Sang đến mùa thu năm sau, María Dos Prazerès càng lo lắng vì những điềm gở mà bà chưa biết chú giải, mỗi ngày một nhiều thêm lên, làm nặng trĩu canh cánh trong lòng. Bà tập lại thói quen ra ngồi uống cà phê dưới vừng cây dạ hợp vàng rợp của quảng trường del Reloj. Phủ trùm trong áo dạ, cổ áo gắn đuôi chồn và đội nón nỉ cài hoa nhựa, kiểu nón thật xưa đang trở lại thành thời trang, María Dos Prazerès vận dụng hết bản năng để nghe ngóng động tĩnh của tử thần. Cố gắng làm sáng tỏ chứng trầm uất chết chóc của mình, bà lắng nghe từng câu chuyện của những người nuôi chim ở lề phố Ramblas, đến từng lời thì thầm của các nhân viên đứng bán ở quầy sách, lần đầu tiên không bàn chuyện các đội banh, đến cả nỗi im lặng buồn bã của những thương phế binh hằng ngày vẫn ném các mẩu bánh vụn cho chim câu. Ở khắp mọi nơi bà đều thấy dấu hiệu của thần chết.
Dịp lễ Giáng sinh, các dây đèn ông sao giăng dưới vòm cây dạ hợp tỏa sáng rực rỡ, âm nhạc reo vui hoà vào tiếng cười vang vọng từ các bao lơn, đám đông du khách xa lạ với số phận của thành phố tràn lấn ra sân thềm các quán cà phê, nhưng ngay trong lễ hội dân chúng vẫn cảm nhận áp suất căng thẳng đè nén của thời kỳ trước đảo chánh, lúc phiến quân sắp chiếm cứ đường phố. María Dos Prazerès đã từng sống qua thời kỳ mê đắm cuồng nhiệt này nên khó khăn chế ngự những run rẩy khắc khoải trong lòng mình, và lần đầu tiên, những cơn giật bắn mình vì hoảng sợ đã đánh thức bà vào lúc nửa đêm. Một buổi tối, cảnh sát đã bắn chết, ngay dưới cửa sổ phòng bà, một sinh viên đang vẽ lên vách tường giòng chữ Xứ Catalan tự do vĩnh cửu.
– Lạy chúa, bà thốt lên sợ hãi, mọi thứ đang cùng chết với con.
Nỗi âu lo tương tự chỉ xảy đến cho bà thời kỳ ở Manaus, lúc bà hãy còn thật bé, khi trong một phút trước bình minh, tất cả âm thanh của đêm tối vụt dừng lại: Không còn tiếng nước chảy, thời gian chập chờn chao đảo, và bên trên cánh rừng rậm amazone phủ trùm một sự im lặng hố thẳm tựa cái chết. Ở tột cùng của lo sợ, ngày thứ sáu cuối Tháng Tư, công tước Cardona xuất hiện, như thường lệ, đến dùng bữa tối với bà.
Những chuyến viếng thăm của Cardona đã trở thành một nghi thức. Công tước đến đúng giờ, giữa giấc bảy và chín giờ tối, đem theo một chai champagne Y Pha Nho cuốn trong tờ nhật trình vừa phát hành vào buổi chiều, để ít ai chú ý, và một hộp chocolat hình trái nấm.
María Dos Prazerès chuẩn bị cho công tước bữa tối thịnh soạn, với mì ống trộn phô mai, gà quay thịt mềm, những món ăn ưa thích của các gia đình thượng lưu Catalan thuở xưa, kèm một đĩa trái cây theo mùa. Trong lúc bà làm bếp, công tước vừa nghe những đoạn ghi âm các vở kịch trào phúng danh tiếng đã từng được diễn ở hí viện Ý, vừa uống từng ngụm nhỏ rượu Bồ đào khai vị cho đến lúc các đĩa hát hoàn toàn kết thúc.
