Menu Close

Sự cô đơn

Thời đại mạng nhền nhện giăng tứ tung, các trang nhà tán chuyện lền khên trên liên mạng từ Facebook đến Twitter đã đưa con người đến gần nhau, gần đến nỗi ta không còn thời giờ nào cho riêng mình. “Nhà” đây là một nơi trong không gian ảo, nơi ta chọn làm chỗ lui tới, kết bè bầu bạn tán chuyện đất trời hoặc thỉnh thoảng hóng chuyện, xem hoạt cảnh bá tánh người dao kẻ búa, gấu ó, chửi bới bươi móc đời tư của một nhân vật thứ ba. Người kết bè trên trang mạng văn nghệ văn gừng, kẻ lê la chốn “học thuật” từ chụp hình đến ca hát, xem tướng số… Bạn bè đông như thế nên chỉ ngóng chuyện cũng hết cả ngày giờ!

Ấy, “bận” liên miên túi bụi như thế vì cái nỗi lắm bè nhiều bạn nhưng tựu trung con người lại… cô đơn vô cùng! Có thể nào như thế không nhỉ?

Theo các chuyên viên nghiên cứu về xã hội, con người đang cô đơn hơn bao giờ hết (hay tự yêu [narcissistic] ở mức thượng thừa) và sự cô đơn kia khiến ta đau ốm từ thân xác đến tâm thần!? Cứ nhìn quanh, bạn sẽ thấy cơ man nào là sách vở, phim ảnh, chưa kể các bài viết ngắn, những mẩu tin gọn đầy rẫy trên các trang mạng xã hội về… cô đơn, nhất là sau khi câu chuyện của bà Yvette Vickers chết một mình chẳng ai hay trong căn nhà riêng. Bà Vickers là một tài tử điện ảnh không nổi tiếng cho lắm, lúc còn trẻ có lần đóng phim khiêu dâm và phim kinh dị. Lúc qua đời, có lẽ là 83 tuổi, nhưng thực ra không ai biết bà ấy qua đời lúc nào vì dường như thân xác khô héo kia chỉ được hàng xóm phát giác sau cả năm trời! Người hàng xóm, bà Susan Savage, cũng một thời là tài tử, họ sống gần nhau nhiều năm trong vùng Los Angeles, sau khi thấy mạng nhện (thật) giăng đầy nhà bà Vickers, trong hộp thư là những lá thư ngả màu ố vàng, đã thò tay mở cửa từ một khung cửa sổ vỡ để vào thăm. Qua cả núi thư từ và quần áo chắn trước cửa, người hàng xóm tìm thấy xác bà Vickers, bên cạnh là chiếc lò sưởi nhỏ vẫn đang chạy và cỗ máy điện toán vẫn còn sáng đèn!

Ngày ấy, tờ báo the Los Angeles Times đưa bản tin dưới nhan đề “Mummified Body of Former Playboy Playmate Yvette Vickers Found in Her Benedict Canyon Home”, và bản tin truyền tay nhanh như cháy rừng. Chỉ trong vòng hai tuần lễ, cái chết cô đơn của bà tài tử già nua được bá tánh bàn loạn trên Facebook 16,057 lần và trên Tweeter 881 lần! Lúc sống Yvette Vickers xuất hiện trong phim kinh dị, ta xem để… sợ hãi trong khi giải trí; nhưng khi chết, bà ấy lại vô tình trở thành vai chính trong một vở kịch xã hội rất thật khiến bá tánh kinh hoảng khi nhìn lại chính mình và nỗi sợ hãi ẩn tàng: sự cô đơn!

Yvette Vickers không có con cái, không tham gia tổ chức tôn giáo nào cũng chẳng có bạn bè [thật] chung quanh và bà ấy, vào tuổi vàng úa, đã tìm kiếm bạn bè để hủ hỉ qua… mạng ảo! Khi đi tìm dấu vết những mối thân tình của bà cụ cô đơn kia, người ta khám phá ra rằng, qua các hóa đơn điện thoại, Yvette Vickers chỉ trò chuyện với những người quen biết từ mạng ảo! Không gian ảo của bà Vickers mỗi ngày một rộng nhưng cạn vô cùng, từa tựa như không gian ảo của hầu hết những người kết bè trên mạng xã hội. Cả ngàn người “bạn” nhưng chẳng thật sự thân thiết hay biết rõ mấy người! Và khi qua đời, bà ấy không có ai bên cạnh!

Nói theo ngôn ngữ của ngành tâm lý xã hội, lối sống của con người ngày nay là một lối sống xa cách, mỗi người một ốc đảo, nên ta vô cùng đơn độc lẻ loi dù chung quanh lúc nào cũng đông đúc bá tánh?

