Khác với thành phố dưới lòng đất Eco City 2020 của người Nga lợi dụng không gian chiều sâu mỏ đá ở Đông Siberia xây dựng một công trình ngầm khổng lồ nhất thế giới, chính quyền Mexico có tham vọng tạo ra một đô thị ngầm với tên gọi “Earthscraper” nhằm giải quyết vấn đề mà thủ đô Mexico đang phải đối mặt: dân số ngày càng tăng, thiếu đất xây dựng hay những quy định hạn chế chiều cao. “Earthscraper” là khái niệm cho ý tưởng thiết kế một đô thị dưới mặt đất. Thành phố ngầm rộng 8,342 square feet gồm 65 tầng, được xây dựng với một mái kính phẳng cho phép ánh sáng tự nhiên lọt xuống tất cả các tầng, thậm chí tầng thấp nhất.
“Earthscraper” là mô hình đảo chiều của kim tự tháp Aztec, nhằm mục đích duy trì không gian công cộng cho các sự kiện thường được tổ chức quanh năm khác như các buổi hòa nhạc, các cuộc họp chính trị, các triển lãm ngoài trời hay các lễ kỷ niệm. Điểm mạnh của dự án là các cấu trúc khác thường này sẽ tạo ra một không gian ở trung tâm thủ đô Mexico mà các tòa nhà lịch sử xung quanh không bị phá hủy. Trung tâm của công trình được làm bằng thủy tinh để bảo đảm rằng tất cả các phần của tòa nhà nhận được ánh sáng mặt trời từ bên ngoài.
Earthscraper, kim tự tháp dưới lòng đất có thể được xây dựng trước Tòa nhà Chính phủ Mexico trong một tương lai không xa
Đây sẽ là nơi trưng bày tất cả các hiện vật của người Maya và người Aztec. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều hiện vật có giá trị lịch sử của người Aztec quanh khu vực Kim tự tháp Aztec. Kim tự tháp Aztec hay còn được gọi là Kim tự tháp Mặt trời ở Mexico cũng là một trong những công trình gây ấn tượng của thế giới cổ đại. Kim tự tháp mặt trời nằm ở thành phố cổ Teotihuacan với mỗi cạnh đáy dài khoảng 226m, chiều cao khoảng 75m kể cả ngôi đền trên đỉnh hiện đã bị tàn phá. Người Aztec, vốn đam mê chinh chiến và tôn giáo, được cho là đã chế tạo ra chocolate và cai trị một đế chế kéo dài từ Vịnh Mexico tới Thái Bình Dương – tạo nên phần lớn Mexico ngày nay.
Cách đây 500 năm ngay sau khi người Tây Ban Nha khám phá và chinh phục Mexico, thủ đô Aztec ở Tenochtitlan bị hủy diệt hoàn toàn. Hernan Cortes chỉ huy đội quân viễn chinh Tây Ban Nha đã ra lệnh phá hủy các kim tự tháp trung tâm, xây dựng nên tòa thị chính ngay sau khi Cortes được bổ nhiệm làm thị trưởng. Một cuộc chiến tranh tồi tệ hủy diệt con người và nhiều công trình lịch sử, các tù nhân chiến tranh người Aztec đã bị dẫn đến trước dinh thị trưởng xử tử bằng cách moi tim từ bộ ngực, cơ thể của họ được ném xuống hố. Trải qua hơn nửa thiên niên kỷ, những bất bình đối với phó vương và cũng là thị trưởng Herman Cortes người Tây Ban Nha vẫn còn bị người Mexico khinh miệt. Ngày nay nơi hố chôn tập thể những người Aztec đã được xây dựng nên Nhà thờ Quốc gia Mexico và các công trình văn hóa lịch sử xung quanh dinh thị trưởng đã được phục hồi. Đối mặt với dinh thị trưởng là Cung điện Quốc gia – cơ quan chính phủ của Mexico. Và những chuyện lịch sử kể trên của người Mexico cổ đại đã thuộc về quá khứ khép lại nhường chỗ cho những góp ý một công trình độc nhất vô nhị trên thế giới, xây dựng một kim tự tháp Aztec đảo chiều.
Kim tự tháp đảo chiều có độ sâu 300 mét chia làm 7 khoảng không gian sinh hoạt
Edwardo Suarez của công ty kiến trúc có uy tín ở Mexico City muốn đào sâu xuống lòng đất cho một kim tự tháp ngược có cạnh hình vuông dưới quảng trường nổi tiếng nhất của thủ đô Mexico, trước tòa nhà quốc hội. Công trình này có 65 tầng, chìm sâu 300 mét dưới lòng đất. 10 tầng trên dùng làm nhà ở, phần chìm sâu hơn dưới lòng đất gồm 20 tầng là các khu thương mại, bảo tàng, còn 35 tầng còn lại là khu văn phòng làm việc. Công trình này sẽ được xây dựng trên một diện tích rộng 240m x 240 m ở giữa thủ đô Mexico.
