Menu Close

La Cumparsita Khúc Tango tình nồng

alt

Bốn chân, hai mái đầu và cùng một nhịp tim hối hả. Họ đối diện nhau. Tay phải nàng đặt trong tay trái chàng.  Cánh tay phải nàng tựa trên vai chàng. Tay phải chàng đặt nhẹ vào eo nàng. Nhẹ hờ mà đầy dẫn dắt. Hai đôi vai đứng thẳng và đôi chân thì bất động nhưng sẵn sàng chờ tiếng nhạc cất lên để đặt từng bước nhảy làm rụng vỡ một âm giai quyến rũ hơn hết trong tất cả các âm giai. Tango.

Vâng đó là hình ảnh đáng yêu và tuyệt đẹp nhất của tình yêu. Nếu tình yêu không cần thiết ngôn ngữ thì điệu vũ Tango sẽ nói lên hết điều mà tình yêu trai gái cần nói, bằng dáng điệu, bằng biểu cảm thể hiện trên khuôn mặt, ngón tay, cánh tay, vòng eo, bước chân và tất cả những gì hai thân thể ấy muốn lột tả. Chỉ qua một điệu vũ Tango. Nàng chỉ cần chờ chàng dẫn dắt, khi chàng kéo nàng đến gần, khi chàng đẩy nàng ra xa, khi chàng ngã nàng gần song song với sàn nhảy bóng láng. Ngực nàng thở phập phồng háo hức, hơi thở nóng bên cổ chàng ướt đẫm mồ hôi đam mê. Đôi chân trần nàng vuột qua chiếc váy đỏ xẻ cao, quấn lấy chân chàng. Cả hai xoải người dài ra tưởng chừng sàn nhảy chao nghiêng. Xoay tròn, qua trái, qua phải, rồi dập dìu như tan rồi lại hợp. Cứ ngất ngây như ly rượu vang màu hổ phách sóng sánh trong ánh đèn màu. Cứ đong đưa như sóng vỗ mạn thuyền. Cứ hối hả đắm đuối dồn dập theo nhịp điệu quấn quýt không rời. Đó chính là tình yêu mê hoan và say đắm của giai điệu Tango.

Và nói đến Tango là nói đến ca khúc La Cumparsita bất tử. Như một huyền thoại của một vũ điệu Tango khởi đi từ vùng đất Nam Mỹ, yêu chuộng bóng đá và những vũ điệu sôi nổi. Năm 1917, trong quán cà phê La Giralda ở thành phố Montevideo. Chàng trai sinh viên kiến trúc trẻ 18 tuổi, người Uruguay tên là Gerardo Matos Rodriguez viết hai phần nhạc đầu tiên cho giai điệu. Giai điệu khởi đầu như một khúc diễn hành lễ hội. Tựa La Cumparsita có nguồn gốc từ phương ngữ Lunfardo của tầng lớp lao động vùng Buenos Aires (Argentina) gọi là Cumparsa (một nhóm người dự lễ hội với chiếc mặt nạ.) La Cumparsita nghĩa là The little parade. Bài nhạc được trao cho Roberto Firbo, trưởng ban nhạc ở quán bar để nhờ chỉnh sửa. Firbo yêu thích và viết thêm đoạn cuối mang tiết điệu Tango. Khúc Tango La Cumparsita ra đời chỉ với giai điệu không lời, phải chờ cho đến khi Enrique Maroni và Pascual Contursi đặt lời thì ca khúc mới trở nên phổ biến và bất tử. Tựa của ca khúc lúc ấy là Si Supieras (Nếu em biết.)

Nếu em biết tận đáy lòng anh trân quý tình yêu
Rằng anh không bao giờ quên em
Nhìn lại những ngày qua, em hẳn nhớ anh
Bạn bè không còn ai
Không ai ghé thăm và làm vui nỗi sầu này
Kể từ ngày em xa, ngực anh đau nhói
Ôi! Em đã làm gì cho trái tim khốn khổ này
Dẫu vậy, anh luôn nhớ em
bằng những trìu mến thánh thiện
Em là một phần của đời anh
Còn đâu đôi mắt mang niềm vui ấy
Tìm nơi nao. Tìm đâu thấy.
Trở về căn phòng nhỏ trống vắng
Không có cả tia nắng sáng đi qua khung cửa sổ
Như đã từng soi sáng khi có em.
Ngay cả con chó trung thành
Cũng bỏ ăn khi thấy anh đơn độc
Và rồi cũng bỏ anh mà đi ngày hôm sau…

Đó là lời ca sầu muộn của ca khúc La Cumparsita, mà ca sĩ Julio Iglesias đã làm đắm đuối biết bao nhịp chân háo hức trên sàn nhảy. Có lẽ giai điệu quá hay mà người nghe nhất là các đôi chân đang rạo rực trên sàn nhảy không màng đến nội dung ca từ. Khi giai điệu cất lên, người nghe chỉ biết mình đang trôi vào một giòng âm thanh cuốn hút mê man. Âm nhạc như quấn quýt lấy đôi chân dài, đôi tay ngoan như muốn thăng hoa vào nhịp thở ái tình ngất ngây.

