Menu Close

Văn hoá Rồng rắn Thời điểm của đối mặt – Kỳ 1

Xuất hiện lần đầu trên tập san Văn Học Nghệ Thuật năm 1979 với truyện ngắn Bụi Hồng qua giới thiệu của Võ Phiến, Lê Thị Huệ lập tức được công nhận như một người viết cá tánh, tài hoa. Sau 10 chuyến về Việt Nam và một năm nghiên cứu tại đại học quốc gia Hà Nội, Lê Thị Huệ trở về Hoa Kỳ cho xuất bản “Văn hoá trì trệ nhìn từ Hà Nội đầu thế kỷ 21”. Tập ký sự đặt thẳng vấn đề – chính văn hoá Việt Nam đã ngăn cản sức lớn mạnh của dân tộc – nhanh chóng trở thành một đề tài thảo luận.

alt

Sinh quán Hà Tĩnh và lớn lên trong Nam, Lê Thị Huệ theo học Việt văn và sư phạm tại Đà Lạt trước khi sang Mỹ năm 75 rồi tốt nghiệp cao học các ngành Tâm lý, Hướng dẫn giáo dục, hiện làm giáo sư hướng dẫn tại đại học Evergreen Valley College, California.

Tác phẩm đã xuất bản

Bụi Hồng 1984, Kỷ niệm với Mỵ Ánh 1987, Rồng Rắn 1989, Khởi đi từ ngây thơ để đến gần sự thật 1995, Canh thức cùng thơ mộng 1996 (chung với Vũ Quỳnh Hương và Trân Sa), Văn hoá trì trệ nhìn từ Hà Nội đầu thế kỷ 21, tái bản 2003.
 
Phỏng vấn LÊ THỊ HUỆ

“Trong những cây viết nữ của chúng ta ở đây
thì Lê Thị Huệ là nhà văn nữ đáng ghi nhận nhất”.

Mai Thảo, 1984

Trần Vũ: Thuộc thế hệ nhà văn di dân Việt Nam đầu tiên sau 30- 04-75 và được xem là một ngòi bút bạo dạn, độc lập, trước hết bà có gì để nói về tình trạng của đất nước?

Lê Thị Huệ: Để tôi thử làm một việc rất là đàn bà và rất là tào lao nhe. Tôi muốn nói điều này với những người đàn ông Việt Nam: Sao các anh để cho Việt Nam tồi tệ đến thế. Sao các anh không làm điều như người đàn ông các nước đã làm được cho xứ sở họ. Họ biến quốc gia họ thành những đất nước hùng mạnh sang đẹp. Các anh là những người tạo thời cuộc, tạo lịch sử, tạo chiến tranh, tạo hoà bình. Các anh có cả một quốc gia trong tay. Họ làm được thì các anh cũng làm được.
Các anh hãy đối thoại với nhau đi.

Trần Vũ: Hôm nay gần như đa số các nhà văn di dân Việt đã trở về quê nhà, đã chứng kiến tận mắt quê hương nhưng thể loại Ký lại không mấy phát triển bên ngoài. Đa số Ký du lịch ngoài da. Nhìn chung, phần lớn các tác phẩm thuộc thể loại sáng tác đều tránh bàn đến thực tế Việt Nam. Theo bà, có phải nhà văn Việt chưa sẵn sàng đối mặt trước mức độ chênh lệch giàu nghèo, tội phạm-tham nhũng, phá sản văn hoá ngày một gia tăng trên chính quê hương gốc của mình? Là một người viết dám đặt vấn đề, bà giải thích hiện tượng này như thế nào khi nhiều đồng nghiệp chọn thẩm mỹ hình thức hoặc xem kỹ thuật hậu hiện đại là cứu cánh trong lúc thực tế đất nước có nhiều điều để viết?

Lê Thị Huệ: Có mấy lý do sau:

– Độc giả. Độc giả Việt Nam chán bỏ xừ. Vừa ít đọc sách, ít mua sách, lại chỉ thích đọc văn tả văn, tả cảnh, tả tình. Trong một bài viết tôi đã từng bàn đến vấn đề này, là văn chương Việt Nam chú ý tới lời văn quá.

