Quốc gia nào cũng có tỉ lệ giàu nghèo, điều quan trọng là chính sách phúc lợi xã hội đáp ứng cho người nghèo ra sao. Và không thể nhắc đến sự tương trợ xã hội và tinh thần tương thân của những cá nhân hay các tổ chức từ thiện.
Ở Mỹ, thu nhập trong năm 2014 của một gia đình một nhân khẩu không quá $11,670 thì thuộc diện nghèo, còn hai vợ chồng có hai con thu nhập $23,850 thì được xếp vào loại nghèo đói để có thể hưởng được trợ cấp từ chính phủ. Tất nhiên những người này phải là công dân Mỹ, còn chưa phải là công dân thì sao? Trợ giúp thực phẩm cho trẻ em có thể được cấp, thực phẩm cho gia đình có thể xin được ở những cơ quan từ thiện tôn giáo.
Thực phẩm cho không
Nếu là công dân bản xứ hoặc người mang thẻ thường trú nhân diện tị nạn, những tiêu chuẩn trợ giúp thực phẩm hoặc chi phí hóa đơn điện nước có thể được phúc lợi xã hội trợ giúp thanh toán hoặc cung cấp thực phẩm foodstamp. Nhưng nếu không thuộc diện hưởng phúc lợi thì người di dân hay công dân đều có thể xin thực phẩm ở các cơ quan từ thiện tôn giáo hằng tháng hoặc định kỳ trong năm. Tất nhiên trong trường hợp ngặt nghèo bí lối, chứ người có công ăn việc làm thì hẳn mấy ai bỏ thời gian xem lịch phát thực phẩm trong vùng hoặc bỏ thời gian xếp hàng chờ được tặng một hai thùng thực phẩm.
Bà con vùng Fort Worth-Arlington nhận thực phẩm cho không tại nhà thờ Tin Lành Arlington
Lịch phát thực phẩm trên mạng hầu như lúc nào cũng được đăng lên. Nhất là ở các nhà thờ Tin Lành. Lịch thường rơi vào ngày trong tuần từ Thứ Hai đến Thứ Năm nên người đi làm ít có dịp tiếp cận. Thỉnh thoảng cũng có ngày Thứ Sáu. Trong một vùng có nhiều nhà thờ cho thực phẩm hoặc trên mạng Craiglist trong mục “free”, đôi khi cũng gặp nhiều gia đình ở khu giàu thông báo cho không thực phẩm nhưng thường vào ngày cuối tuần hoặc những dịp lễ cuối năm như Christmas hoặc New year.
Chị Raid là một “tín đồ” thường xuyên đi xin thực phẩm. Chị nhận trợ cấp tiền bệnh, lại có foodstamp nhưng chị vẫn đi xin vì gia đình đông con cái, mặt khác nếu thực phẩm xin được nhiều, chị lại đem cho những người bạn không có thời gian đi xin được vì phải đi làm. Chúng tôi gặp chị trong ngày phát thực phẩm nhân mùa Thanksgiving, chị cho biết. “Năm nào nhà thờ Tin Lành ở số 5001 New York Ave., thành phố Arlington, TX đều cho thực phẩm. Năm rồi nhà thờ cho nhiều lắm. Đủ thứ, nào thực phẩm hộp, bánh, trái cây, thịt gà, thịt heo, rau cải. Nhiều gia đình được cho ba bốn thùng khiêng ra xe không nổi, phải nhờ nhân viên thiện nguyện trong nhà thờ ra giúp một tay”.
Theo lịch phát thực phẩm lúc 10 giờ khi chúng tôi đến thì đã thấy người ta rồng rắn xếp hàng dài lê thê. Nhiều người mang theo cooler to đùng có bánh xe kéo, hay xe đẩy hàng ngoài chợ. Lại có người mang hai ba cái thùng giấy to. May là thời tiết không lạnh lắm, nên không khí trong ngày xin thực phẩm thật là vui. Người xếp hàng kiên nhẫn cho dù đã đứng đây quá một tiếng đồng hồ. Người đứng trước trò chuyện với người đứng sau đủ thứ chuyện trên đời. Đủ mọi chủng tộc, trắng có, đen có, vàng có, nâu có. Phía trước dường như có hai du học sinh người Trung Quốc, bởi khi nhân viên thiện nguyện đến từng người xếp hàng ghi danh số người trong hộ gia đình thì thấy họ trình ra hai cái passport Trung Quốc.