Một kiến trúc có chiều cao nổi trên mặt đất hay chìm trong lòng đất đều có thể xây dựng với điều kiện khoa học hiện đại. Tuy nhiên, công trình Earthscraper không quy mô bằng Eco City 2020 của Nga, lại được đưa ra tranh luận, thu hút rất nhiều sự chú ý của giới kiến trúc sư quốc tế cũng như các cơ quan an ninh, về vị trí và giải pháp sử dụng kính chịu lực làm nóc nhà bằng phẳng trên một diện tích lớn hơn một sân vận động. Trạng thái vật lý của kính chịu lực nào có thể chịu được sức nặng khi nóc nhà biến thành quảng trường chứa hàng ngàn người cho các sự kiện văn hóa hoặc chính trị quan trọng. Và khi đó tòa nhà chìm trong lòng đất sẽ không còn ánh sáng tự nhiên, một bất tiện, cho dù sự kiện có thể diễn ra trong một hai ngày. Vấn đề quan trọng kế tiếp là không khí đối lưu trong lành trong kim tự tháp lộn ngược có đáp ứng được nhu cầu hít thở của con người sống và làm việc trong đó hay không. Và còn nhiều vấn đề khác cần phải bàn luận cho đến khi đề án hoàn thiện.
Nóc mái của Earthscraper làm bằng kính chịu lực cho phép ánh sáng tự nhiên xuyên suốt đến tầng sâu nhất
Suarez lý giải: “Mexico City là đô thị lớn thứ hai ở Tây bán cầu, một chút nhỏ hơn so với Sao Paulo, nhưng lớn hơn thành phố New York. Có khoảng 9 triệu người trong nội thành và có khoảng 21 triệu người ở khu vực đô thị ngoại ô. Mexico là một trong mười thành phố lớn của thế giới, một trung tâm quan trọng của thương mại quốc tế, tài chính, và văn hóa. Với 64,583,462 square feet, Mexico không còn một diện tích đất nào có thể xây dựng một công trình cao ốc hiện đại nổi trên mặt đất mà không phá vỡ cảnh quan đô thị vốn có nhiều công trình cổ điển. Ý tưởng đột phá táo bạo cho một kim tự tháp đảo chiều xuyên xuống lòng đất, đáp ứng điều kiện sống và làm việc cho cả chục ngàn người như một tiểu đô thị, là một giải pháp khả thi.
Trong tiến trình thực hiện ý tưởng của đề án, khái niệm tôn trọng quá khứ của thành phố là tiên đề thiết kế. Earthscraper sẽ là một biểu tượng của Mexico City. Còn vấn đề an ninh, theo tôi, công trình dù nổi hay chìm đều có thể bị đe dọa an ninh một khi chiến tranh hay khủng bố xảy ra. Cho nên, tôi cho rằng vấn đề an ninh không phải là vấn đề quan trọng hàng đầu dự án cần giải quyết.
Không gian xanh mỗi tầng được thiết kế làm lá phổi thanh lọc không khí cho kim tự tháp
Emilio Barjau, giám đốc thiết kế của Công ty Kiến trúc BNKR, ủng hộ dự án với quan điểm: “Earthscraper có thể phá vỡ các giới hạn của thế giới kiến trúc vì nó đã đưa ra một cách tiếp cận hoàn toàn mới vấn đề bùng nổ các siêu đô thị trong khi đối phó với sự tăng trưởng dân số, hạn chế sự mở rộng, duy trì không gian mở, và bảo tồn năng lượng và nước. Hệ thống tàu điện ngầm dưới lòng đất của Mexico City sẽ kết nối vào Earthscraper, ngăn ngừa tắc nghẽn trên mặt đất. Earthscraper sẽ là nhà cao tầng hiện đại trong lòng đất, theo đúng nghĩa đen, mà không phá vỡ cảnh quan đô thị do hạn chế chiều cao xây dựng tại một khu vực là phải mở ra một khu vực phát triển phía dưới. Vì vậy cách duy nhất là đi xuống”.
Công trình kim tự tháp đảo chiều chia thành 7 khoảng không gian xanh theo chiều sâu các tầng sinh hoạt. Nước ngầm và nước thải là một trong những thách thức lớn của thiết kế. Các công nghệ mới về cấp thoát nước sẽ làm cho tòa nhà này thực sự vận hành có hiệu quả. Barjau nói: “Có thể có cách sử dụng nước ngầm xung quanh khu vực gần đó dẫn qua máy lọc, để đáp ứng nhu cầu nước của cư dân. Và sau đó nước thải được trả lại cho lòng đất”.
Cũng theo Barjau, “Dự án Earthscraper bắt đầu như là một đề nghị cho một cuộc thi, một thăm dò của những gì chúng ta có thể làm để giải quyết một số vấn đề cho Mexico. Kính chịu lực cho mái bằng cũng không phải là mối bận tâm vì hiện nay những công trình có kính chịu lực như Tháp Eiffel của Pháp hay cây cầu Skywalk Grand Canyon tại Nevada của Mỹ được làm toàn bằng kính cho phép du khách đi dạo trên đó rất an toàn. Chúng ta sẽ nghiên cứu thêm cho vấn đề này”.
Sinh hoạt dạo chơi của con người sống trong Earthscraper
NL