Menu Close

Vấn đề kỳ thị nơi làm việc

Ủy Ban Cơ Hội Việc Làm Bình Đẳng Hoa Kỳ (Equal Employment Opportunity Commission-EEOC) được thành lập năm 1964 với mục đích thực thi pháp luật trong vấn đề chống lại việc kỳ thị người xin việc và nhân công vì giới tính, tuổi tác, màu da… Không ít những nhân công gốc Việt, đặc biệt những người lớn tuổi, vì tâm lý e dè hoặc vì giới hạn về ngôn ngữ, cùng sự thiếu thông tin về điều luật và quyền lợi của mình, đã khiến cho một số người phải chịu đựng những sự sách nhiễu, kỳ thị nơi làm việc mà ngần ngại không lên tiếng hay khiếu nại. Chuyên mục tuần này xin mời các bạn cùng theo dõi cuộc phỏng vấn cùng Thanh Tra Liên Bang Triết Bùi về các vấn đề kỳ thị nơi chỗ làm, cũng như sơ lược về các tiến trình khiếu nại lên EEOC như thế nào, một khi gặp phải các sách nhiễu, bất công nơi hãng làm.

alt

Thanh Tra Triết Bùi và phóng viên Trẻ – Photo: Trang Nguyễn

Huy Nguyễn
thực hiện

PV Trẻ: Anh có thể giới thiệu sơ lược về mình, về cơ quan EEOC và công việc anh đang làm cho độc giả biết được không?

Triết Bùi: – Tôi là Triết Bùi, Thanh Tra Liên Bang của Equal Employment Opportunity Commission (EEOC) tại Atlanta. Trước đây tôi sống ở California và làm việc trong Sở Thuế Vụ rồi chuyển qua làm cho EEOC. Tôi thấy công việc này cao quý và chính nghĩa hơn vì tôi thấy có thể giúp được nhiều người bị thiệt hại từ sự đối xử không công bằng về chủng tộc hoặc sắc tộc của công ty họ làm.
EEOC xuất phát từ những Luật Nhân Quyền và phong trào tranh đấu bình đẳng  nhân quyền của Mục Sư Martin Luther King, Jr.  Quốc Hội Hoa Kỳ đã lập ra cơ quan EEOC từ sau cuộc tranh đấu của Mục Sư Luther King và từ đó chịu trách nhiệm bảo vệ người xin việc và nhân công trong vấn đề kỳ thị.

PV Trẻ: Anh có thể cho độc giả biết thế nào không công bằng trong việc làm và đưa ra vài ví dụ cụ thể không?

Triết Bùi: Kỳ thị là trái luật pháp. Kỳ thị là khi bạn bị đối xử khác với những người khác bởi vì chủng tộc của bạn, màu da, ngôn ngữ, giọng nói, giới tính, sức khoẻ (bao gồm khi mang thai), tôn giáo, tuổi tác (trên 40 tuổi), khuyết tật, hay thông tin di truyền (genetic information).

Tôi cho vài ví dụ về trường hợp không công bằng trong việc làm thường xảy ra như sau:

– Công ty của bạn cần tuyển người supervisor, bạn và nhiều người nộp đơn, nhưng công ty chỉ gọi những người Mỹ trắng hoặc đen hoặc Mễ tây cơ đi phỏng vấn. Mặc dù bạn làm lâu năm hơn, nhiều kinh nghiệm hơn, nhưng công ty không gọi bạn đi phỏng vấn vì bạn là Châu Á hoặc bạn là người Việt Nam.

– Bạn xin được nghỉ để nghỉ dưỡng sức sau khi mổ; chủ nhân từ chối không cho phép bạn nghỉ vì tình trạng sức khoẻ này mà lại đuổi bạn.

– Bạn nộp đơn khiếu nại với EEOC và vài tuần sau thì bị đuổi.

