại nhiều nơi ở Nigeria, đến tận ngày nay, người ta vẫn ăn thịt chó vì tin chúng còn là dược phẩm có thể giúp trị bá bịnh.
Thụy Sĩ cũng không phải là nơi theo văn hóa Tây Phương duy nhất còn có lệ làm thịt loài khuyển. Trong khi việc mua bán chó mèo bị cấm, thì chuyện xẻ thịt chúng… làm gỏi là hoàn toàn hợp pháp tại mọi tiểu bang của Úc Châu, ngoại trừ South Australia. Tại Ấn Độ, các cộng đồng vùng Đông Bắc, giáp giới Miến Điện, xếp thịt chó vào hàng cao lương mỹ vị. Tạp chí bảo vệ súc vật “Thai Animal Guardians” cũng tiết lộ người Thái xơi khoảng 52,000 chú cún mỗi năm. Từ năm 2001, chánh phủ Đài Loan ra lịnh cấm bán thịt chó sau khi có điều tra phát giác trên 50 nhà hàng mỗi năm xả thịt từ 20,000 đến 50,000 chú ẳng ẳng. Tại Indonesia, một xứ Hồi Giáo cấm ngặt ăn thịt heo và chó, nhưng có biệt lệ dành cho các sắc dân thiểu số không theo đạo Hồi, cách riêng ở Java, nhiều món thịt chó truyền thống rất nổi tiếng, trong đó có “rica-rica”, và thường chỉ dành cho các dịp long trọng như lễ cưới hay Noel…
Nhưng một trong những nơi dân chúng sính thịt chó khét tiếng có lẽ là xứ sở Kim Chi. Món cầy tơ (hoặc không tơ) được kể vào hàng quốc hồn quốc túy, bắt rễ từ trong lịch sử ngàn đời của họ. Có đầy đủ bằng cớ khảo cổ cho thấy người Đại Hàn ăn thịt chó ít nhất từ thế kỷ thứ tư sau Công Nguyên. Tạp chí ANIMAL PEOPLE số Tháng Năm 2001 ước lượng mỗi năm có từ 1.1 triệu đến 1.3 triệu chú chó bị người bản xứ ăn thịt, cùng với 100,000 con mèo. Kỹ nghệ thịt chó Nam Hàn bao gồm chừng 6,000 nhà hàng, thu hút lượng thực khách thường xuyên chiếm khoảng 10% dân số.
Người Trung Hoa cũng có tục ăn thịt chó từ hằng ngàn năm trước. Ngày nay, kỹ nghệ cầy tơ xứ này phát đạt mạnh, doanh số dễ dàng vượt $1 tỉ mỗi năm. Các chú chó treo lủng lẳng trên quầy thịt là cảnh chợ búa thường gặp tại nhiều nơi. Ngoài các miền phía nam, những vùng chuộng thịt chó khác nằm ở Quảng Đông (Guangdong), Quảng Tây (Guangxi), Vân Nam (Yunnan), cũng như các tỉnh phía bắc Hắc Long Giang (Heilongjiang) như Cát Lâm (Jilin) hay Liêu Ninh (Liaoning)… Tại Uất Lâm (Yulin) thuộc Quảng Tây, mỗi năm còn có một cuộc hội hè thịt chó rất lớn vào dạo tháng 5. “Yulin Dog Meat Festival” năm 2011 kéo dài trong 10 ngày đã làm thịt 15,000 chú cẩu.
Cô hàng thịt chó.
Dù sao, người Trung Hoa, nhất là giới trẻ, cũng đang manh nha nhiều vận động gây ý thức không nên tiếp tục ăn thịt chó. Sáu năm trước, trong thời gian diễn ra Beijing Olympics 2008, chánh quyền cũng đã ra lịnh tạm thời bắt buộc 112 nhà hàng chánh thức phục vụ Thế Vận Hội phải cất các món thịt chó trên thực đơn của họ. Tháng Tư năm ngoái, có người trông thấy một chiếc xe tải chạy trên xa lộ Bắc Kinh, đang chở 500 chú chó đi làm thịt, liền hô hoán trên… internet. Không lâu sau đó, trên 200 người cản đường chiếc xe, giải cứu cả… tiểu đoàn khuyển. Mới đây, thị trấn Kim Hoa (Jinhua) thuộc tỉnh duyên hải miền đông Chiết Giang (Zhejiang) đã phải hủy bỏ một tập tục ăn thịt chó tập thể kéo dài trên 600 năm qua. Sự kiện này gọi là “Jinhua Hutou Dog Meat Festival”, mỗi năm làm thịt hằng ngàn chú chó mỗi dịp thu sang. Tuy nhiên, lần này sau nhiều vận động kháng cự dữ dội trên thế giới ảo, chánh quyền phải chấp nhận thay đổi. Hiện nay, chánh phủ trung ương tại Bắc Kinh cũng đang cân nhắc việc cấm tiêu thụ thịt chó trên toàn quốc.