Kết quả là cả người đọc lẫn người viết của nền văn học Việt Nam cứ chúi mũi vào thưởng ngoạn văn chương là chính. Thưởng ngoạn đê mê đến độ không ke (care) hay không xem nội dung quan trọng bằng hình thức. Cứ nghe các ông bà Việt Nam phê bình văn học mà xem. Cứ là văn bà này dùng chữ hay, thơ ông kia có lối viết mới. Chả có ông bà nào phê bình nội dung tư tưởng cốt chuyện giá trị như thế nào. “Cái” đâu không thấy, chỉ thấy “nước”. “Where is the beef?”, “Mười voi không được bát nước xáo”.

alt

Tác giả Lê Thị Huệ

Đồng ý văn chương là đồng cốt của tác phẩm, nhưng khi độc giả chỉ lo thưởng ngoạn văn chương mà ít để ý đến nội dung, thì làm sao những tác phẩm có giá trị về nội dung được đón nhận như nó xứng đáng là. Nói tóm lại, người đọc Việt Nam không hỗ trợ những tác phẩm giá trị nên những tác phẩm giá trị không được tôn vinh. Nên chúng ít xuất hiện. Lấy ví dụ, thơ của nhà thơ Nguyễn Chí Thiện. Không những ông ta tố cáo cái ác, mà thơ ông ta sử dụng vần trắc rất hay. Thế nhưng các ông bà bình luận văn học hải ngoại chả bao giờ phê bình tập thơ của Nguyễn Chí Thiện trong các tập bình luận văn học của họ cả. Tố cáo cái ác thì có gì sai?

Ví dụ khác, Nhất Hạnh và Nghiêm Xuân Hồng. Hai tác giả này đã cho ra đời những tác phẩm rất giá trị. Nhất Hạnh sáng tác tuy nặng mùi Phật Giáo, nhưng nhiều tác phẩm của ông có giá trị văn chương cao gấp trăm lần mấy ông bà vớ vẩn khác. Tiểu thuyết Trang Tôn Kinh Huyền Hoặc của Nghiêm Xuân Hồng là một sáng tác nặng ký về mặt tư tưởng Việt và tư tưởng Phật Giáo. Chắc chắn tác phẩm này đáng cho tôi chiêm nghiệm hơn là ba tác phẩm tào lao của mấy ông bà khác.

Thế nhưng chả có ông bà nào gọi là nhà phê bình văn học hải ngoại điểm qua các sáng tác của Nhất Hạnh và Nghiêm Xuân Hồng trên các trang sách phê bình văn học hải ngoại cả. Những sáng tác nghiêm chỉnh và giá trị của các tác giả Việt không được giới phê bình và độc giả Việt Nam tìm đọc, thì thử hỏi làm sao những tác phẩm giá trị ra đời nổi.

– Các ông bà sáng tác và các ông bà phê bình thơ văn. Mấy ông bà này thì có quá nhiều thứ đáng để bàn. Nhưng cái tệ nhất là “lười độc lập”. Đúng như anh nói, thực tế Việt Nam thiếu gì thứ để viết. Cứ le te thấy ngoại quốc có cái gì hay thì mang về ca um lên. Rồi bắt chước theo thì thần sầu lắm. Sùng bái còn hơn cả tín đồ các nước gốc. OK. Ngoại quốc hay thì đúng là ngoại quốc hay. Rồi sao nữa. Người ta hay là chuyện của người ta. Hàng của người ta hay đấy, thế còn hàng của anh chị đâu? Bày ra đây thử xem. Tôi thấy hiện đang phong trào là các ông bà phê bình lẫn các ông bà sáng tác, từ ngoài nước cho đến trong nước, cứ phải quớt (quote) tên các ông Tây bà Đầm như một thứ bùa hộ mệnh là tớ đây có in tớt (in touch) với hàng ngoại. Tớ cũng biết ông bà Tây Đầm này nọ đấy. Cứ thử lên Net mở các trang Net tiếng Việt do nhà nước Việt Nam trả lương ra xem. Các trang Vnexpress, Thanh Niên, Vnn.vn… mang bao nhiêu là hình cắp cuỗm từ các tranh ảnh các cô gái các chàng trai Tây phương về in lên trên trang nhà của họ. Có nhiều hình cứ như là từ tờ Playboy chạy ra nằm tì tì trên các trang mạng này. Net thì in hình Playboy, sách thì vác nguyên con Hậu Hiện Đại và Simone De Bauvoir về vái cô hồn. Vọng ngoại và vong thân tràn lùa như cơn lũ đã phá tan và đánh bạt niềm tự tin của người Việt Nam quá lâu. Chuyện này tôi có bàn trong chương “Văn Hóa Vọng Ngoại” trong sách  “Văn Hóa Trì Trệ, Nhìn Từ Hà Nội Đầu Thế Kỷ 21”.

