Menu Close

Trái cây Trung Quốc khổ lắm, nói mãi!

alt

Trái cây nhập từ Trung Quốc, coi chừng!

Hiện nay, qua báo chí, tivi, người tiêu dùng Việt Nam rất khiếp sợ vì tính chất độc hại của trái cây Trung Quốc đối với sức khỏe, tính mạng con người. Đứng đầu sổ các loại trái cây là táo để hai ba tháng vẫn giòn ngọt, tươi đỏ. Kế đến là lê, lựu, vỏ ngoài không hấp dẫn nhưng bên trong lại ngọt mát mê ly. Cho tới nay, các nhà khoa học trong nước vẫn chưa tìm ra công thức của các hóa chất Trung Quốc biến trái cây xanh chát thành chín vàng, biến tươi được vài ngày thành tươi vài tháng.Các đội kiểm dịch ở cửa biên giới miền Bắc vẫn bất lực, không chặn được lượng trái cây kìn kìn chở qua Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai mỗi ngày. Các phóng viên sau khi tốn công thâm nhập vào những khu vực chế biến trái cây, nước trái cây ở Quảng Tây- Trung Quốc, chứng kiến tận mắt cảnh những trái đào, trái táo to ngon được tuyển lựa cẩn thận, xuất đi Châu Âu, những trái xanh, trái đèo, trái giập cho vào bể nước pha bột ngọt, phèn chua và một vài thứ phụ gia khác, thành tươi ngon, đỏ bóng, nhập vào Việt Nam, dán nhãn made in PRC (để lừa người tiêu dùng ít hiểu biết, khiến họ tưởng là hàng nước khác). Về nước, anh phóng viên này viết bài đề phòng cho người tiêu dùng, nhất là các bà nội trợ cả tin. Dư luận có xôn xao được vài tuần, rồi đâu lại vào đấy.

alt

Tin đồn chuối bị chích hóa chất thúc chín của TQ, sau vài tiếng đồng hồ sẽ chín vàng, các xe chuối hấp dẫn cỡ này, đều vắng khách

Trái cây Việt, hóa chất Tầu, tiếp tục coi chừng!

Không phải là trái cây xuất xứ từ nước láng giềng Trung Quốc nhưng độ độc hại cũng xêm xêm, là loại trái cây Việt Nam sử dụng hóa chất Trung Quốc thúc cho chín nhanh, vỏ đẹp. Nếu đến chợ nông sản Thủ Đức hàng đêm, khi các xe chở rau củ quả, trái cây từ miền Tây, miền Đông, miền Bắc đổ về, người ta sẽ thắc mắc không hiểu sao mít, chuối, dưa hấu, khóm, quít, cam…bán rất rẻ, toàn thứ xanh lè, sống sít, vậy mà bạn hàng tranh nhau cân, chất lên xe tải nhỏ, xe ba gác, xe gắn máy chở đi nườm nượp. Theo chân một đầu nậu, người viết tới một con hẻm đằng sau chợ Vạn Kiếp quận Bình Thạnh. Tại nơi này, chuối xanh, dưa hấu, mít non được chuyển ngay vào nhà. Ông T. chủ nhà, cũng là người trực tiếp dùng hóa chất Trung Quốc ‘ba không’ (không có công thức, không ghi cách dùng, không hạn sử dụng, mua ở Kim Biên- Chợ Lớn), lớp rắc, lớp hòa nước chích thẳng vô chuối non, dưa hấu non, thơm non, mít non…rồi ủ lại thành đống, đợi nửa ngày sau, lấy ra chuối chín vàng, mít chín vàng, thơm chín vàng, chở đi bỏ mối. Hàng xóm sang mua, ông T. không bán vì ‘Nói thiệt, độc hại lắm, đừng ăn’. Bù lại, ông chỉ yêu cầu ‘đừng nói tùm lum, bể nồi cơm tui’. Những người bán trái cây có chỗ ngồi cố định trong chợ Vạn Kiếp, không dưới mười người. Người bán lưu động từ đầu tới cuối đường, chừng hai mươi người nữa. Tất cả họ, đều bán bữa nào hết bữa đó, đều ít nhiều lấy hàng của ông T, đều không ăn trái cây mình bán, đều từ chối bán hàng cho khách ruột vì ‘nói thiệt, đừng ăn’.