Tại chính Việt Nam, có ước lượng đến 5 triệu chú chó bị làm thịt mỗi năm. Thịt cầy đặc biệt được ưa chuộng ở các vùng phía bắc. Các vụ bắt trộm chó là… chuyện thường ngày ở… Hà Nội. Thậm chí đã từng xảy ra cảnh kẻ trộm chó bị vây đánh đến chết. Ngày nay, kỹ nghệ thịt cầy tại VN cũng thịnh đạt không khác xứ láng giềng Trung Hoa. Nhu cầu lớn đến nỗi đã tạo ra một hệ thống buôn lậu khổng lồ dính líu cả Thái Lan và Lào.
Ước lượng có 300,000 chú chó bị bắt trên đường phố xứ Thái mỗi năm, bị chở ra bờ sông Cửu Long, rồi bỏ vô chuồng sắt thả trôi qua bờ bên kia thuộc Lào. Từ đây, cảnh sát Lào… hiền lành làm ngơ cho các chuyến xe truck chở đầy chó tiếp tục hành trình 2-3 ngày về đến biên giới VN. Tại biên giới Lào-Việt, loài cún bị bán cân ký, nên nhiều lái… chó thọt ống cao su vô thẳng bao tử chúng rồi bơm gạo và nước vào, thậm chí có người nhét gạch đá vô miệng chúng. Trước vấn nạn này, vào tháng 9-2013, chánh phủ 4 nước VN, Lào, Thái, và Cam Bốt đã ký một giao ước hướng đến triệt hạ kỹ nghệ xuất cảng buôn bán chó lậu này. Có thể tưởng việc này chỉ mang tính cách biểu tượng, khó thực thi trên thực tế.
Ai mua… trâu tôi bán trâu cho.
Cũng cần điểm qua trường hợp Hoa Kỳ, nơi người dân đặc biệt ưu ái các chú cún. Trên phương diện thuần pháp lý, việc buôn bán thịt chó mèo là phi pháp, nhưng có đến 44 tiểu bang cho phép các cá nhân được quyền thưởng thức món cầy tơ. Người ta không thể bày bán thịt chó ở nhà hàng hay chợ búa, nhưng việc làm thịt và ăn thịt chó một cách nhân đạo là hoàn toàn hợp pháp. Cách riêng tại tiểu bang Hawaii, thói quen ăn thịt chó vẫn còn khá phổ biến.
Ở Bắc Mỹ, Canada cũng có luật cho mua bán và tiêu thụ thịt chó mèo hợp pháp, miễn sao công việc sát hại và xả thịt chúng phải chịu sự giám sát của thanh tra liên bang. Luật pháp cả Hoa Kỳ lẫn Canada chú trọng khía cạnh nhân đạo vì có rất nhiều người tin rằng, làm cho loài chó sợ hãi tột cùng hoặc đau đớn vô biên trước khi chết, cơ thể của chúng sẽ tiết ra các hóa chất làm mềm thịt và ngon thịt hơn. Vì lý do này, trên thế giới loài chó không chỉ bị ăn thịt, mà còn bị làm thịt với các phương pháp như: đốt sống, luộc tươi, lột da, bẻ chân, v.v…
Một thi sĩ kỳ cựu người Việt từng ví von: “Nhà văn An Nam khổ như…” các chú này đây.
Trở lại với Thụy Sĩ, ước chừng 3% dân số, đa phần là nông phu, sanh sống tại các vùng thôn quê hẻo lánh, vẫn thường dùng thịt chó mèo vào dịp lễ Noel. Xứ này không có kỹ nghệ cầy tơ thương mại. Tập tục ăn thịt chó mèo chỉ mang tính cách gia đình với các nông phu tự mình làm thịt chúng. Hiện tại, SOS Chats Noiraigue, tổ chức đứng ra vận động cấm tiệt thông lệ này, cho biết đã thu thập được 16,000 chữ ký. Nếu có ít nhất 50,000 chữ ký đồng thuận, Thụy Sĩ sẽ phải đưa vấn đề này ra trưng cầu dân ý (hệ thống chánh trị Thụy Sĩ quy định cử tri trực tiếp bỏ phiếu quyết định các chánh sách lớn nhỏ của nước nhà).
Dù chuyện làm thịt/ăn thịt chó đúng hay sai, dù người binh kẻ chống thế nào, vẫn còn thực tế riêng thực khách Á Đông mỗi năm tiêu thụ chừng 13 đến 16 triệu con chó, thêm 4 triệu con mèo, theo con số của tạp chí ANIMAL PEOPLE. Tổ chức bảo vệ thú vật thế giới (World Society for the Protection of Animals hay WSPA) còn trưng con số cao hơn: 25 triệu chú cún bị làm thịt mỗi năm trên toàn thế giới. Ngay cả Nhật Bổn năm 2008 cũng nhập cảng 5 tấn thịt cầy từ Hoa Lục. Hoặc một thực tế khác, có thể thấy qua câu trả lời cho tờ The Guardian (Anh Quốc) khi báo này phỏng vấn Bác Sĩ Duc Cuong, 29 tuổi, cư dân quận Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam: “Chó nhà thì không thể, nhưng chó của người ta tôi có thể ăn vô tư”.
Chó Thụy Sĩ.
TD