Trần Vũ: Tập “Văn hoá trì trệ nhìn từ Hà Nội đầu thế kỷ 21” được viết với nhiều phê phán gay gắt, nhưng chỉ được viết ra sau 10 chuyến về Việt Nam và một năm nghiên cứu tại Hà Nội. Tại sao không sớm hơn? Nếu tính từ tiểu thuyết Rồng Rắn 1989 cho đến tập Ký 2003, chỉ thấy xuất hiện duy nhất một thi tập viết chung và một tùy bút xuất bản trong thập niên 90, giữa hai mốc thời điểm là 10 chuyến về VN. Nhà văn Lê Thị Huệ khi ấy đã im lặng để “bảo vệ” thị thực nhập cảnh của mình? Phải chăng khi quyết định viết tập Ký này, bà đã dứt khoát với một quá khứ và sẵn sàng chấp nhận không thể trở về quê nhà?

Lê Thị Huệ: Tôi cũng hơi bị lãng mạn, vẫn cứ thơ ngây, và dật dờ yêu đời. Tôi nghĩ các ông chính trị gia Việt Nam cũng thông minh lắm. Các ông ấy biết tôi không phải là một người làm chính trị. “Phản động” thì có. Nhưng tôi không có mộng làm lãnh tụ giành giật quyền lực với các ổng. Nên hy vọng trong tương lai khi tôi muốn về thăm Việt Nam, có lẽ cũng không phải là chuyện khó.

Phần còn lại quả là cũng đúng như anh nhận xét ở trên.

Trần Vũ: Có những chương “Bệnh cuồng tin, Văn hoá xin, Văn hoá lạy, Văn hoá Bác, Văn hoá vọng ngoại, Hà Nội cây xanh buồn chim hót ở nơi đâu…” phê phán nặng nề và thẳng tay những niềm tin, thói quen, từ đời sống đến tập tục của người Bắc. Lê Thị Huệ không nghĩ sẽ đào sâu thêm hố chia rẽ Nam-Bắc, đào sâu thêm vực thẳm ngăn cách với những người Việt không chung quá khứ?

Lê Thị Huệ: Tôi nghĩ nếu người đọc thử thay thế chế độ Cộng Sản bằng một chế độ khác, thay thế ông Hồ Chí Minh bằng một ông khác, thay thế thành phố Hà Nội bằng một thành phố khác, thay thế thời điểm năm 2000 bằng một thời điểm trước đấy hay mới đây, sự khác biệt cũng không là bao. Tôi tập trung vào một đề tài và khai triển chung quanh đề tài ấy. Tôi chọn Hà Nội vì Hà Nội thuận tiện cho tôi trong thời điểm ấy. Nếu lúc đó tôi chọn Huế, Sài Gòn, hay Qui Nhơn, có thể quyển sách sẽ thay vào đấy chữ Huế, Sài Gòn, hay Qui Nhơn.

Trần Vũ: Những chương khác “Hai mươi năm lãng phí quốc gia, Nhà nước quản lý, Niềm tin là những đống rác, Mù loà sáng tạo, Thui chột tự tin, Văn hoá thủ, Văn hoá phá, Văn hoá chửi, những tiếng kèn làm chậm đời nhau, Qua đèo Ngang ớ đang nghèo…” cho cái nhìn thê thảm về một Việt Nam bần hàn sa sút và kém văn minh so với thế giới. Bà có quá bi quan?

Lê Thị Huệ: Khi người ta có thể bình tĩnh ngồi nhìn lại vấn đề và mổ xẻ xem thử tại sao nó như thế, tôi nghĩ đây là một thái độ tự tin và yêu đời. Số mệnh của một quốc gia là một điều gì hết sức vĩ đại. Nó nên vượt lên trên điều gọi là bi quan hay lạc quan.

TV