Menu Close

Một số biểu tượng lễ Giáng sinh

Trong Anh ngữ, lễ Giáng sinh được gọi là Christmas. Từ này ghép bởi Christ (Chúa Ki-tô) và Mass (lễ), tức là nghi lễ mừng ngày sinh của Chúa Giêsu. Từ này đôi khi còn được viết là Xmas.

Trong bảng chữ cái của Hy Lạp, chữ giống hình X gọi là chi, và phát âm là “kye” (đọc như “cai” trong tiếng Việt). Đây là chữ thứ nhất trong từ Christos, tiếng Hy Lạp, tương đương với từ Christ của Anh ngữ.

alt

Chữ thứ hai (rho) trong từ Christos cũng được Giáo hội thời sơ khai dùng ghép với chữ thứ nhất (chi) để tạo thành biểu tượng tên Chúa Giêsu. Hình viết tắt này giống chữ X với một chữ p trồi lên phía trên, để thành.

Đôi khi chúng ta còn bắt gặp biểu tượng hình con cá gắn bên ngoài xe của người Thiên Chúa giáo. Thời sơ khai, giáo hữu bị bách hại, phải tụ tập hành lễ nơi bí mật vì người La Mã tìm cách giết hại họ. Khi hai tín hữu thời đó gặp nhau, một người vẽ nửa hình con cá (thường dùng chân vẽ trên mặt đường bụi bặm), người kia vẽ thêm nửa hình còn lại, để nhận nhau.

alt

Biểu tượng bằng cây cỏ  

Chúng ta còn thấy những biểu tượng và ý nghĩa mùa lễ Giáng sinh nơi một số cây lá xanh dùng để trang hoàng như holly (cây nhựa ruồi), Ivy (dây thường xuân), laurel (nguyệt quế)…

Holly – Lá có nhiều gai, tượng trưng cho mão kết bằng gai Chúa Giêsu phải đội trên đầu khi Người tử nạn. Những nụ hoa màu đỏ là những giọt máu Người đổ ra vì gai nhọn. Người Scandinavia gọi cây này là Christ Thorn (cây gai của Chúa).

Trước kia, cây holly được coi là cây đực còn Ivy là cây cái. Ở miền Trung bộ nước Anh xưa có tập tục cho rằng vào mùa đông, cây nào được đem vào nhà đầu tiên thì người đàn ông hoặc người đàn bà sẽ làm chủ cả năm.

alt

Ivy – Dây thường xuân (ivy) phải tựa vào trụ mới leo và lớn lên được, tượng trưng cho cuộc đời người tín hữu phải sống cậy nhờ vào Chúa. Ở nước Đức ngày xưa, dây thường xuân chỉ được dùng ngoài trời, người ta thường buộc một cành vào phía ngoài nhà thờ để ngừa sét đánh!

alt

Laurel – Hàng ngàn năm trước, cây nguyệt quế (laurel) được kết thành vòng đội trên đầu như biểu hiệu của thành công và chiến thắng. Trong mùa lễ Giáng sinh, nguyệt quế tượng trưng cho chiến thắng của Chúa trên ma quỷ.

alt

Fir & Yew Trees – Fir (cây thông) và Yew trees (cây thủy tùng) lúc nào cũng xanh tươi, tượng trưng cho cuộc sống đời đời với Chúa. Cây thông cũng được trang trí làm cây Giáng sinh.

alt

Rosemary – Cây hương thảo (rosemary) liên hệ với Đức Mẹ Đồng trinh, được người xưa tin rằng có thể bảo vệ cho khỏi ác thần. Đôi khi còn được gọi là cây thân thiện (friendship plant), và thời Trung cổ được trang trí vào đầu con heo đực trên bàn ăn của người nhà giàu trong bữa tiệc mừng Giáng sinh. 

alt

Christmas Wreaths – Tập tục treo một chiếc vòng kết bằng cây lá xanh đã có từ xa xưa. Người La Mã thời cổ đại treo vòng này trên cửa làm dấu hiệu chiến thắng và khoa trương địa vị, còn phụ nữ giàu có đội trên đầu vào những dịp đặc biệt như cưới hỏi và để chứng tỏ là người sang trọng. Các hoàng đế La Mã cũng đội vòng nguyệt quế. Vòng cũng được trao tặng cho những người chiến thắng trong các cuộc tranh tài như Thế vận hội ở Hy Lạp. 

alt

Christmas Candy Canes  – Kẹo Giáng sinh xuất xứ từ nước Đức khoảng 250 năm trước, lúc đầu màu trắng và thẳng đuột. Truyện kể rằng một ca trưởng ca đoàn nhà thờ, vào năm 1670, sợ là trẻ em không thể ngồi yên trong nghi lễ Giáng sinh quá dài, nên cho mỗi em chiếc kẹo để ăn. Để nhắc nhở chúng về lễ Giáng sinh, kẹo được uốn thành hình chữ “J” như hình thù cây gậy của những người mục đồng đến viếng Chúa trong hang đá.

Nhưng đó chỉ là truyền thuyết, còn theo sách vở thì chiếc kẹo này 200 năm sau đó mới xuất hiện. Khoảng năm 1900, những sọc màu đỏ được thêm vào cho có hương vị bạc hà, và ý nghĩa của kẹo được gán ghép như sau: hình “J” là “Jesus”, màu trắng tượng trưng cho sự thanh khiết của Chúa, vằn đỏ là máu Chúa đổ khi Người chết trên thập tự, hương vị cay của bạc hà tượng trưng cho cây bải hương (hyssop) dùng để thanh tẩy trong Kinh Thánh.

alt