– Bạn bị các đồng nghiệp luôn gọi bằng từ ngữ sỉ nhục chủng tộc, niêm yết những hình ảnh, và có những lời lẽ sỉ nhục khác. Cấp trên biết điều đó nhưng không làm gì để ngăn chặn cả.

– Chủ có chính sách là “Chỉ được nói tiếng Anh ” trong hãng nhưng chỉ áp dụng chính sách này với các nhân viên nói tiếng Việt mà thôi. Những nhân viên bị bắt gặp nói tiếng Việt là bị phạt. Tuy nhiên, nhân viên khác lại được nói những ngôn ngữ khác, không phải tiếng Anh.

– Chủ biết được gia đình bạn có tiểu sử về bệnh tiểu đường rồi họ từ chối gia hạn chương trình bảo hiểm sức khỏe của bạn.

– Một người Sếp nam cố tình tạo cơ hội để có mặt một mình với nữ nhân viên. Anh ta khởi sự bằng cách sờ người chị, thường tìm cách hôn chị, cố tình đụng vào những chỗ kín của chị và đòi chị đi chơi riêng với anh ta. Chị từ chối tất cả những mời mọc của anh ta và cảm thấy bị người này hăm dọa.

– Một phụ nữ mang thai và bị hãng cho nghỉ việc.

Tôi đọc vài mẫu quảng cáo Việt Nam, cũng thấy có vi phạm luật kỳ thị. Ví dụ như thông báo “cần nữ nhân viên…”, đó là kỳ thị, có thể bị kiện vì không được phân biệt giới tính, tuổi tác… khi thuê mướn.

PV Trẻ: Như vậy có nhiều hành động có thể bị xem là kỳ thị phải không? Một khi gặp phải vấn đề kỳ thị, thì theo anh, người nhân công cần phải làm gì trong trường hợp này?

Triết Bùi: Khi quý vị bị đối xử không công bằng tại sở làm, việc đầu tiên quý vị nên làm là viết thư cho cấp trên hay chủ của mình, nêu lên rõ vấn đề và lý do mà quý vị thấy bị đối xử không được công bằng và cũng thêm rằng quý vị sẽ thưa lên EEOC nếu không được giải quyết. Tốt nhất quý vị nên viết thư cho công ty hoặc cấp trên, đừng chỉ nói bằng miệng vì điều đó không chứng thực. Ví dụ có thể viết như “Tôi thấy ông đối xử không công bằng với tôi vì tôi là người Châu Á” (hoặc “vì tôi lớn tuổi, vì màu da của tôi, vì tôi mang thai, vì tôi khuyết tật, vì huyết thống của tôi, vì giới tính của tôi, vì gốc của tôi”). Quý vị phải nêu rõ lý do bị kỳ thị như EEOC đưa ra và sẽ bảo vệ. Quý vị có thể khiếu nại cả người làm chung với mình (co-worker) nếu như người đó có thái độ kỳ thị hoặc đối xử không công bằng với quý vị, chế giễu món ăn, giọng nói… của bạn. Sau khi nhận được thư của quý vị, theo luật thì phòng Nhân Sự (Human Resource) phải điều tra. Các hãng thường biết rõ luật nên họ sẽ giải quyết. EEOC sẽ giải quyết sau khi quý vị đã khiếu nại với cấp trên hoặc công ty mà họ không phản ứng hoặc giúp đỡ gì. EEOC chỉ có thể điều tra và can thiệp nếu như công ty của quý vị có 15 nhân viên trở lên. 

PV Trẻ: Có những bước gì cần phải làm khi người bị kỳ thị quyết định báo cáo với EEOC về việc này?

Triết Bùi: Liên lạc với EEOC qua hình thức e-mail hoặc vào trang website của EEOC, hoặc đến văn phòng địa phương của EEOC. Khi người bị thiệt thòi tới báo cáo thì sẽ được phỏng vấn để EEOC biết thêm về trường hợp bị kỳ thị ra sao, rồi sau đó sẽ có 3 giải pháp sau:

1. Hòa giải (Mediation): liên lạc hai bên công ty và nạn nhân để tìm cách giải hòa những thiệt thòi, thường trong khoảng thời gian 3-4 tháng từ ngày thưa lên EEOC.