Thật ra chuyện du học sinh đi xin thực phẩm là chuyện bình thường ở nhiều nơi khác. Tiết kiệm tiền ăn uống, lại biết thêm văn hóa sinh hoạt xã hội từ thiện ở xứ người. Tôi đọc vài bài báo nói về cách tiết kiệm tiền thực phẩm của du học sinh Việt Nam trên các facebook. Nhiều học sinh đăng lên lời nhận xét: “Tìm kiếm thực phẩm trợ giúp như thế này thật thiết thực cho học sinh xa nhà như chúng tôi. Tuy khẩu vị có khác biệt, nhưng với những thực phẩm tươi đông lạnh, chúng tôi chế biến theo kiểu quê nhà nên ăn rất ngon và bên cạnh đó những thực phẩm hộp hay lon mình cũng nên ăn cho biết. Ăn riết rồi quen thôi. Nhưng điều làm chúng tôi no lòng ấm bụng, là tình người, tình tương trợ ở xứ Mỹ này thật hào phóng. Người đi xin thực phẩm chẳng gì phải mắc cỡ, mình cần thì cứ xin”.
Một xe tải của Foodbank vùng North Texas đang đến địa điểm phát thực phẩm
Thực phẩm cho không từ đâu?
Khi chúng tôi hỏi chị Raid có hài lòng về thực phẩm cho không chị nhận được từ các nơi xin, chị trả lời: “Rất hài lòng. Nhiều người nghĩ thực phẩm cho không là thực phẩm hết hạn hoặc gần hết hạn, các cơ sở thương mại đem cho các cơ quan từ thiện và người nghèo là sai lầm. Tất cả thực phẩm rất an toàn từ Foodbank (Ngân hàng thực phẩm) phân phối cho các cơ sở phục vụ hoặc trợ giúp cho nhà thờ để phân phát cho người có nhu cầu. Có khi là thực phẩm chưa chế biến, có khi là suất ăn nấu chín cho người nghèo hoặc vô gia cư không phải bị đói”.
Đến bàn thực phẩm, mọi người tự nhận khẩu phần theo quy định
Để thực hiện điều đó, Foodbank sử dụng nguồn tài chánh quyên góp một cách chặt chẽ. Cứ $1 thu được thì trong đó 7 cent là lệ phí vận hành còn lại 93 cent dùng để mua thực phẩm dành cho người cần đến. Foodbank đưa ra phương châm xuyên suốt từ bước đầu thành lập cho đến mãi về sau. “Khi mọi người ở mọi nơi trên thế giới này đều có đầy đủ lương thực, đều có đầy đủ trí tuệ và lòng yêu thương, không còn người thiếu ăn, không còn người luôn phải suy nghĩ đến cái ăn và luôn đặt ra câu hỏi, ngày mai kiếm cái gì để ăn cho qua ngày đây? Và quan trọng là không còn người phải đói chết và họ đồng lòng nói tiếng không với Foodbank thì lúc đó cũng chính là lúc vai trò, sứ mệnh lịch sử của Foodbank chấm dứt”. Cũng nói thêm là Foodbank đầu tiên thành lập ở Hoa Kỳ vào năm 1967 và từ đó đến nay nhiều Foodbank ra đời hoạt động như một công ty phục vụ cộng đồng phi lợi nhuận. Mỗi một County hoặc khu vực có một Foodbank và nhiều chi nhánh văn phòng, cửa hàng giúp đỡ thực phẩm cho người thiếu ăn.
Nguyên tắc hoạt động của Foodbank là đem lại “lợi ích cộng đồng”, kể cả người sản xuất không bán được hàng lẫn người đang có nhu cầu. Là nơi cân bằng giữa những hãng sản xuất và giới người nghèo có nhu cầu. Foodbank sẵn sàng thu mua, sản xuất, thương mại, xuất nhập cảng, hoặc nhận ký gửi, hỗ trợ hoặc nhận chuyển giao lương thực, thực phẩm từ nhiều nguồn khác nhau (miễn là thực phẩm sạch, nguồn sản xuất rõ ràng, an toàn cho người tiêu dùng), tạo nên nguồn sản phẩm dồi dào đủ cung ứng cho những người cần đến thực phẩm. Foodbank thông qua mạng lưới phân phối rộng khắp toàn cầu hoặc các tổ chức phi chính phủ, từ thiện, nhân đạo hoặc các tổ chức cộng đồng khác.
Những khuôn mặt vui tươi trong ngày đi xin thực phẩm
Nhưng để có hoạt động hiệu quả, Foodbank cần thêm hỗ trợ từ nhiều nguồn đóng góp từ thiện của mỗi cá nhân. Chẳng hạn như nhà thờ tìm kiếm nguồn tài chánh qua các giáo dân hoặc các cơ sở thương mại quyên tặng tiền hay hiện vật. Nhà thờ liên kết với Foodbank mua thực phẩm giá rẻ, tổ chức tặng cho người nghèo không nhất thiết sống trong khu vực. Ai sống bất kỳ ở đâu, đều có thể xin thực phẩm theo lịch đã đăng trên mạng hoặc giáo dân nhận biết từ thư gởi đến nhà.
Trong lúc dãy xếp hàng nhúc nhích di chuyển đến bàn nhận thực phẩm, những người thiện nguyện đi tới đi lui nhắc bà con trở lại vào ngày 17 tháng 12 đển tiếp tục nhận thực phẩm cho ngày Giáng Sinh.
Loáng một cái xe chở hàng đã cạn nguồn thực phẩm
TN