Menu Close

Nghề lính

Nói đến lính tráng là người ta nghĩ đến chiến tranh. Đặc biệt đối với phụ huynh càng “nặng đầu” hơn nữa với con cái tự dưng đăng lính trong khi đối với quân đội Hoa Kỳ đi lính là tự nguyện không ai ép buộc. Tuy rằng luật pháp bắt buộc thanh niên trong độ từ 18 đến 26 phải ghi danh quân dịch, trừ những trường hợp cần tổng động viên. Một sĩ quan Hoa Kỳ giải ngũ nói thế này: “Tôi đồng thời khuyến khích và không khuyến khích thế hệ trẻ gia nhập quân đội. Bạn phải làm điều đó vì những lý do đúng đắn cho cuộc đời. Cũng như người chiến sĩ trong bộ đồng phục không thể nói về đường lối chính trị hay cuộc chiến tranh là đúng hay sai. Họ phải phục vụ lý tưởng quốc gia”.

alt

Lính có thể xem là một nghề như bao ngành nghề khác

Thích thì cứ đăng lính

Có lẽ những tình nguyện viên đáng được tôn vinh nhất là những người ghi danh nhập ngũ vào quân đội, sẵn lòng dành nhiều năm trong cuộc đời mình để bảo vệ tổ quốc và đồng bào. Yêu cầu công việc rất lớn, mức lương lại không cao nhưng tình nguyện viên quân đội vẫn rất mạnh. Từ khi chế độ quân dịch chấm dứt vào năm 1973, Hoa Kỳ đã dựa vào lực lượng tình nguyện viên để bổ sung vào lực lượng quân đội của mình, số người tham gia đến hiện tại là trên 1.4 triệu người.

alt

Steve Le, anh lính gốc Việt trong quân trường

Hàng ngàn người nhập cư không phải công dân Mỹ đang đứng trong hàng ngũ của quân đội, và con số này hiện đang tăng lên so với thập niên trước đây. Cả công dân và người nước ngoài thường trú ở Hoa Kỳ đều có thể gia nhập quân đội. Trong thời bình, những người chưa phải là công dân phục vụ trong quân đội ba năm có thể trở thành công dân Mỹ, còn với những đương đơn khác thì thời gian yêu cầu là năm năm. Tuy nhiên trong thời chiến thì Tổng Thống Hoa Kỳ có thể cho phép những người chưa phải công dân vào lính, ngay lập tức nhận được quốc tịch Mỹ.

Ông Trần Thái ở Graden Grove, California có lời khuyên đứa cháu ngoại được ông bảo lãnh đoàn tụ gia đình. “Đi lính xứ này không cực khổ, nhất là nữ được nhiều ưu tiên, lại có thể vào quốc tịch sớm hơn. Bây giờ muốn đi học college cũng phải chờ đủ thời gian một năm định cư mới xin được trợ giúp tiền học phí. Đi lính chừng ba năm thôi, giải ngũ, quân đội cho học bổng, tha hồ muốn học gì cũng được”. Ngặt nỗi, đứa cháu mới sang sáu tháng. Tuy có bằng trung học nhưng trình độ Anh ngữ còn kém, nên dù nghe lời ông ngoại, cô bé vẫn không qua được bài kiểm tra sát hạch kiến thức tổng quát.

alt

Có rõ những gì tôi nói chưa?

Ngược lại, Huy Ngô ở Fort Worth, cùng gia đình sang Mỹ diện bảo lãnh anh chị em. Mới sang Mỹ còn lạ lẫm, lại quen sinh hoạt tà tà theo kiểu công tử bột, làm việc nặng nhọc không xong, gia đình nói đùa bảo “đi lính để rèn luyện tính kỷ luật, khỏe khoắn làm con người năng động hơn” nhưng Huy Ngô nhất mực không chịu. Nhưng sau ba tháng bỗng Huy quyết định điều mình muốn làm. Đăng lính. Điều này khiến cả nhà chưng hửng.

Ba Huy kể, khi đến Trung tâm tuyển mộ nộp đơn phỏng vấn, ông sĩ quan cũng tỏ vẻ nghi ngờ, không hiểu sao một thanh niên mới sang Mỹ ba tháng lại muốn đi lính. Viên sĩ quan tư vấn trò chuyện với mục đích kiểm tra Anh ngữ, tự dưng ông hỏi, “Có dao trong ba lô không?”, Huy như người trên trời rớt xuống không hiểu câu hỏi có ý gì hay mình nghe nhầm. Người Bác đi theo phiên dịch xong mới biết là viên sĩ quan thử phản ứng. Sau đó viên sĩ quan kể câu chuyện rằng: “Tôi có người bạn thân cho đứa con gái đi lính. Nó mới 17 tuổi thôi. Nhưng trong chiếc ba lô đeo sau lưng lại có “hàng trắng”. Ông bạn tôi thúc ép con gái đi lính vì còn đang học trung học mà nó “quậy” quá chừng. Ngừng một lúc, viên sĩ quan nói thêm: “Nhiều khi thanh niên đăng lính vì bất mãn chuyện gì đó hay bị gia đình thúc ép. Vào lính là tự nguyện khi đã suy nghĩ chín chắn. Chi phí huấn luyện đào tạo một người lính rất tốn kém, nào là tiếng Anh, nghề nghiệp, lương bổng, cho nên chúng tôi cần những người thật sự muốn trở thành người lính, cho dù là lính dự bị”. Nghe xong ông Bác gật gù, vén tay áo bên phải lên và nói: “Hồi trước tôi đi lính vì mấy chữ xăm này: “Hận đời đen bạc”. Ông sĩ quan cũng không thua gì, vén tay áo bên trái cho xem lại: “United State Army” với cái hình đầu lâu xanh lè.