Tiến Sĩ John Cacioppo, director of the Center for Cognitive and Social Neuroscience và cũng là giáo sư Tâm Lý tại Đại Học Chicago, là người được xem như chuyên gia về… cô đơn của thế giới, đã viết cuốn sách Loneliness, năm 2008. Cuốn sách được xem như “thánh kinh” của các chuyên gia tâm lý, những người muốn tìm hiểu về cô đơn. Cuốn sách nói về sự cô đơn ảnh hưởng đến sinh lý như thế nào, những thứ căn bản nhất trong sinh hoạt hàng ngày như miếng ăn giấc ngủ đều chịu ảnh hưởng của sự cô đơn. Nội tiết tố liên quan đến “stress” (stress hormone) như epinephrine lên rất cao trong những người đơn độc. Trong máu, các tế bào bạch cầu thay đổi và tác động đến di thể, và các di tính!

Theo ông Cacioppo, khi con người cô đơn, toàn thân thể từ chân đều đầu đều… cô đơn, tạm hiểu là cảm tính kia tác động đến mọi phương diện của đời sống con người.

Khi mạng ảo hình thành, phương tiện giao tiếp này chỉ mang lại sự gần gũi một cách giả tạo. Con người kết nối, làm thân với chó mèo, bạn bè ảo hay cả thượng đế là một hành động để giải tỏa sự cô đơn. Ta có người (vật) thân thiết để hủ hỉ, chuyện trò. Tuy nhiên, theo ông giáo sư tâm lý, người ảo, gia súc hay cả thượng đế cũng không thể lấp đầy hố sâu cô đơn của con người, những người không có kẻ thân thuộc trong đời sống.

Nhà tâm lý cho rằng các trang nhà xã hội là môi trường giao tiếp nơi bá tánh mang chuyện bạn bè ra nói, kể lể nỗi cô đơn của mình (tìm người tri kỷ tri âm) hay đon đả chào hỏi người xa lạ để kết bè… Khi đo đếm số giờ trò chuyện tiêu xài trên mạng ảo và những sự tiếp xúc thực sự, kết quả cho thấy càng gặp gỡ tận mặt nhiều lần và tạo ra mối thân tình thì con người bớt cô đơn. Càng tiêu xài nhiều thời giờ trên mạng ảo thì con người càng cô đơn, bất kể số bạn bè lền khên trong không gian (ảo) mênh mông là bao nhiêu!

Tuy nhiên nếu ta biết “dùng” Facebook hay Twitter thì các trang mạng xã hội này lại trở thành một dụng cụ đắc lực trong việc kết nối. Thí dụ, dùng Facebook để tìm người cùng đi uống cà phê, và trong vài lần cà phê trò chuyện, người ta có thể trở thành bạn bè. Ngược lại thay vì đi uống cà phê với bạn bè lại dùng thời giờ để kết bè kể lể trên mạng ảo thì chẳng mấy chốc, ta sẽ không còn ai để cùng đi uống cà phê nữa!

Trong đời sống hằng ngày hiện nay, dường như kỹ thuật đẩy con người đến chỗ cô đơn, mỗi ngày một sâu đậm. Và khi liên mạng thịnh hành thì sự giao tiếp chỉ còn là các mẩu tin nhắn hay bài viết, ai muốn đọc thì cứ vô… nhà, cửa mở cho mấy người gọi là “bạn”. Đọc xong tha hồ khen (bấm nút like) vì thìch thú hay vì lịch sự; hoặc chê thẳng thừng…

Dù nhìn nhận rằng chuyện mạng ảo không mấy khi là chuyện thật và những người chê mạng xã hội làm tốn thời giờ nhưng họ vẫn tiêu xài khá nhiều ngày tháng lang thang trong không gian mênh mông ngoài kia?! Những giây phút như thế thì chỉ có Facebook hay Twitter mới đủ khả năng nối kết ta với ngàn người ngoài kia, vì họ… đọc những điều ta viết. Tóm lại là mạng ảo cung cấp một môi trường êm ái, ta mặc tình trình bày cái đáng yêu đáng quý của mình trước bá tánh. Mọi thứ đều vô cùng giản dị: cập nhật chuyện hàng ngày, hình ảnh mới từ bụi hoa đến đôi giày, tha hồ chia sẻ với bá tánh chẳng ai ngắt lời hay che miệng ngáp… Quý hóa thế nên bá tánh vẫn đăng đàn đều đều, bất kể lợi hại, có ích hay vô bổ!

Tuy nhiên cái giá phải trả cho mối thân tình ảo kia khá cao, người kể chuyện chịu một áp lực triền miên, họ cứ phải tiếp tục nói về sự thành công hay sự sung sướng, vừa ý, thỏa mãn của mình. Luôn luôn vui vẻ, làm bộ vui vẻ và ngay cả cố gắng vui vẻ là các hoạt động khiến con người cạn kiệt năng lực. Như lời cổ nhân, ông cụ triết gia Sophocles cho rằng càng cố vui, con người càng kém vui!

