“Náo Nức Hội Trăng Rằm” của Hồ Trường An do Cơ Sở Cỏ Thơm phát hành năm 2007 là tập bút khảo về bảy nhà văn, gồm có Mộng Tuyết Thất Tiểu Muội, Bình Nguyên Lộc, Vi Khuê, Trương Anh Thụy, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Trần Bích San và Nguyễn Thị Ngọc Dung. Người đầu tiên được Hồ Trường An đề cập đến trong “Náo Nức Hội Trăng Rằm” là nữ thi sĩ Mộng Tuyết Thất Tiểu Muội, tác giả quyển tùy bút “Dưới Mái Trăng Non,” xuất bản năm 1969, tái bản năm 1996 có thêm những bài thơ và nhiều bài tùy bút mới.
Dưới cái nhìn của Hồ Trường An, văn chương của bà Mộng Tuyết Thất Tiểu Muội “điệu đà, thêu hoa dệt gấm rất diêm dúa và sặc sỡ, đường lối văn chương theo phái duy mỹ, diễn tả uốn lượn uyển chuyển, bà dùng ngôn ngữ thi ca để viết tùy bút. Cho nên mỗi bài tùy bút của bà là một bài thơ bằng văn xuôi đúng hơn.” [*] Là người xuất thân từ Nam Phong Tạp Chí, bút pháp của bà Mộng Tuyết Thất Tiểu Muội vẫn còn đường nét cổ kính, biền ngẫu, vì thế “văn thơ của bà có thể đã không còn ai hưởng ứng, chiêm ngưỡng nữa. Không một nhà văn nữ nào chịu nối gót theo bà.”
Tập truyện “Những Ngày Ở Virginia” gồm 15 truyện ngắn của nhà văn Vi Khuê xuất bản đầu thập niên 1990 được Hồ Trường An đánh giá là “luồng ánh nắng gay gắt soi rọi thảm cảnh bên quê nhà, và những cảnh huống cười ra nước mắt trong các cộng đồng kiều bào đang định cư bên Hợp Chủng Quốc.” [*]
Dưới chủ đề “Bình Nguyên Lộc, Tổng Quan Văn Chương Vùng Đất Đồng Nai,” Hồ Trường An nhận xét văn chương của tác giả “Đò Dọc” “hào hứng tuyệt vời, vạm vỡ sức sống của tiền nhân trong cuộc khai hoang lập ấp, bừng bừng khí phách và anh linh của dân tộc thời xa xưa.” [*] Nhà văn Bình Nguyên Lộc đã “chắt lọc cái tinh hoa quý giá của thần trí sáng tạo, văn chương nồng nàn tình yêu quê cha đất mẹ. Đôi khi cái nồng nàn đó lên tới mức độ sôi nổi, khiến tác giả không làm chủ được ngòi bút của mình.” [*]
Tập truyện dài “Khung Rêu” đoạt giải Văn Học Nghệ Thuật Toàn Quốc Miền Nam năm 1971 của Nguyễn Thị Thụy Vũ, được Hồ Trường An đánh giá là “chỉ ở lưng chừng giữa hai lằn mức hiện thực và tân hiện thực.” [*] Ông xếp Nguyễn Thị Thụy Vũ là một trong số những nhà văn tả chân, “lối mô tả cùng nghệ thuật diễn tả tình ý các nhân vật đượm đà một chút hương vị thãi thừa của văn phong bút pháp các nhà văn tiền chiến, nhất là các nhà văn trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn.” [*]
Nhà văn Trương Anh Thụy với tác phẩm “Chuyển Mùa” xuất bản năm 2004 được Hồ Trường An gọi là “một cây bút can đảm ở chỗ dám tung ra cái thông điệp lạ lẫm về chính kiến, cái nhìn đặc thù về xung đột giữa hai phe Quốc Cộng cho kiều bào ở khắp bốn phương trời hải ngoại suy ngẫm” [*] Đối với Hồ Trường An chính trị hay chủ nghĩa là một vấn đề phức tạp, thế nhưng nhà văn Trương Anh Thụy “đã đặt ra nhiều vấn đề lớn…, nếu không sâu sắc và tinh tế thì trong lằn tơ kẽ tóc sẽ gây nhiều ngộ nhận cho những độc giả cuồng tín, quá khích, và nông nổi.” [*]
Nhà văn Trần Bích San với tập “Văn Khảo” xuất bản năm 2000 được đánh giá là “mười ba chương biên khảo văn học chỉ được thu nhỏ vào trong 160 trang sách, nên đây là một tác phẩm cô đọng, chắt mót gạn lọc cái tinh hoa trong đống sách tham khảo cao nghệu,” [*] để có thể giúp người đọc nhận định vấn đề một cách rõ ràng, sau khi nhà văn Trần Bích San “phóng đại nó ra để nêu rõ vấn đề hơn.” [*]
“Non Nước Đá Vàng” của nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Dung do Cơ Sở Cỏ Thơm xuất bản năm 2007, là tập bút ký gồm sáu chương, nói về những chuyến du lịch của tác giả với chồng, những sinh hoạt của bà với các bạn học trường Trưng Vương ngày xưa, với các bạn văn thơ bây giờ. Hồ Trường An đánh giá nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Dung “có tinh thần hiếu học của một cây bút phụ nữ, không phải ngoạn cảnh suông trơn mà cốt mở rộng tầm kiến thức của mình.” [*]
Hồ Trường An tên thật là Nguyễn Việt Quang, sinh năm 1938 tại Vĩnh Long, là nhà văn đã có 60 tác phẩm gồm truyện dài, tập truyện, ký sự, bút khảo, bút ký, và những tập thơ. Ông viết quyển bút khảo “Náo Nức Trăng Rằm” chỉ vì lý do “…đọc sách đối với tôi là một nhu cầu thường nhật không thể thiếu.” [*] Và ông chọn bảy cây viết nói trên bởi vì “ngoài tài năng của họ, tôi viết về văn chương họ qua mối thiện cảm sâu xa. Đó là những khuôn mặt của kỷ niệm, của một quá khứ xa xôi hay gần gũi, nhưng tạo cho tôi một nguồn cảm hứng phong phú…” [*]

4:30am Thứ Sáu ngày 29 tháng 11 năm 2014
[*]. Trích “Náo Nức Hội Trăng Rằm.”