Có bao giờ bạn cảm thấy dường như mình không hoàn toàn thuộc về một nơi nào? Hãy hình dung cái cảm giác khi mình đi đến đâu cũng thấy lạc lõng. Bạn là người Châu Á duy nhất trong một căn phòng của người da trắng, khác họ về ngoại hình và thể chất. Bạn là người duy nhất không nói tiếng Việt trong một căn phòng của những người chỉ nói tiếng Việt, bị ngăn cách bởi sự khác biệt văn hóa. Làm sao bạn có thể không cảm thấy mình lạc lõng? Tôi đã phải gặp hoàn cảnh này rất nhiều lần trong cuộc sống của mình.
Nhưng tôi cũng biết mình không phải là người duy nhất. Đây là một vấn đề có ảnh hưởng đến nhiều người Mỹ gốc Việt ở Mỹ và có lẽ trên toàn thế giới. Và không ai hiểu vấn đề này, ngoại trừ những người trong cuộc. Tôi biết có nhiều người đang sống trong tình trạng này, đồng thời cũng có những người thậm chí không hề biết sự tồn tại của vấn đề này. Nếu như bạn không biết, hãy nghe tôi chia sẻ. Nếu như bạn đã từng trải nghiệm, hãy biết rằng mình không đơn độc. Dưới đây là những gì mà tôi biết.
Nhiều người trong chúng tôi được sinh ra và lớn lên ở Mỹ hay đã đến đây khi còn rất nhỏ. Chúng tôi có cha mẹ người Việt Nam và được dạy các lễ nghĩa truyền thống. Tuy nhiên, chúng tôi đã đi học ở trường Mỹ và tiếp xúc với phần lớn là người Mỹ. Chúng tôi lớn lên trong cả hai thế giới Mỹ – Việt, nhưng chưa bao giờ thật sự hoàn toàn thuộc về một bên nào . Ngôn ngữ đầu tiên của chúng tôi là tiếng Việt nhưng lại bắt đầu suy nghĩ của mình bằng tiếng Anh. Chúng tôi đôi khi nhìn mình trong gương với dáng vẻ Châu Á nhưng lại cảm thấy đâu đó hình ảnh của một người Mỹ. Chúng tôi chắc sẽ sống thoải mái hơn nếu như những người khác không cố tình lý giải hay đánh giá về bản sắc của chúng tôi. Những người có làn da trắng và mái tóc vàng luôn xem chúng tôi như người ngoài mặc dù chúng tôi đã sống và lớn lên trong cùng một môi trường với họ. Cha mẹ chúng tôi thì lại hỏi tại sao chúng tôi có hành động theo “phong cách Mỹ”, mặc dù đây là những gì mà mọi người xung quanh tôi thường làm. Thiết nghĩ nên có một chỗ nào đó cho chúng tôi trong cả hai nền văn hóa, nhưng tại sao chúng tôi không thuộc về bất cứ nơi nào.Tôi yêu cả hai món ăn Việt Nam và Mỹ.Tôi sử dụng cả hai nghi thức Mỹ và Việt Nam. Tôi có bạn người Việt và bạn người Mỹ. Đối với tôi, người nào cũng là người thôi, bất kể màu da của họ là gì hay là họ đến từ đâu. Tuy nhiên, một số người cho rằng tôi là “quá Mỹ” hay “quá châu Á.” Hầu hết những người lạ không xem tôi là một người cũng giống như họ. Ở Mỹ, tôi là một nhóm thiểu số. Ở Việt Nam, một khi tính cách Mỹ của tôi được thể hiện, tôi cũng là một thiểu số. Cho nên tôi tự hỏi, nơi nào là thật sự hoàn toàn dành cho những người như chúng tôi?

Ba và Bảo Trâm
Đối với những người dễ dàng đánh giá người khác bằng bề ngoài, phong tục tập quán, hay xuất thân của họ hãy nhớ rằng tất cả mọi người cũng giống như bạn mà thôi. Họ tồn tại trong thế giới này cũng giống như bạn và xứng đáng được tôn trọng giống như bạn. Tôi biết có những điều khó giải thích như là cha mẹ Việt Nam thường nói, “Tại sao con tôi mất đi văn hóa Việt?” Người Mỹ có thể suy nghĩ rằng, “Làm thế nào có thể chấp nhận những người có hình thức và hành động không giống mình?” Nhưng nếu bạn chấp nhận họ như những gì họ có, bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn và thanh thản với chính mình. Và họ cũng sẽ có thể sống một cách bình yên.
Xin có lời nhắn cho những bạn đang có cùng tâm trạng như tôi, sống ở giữa hai nền văn hóa, nguồn gốc, và bản sắc. Không có gì sai với việc lựa chọn một bên hoặc chấp nhận cả hai bên. Bạn có thể vừa là người Mỹ vừa là người Việt. Rất tiếc là người ta sẽ luôn suy nghĩ và nói những gì mình muốn, nhưng đừng để họ ảnh hưởng đến bạn. Cho dù bạn là người Việt Nam, Mỹ, hay người Mỹ gốc Việt, bạn là chính mình, cũng như họ là họ. Chúng ta không chọn nguồn gốc để sinh ra nhưng chúng ta có thể sống với những gì chúng ta đã có, cho dù thích hay không. Bạn thậm chí có thể cho rằng mình may mắn vì được chia sẻ hai nền văn hóa, kiến thức, và kinh nghiệm Việt – Mỹ. Cuối cùng, bạn không khác gì những người xuất thân từ một nguồn gốc. Hãy nhận những gì mình có như là một món quà, không phải là một điều bất hạnh. Thật khó để chọn mình nên là ai. Đơn giản, hãy là chính mình, hãy là người Mỹ gốc Việt. Cảm ơn!

Bạn bè và Bảo Trâm (thứ nhất từ phải)