Theo lịch Gregorius, Tháng Mười Hai là tháng thứ mười hai có 31 ngày. Theo Âm Lịch, Tháng Mười Hai còn được gọi là Tháng Chạp. Những sự kiện nổi bật trên thế giới trong Tháng Mười Hai được ghi nhận như sau:
– Ngày 1 tháng 12: Ngày Thế Giới phòng chống HIV/AIDS [World AIDS Day ]
– Ngày 1 tháng 12: Quốc Khánh Romania [Romanian Independence Day]
– Ngày 3 tháng 12: Ngày Người Khuyết Tật Thế Giới [International Day of Disabled Persons]
– Ngày 6 tháng 12: Quốc Khánh Phần Lan [Finland’s Independence Day]
– Ngày 9 tháng 12: Ngày Quốc Tế Chống Tham Nhũng [International anti-Corruption Day] theo Liên Hiệp Quốc.
– Ngày 10 tháng 12: Ngày Nhân Quyền [Human Rights Day] theo Liên Hiệp Quốc.
– Ngày 12 tháng 12: Quốc Khánh Kenya [Kenyan Independence Day]
– Ngày 20 tháng 12: Ngày Quốc Tế Đoàn Kết Nhân Loại [International Human Solidarity Day]
– Ngày 25 tháng 12: Lễ Giáng Sinh.
Như vậy tháng cuối cùng của Dương Lịch là tháng có nhiều sự kiện đáng ghi nhớ trong cộng đồng quốc tế, và cũng là tháng của Mùa Lễ Hội – Holiday Seasons không chỉ của Hoa Kỳ và các nước Phương Tây, mà của cả thế giới. Những lễ hội nhộn nhịp chuẩn bị cho mùa Giáng Sinh và Năm Mới được tổ chức ở khắp nơi. Có thể nói bắt đầu Tháng Mười Hai là bắt đầu những giai điệu của “Jingle Bells,” của “We Wish You A Merry Christmas,” của “Silent Night,” của “Mon Beau Sapin,” của “Gloria In Excelsis Deo” …v.v…Từng nốt nhạc quen thuộc rất xưa nhưng luôn luôn mang lại cho nhân thế niềm tin yêu hy vọng, giữa không khí se lạnh của mùa đông. Băng tuyết phủ trắng khắp nơi, càng làm cho màu xanh của thông-tùng-bách thêm đằm thắm, càng làm cho màu đỏ của hoa trạng nguyên thêm rực rỡ. Đi giữa màn mưa tuyết người ta vẫn vui, vẫn cảm thấy ấm áp dù thời tiết có khi dưới không độ. Có thể nói Tháng Mười Hai là tháng đặc biệt nhất trong năm, và cũng là tháng khiến người ta cố kết thúc những khát vọng còn dang dở, đau đáu tìm lại một điều gì đó đã trôi xa trôi khuất vào hư vô; hay để lòng thao thức vì một nỗi buồn hoặc nhẹ nhàng hoặc nặng nề, khi nhớ về những điều đã là hoài niệm. Sắp hết một chặng đường 365 ngày để bắt đầu một chặng đường 365 ngày khác, có nghĩa là sẽ lại hát “Que Sera Sera” vì không biết sẽ ra sao ngày sau… Đời của người ta ở chừng mực nào đó giống như chiếc đèn cù – một chiếc đèn có những hình ảnh miệt mài nối tiếp xoay vòng theo cùng một chiều liên tục không dừng lại, cho đến khi nến tàn bấc cạn.