2. Bác đơn (Dismissal): Nếu không đúng trường hợp kỳ thị thì EEOC không thể can thiệp được, nhưng EEOC sẽ cho quý vị giấy tờ chứng từ để có thể đi kiện công ty trong vòng 90 ngày.

3. Điều tra (Investigation): Nếu có dấu hiệu vi phạm, EEOC sẽ điều tra về kỳ thị, có thể kéo dài 3 tháng tới một hai năm tùy trường hợp.  

PV Trẻ: Trong thời gian khiếu nại với EEOC mà người nhân công bị trả thù thì sao?

Triết Bùi: À! cái đó rất là tốt. Ví dụ anh nộp đơn khiếu nại hãng và bị trả thù liền, thấy có sự đối xử khác biệt giữa trước và sau khi khiếu nại với EEOC thì cần gọi ngay cho người thanh tra đang nắm hồ sơ của mình để sửa lại hồ sơ, cộng thêm vụ trả thù này vào hồ sơ. Tôi rất thích các vụ trả thù này vì mình xuống công ty là có chứng cớ trực tiếp để chỉ ra là họ đã có kỳ thị.

PV Trẻ: Nếu sau khi điều tra, công ty bị xem là đã có kỳ thị thì quá trình tiếp theo là gì?

Triết Bùi: EEOC sẽ thông báo cho công ty là họ đã vi phạm luật và mời họ cùng luật sư tới để thương lượng vấn đề bồi thường cho người nhân công. Thường thì công ty có luật sư đại diện và hai bên sẽ thương lượng bồi thường giờ công, bao nhiêu tiền ra sao. Thường thì thỏa thuận ở khoảng giữa cho đôi bên. Nếu bên công ty đòi bồi thường quá ít hay người nhân công đòi hỏi quá cao, hai bên không thỏa thuận được thì sẽ có hai chọn lựa sau:   

1. Nếu EEOC thấy trường hợp vi phạm nặng thì EEOC sẽ đứng ra kiện cho bạn.

2. Nếu công ty có kỳ thị nhưng không nặng thì EEOC đưa hồ sơ xác nhận công ty đã vi phạm cho người nhân công tự mình đi thưa kiện.

PV Trẻ: Thông thường thì khi nói tới kỳ thị, người ta thường nghĩ đến vấn đề giữa người Mỹ da trắng và da đen, ít khi nào nghĩ đến người Châu Á. Anh có thể cho biết tỉ lệ người Châu Á nói chung hay người Việt nói riêng bị kỳ thị trong công việc như thế nào?
Triết Bùi: Một năm tôi làm từ 60-70 vụ điều tra, nhưng chỉ có hai ba vụ là người Việt Nam. Nhưng hầu như những vụ đó đều là những vụ đã xảy ra quá lâu, hoặc không khiếu nại đúng cách hoặc không biết đến EEOC nên khi hồ sơ đến EEOC thì đã quá trễ. Nếu anh bị cho nghỉ việc, bị sách nhiễu tình dục, bị trả thù… thì  mình có 180 ngày, tức sáu tháng để nộp hồ sơ khiếu nại.

PV Trẻ: Tâm lý của người Việt rất ngại báo cáo những vấn đề cá nhân trong công sở vì sợ liên lụy đến người thân hoặc người xung quanh.  Nếu như họ quyết định báo cáo thì thông tin về họ có được bảo mật hay không và như thế nào?