Sau bữa ăn, kéo dài và sôi động, cả hai lại có với nhau một cảnh ân ái quen thuộc đến nhàm chán, mà sau chăn gối đều để lại cho hai người hậu vị của một bi kịch. Ðến lúc ra về, công tước luôn mang cảm giác sợ sệt, khi gần đến nửa đêm, phải luồn nhẹ tờ giấy bạc 25 pesetas dưới gạt tàn trong phòng. 25 pesetas là giá đi khách của María Dos Prazerès khi công tước lên giường lần đầu với bà trong một khách sạn qua đêm ở Paralelo, và giá biểu này là vật duy nhất mà sự hoen rỉ của thời gian không chạm đến.
María Dos Prazerès cũng như Cardona, đã không ai tự đặt cho mình câu hỏi xem tình bạn giữa hai người được tạo dựng từ đâu. Bà nợ ông vài giúp đỡ khiêm nhượng. Ông luôn cho bà những lời khuyên hữu ích giúp quản lý số tiền tiết kiệm, hay dạy cho bà hiểu giá trị thực sự của những cổ vật và cách bảo quản chúng để không ai có thể phát hiện đó là những vật ăn cắp. Ông còn muốn bà phải tự vạch cho mình con đường trở nên một phụ nữ lớn tuổi đoan chính sống giữa phố Garcia, sau khi đã nếm trải cuộc đời trong xóm nhà thổ nơi bà từng bị các đồng nghiệp tuyên bố đã quá lỗi thời so với sở thích của đàn ông hiện đại, và các chủ chứa đã muốn gửi bà đến những khu dưỡng lão dành cho di dân lậu già nua, nơi trẻ em học cách làm tình để đổi lấy 5 pesetas. Bà đã kể cho công tước chuyện mình đã bị mẹ bán vào tuổi mười bốn ở cảng Manaus, và viên trung úy hải quân Thỗ Nhĩ Kỳ đầu tiên đã thụ hưởng bà không chút xót thương trong suốt chuyến vượt Ðại Tây Dương trước khi vất bỏ bà không một đồng xu, không chút hiểu biết về ngôn ngữ bản xứ, thậm chí ngay cả một cái tên trên giấy khai sanh cũng không, giữa khung cảnh sa đọa rực rỡ của khu đĩ Paralelo. Công tước Cardona và María Dos Prazerès đã ý thức khá rõ ràng là cả hai người rất ít những tương đồng, nên họ càng thấy thêm cô đơn những khi gần nhau. Nhưng cả hai, không ai dám cào xước làm rách nét duyên dáng quen thuộc của cuộc sống thường nhật. Phải có một cơn địa chấn tầm cỡ quốc gia để cả hai cùng nhận thức, với một dịu dàng tột đỉnh, họ đã thù ghét nhau đến mức nào, trong suốt ngần ấy năm trời.
Và địa chấn xảy đến.Cardona đang thưởng thức song ca trữ tình La Bohème do hai ca sĩ Licia Albanese và Beniamino Gigli biểu diễn, bất thình lình, tựa một tia chớp ngẫu nhiên, vang đến tai ông bản tin từ đài phát thanh mà María Dos Prazerès đang theo dõi. Ông nhón chân bước đến gần và vểnh tai chăm chú. Tướng Francisco Franco, nhà độc tài muôn thuở của Tây Ban Nha, đã quyết định số phận sau cùng của ba kẻ ly khai xứ Basque bằng bản án tử hình. Công tước thở hắt ra một tiếng dài khoan khoái:
– Cuối cùng chúng cũng bị xử tử. Caudillo là một lãnh tụ anh minh!
María Dos Prazerès dán vào ông đôi mắt tóe lửa của một con rắn hổ mang chúa, bà đóng đinh vào đôi đồng tử thiếu nhiệt huyết đang núp sau gọng kính vàng, bên trên những chiếc răng tham lam, nối dài đôi bàn tay lai tạp với móng của loài thú chỉ quen với bóng tối địa ngục. Gã đàn ông chỉ là vậy.