alt

Bài tập chiến đấu tay không trong quân đội

Thanh niên gốc Việt gia nhập quân đội Mỹ mỗi ngày một đông

Theo số liệu thống kê của Bộ Quốc phòng, hiện nay lính và sĩ quan gốc Việt có hơn 3,000 người. Và con số này ngày càng tăng trong mấy tháng gần đây, nhất là sau khi trong quân đội Hoa Kỳ có thêm một Chuẩn tướng gốc Việt Lương Xuân Việt. Đó là niềm tự hào của người Việt hải ngoại. Tuy nhiên, khi đăng lính, chúng ta cần phải tìm hiểu những điều cần biết về quyền lợi của một người lính. Vì có khá nhiều thanh niên có bằng đại học nhưng lại trở thành binh nhì sau sáu tháng quân trường. Đại tá Nguyễn Minh Duy hiện làm trong ngành quân y của Hải quân Hoa Kỳ chia sẻ điều này cùng những người có ý định đăng lính.

Trong tuần vừa qua, chiếc tàu tôi đang đi có 3 anh “lính mới” người Mỹ gốc Việt được bổ nhiệm về. Và chỉ qua vài phút xã giao, mấy người lính binh nhì này cho tôi biết là cả 3 đã có bằng cử nhân về điện tử. Mấy anh nói là cùng khoá quân huấn còn 3 người Việt khác cũng đã tốt nghiệp đại học. Hầu hết mấy người này hiện đang định cư tại các thành phố tương đối nhỏ của nhiều tiểu bang khác nhau. Điểm đáng ngạc nhiên ở đây là tại sao họ làm lính mà không phải sĩ quan. Hỏi ra thì mấy anh cũng đã phải trả lời những thắc mắc này trong mấy tháng vừa qua trong quân trường. Mấy anh thật tình không hề biết là có nhiều chương trình lính và sĩ quan khác nhau. Hơn nữa, mấy anh cũng không biết là họ có đủ tiêu chuẩn xin vào cấp sĩ quan. Éo le hơn nữa là mỗi người lại đang mang một số nợ tiền học đáng kể mà với số lương binh nhì, mấy anh đang lo không đủ khả năng trả nợ hàng tháng được. Căn cứ vào mấy trường hợp trên, người Việt hải ngoại cần chú ý đến một số vấn đề trước khi nhập ngũ để có sự quyết định chín chắn và khỏi bị thiệt thòi. Quyết định vào quân đội càng nên có một thời gian nghiên cứu cặn kẽ hơn vì nó có nhiều khả năng làm thay đổi cả đời người.

alt

Chuẩn tướng Lương Xuân Việt, người Việt mang cấp bậc Tướng đầu tiên trong quân đội Mỹ

Trước tiên, quân đội Hoa Kỳ đang cần nhân lực và sẵn sàng tìm đủ mọi cách để chiêu dụ những đối tượng nàỵ. Như một “salesman” bán xe, những người có trách nhiệm “rao bán” có chỉ tiêu phải đạt được mỗi tháng. Có nghĩa là mỗi tháng họ phải thuyết phục được một số người vào quân ngũ. Họ có thể hứa hẹn rất nhiều, và nếu mình không hỏi thì họ sẽ không tiết lộ những điều mà có thể làm mình chuyển ý. Tuy cách làm việc thiếu thành thật này không phản ảnh chính sách của cấp trên của họ nhưng áp lực cho ra con số hằng tháng quá mạnh nên hiện tượng này đang xảy ra tại các văn phòng tuyển mộ khắp nơi.

Trong trường hợp mấy anh bạn kể trên, vì không biết nên rất có lẽ họ đã đến lộn văn phòng tuyển mộ lính, thay vì sĩ quan. Họ đã không hỏi những điều cần hỏi và đã bị thiệt thòi rất nhiều. Giả sử họ là Thiếu úy thay vì lính Binh nhì, lương của họ ngay từ ngày đầu phải gấp đôi số lương bây giờ. Sau bốn năm năm, với cấp bực Đại úy, số lương của họ sẽ chênh lệch nhiều hơn nữa, khoảng 2,000 đô mỗi tháng. Đó là chưa kể những quyền lợi mà thông thường vẫn có sự khác biệt giữa hai nhóm.

alt

Đại tá Nguyễn Minh Duy làm việc tại ngành Quân y Hải quân Hoa Kỳ

TN