Gã tần ngần đứng trước ngõ. Không gian tối ám. Ngọn đèn nhỏ trên cao hắt một mảng sáng yếu ớt xuống bảng chỉ tên đường. Ngõ 164 Phố Hồn Ma. Gã giật mình. Cơn gió lùa qua ngõ. Gợn lên da thịt gã cảm giác ớn lạnh. Ba chữ Phố Hồn Ma màu trắng ẩn hiện dưới bóng đêm nhờ nhợ đã cho gã cảm giác thất lạc thế nào. Gã đói. Bỗng nhiên. Gã thèm bát cháo lú quá thể.
Đi thêm một khúc nữa. Gã bắt gặp người đàn ông đang vạch quần đứng đái trên bãi rác, ruồi nhặng bay vo ve quanh hàng chữ viết nguệch ngoạc “cấm đổ rác”. Gã liếc nhìn sau lưng người đàn ông. Thì ra là tên Tây ba lô. Thấy gã. Người đàn ông quay mặt lại trong khi vẫn còn đang làm “nhiệm vụ thiêng liêng”:
“Ông có biết làm thế nào để đến vịnh Cam Dai?”
Hắn nói tiếng Anh bằng giọng Mỹ, nhừa nhựa hơi men. (Nhưng hễ cứ đeo ba lô, tóc vàng hay tóc đen xoắn tít thì đều được người Việt Nam gọi là Tây Ba Lô). Gã nhận ra, mừng rỡ như gặp được cố tri:
“Anh cũng đến từ Mỹ à?”
Hắn nghe chữ “cũng đến” hối hả quay người lại, nói sau khi kéo dây quần cái rẹt:
“Tôi tên David đến từ Houston, Texas. Còn ông?
Hắn vồn vã chìa tay ra bắt. Gã ngần ngại, nhưng vì phép lịch sự cũng bắt tay lại. Xong, gã cảm thấy bàn tay của gã như vừa mới giúp việc tiểu tiện, cần một vòi nước và chút xà phòng. Gã lén lút chùi bàn tay vừa bắt sau đít quần. Đêm không thấy rõ mặt nhau. Gã đáp:
“Vâng! Tôi tên Tom đến từ San Francisco. Lúc nãy anh hỏi tôi cái gì Bay nhỉ?”
Hắn chỉ lên vách tường hàng chữ không dấu “Cam Dai Bay”:
“Ồ tôi hỏi đường đi tới Vịnh Cam Dai. Tôi vừa đi Ha Long Bay về. Đẹp lắm. Nhưng Cam Dai Bay, tôi thấy quảng cáo ở nhiều góc đường mà không biết tìm đâu.”
Gã nhìn lại hàng chữ “Cấm Đái Bậy” không dấu trên tường lần nữa, rồi phá lên cười. Lần này tiếng cười của gã động một góc phố. “Tây Ba Lô” ngớ người ra. Gã giơ tay làm một cử chỉ trong không khí. “Anh chờ tôi một chút.”. Rồi gã tự nhiên quay lưng kéo dây kéo xuống đứng đái. Xong, gã giải thích hàng chữ trên tường. David bật tiếng cười với gã:
“Tôi không biết thì không có tội. Ông biết rồi mà cũng còn đái bậy nữa sao?”
Gã bước đi. David vội vã theo sau. Hắn như buồn ngủ gặp chiếu manh. Ở Việt Nam, khi không có một người bạn đồng hành người Việt thông thạo tiếng Anh, không thích sao?
Thắm Nguyễn
o O o
“Chào anh. Em là Hương Hà Nội. Mọi người kêu em thế.”
Người con gái ngồi bên cạnh gã lên tiếng làm quen. Gã nhướng mắt nhìn lại. Cô còn nhỏ tuổi hơn con gái của tôi. Cỡ tuổi cô đáng lẽ phải kêu tôi bằng bác lận. Gã nhủ thầm, nhưng trong bụng vẫn thích. Già cỡ gã. Được con gái mới lớn gọi anh, xưng em ngọt như thế kia ai mà không thích? “Hương Hà Nội” nghe thơ mộng nhỉ. Chẳng nhẽ lại là “Hương Ngoài Đèo”? Người đâu dạn dĩ, tự nhiên quá. Đúng là “tự nhiên như người Hà Nội”. Gã mỉm cười với ý nghĩ thầm kín của mình. Con gái người ta trông ngây thơ thế kia. Ai mà nỡ lòng nào gọi là “heo ngoài đường”?