– À ra thế, cầu xin Chúa nhân từ cho không một ai bị bắn, vì nếu chúng hành quyết một người thì tôi sẽ đổ thuốc độc vào tô súp của ông.
Công tước chợt hoảng sợ.
– María! Tại sao nói như vậy?
– Vì tôi là một con đĩ biết suy nghĩ công bằng.
Công tước Cardona đã không bao giờ trở lại và María Dos Prazerès đoan chắc khúc quanh cuối cùng của cuộc đời mình đã khép lại. Thời gian ngắn trước đây bà hãy còn phẫn nộ khi có ai đó đứng dậy nhường cho mình một chỗ ngồi trên xe buýt, khi có kẻ muốn dìu bà băng qua đường, đỡ lấy cánh tay khi bà bước lên nấc thang, nhưng sau cùng bà đành chấp nhận, ngay cả mong chờ những cử chỉ ấy như một sự cần thiết đáng ghét. Vì vậy, bà đặt mua một tấm bia mả khác, giống những tấm bia dành cho phiến quân, không tên tuổi, không cả ngày tháng năm sinh, và bà bắt đầu lên giường không khóa cửa để Noi có thể ra ngoài báo tin cho mọi người biết nếu tử thần đến rước bà đi trong giấc ngủ.
Một buổi sáng Chúa Nhật, trở về từ nghĩa trang, bà bắt gặp ở bậc thềm nhà một bé gái con một cặp vợ chồng sống trong căn nhà đối diện. Bà cùng đi với cô bé đến đầu đường với tình cảm trìu mến của bà cháu, ngắm nhìn cô bé đùa giỡn với Noi như đôi bạn thân thiết. Khi đến quảng trường Plaza del Diamante, bà quyết định mời cô bé một cây kem.
– Cháu có thích nuôi chó không? Bà dọ hỏi.
– Cháu thương chó lắm!
Cô bé ngây thơ trả lời. María Dos Prazerès liền đưa ra ngay lời đề nghị mà bà đã nhẩm bụng từ bấy lâu.
– Nếu ngày nào có chuyện gì xảy đến cho bà thì cháu hãy chăm sóc cho Noi. Bà chỉ có một yêu cầu duy nhất muốn cháu cho phép Noi được tự do mỗi Chúa Nhật. Cháu đừng lo lắng vì Noi sẽ biết đường về.
Cô bé thật sự sung sướng. María Dos Prazerès cũng thế, bà trở về nhà vui thích vì đã thực hiện được giấc mơ ấp ủ trong tim mình suốt nhiều năm dài. Nhưng rồi không do chứng mệt mỏi của tuổi già, cũng không phải vì thần chết trễ nải đã ngăn cản bà hoàn thành giấc mơ. Cũng chẳng phải một quyết định cá nhân. Ðời sống đã lấy quyết định thay bà vào một buổi chiều buốt gió cuối năm, lúc tiết trời đột nhiên chuyển đổi khi bà vừa rời khỏi nghĩa trang. Bà đến nghĩa địa để viết lại họ tên của ba người anh hùng trên ba bia đá của ba ngôi mả vô danh, sau đó đi bộ xuống phía trạm chờ xe, bất chợt cơn mưa ập đến như trút nước phủ vây lấy bà từ đầu đến chân. Gần như bà không kịp tìm cho mình một nơi ẩn núp dưới những vừng cây dạ hợp, trong một khu hoàn toàn hoang vắng tựa hồ thuộc về một thành phố nào khác với những cửa hàng đổ nát, những cơ xưởng nhuốm bụi chất đầy những toa hàng hóa khổng lồ, tất cả càng làm cho cơn mưa thêm kinh khiếp. Trong lúc bà đang cố gắng sưởi ấm trong lòng chú chó bé nhỏ ướt sũng nước, María Dos Prazerès nhìn thấy vượt qua trước mắt mình hàng đoàn xe khách đầy ắp người, những chuyến taxi trống, rũ cờ, nhưng mọi người dường như không ai nhìn thấy bà muốn đón xe, với những ngoắt gọi cầu cứu tuyệt vọng. Ðiều kỳ diệu xảy đến thình lình bất ngờ. Một chiếc xe du lịch lộng lẫy mang màu sắc của một ánh thép phản chiếu ráng hoàng hôn lướt qua êm ái nhẹ nhàng trên con đường ngập nước, đột nhiên dừng lại ở ngã tư rồi lùi lại tận nơi bà đang đứng. Khung kính hạ xuống như chạm phải làn hơi thở kỳ diệu của ngọn gió mầu nhiệm và tài xế ngỏ ý muốn đưa bà về nhà.