Tháng Mười Hai là tháng lập đông. Gió rét, mưa lạnh, tuyết đóng băng thường khiến lòng người mềm yếu nhiều tình cảm hơn, thường khiến những kỷ niệm những dư âm từ quá khứ như đốm lửa âm ỉ dưới đống tro tàn được ngọn gió thổi bùng lên. Nỗi đau khổ niềm tuyệt vọng trỗi dậy giữa trời đông tuyết, khiến cõi người ta tưởng như không gian xám sắp tan trong biển lệ, bởi vì người ta không muốn nhớ nhưng cũng chẳng thể quên những nỗi niềm u uẩn có trong đời. Nếu bạn từng nghe ca khúc “Papa,” bài hát đã giúp Paul Anka trở thành danh ca thế giới, chắc chắn sẽ hiểu được nỗi đau khi mất mát tình yêu. Ca khúc “Papa” kể chuyện một người cha đã đem đến cho các con những điều tốt lành nhất, trong mọi bước thăng trầm trong mọi khúc quanh gập ghềnh của cuộc đời. Tuy nhiên điều khiến cả thế giới xúc động lại là đoạn bài hát nói về người mẹ. Khi người mẹ qua đời, người cha ngày ngày thẫn thờ, đêm đêm ngủ trên chiếc ghế ở tầng dưới. Ông không bao giờ bước lên căn gác thân quen, bởi vì vợ của ông không còn ở đó. Chỉ một chi tiết nhỏ, sâu lắng, tinh tế, đã làm cho trái tim của hằng muôn thế hệ phải đau đớn, bàng hoàng. Chi tiết này nhắc nhở cõi người ta: Hãy yêu thương và vị tha hơn, bởi vì người mà ta yêu quý một ngày nào đó sẽ qua đời, sẽ mất đi như hình ảnh người mẹ trong ca khúc “Papa.” “Growing up with them was easy.The time had flew on by. The years began to fly. They aged and so did I. And I could tell. That mama she wasn’t well.Papa knew and deep down so did she. So did she. When she died. Papa broke down and he cried. And all he could say was, “God, why her? Take me!” Everyday he sat there sleeping in a walking chair. He never went upstais. All Because she wasn’t there..”
Người ta thường vì cố chấp, luôn đánh giá sai lầm tấm lòng của người yêu mình chân thật. Người ta chưa bao giờ tự hỏi: Họ có từng chiến thắng cái tôi ích kỷ, bỏ đi những sân si cá nhân, để nhận biết: Người họ yêu cũng phải chịu đựng tánh khí bất thường của họ mà không hề ca thán, mặc nhiên độ lượng bao dung trước những cố tật của họ. Vậy tại sao người ta lại “thù dai” và “ghim” trong lòng một nhược điểm nào đó có trong cá tánh của đối phương? Dường như tôi và bạn cũng vậy. Chúng ta và tôi thường chỉ nhìn vào nỗi buồn của mình, để hỏi: Tại sao người ấy làm mình buồn, mà không bao giờ hỏi mình có làm người ấy buồn, mình có từng khiến người ấy thất vọng hay không? Tìm được một tình yêu đã khó, giữ cho được tình yêu ấy lại càng khó hơn. Nhưng phải chăng người ta thích đi chinh phục những đối tượng khác, hơn là tìm cách giữ mãi trong tim
Tháng Mười Hai – như tôi và chúng ta biết – là tháng của những ngày lễ hội, không phải là tháng biểu trưng cho sinh ly tử biệt. Ước mong bắt đầu từ ngày thứ nhất của Tháng Mười Hai năm 2014 này, chúng ta và tôi sẽ khoan dung độ lượng hơn với tha nhân, và đặc biệt với người mình yêu và người yêu mình, để những cuộc sinh ly tử biệt nếu có xảy ra cũng đều được mọi người bình an đón nhận, xem đó như sự luân hoán của kiếp nhân sinh, chứ không phải là những điều thống khổ đầy máu lệ oan khuất.
Nguyện chúc tôi và chúng ta một Tháng Mười Hai với những ngày lễ thiện hảo. Ước mong gió rét-mưa lạnh-tuyết băng giúp mỗi người đủ tỉnh táo để làm hòa với nhau, và để thực hiện một khởi đầu mới của niềm tin yêu hy vọng.
HV
1:27am Thứ Hai ngày 1 tháng 12 năm 2014