Menu Close

New Year’s Resolutions

Đây là một tập quán của dân Âu Mỹ nhưng cũng bắt đầu phổ biến (nhất là trong giới trẻ) ở những nước Á Đông. Đấy là việc viết xuống những điều mình phải thực hiện được trong năm mới. Những điều ấy thường là tự hứa với bản thân bấy lâu mà chưa làm, hoặc làm mà chưa bao giờ xong. Theo một cuộc thăm dò hồi năm 2007 của Richard Wiseman thuộc trường đại học Bristol bên Anh, có tới 88 phần trăm những người viết xuống những điều ấy đến cuối năm sau mọi việc vẫn như cũ. Những điều ấy chẳng phải lớn lao như đợi vé on sale để đi du lịch trong không gian vài tiếng đồng hồ mà giá chót bình thường cũng phải 250 ngàn Mỹ kim. Cũng chẳng phải bình thường như qua (hoặc về) Việt Nam kiếm một cô vừa trẻ vừa đẹp vừa “đảm bảo” không bị “lầm đưa em sang đây”. Những điều thường thuộc kiểu “khuyên người khác thì dễ, áp dụng cho mình thì khó” như bỏ thuốc lá, kiêng uống rượu, giảm cân, thêm bạn bớt thù…

alt

Các nhà tâm lý học có đưa ra vài lời khuyên dựa trên những cuộc nghiên cứu của họ để giúp những ai quyết tâm đạt được cái New Year’s resolutions của mình. Chẳng hạn, đối với đàn ông, xác suất thành công tăng 22% nếu mục tiêu đề ra được cụ thể hóa và đo lường được. Thay vì nói chung chung là “giảm cân” thì phải ghi rõ ràng “mỗi tuần xuống 1 pound”. Còn đối với phụ nữ thì xác suất tăng 10% nếu họ nói ra cho bạn bè và người thân để mọi người ủng hộ. Tuy nhiên, với xác suất thành công tăng từ 10 đến 20 phần trăm thì chưa giải quyết được vấn đề. Cái chính là phải hiểu hay thấy rõ tâm lý, cách vận hành của nó. Không rõ có tâm lý gia nào đồng ý tâm lý con người cũng tương tự như cơ thể của chính nó. Mối tương quan này không giống như hồn và xác trong tôn giáo. Chính xác hơn, tâm lý giống như một cơ thể thứ hai nằm trong cơ thể của chính nó. Trong tiếng Việt cũng có một từ nói lên sự tương quan như thế; đấy là từ ngã lòng. Nhà thơ Phùng Quán cũng có lần diễn tả sự tương quan này: “Có những phút ngã lòng; tôi vịn câu thơ mà đứng dậy”. Để hiểu rõ thêm, không gì hơn là nói qua về nguyên lý kuzushi trong võ thuật Nhật Bản.

Tiếng Nhật, kuzushi nghĩa là làm đối thủ mất thăng bằng. Để dễ dàng quật ngã đối thủ, trước hết phải làm họ mất thăng bằng. Nguyên lý này được Kano Jigoro đưa vào môn phái Nhu đạo của ông. Có nhiều cách áp dụng kuzushi, trong đó là dùng đòn liên hoàn. Giả sử muốn dùng đòn tai otoshi để quật đối thủ ngã chúi về phía trước, thường ra một đòn giả như Ouchi Gari bằng cách dùng chân phải của mình khoèo chân trái đối thủ. Lập tức anh ta bước chân trái lui sau để tránh. Ngay khi đó, chuyển hướng chân phải của mình qua khoèo chân phải đối thủ, gọi là đòn Kouchi Gari. Cũng như lần trước, đối thủ cũng bước chân phải lui sau để tránh. Khi ấy, phần trên cơ thể đối thủ sẽ bị nghiêng hẳn về phía trước. Ngay khi đó, lao vào dùng chân phải chặn ngang (không cho đối thủ bước chân phải tới trước) và xoay người quật đối thủ cắm đầu xuống trước mặt mình. Dù đối thủ to lớn cỡ nào mà kuzushi được áp dụng bài bản như vậy thì vẫn dễ dàng quật ngã anh ta bằng đòn tai otoshi. Tất nhiên các cao thủ Nhu đạo đều thuộc những đòn liên hoàn ấy như… cháo. Không dễ gì áp dụng kuzushi đơn giản như vậy với họ. Nhưng đối với những người chỉ biết đấm đá thì dễ bị mắc bẫy vì tưởng rằng một cái khoèo chân ăn thua chi, bước lui một bước ăn thua gì, bước lui thêm bước nữa có sao đâu…

Tâm lý cá nhân cũng y chang vậy. Trong bữa tiệc, nhiều khi nghĩ uống một ly với bạn bè có sao đâu. Dẫu có thêm ly nữa cũng vậy; lái xe vẫn được! Nhưng sau hai ly thì trạng thái tâm lý không còn như ban đầu; bắt đầu hơi… chúi chúi. Tùy theo tửu lượng cá nhân; có người sau đó chỉ thêm nữa ly là gục ngã. Về tâm lý… kuzushi này, có một câu chuyện trong sách Tàu mà nhiều người biết. Có người đàn ông cô đơn nọ sống cô độc trong một căn nhà hẻo lánh. Gần nửa đêm, có một người đàn bà (chắc còn đẹp) gõ cửa xin trú mưa. Ông nhất định không cho dù (được) bà lý giải này nọ. Ông biết cho bà vào trong chờ hết mưa cũng không sao. Lỡ chưa hết mưa, bà hỏi nhờ mượn một cái áo khô để thay kẻo lạnh quá cũng không sao. Đang thay áo bà hỏi mượn thêm cái khăn để lau cho đỡ ướt… Bên Tàu người ta dùng nhiều thứ tiếng nhưng cũng không khác gì Ouchi với lại Kouchi trong tiếng Nhật. Lúc đấy ông chỉ chúi đầu, biết vịn cái gì mà đứng dậy?

Tựu trung, để thực hiện được những điều trong New Year’s resolutions, chỉ cần đừng ngã lòng là được.

HNH – chuyenkhongdau@gmail.com