– Tôi ở xa lắm, nhưng anh sẽ giúp tôi nhiều nếu cho phép tôi quá giang một đoạn đường.
María Dos Prazerès cảm ơn rất chân thành. Lái xe vẫn nằn nì:
– Bà cứ cho biết bà định về đâu.
– Về Garcia. Bà đáp.
– Cùng lộ trình, vậy mời bà lên.
Bên trong xe, ám không khí của tủ thuốc tây cất lâu trong phòng lạnh, cơn mưa đã biến đi chóng vánh như chính cơn mưa đã hoá thân, khiến phố xá chuyển màu làm bà cảm thấy như mình đang bước vào một thế giới khác rất hạnh phúc, nơi mọi thứ đều đã được sắp đặt an bài. Giống như có phép lạ, chiếc xe lăn bánh dễ dàng trong lúc giao thông vô cùng hỗn độn. María Dos Prazerès hãy còn thiếu tự tin vì sự khốn khổ ban nãy của chính mình và của cả chú chó bé nhỏ đang ngủ yên lành ngoan ngoãn trên gối bà. Bà lên tiếng vì muốn nói một điều gì thật trang trọng:
– Cứ như đang trên một du thuyền. Tôi chưa từng mục kích chiếc xe nào tương tự, ngay cả trong mơ.
– Thực tế chiếc xe này có chủ.
Lái xe đính chính, pha chút xấu hổ. Rồi bộc bạch bằng thổ ngữ castillan: Lương tài xế suốt đời cũng không đủ sắm chiếc xe như vầy.
– Tôi tin anh.
María Dos Prazerès thở dài.
Một cách kín đáo, bà liếc mắt quan sát, nhận thấy lái xe trẻ như một thiếu niên, mái tóc uốn ngắn, gương mặt rám nắng có nét La Mã ánh sắc xanh do phản chiếu từ mặt đồng hồ tốc độ. Bà thấy thanh niên không hẳn đẹp trai nhưng lại có nét quyến rũ đặc biệt, trang phục thanh lịch tuy áo da rẻ tiền đã cũ sờn vì mặc nhiều. Chắc chắn là mẹ của anh chàng này phải hết sức sung sướng mỗi khi nghe tiếng con mình trở về nhà. Duy nhất, đôi bàn tay thô tháp của nông dân tiết lộ không phải chủ xe thực sự.
Bà và lái xe không nói với nhau lời nào nữa trên suốt chặng đường, nhưng María Dos Prazerès tự cảm thấy đến phiên mình bị theo dõi, bị quan sát, qua những cú liếc mắt, làm bà lại thấy thật khổ sở vì cứ phải hiện diện trước mắt đàn ông vào lứa tuổi này. Bà tự thấy mình xấu xí, đáng thương với khăn quàng dành cho kẻ ở đợ mà bà đã phủ lên đầu đầy cẩu thả lúc trời mưa. Cả cái áo khoác phụ nữ kiểu mùa thu mới quê mùa tệ hại, chính vì bà đã không muốn sắm áo mới, vì nghĩ thần chết sắp đến.
