Menu Close

Nghề lình (Kỳ 2)

Bộ Quốc phòng cho biết chính phủ Hoa Kỳ đã quyết định tái mở một chương trình đặc biệt tiếp nhận 1,500 lính mới mỗi năm cho quân đội Hoa Kỳ, trong hai năm nữa. Chương trình này có tên gọi “Military Accessions Vital to the National Interest” (Chương trình nhập ngũ quân đội vì quyền lợi quốc gia). Chương trình này rất đặc thù vì chấp nhận ngay cả những người không phải là công dân Mỹ, bao gồm thường trú nhân và những di dân ở Mỹ tạm thời.

alt

Tổng thống Obama và phu nhân xem buổi học hát của sinh viên gốc Do Thái tại trường West Point

Đường tắt vào sĩ quan

Chính phủ Hoa Kỳ đang mong tìm những người có thể nói được một trong 44 ngoại ngữ đặc biệt đang cần và những người có tiêu chuẩn chuyên môn cao về y khoa, nha khoa và những lãnh vực điều trị tâm lý. Tiếng Việt không nằm trong danh sách những ngoại ngữ được yêu cầu, nhưng một đương đơn người Việt Nam có thể nộp đơn nếu nói được một trong những ngoại ngữ khác quân đội đang cần. Chương trình này khởi đầu từ năm 2009 nhưng chỉ kéo dài trong thời gian ngắn. Hiện nay chương trình này đang được phục hồi ít nhất hai năm nữa (từ tháng 9/2014). Để hội đủ điều kiện, người di dân đang sống hợp lệ ở Hoa Kỳ hai năm, hoặc những người đang có visa du học, chiếu khán làm việc và tị nạn. Thêm vào đó phải đậu kỳ thi khảo sát Anh ngữ.

alt

Các binh sĩ thực tập đối phó với bệnh dịch Ebola

Quyền lợi đặc biệt của chương trình là những người hợp lệ được tuyển mộ có thể được vào quốc tịch Mỹ chỉ trong vài tháng. Chương trình này cần đến những bác sĩ, nha sĩ và y tá gia nhập quân đội như những sĩ quan và phải tại ngũ trong ba năm hoặc sáu năm với lực lượng trừ bị. Những người có khả năng ngoại ngữ đặc biệt thì bốn năm.

Anh Mike Nguyễn ở San Diego cho biết vợ anh có nghe đến chương trình này và có ý định gia nhập quân đội một thời gian. “Ban đầu nghe vợ nói cũng xuôi tai, nhiều quyền lợi được hứa hẹn vì bà xã có bằng Tiến sĩ tâm lý. Nếu đi các nước Trung Đông, ngoài lương sẽ được phụ cấp hải ngoại rất nhiều. Có thể đem theo gia đình. Tôi được thuận lợi vì chưa có con nên chuyện đi cũng dễ dàng. Nhưng công việc làm của tôi lại bị gián đoạn. Gia đình sĩ quan tình nguyện đi Trung Đông được cấp chỗ ở, bảo hiểm sức khỏe đầy đủ. Nhưng điều quan trọng nhất là chính phủ sẽ cho tiền xóa nợ tiền học của vợ tôi lên đến hơn sáu chục ngàn đô. Nghe thật hấp dẫn. Tuy nhiên, khi nghĩ tới tình trạng dịch Ebola đang hoành hành tại các nước Tây Phi thì lại ngán. Biết đâu kêu đi Trung Đông, giờ phút cuối lại bị yêu cầu qua Tây Phi thì không biết chuyện gì xảy ra.”

alt

Bài tập tiếp cận mục tiêu trong trại huấn luyện ở Virginia

Hiện chính phủ Hoa Kỳ đang điều động 5,000 lính và sĩ quan quân y đến Tây Phi xây dựng căn cứ hậu cần y tế để giúp những bệnh nhân và ngăn ngừa đại dịch Ebola. Như đã nói, việc tình nguyện tham gia quân đội không ai bắt buộc, nhưng quyền lợi quá hấp dẫn khiến anh Võ Đình du học sinh Master ngành Sinh Hóa tại UNT đắn đo. “Có thể đây là cơ hội cho tôi ở lại Mỹ và sẽ có một tương lai tốt đẹp hơn sau khi giải ngũ. Nhưng quan trọng hơn là có được quốc tịch để tôi có thể bảo lãnh thân nhân sang đoàn tụ”, anh Đình tâm sự.