Triết Bùi: Tôi muốn chú trọng đến vấn đề của người Việt mình nhiều hơn vì nhiều người không biết cái quyền của mình, không biết đến EEOC, không biết khi nào mình bị kỳ thị. Ví dụ một anh A làm kỹ sư đã lâu năm, khi thấy hãng mở ra vị trí làm supervisor như nói bên trên, nhưng nộp đơn hoài mà nó không cho, chỉ nhận những người Mỹ thì anh chỉ nghĩ mình không đủ khả năng chứ không nghĩ cũng có thể đã bị kỳ thị, hãng không muốn đưa người gốc Á hay Việt Nam lên làm Sếp. Hơn nữa tôi thấy người Việt mình thường an phận thủ thường, không dám khiếu nại, thưa kiện. Nhiều người thì sợ khi khiếu nại rồi sẽ bị Sếp hay công ty trả thù, sợ mất việc và ảnh hưởng xấu đến mặt tài chánh của gia đình. Nhưng theo luật của EEOC, khi anh đã đưa đơn để khiếu nại công ty thì công ty không được trả thù, đuổi việc hoặc có những hành động không công bằng đối với anh sau khi nhận được đơn khiếu nại như nói trên.

Nói về vấn đề bảo mật thì khi anh đã đưa đơn khiếu nại công ty, trong đơn phải ghi rõ họ tên của bạn cũng như lý do anh khiếu nại. Nhưng việc khiếu nại sẽ được bảo mật hoàn toàn, chỉ có anh và công ty biết mà thôi. Vấn đề khiếu nại sẽ không được bảo mật nữa khi nào anh và công ty cần ra toà để giải quyết việc khiếu nại.

PV Trẻ: Khi đồng hương cần sự giúp đỡ, thì họ có thể liên lạc với anh bằng cách nào?

Triết Bùi: Tôi có thể giúp những quý vị nào ở các tiểu bang Georgia, South Carolina và North Carolina. Quý vị có thể liên lạc với tôi qua email (triet.bui@eeoc.gov) hoặc viết thư về văn phòng. Tôi có thể gửi cho quý vị thêm thông tin tham khảo và những điều quý vị cần biết và nên làm khi bị đối xử không công bằng trong công việc quý vị đang làm. Các quý vị ở tiểu bang khác thì tìm đến các văn phòng của tiểu bang mình hay lân cận nếu tiểu bang mình nhỏ, không có văn phòng EEOC, hoặc cũng có thể email cho tôi để được giải thích và hướng dẫn, nhưng tôi sẽ không điều tra được vì không thuộc những tiểu bang mình làm việc. Những người không rành tiếng Anh thì các văn phòng sẽ tìm người thông dịch. Theo tôi biết thì trong cả nước Mỹ, chỉ có duy nhất hai người Việt Nam làm thanh tra cho EEOC. Tôi biết có nhiều người Việt bị áp bức, bị đối xử không công bằng trong công việc làm nhưng không dám đưa đơn để khiếu nại nên tôi sẵn sàng và sẽ cố gắng hết sức giúp quý vị đồng hương trong việc thưa lên EEOC để khiếu nại bằng mọi cách có thể. 

PV Trẻ: Trước khi kết thúc, anh có thêm điều gì cần chia sẻ cho độc giả của Trẻ không thưa anh?

Triết Bùi: Kỳ thị là chuyện xảy ra mỗi ngày với nhiều hình thức, nhiều khi mình không nhận ra được. Nên tôi khuyến khích quý vị nên theo dõi tin tức, báo chí thường xuyên để nắm biết rõ hơn về quyền lợi của cá nhân và người thân của mình nếu thấy gặp phải những trường hợp đã nêu.

Tôi cảm ơn Trẻ đã cho tôi có cơ hội chia sẻ những thông tin này đến quý vị đồng hương gần xa. Tôi hy vọng trong tương lai tôi có thể cộng tác với Trẻ trong các bài viết về vấn đề này và giúp đỡ đồng hương Việt Nam mình nhiều hơn. Xin cảm ơn.

alt

PV Trẻ và Thanh Tra Triết Bùi tại văn phòng EEOC Atlanta – Photo: Trang Nguyễn

HN