Menu Close

Nguồn gốc của khoan dung

Lâu nay, khi nói đến sự khoan dung, nhiều người thích nhắc đến chuyện Chúa Jesus đã cứu một phụ nữ khỏi bị đám đông ném đá. Người này đã phạm một tội (làm điếm hay ngoại tình gì đó) mà (theo luật) phải bị ném đá. Chúa Jesus nói (với đám đông): “Ai chưa hề phạm tội lỗi gì trong đời thì ném trước!” Nghe vậy, đám đông từ từ tản ra, bỏ về hết. Thực ra, không kết án người khác vì nghĩ mình cũng (từng) phạm tội lỗi thì đó là vì liêm sĩ, chứ không phải khoan dung. Nếu muốn nhắc đến Chúa Jesus để nói về đức khoan dung có câu chuyện khác. Đấy là lúc Ngài bị đóng đinh trên Thập giá. Trong giờ phút đau đớn ấy, Chúa Jesus đã thốt lên: “Xin Cha tha cho họ vì họ không ý thức được những gì mình đang làm!” Đấy mới thực sự là khoan dung.

Phải chăng biết thông cảm cho người khác thì mới có được lòng khoan dung? Tổng Thống Abraham Lincoln chắc có ý như vậy khi ông nói: “Không nên trách người ta đã làm hay không làm việc gì đó! Ai cũng sinh ra và lớn lên trong những hoàn cảnh khác nhau, được hưởng sự giáo dục khác nhau với những thói quen khác nhau. Chính những yếu tố như vậy tạo nên con người chúng ta.” Nói khác đi, nếu có bộ nhiễm sắc thể y chang kẻ thù của mình, mọi thứ trong cuộc đời cũng y chang nhau thì mình cũng hành xử y chang họ. Hiểu được những điều ấy không phải là khó. Thông cảm được cũng không khó. Chẳng hạn, người Việt chúng ta ai cũng cảm thấy dễ dàng hiểu và thông cảm cho Hitler, một trong những kẻ đại sát nhân của thế giới. Tuy nhiên, không phải người Việt nào cũng dễ tha thứ cho… Hồ Chí Minh, một kẻ sát nhân mang đẳng cấp… quốc gia. Đơn giản vì không một người Việt nào chết dưới bàn tay của Hitler. Thành ra, khó có được sự khoan dung khi chính mình hoặc thân nhân là nạn nhân của kẻ “không ý thức được những gì mình đang làm”. Như Hồ Chí Minh, dù hồi đó có bị… tâm thần như Đỗ Mười hay không, (rất) nhiều người Việt vẫn không đời nào tha thứ được. Bởi vậy, thực tế mà nói, để có được sự khoan dung, hiểu và thông cảm chưa chắc đã đủ.

Như trong câu chuyện người đàn bà bị tội ném đá, không ai trong đám đông là nạn nhân của bà. Cho dù bà ngoại tình hoặc làm điếm (hay cả hai), những người đàn ông trong đám đông ấy khó có thể căm thù bà được. Nếu bà có… nhan sắc thì họ càng không… nỡ. Đám đông từ từ giải tán có lẽ một phần vì bà… đẹp. Chứ xấu thì ai mà bận tâm; đứng lâu làm gì cho mất thì giờ! Những người đàn ông khác (ban đầu) tỏ ra hăng hái muốn ném đá chắc là vì có vợ đang đứng nhìn… mình? Thành ra, câu nói ấy của Chúa Jesus trên Thập giá rất có giá trị; không chỉ vì nội dung mà còn vì những kẻ ấy trực tiếp (hoặc a dua) đóng đinh Ngài. Người thường như chúng ta, giả sử đang đi trên đường mà có kẻ chạy xe ẩu suýt tông mình, thế nào cũng nói trong bụng: “Chạy kiểu đó có ngày…!”
Nếu không trù cho nó… chết thì cũng… bị thương; trong khi chính mình không hề hấn gì, chỉ hơi… thót tim. Thành ra, chúng ta (kể cả người ngoại đạo) nên kính yêu Chúa Jesus, không phải vì Ngài là con (duy nhất) của Thượng Đế, mà vì tấm lòng bác ái của Ngài dành cho nhân loại. Phải yêu thương con người sâu sắc lắm mới có thể nói được câu ấy vào giờ phút sinh tử như thế. Những lúc như vậy, thường cảm xúc và nỗi đau đớn về thể xác lấn át lý trí. Chỉ lòng yêu thương vô bờ mới có thể hóa giải được tất cả. Người thường không có được đức khoan dung như Chúa Jesus vì không ai thương người khác như Ngài đã thương. Không ai yêu nhân loại bằng Chúa Jesus. Chính tình thương là nguồn gốc của khoan dung, chứ không phải sự hiểu biết (về lý trí). Cha mẹ luôn tha thứ cho con cái cũng do tình thương mà ra.

Người Việt chỉ biết đến Chúa Jesus trong vài thế kỷ gần đây. Tuy nhiên, lòng vị tha, bác ái đã thấm đậm trong văn hóa Việt Nam từ xa xưa. Như câu tục ngữ “thương người như thể thương thân”, không biết có từ bao giờ?