Nghề sĩ quan chuyên nghiệp

Có bằng đại học, tùy theo binh chủng, người lính được đào tạo từ hai đến bốn năm để mang cấp bậc Thiếu úy. Có người chọn binh nghiệp suốt đời, có người giải ngũ khi kiếm được một công việc vừa ý. Tuy nhiên hầu hết, những sĩ quan tham gia quân đội đều có những thành công nhất định dù trong quân đội hay ngoài dân sự.

alt

Trung tá Không quân Nhat Thomas Tran (giữa) tại một phi trường quân sự Afghanistan

Anh Victor Bùi là một trong những người rất cẩn thận khi quyết định vào quân đội từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường đại học. Anh kể: “Trong thời gian học đại học, tôi ghi danh vào một lớp học Khoa học Quân sự và bị hấp dẫn bởi những gì mọi người có thể làm. Tôi tìm thấy công việc đầy thử thách và đáng giá. Khi tôi quyết định đăng lính, cha mẹ tôi không đồng ý. Cha mẹ tôi nghĩ đi lính là rất nguy hiểm trong khi một kỹ sư điện toán ra trường thiếu gì công việc lương cao. Nhưng khi tôi nói với cha mẹ rằng, sau khi tốt nghiệp đại học, tôi sẽ vào quân đội. Tôi muốn là một sĩ quan, hơn nữa thanh niên vào quân đội được huấn luyện làm việc sẽ dễ thành công, có tổ chức hơn và có khả năng lãnh đạo. Cuối cùng thì mọi người không còn phản đối”.

alt

Đại tá Huỳnh Trần Mylene, giám đốc Chương trìnhY khoa Quốc tế của Không quân Hoa Kỳ, Director of The Air Force International Specialist Program

Ngoài một số học viện quân sự đào tạo sĩ quan, Học viện quân sự West Point tại New York là nơi đào tạo những sĩ quan ưu tú cho quân đội Hoa Kỳ. Điều khá lạ là mặc dù là học viện quân sự, nhưng lại cung cấp các nhà quản trị  tài năng trong nền kinh tế Mỹ và thế giới. Sau 5 năm bắt buộc phải phục vụ trong quân đội, phần lớn các bạn rời bỏ binh nghiệp, học thêm một MBA rồi đi làm cho các tập đoàn. Rồi thăng tiến rất nhanh. Ở West Point, có một khẩu hiệu là: “Cứ đưa cho tôi một người không phải tâm thần, tôi đều có thể đào tạo thành một công dân ưu tú”. Những người đi ra từ trường West Point không chỉ là những tướng tài, mà nhân tài cũng rất nhiều. Sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, trong 500 công ty lớn trên thế giới, các chủ tịch hội đồng quản trị có nguồn gốc xuất thân từ trường West Point lên đến hơn 1,000 người, các viên chức cao cấp khác có trên 5,000 người.

Môn học chính bắt buộc của West Point không chỉ bao gồm các môn toán lý, mà còn có các ngành khoa học xã hội. Trong 4 năm, các học viên phải học 31 môn học chính và 9 môn tự chọn. Mỗi ngày “dùi mài kinh sử” đến giữa đêm là chuyện bình thường. Cho nên một sinh viên của West Point tinh thông mọi chuyện trên trời là điều bình thường. West Point tuyển chọn rất khó khăn, vào được Học viện không dễ dàng gì. Cho nên một số ít người Mỹ gốc Việt qua thi tuyển, sát hạch được chọn vào West Point là niềm tự hào của gia đình.

alt

Hình chụp chiếc F-18 do nữ phi công Thiếu tá Elizabeth Phạm đang điều khiển

Sinh viên Rosenberg tốt nghiệp năm 2013 là một sinh viên đặc biệt tại West Point. Chuyên ngành của Rosenberg là “Sức khỏe Toàn cầu”. Chuyên ngành này dường như chẳng liên quan gì đến quân sự. Nhưng giáo viên nói, khi học tại West Point, Rosenberg “rất ít nói về việc tương lai kiếm được bao nhiêu tiền, mà luôn suy nghĩ là thế giới này nên như thế nào, làm sao để thay đổi thế giới này theo phương thức của mình, để nó trở nên tốt đẹp hơn”.

Mùa hè năm 2009, Rosenberg và bạn học đã mất 2 tháng đến Zambia (châu Phi) khảo sát, tìm hiểu về thực trạng y tế của các nước nghèo châu Phi. Năm 2009, Rosenberg đã giành được học bổng Rhodes Scholar, sau khi tốt nghiệp West Point, cô dự định đến Đại học Oxford của Anh để nghiên cứu thêm. Cô nói mình sẽ nghiên cứu y học trong tương lai để “sau khi tốt nghiệp làm một sĩ quan quân y trong Lục quân”.

alt

Đại tá Hải quân Lê Bá Hùng nhận quyền chỉ huy Khu trục hạm USS Lassen DDG-82

TN