Hương Hà Nội lại cao giọng hỏi tiếp:
“Anh là Việt kiều về thăm quê hương đó nhỉ?”
Lần này, gã nhìn Hương Hà Nội kỹ hơn. Cô gái mặc quần jeans xanh, chiếc áo thun đen rộng cổ có in hai chữ bebe trước ngực, gã đoan chắc đó là hàng giả được Made in China. Cô có đôi mắt to, nhiều tròng trắng. Trông hơi lẳng lơ. Nước da trắng sáng. Tuy nhiên cô trang điểm khá đậm. Gã thầm đoán tuổi cô gái. Chắc cỡ đôi mươi là cùng. Nhưng cách trang điểm và lối nói chuyện, khiến cô già đi 10 tuổi. Hương Hà Nội nhướng mắt nhìn gã như đang thúc giục câu trả lời. Gã nhún vai:
“Tôi tên Tôm, là dân Mỹ… Tho.”
Hương Hà Nội phá lên cười như nắc nẻ:
“Anh đùa cũng duyên quá. Trông anh trắng trẻo, bảnh bao như thế này lại không phải là Việt kiều?”
Gã lắc đầu. May quá. Mái tóc còn dày, những sợi tóc nhuộm chưa kịp phai. Trông gã, khó ai đoán được gã đã “sáu bó lẻ mấy que”. Gã vừa ly dị vợ. Con cái đã lớn. Mạnh đứa nào đứa đó sống. Căn nhà cũng bị nhà băng tịch thu sau khi gã thất nghiệp. Chưa kịp về hưu. Xứ Mỹ thiệt ác. Chờ cho những kẻ như gã sắp được về hưu, nó tống khứ đi, mướn một lớp người trẻ khác vào làm, vừa được việc, tiền lương vừa rẻ hơn. Lẽ ra, nếu tính tuổi thật thì gã đã được về hưu rồi. Nhưng vì khi khai giấy tờ qua Mỹ. Gã nghe lời người ta, tự cho mình trẻ thêm 5 tuổi. Tưởng là khôn. Hóa ra gã phải cày thêm 5 năm nữa mới được về hưu. Nghĩ tới bạn gã, ngày xưa khai trụt tới 10 tuổi, bây giờ vẫn còn lụm khụm đi làm. Thật không có cái dại nào bằng cái dại nào.
Mất việc, mất nhà, mất vợ. Một chuỗi những hệ lụy. Thế là gã quay sang hận nước Mỹ. Gã quên mất nước Mỹ đã cưu mang gia đình gã, đã giáo dục con cái gã trở nên những con người thành đạt, hữu ích trong xã hội. Con người chóng quên ở những lúc cần nhớ.
Gã cười cười:
“Tôi nói làm sao cô mới tin?”
Hương Hà Nội cười trong trẻo như pha lê:
“Giọng nói của anh không dối gạt được đâu.”
“Tôi nói tiếng Việt Nam mà.”
“Tiếng Việt của anh nghe là biết Việt kiều liền à.”
“Tại sao?”
“Khó diễn tả lắm. Nó từ tốn. Nó… eo ơi. Giải thích được. Chết liền.”
Hương Hà Nội làm động tác, le lưỡi, nhún vai. Gã thấy cũng hay hay. Rồi cô đổi giọng:
“Việt kiều như anh mà bình dân nhỉ? Sao Anh không mua vé nằm có phòng, có máy lạnh cho thoải mái. Ngồi chi mấy toa này phức tạp lắm. Hơn nữa đường xa tới 33 giờ lận.”
Hương Hà Nội có biết đâu gã đang bị thất nghiệp ở Mỹ. Về Việt Nam chơi, gã cũng cố gắng dè sẻn từng đồng. Gã nói, giọng hơi cộc:
“Đã nói tôi không phải là Việt kiều mà.”
Hương Hà Nội nói lẫy:
“Ừ thì cứ cho là không phải đi. Thế anh ra Hà Nội ăn Tết à?”
“Tết với nhất gì đâu. Tôi đi cho biết Hà Nội 36 phố phường. Còn cô?”