alt

Sầu riêng ‘to go’, sử dụng thuốc thúc chín của TQ, bán rẻ nhưng vẫn ít khách mua

Sài Gòn còn bao nhiêu chợ, bao nhiêu đường lớn nhỏ, bao nhiêu hẻm, bao nhiêu ngóc ngách như Vạn Kiếp. Mỗi ngày, người dân tiêu thụ hết bao nhiêu tấn trái cây Trung Quốc, trái cây Trung Quốc giả Việt Nam, giả Mỹ, Úc, New Zealand. Bao nhiêu người bị trúng độc, nhẹ thì nhức đầu, nôn nao, xây xẩm, nặng thì miệng nôn trôn tháo. Một bà nội trợ lo lắng, phân trần: Muốn tẩy chay nhưng táo Mỹ táo Tầu giống y nhau, Nho Úc, nho Tầu chẳng khác nhau. Chuối, mít chín tự nhiên hay chín sau năm ba tiếng đồng hồ vì thuốc thúc chín của Trung Quốc, mắt thường không phân biệt được thì tẩy chay làm sao! Chẳng lẽ, để giữ sức khỏe cho cả nhà, phải ‘cai’ tất cả trái cây? Câu hỏi này, tiếc thay, không hề có câu trả lời, ngoại trừ câu trả lời tếu ‘đi coi bói, nếu thầy nói chưa chết, thì cứ ăn, khỏi sợ’.

alt

Ráng đợi!

Đầu tháng 12, Sài Gòn bước vào mùa khô. Trời nóng như đổ lửa. Ra đường hay ngồi nhà ai cũng mồ hôi ướt đẫm, thở mệt nhọc. Đúng lúc đó, một xe trái cây ướp lạnh trờ tới. Trong tủ kính là những miếng dưa hấu, miếng khóm, đu đủ, mận, mít cắt gọt sạch sẽ rất hấp dẫn. Lập tức tiếng gọi mít ơi, khóm ơi, vang lên tới tấp. Trong nháy mắt, người bán mở tủ trái cây, chọn đúng thứ được gọi, cho vào dĩa, thêm chút đá bào. Người mua tiếp lấy, ăn ngon lành. Một dĩa mười ngàn đồng. Không ăn tại chỗ có thể mua trái cây ‘to go’, là những hộp nhựa trắng sạch sẽ, đựng trái cây xắt miếng ướp lạnh, thêm đá bào hay muối ớt, đồng giá mười ngàn đồng, rất được các bà mẹ trẻ chở con, các thư ký, công nhân chiếu cố. Một chị bán trái cây gần khu chế xuất Bình Chiểu- Thủ Đức thì, ‘Mỗi ngày xẻ bán một trái mít lớn, năm trái dưa hấu, bốn trái đu đủ. Thêm mía, củ đậu, sa bô chê ướp lạnh…Trừ chi phí, sống vén khéo thì mỗi tháng cũng để được hai triệu’.

alt

Xem ra, thị trường trái cây Việt Nam, vốn nổi tiếng từ xưa nhờ đặc sản truyền thống như cam Cái Bè, bưởi Năm Roi, sầu riêng Cái Mơn, thanh long Chợ Gạo… hiện đang bất lực nhìn sự bành trướng của những thứ trái cây ngoại nhập độc hại. Người làm vườn chân chất, người buôn bán trái cây lương thiện, và nhất là người tiêu dùng tội nghiệp đều mỏi mòn chờ đợi những biện pháp cấm đoán mạnh tay, ngăn chặn đường dây buôn bán trái cây độc hại. Nhưng tiếc thay, chờ đợi vẫn hoàn chờ đợi!

alt

đâu là trái cây Trung quốc độc hại trong số này?

XH