Nếu Pasodoble là điệu nhảy mang đầy kịch tính, như một trận đấu bò mang âm hưởng Tây Ban Nha lịch lãm; nếu Valse là điệu nhảy quý phái dịu dàng như Vienna của Châu Âu; nếu Bebop là điệu nhảy trẻ trung nguồn gốc từ Swing của Mỹ; thì Tango vẫn là điệu nhảy pha trộn nét quý phái và dân dã. Từ trang phục không quá cầu kỳ nghiêm túc, lại không quá trẻ trung trần tục. Một mái tóc bới gọn cao, một tấm váy áo đầm dài xẻ bên hông và đôi  giày cao gót của nàng. Chàng thì áo chẽn bỏ vào quần bó, ngực áo không cài gợi cảm và đôi giày đen bóng láng. Chỉ có thế và điệu khiêu vũ của đôi tình nhân vút lượn trên sàn như giai điệu nồng nàn sôi nổi của ái tình. Tango có tên gọi từ tiếng Ý là Tangere, nghĩa là đụng chạm kề cận. Bởi Tango là điệu vũ khép kín cho đôi trai gái, luôn tay trong tay, dù có lúc buông ra xô dạt như sóng tình thì đa phần được chàng kéo nàng về lại trong vòng tay. Quyến rũ mê hồn của Tango còn trải bày bằng đôi chân, không chỉ gõ nhịp trải bước trên sàn mà còn quấn quýt vào chân nhau, có khi nâng bổng trên cao phô trương đôi chân trần săn chắc khêu gợi. Có khi ép sát vào chàng như tìm nơi nương tựa đầy hiến dâng trọn vẹn. Từ thắt lưng xuống đến gót chân nàng là cả một ngôn ngữ của yêu thương, của dục cảm, thể hiện qua các chuyển động nhanh và dồn dập đến ngộp thở. Bởi nét đặc trưng của tiết tấu 2/4 và 4/4 với những nhịp nhanh và chậm đan xen vào nhau. Chỉ riêng nhịp điệu cũng nói lên tâm trạng, một nghệ thuật sống đầy lãng mạn. Khiêu vũ điệu tango là chứng tỏ một phong cách, một dáng dấp của đôi uyên ương đang say sưa tỏ bày. Cặp đôi Tango là sự tập luyện nhuần nhuyễn và ăn ý. Các động tác dứt khoát mà chuẩn xác. Vì qua đó cảm giác cận kề và nồng nàn của tình yêu được thể hiện bằng ngôn ngữ của khiêu vũ. Một sự kết hợp hài hòa và đầy tính nghệ thuật của âm nhạc thăng hoa và thân thể trần tục.  

Người Mỹ có câu thành ngữ Takes two to tango. Dựa vào ca khúc cùng tên của Al Hoffman và Dick Manning. Trong ca khúc đó có đoạn:

Em có thể một mình giong buồm ra đi,
đánh một giấc ngủ trưa hay nói lời đay nghiến.
Em có thể tự mình chuốc lấy nợ nần.
Có nhiều điều em có thể làm một mình.
Nhưng phải có hai người mới khiêu vũ điệu tango.
Em có thể một mình ngân nga cho tới mặt
trăng, một mình cười ngạo như kẻ đểu cáng,
tiêu pha thật nhiều rồi vơ vét hết.
Có nhiều điều em có thể làm một mình.
Nhưng phải cần có anh để khiêu vũ điệu tango…

It takes two to tango. Có phúc cùng hưởng, có họa cùng mang. Có lửa mới có khói. Từ hàm ý đó, Tango trở thành một khái niệm cho lứa đôi, cho âm dương, cho tan và hợp, cho nguyên nhân và hậu quả. Bởi sự đồng thuận hay đối nghịch chính là hai mặt của cuộc sống. Trong đó có chàng và nàng.

Năm 2009, Tango được UNESCO công nhận là một di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Tango được ca ngợi bằng sự ảnh hưởng lớn lao đến các nền văn hóa, các tầng lớp giai cấp. Tango không chỉ đi vào âm nhạc, vào nghệ thuật khiêu vũ, mà còn làm rung động thi ca, ngôn ngữ điện ảnh và hơn hết là nét lãng mạn sôi động trong tình yêu trai gái.

Có lẽ trong cảm nhận đầy sắc màu khiêu vũ ấy mà nhạc sỹ Phạm Duy đã chuyển dịch cho ca khúc La Cumparsita tựa là Vũ Nữ Thân Gầy.

Người vũ nữ, người xưa mến thương ơi
Nhớ tới hương đêm kinh đô chưa qua đời
Nhớ tới đôi môi nụ cười, nhớ tới xa xôi, nay đã xa rồi
Chưa nói yêu nhau mà lòng đã đau
Chưa nói mê say mà tình đã bay
Chưa biết môi em mà hồn đã quên
Đã qua một đêm..

Đêm đã qua khi người vũ nữ còn quay cuồng trong điệu vũ Tango. Buồn thương cho kẻ tình si hay người vũ nữ thân gầy bất hạnh nọ. Khách giang hồ cứ say và kiếp đời nghệ sĩ nặng nghiệp dĩ cứ réo rắt khôn nguôi như điệu nhạc mê hoan.

Gần 100 năm kể từ ngày ca khúc ra đời. Giai điệu của vũ khúc Tango vẫn trẻ trung và nồng nàn như tình yêu và cuộc đời này. Phải cần hai người cho điệu Tango. Như ngày cần đêm, như nắng cần mưa, như anh cần em. Cũng như giai điệu La Cumparsita, cần thiết cho đời sống những thiết tha cháy bỏng tình người. Giai điệu Tango tiêu biểu của tình yêu đam mê muôn thuở. 

SB