“Em công tác ở thành phố Hồ Chí Minh. Tết nhất mua vé tàu khó quá, thành ra hôm nay mới ra được. Lần đầu tiên anh ra Hà Nội. Anh có quen ai ngoài đó không?”
“Không! Tôi chỉ đi chơi cho đỡ buồn.”
“À! Thì ra thế.”
Bỗng nhiên, Hương Hà Nội vươn vai đứng dậy. Cô cúi xuống hỏi gã. Hơi thở thoảng lên khuôn mặt gã, rất gần:
“Buồn ngủ quá. Anh có muốn uống cà phê không? Em đi mua.”
Gã lúng túng. Không dưng Hương Hà Nội tỏ ra quá thân mật:
“Không. Cô để tôi đi mua.”
Hương Hà Nội khoát tay:
“Ối dào! Nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ. Anh cứ để em. Em biết chỗ. Để anh đi không chừng lạc mất. Trên tàu, phức tạp lắm. Anh coi đồ đạc giùm em nhé. Em đi một chốc về liền.”
Gã nghe mát cả ruột gan. Hương Hà Nội quay người. Gã nhìn theo bóng cô len lỏi trên lối đi. Eo ong, mông tròn hơi xệ, lắc lư. Gã cười mỉm chi “mặt con nít, đít bà già”. Gã tự vỗ trán mình. Hư quá. Có ý gì với cô bé không mà suy nghĩ hơi quấy về cô? Hay hành động của cô đã bật đèn cho gã biết cô là “bò lạc”? Thôi thì Heo hay Bò gì cũng được. Có thể nhờ cô ấy làm hướng dẫn viên cho mình những ngày ở Hà Nội. Rồi sau đó thì tiền trao, cháo múc. Không tốt sao?
Tiếng người cười nói, cãi vã. Tiếng còi tàu inh ỏi. Tâm gã chẳng tịnh. Gã nhìn ra cửa sổ. Những bãi ruộng cằn khô. Những con bò ốm yếu, lừ đừ gặm cỏ cháy. Trời về chiều. Ánh hoàng hôn đang đuổi theo con tàu trườn mình, mệt mỏi. Một ngày sắp hết. Một năm sắp qua. Gã sắp già thêm một tuổi. Gã lang thang đón Tết nơi quê nhà với tâm trạng của kẻ không có quê hương. Tất cả đều xa lạ. Gã muốn hòa nhập vào cuộc sống bề bộn ngoài kia, nhưng khoảng cách vô hình nào đó đẩy lui gã với đồng bào trong nước. Lạ quá. Cũng là người Việt Nam, cũng là nước Việt Nam của gã. Nhưng thứ âm thanh cao vót, chửi bới tục tằn vì những chuyện không đâu, nơi sân ga, nơi toa tàu, làm gã có cảm tưởng mình lạc vào một đất nước lạc hậu, thiếu văn hóa nào. Không phải là quê hương của gã ở thế kỷ 21. Trái ngược những đất nước gã từng đi qua. Những phi trường bóng lộn, những sân ga hiện đại, tân tiến. Những con người lịch sự tiếp đón du khách. Không như những đôi mắt đầy hằn học, lẫn nghi kỵ hiện lên trên những nhân viên hải quan Việt Nam. Đúng là “Những đôi mắt mang hình viên đạn” (*) dạo nào vẫn còn đó, đeo đuổi gã, từ phi trường, đến khách sạn. Ôi những đôi mắt Việt Nam. Sao không nhắm bắn vào Tàu. Vào quân xâm lược. Mà nhắm vào những người Việt Nam về thăm quê, mang ngoại tệ về giúp nước một cách nào đó. Những đôi mắt ganh tị. Những đôi mắt được “Thép đã tôi thế đấy” (**) hay bản chất xã hội qua sự giáo dục của đảng đã biến thành như thế?
Hương Hà Nội quay về. Hớn hở với hai ly cà phê sữa đá trên tay. Cô mời gã một ly. Tiện tay, cô cởi chiếc xách Louis Vuitton giả trên vai, bỏ xuống ghế trước khi ngồi. Cử chỉ gây chú ý. Gã cười thầm. Dân Hà Nội thiệt là sính hàng ngoại, hàng hiệu. Hương Hà Nội vén tóc qua một bên. Tự nhiên ngậm ống hút. Nhìn môi cô chun lại hút cà phê, khiến gã đoán được cô vừa mới tô lại môi son. Gã thấy mở cờ trong bụng. Bỗng nhiên, Hương Hà Nội làm như vô tình vỗ vào bàn tay gã, reo lên:
“Anh nhìn xem kìa. Ánh hoàng hôn thật đẹp, anh nhẩy?”