Khi đến phố Garcia, những tảng mây đã tan biến, trời ngả tối và các ngõ ngách đã lên đèn. María Dos Prazerès yêu cầu tài xế dừng xe cho bà xuống ở góc đường gần nhất, nhưng anh vẫn nhất quyết đưa bà đến tận trước cửa nhà rồi đậu xe trên lề để bà bước chân xuống mà không bị ướt. Bà buông Noi xuống, cố gắng bước ra khỏi xe với vóc dáng thật nghiêm trang, và khi quay lại để cảm ơn tài xế, bà chợt phát hiện một cái nhìn thật đàn ông làm bà choáng váng. Bà tự chống đỡ trong giây lát, không thật hiểu rõ ai đang nhìn ai, đang chờ đợi gì, chờ đợi từ ai, rồi bất chợt người thanh niên ướm lời, đầy dứt khoát.
– Bà còn đi khách không?
Maria tự cảm thấy nhục nhã.
– Tôi cám ơn anh đã đưa tôi về nhà, nhưng tôi không cho phép anh được quyền giễu cợt.
– Tôi không có lý do gì để giễu cợt ai hết.
Lái xe nói một cách thật kiên quyết vẫn bằng thổ âm castillan.
– Ít nhất cũng còn một phụ nữ giống bà.
María Dos Prazerès đã từng tiếp rất nhiều đàn ông như chàng trai trẻ này, cũng như bà đã từng ngăn trở nhiều đàn ông khác còn trâng tráo hơn thế nữa khi họ quẫn trí muốn tự vận, nhưng trong suốt cuộc đời bà chưa bao giờ phải sợ hãi như lúc này khi cần lấy quyết định. Giọng gã trai không đổi:
– Lên lầu không?
Bà đi xa ra không đóng cửa xe và trả lời cũng bằng thổ âm castillan để đảm bảo được hiểu rõ.
– Hãy làm điều cậu thấy hợp lý.
Bà bước vào tiền sảnh ở tầng trệt của khu chung cư, được soi sáng bằng ánh đèn đường đang hắt xuống, rồi bước dần lên những bậc cầu thang với tâm trạng giày vò bởi một sự kinh hãi mà bà đã luôn tin tưởng chỉ có thể xảy đến trước lúc chết. Ngay vào lúc bà dừng lại trước cửa căn gác lửng, run rẩy vì lo lắng, lần tìm xâu chìa khoá cất trong túi áo, bà nghe dưới đường vang lên hai tiếng đóng cửa xe liên tiếp. Noi, chạy lên trước, sắp cất tiếng sủa. “Im đi”, bà thều thào, ra lệnh như đang hấp hối. Tức thì, bà nghe thấy tiếng chân bước lên vang vang trên từng bậc cấp đầu tiên đã mòn nhẵn vì quá cũ của cầu thang hư hỏng, sự lo sợ lại trỗi dậy thắt lấy trái tim bà muốn ngừng đập. Chỉ trong một tích tắc đã diễn ra trước mắt María Dos Prazerès giấc mơ khải thị đã làm thay đổi hẳn cuộc đời bà trong suốt ba năm liền, mà bây giờ bà hiểu đã suy diễn sai lầm điềm báo mộng.
– Lạy Chúa vĩnh hằng! bà kêu lên, đầy kinh dị, hóa ra không phải là thần chết!
Cuối cùng rồi bà cũng tìm ra được ổ khóa, lắng nghe khoảng cách giữa các bước chân thâu ngắn, lắng nghe hơi thở mỗi lúc một nóng hổi của gã trai trẻ đang áp sát gần, cũng đang lo sợ như chính bà, bất chợt bà hiểu ra mình đã hoàn toàn xứng đáng đã chờ đợi trong ngần ấy và ngần ấy và ngần ấy năm trời với từng ấy và từng ấy chịu đựng trong bóng tối cũng chỉ để được sống một phút giây này.
1* Ghi chú của người dịch:
Truyện ngắn María Dos Prazerès in lần đầu trong tập Doce Cuentos Peregrinos, nxb Mondadori Espana, 1992. Bản dịch Pháp văn cùng tựa trong tập “12 Truyện kể Lãng du” (Douze Contes Vagabonds) do Annie Morvan phiên dịch, nxb Grasset & Fasquelle, 1993.