Sự đơn độc lẻ loi kia là nguyên nhân hay kết quả của kỹ thuật tân tiến? Ba thập niên qua, kỹ thuật liên mạng đã “nối” con người với nhau, liên tục 24/24, từ phương tiện dễ dàng ấy, con người có nhu cầu được nối kết. Trong một thế giới giao tiếp nhanh như sấm chớp kia, không gian đụng đầu thời gian? con người lại vô cùng đơn độc vì lối sống xa cách. Đối nghịch hơn nữa, biết bao nhiêu phương tiện sẵn có để giao tiếp từ máy bay, điện thoại đến liên mạng để con người có thể gặp gỡ nhau vô cùng dễ dàng, xã hội lại trở nên mỗi ngày một ‘ảo’ vì những con người sinh sống trong xã hội kia mỗi ngày một mờ nhạt huyễn hoặc!

Con đường đơn độc với kỹ thuật kia khiến các nhà tâm lý xã hội lo âu lắm; ngay cả ông Jaron Lanier, một trong những người sáng chế ra kỹ thuật “virtual-reality”. Khi thấy bá tánh say mê cuốn hút quay cuồng theo kỹ thuật thì ông này giật mình la hoảng rằng con người bắt đầu tự o ép mình và trong tiến trình ấy, sự tương lân và tính nhân bản dần dần biến mất. Mạng xã hội đã đúc khuôn cho ta trở thành những người luôn tự trình bày.

Đúng quá xá, bạn thử ghé mạng xã hội mà xem, từ Facebook đến LinkedIn, nhân vật abc, xyz nào đó cũng có sẵn một bản tóm tắt, profile, để bá tánh tường lãm, bình phẩm, so sánh… in hệt như lúc ta đi xin việc!

Một chuyên gia khác, Tiến Sĩ Sherry Turkle, giáo sư về “văn hóa điện tử” tại MIT cũng lo âu không kém về cộng đồng mạng ảo, bà viết cả một cuốn sách nhan đề ‘Alone Together’ hay “Cô Đơn Bên Nhau” về các mối duyên tình ảo. Thiếu tự tin và khó kết thân đã khiến con người đi tìm các mối thân tình qua mạng ảo, “digital intimacy”. Làm thân với người ảo ít rủi ro, không sợ bị xua đuổi mà có bị xua đuổi đi nữa thì cái đau kia cũng nhè nhẹ, vì ta không phải là người thật trong không gian ảo! Nhưng cuối cùng, mối thân tình từ mạng ảo nhẹ như bông gòn, chẳng có chút ràng buộc nào. Và người bạn ảo thì thuận tiện vô cùng, họ có thể ghé thăm bất cứ lúc nào, ta chẳng cần tiếp đãi hay bận tâm. Đến và đi dễ dàng như thế nên duyên ảo không thể thay thế mối thân tình thực trong đời sống! Đó là nguyên nhân của cô đơn trong con người.

Mặt trái của cô đơn là “narcissism”, tạm hiểu là yêu mình quá mức hay “tự tôn”, và cô đơn hay tự tôn là phản ứng tự vệ của con người khi không thể hòa đồng hay không được chấp nhận bởi kẻ chung quanh.

Sự miệt mài của con người với mạng ảo là một hiện tượng đáng kể: Cứ 13 người hiện diện trên địa cầu thì có 1 người dùng Facebook, và người ấy vào Facebook hàng ngày. Trong nhóm tuổi 18-34, một nửa vào Facebook ngay sau khi thức giấc và trong số ấy, 28% vào thăm Facebook trước khi ra khỏi giường ngủ!

Facebook mở cửa liên tục, con người cũng miệt mài không ngơi nghỉ như thế. Vật dụng kia là phương tiện giúp con người làm quen với nhau, quen không đồng nghĩa với “thân”. Sự nối kết qua mạng ảo không tạo ra mối thâm tình, và con người vẫn cô đơn dù bạn bè trên mạng lên đến cả ngàn người. Họ xuất hiện liên tục trong mọi giờ khắc khiến ta không có thời giờ nghỉ ngơi. Đọc mẩu tin, xem tấm hình rồi vội vã hồi đáp, vì ta luôn muốn có mặt, muốn trình bày ý kiến của mình mẩu chuyện kia… Bận rộn như thế nhưng khi nhìn quanh, như bà Yvette Vickers, ta chỉ có một mình đơn lẻ. Máy điện toán vẫn sáng, mọi người vẫn đăng hình ảnh, kể chuyện… Ta tiếp tục theo đuổi hay tắt máy, bắt đầu một hành trình đi tìm người thật, bạn thật?

alt

NGUỒN TOPS-WALLPAPERS-GALLERY.BLOGSPOT.COM

TLL