Giọng nói nũng nịu như đang nhõng nhẽo với người tình. Nói xong, Hương Hà Nội làm bộ xích lại, dựa sát người gã hơn. Gã chẳng nghe mùi cà phê mình đang uống, chỉ ngửi thấy mùi nước hoa sức hơi quá tay tỏa ra từ người Hương Hà Nội.
o O o
Gã ngủ quên từ lúc nào. Khi tỉnh dậy, gã đã thấy hành khách lục tục kéo nhau xuống tàu. Gã giật mình. Phản ứng đầu tiên của gã là rờ túi quần sau. Ví tiền của gã đã không cánh mà bay. Ly cà phê của gã có thuốc mê. Bây giờ gã mới hiểu tại sao. Gã lúng túng đứng lên. Cảm giác đau đớn của một người từng trải vừa bị lừa bởi một đứa con nít miệng còn hơi sữa. Đúng là “vỏ quýt dày móng tay nhọn”. Trong tâm gã cũng muốn lợi dụng Hương Hà Nội mua vui mấy ngày Tết. Gã muốn trào nước mắt. Nhưng nỗi uất ức khiến nước mắt của gã đông đặc, rơi tõm vào lỗ hổng trái tim. Không một tiếng động vọng. Hành lý của gã chỉ là chiếc xách tay đựng áo quần và những thứ lỉnh kỉnh cũng biến mất. Gã quay sang hỏi hành khách sau lưng gã có biết người con gái ngồi cạnh gã đi đâu không? Được trả lời cô ấy đã xuống ga Ninh Bình. Gã lảo đảo theo chân hành khách, bước một cách vô hồn.
Ra khỏi nhà ga. Gã nhìn lên chiếc đồng hồ to tướng trên hàng chữ Ga Hà Nội được sơn đỏ. Gã nghĩ nhanh trong đầu. Ga Hàng Cỏ được Tây khánh thành năm 1902 là đây. Cũ kỹ và lạc hậu, không được trùng tu. Chẳng có gì đặc biệt cho một dấu mốc của lịch sử. Mới 4:15 sáng. Gã không biết về đâu. Trời Hà Nội se lạnh. Gã run vai.
Những người tài xế taxi giành giật khách với những kẻ lái xe ôm. Khung cảnh bát nháo. Gã đút tay vào túi quần. Mừng húm, vì nghe cồm cộm một xấp giấy bạc Việt Nam mà gã đã đổi trước khi ra Hà Nội. Trên tay gã. Thì ra còn chiếc đồng hồ Omega mà Hương Hà Nội bỏ sót lại. Gã chọn đại một người lái xe ôm vừa trờ tới mời chào gã. Những tiếng chửi thề tục tằn của những kẻ đến trước. Gã rối trí, leo lên yên sau. Nói với tên tài xế đưa gã về một phòng trọ gần nhất.
Người lái xe ôm dừng xe lại trong một con ngõ cụt. Hắn bảo gã xuống xe. Gã hốt hoảng nhảy xuống:
“Tới nơi chưa? Có chuyện gì vậy?”
Người lái xe ôm dựng xe. Lấy trong túi áo ra chiếc dao bấm. Hắn bấm dao, ánh sáng lóe lên trong ngõ vắng. Hắn cất tiếng, lành lạnh:
“Có bao nhiêu tiền đưa hết cho tao.”
Thấy gã chần chừ. Hắn rít giọng nói qua kẽ răng:
“Khôn hồn. Nếu mày không muốn bỏ xác ở đây thì đưa hết tiền cho tao.”
Gã run rẩy nhìn hắn. Hắn còn trẻ. Rất trẻ. Trẻ hơn con trai của gã. Nước da thiếu máu, trắng tái. Như ma cà rồng. Gã bước thụt lùi, co giò định bỏ chạy. Nhưng nhanh như cắt. Tên con trai nhào tới đẩy gã sát tường, trong khi tay kia gí dao vào cổ gã. Gã nghe máu trên cổ gã chảy ra. Và, mơ hồ thấy tên con trai đang liếm lưỡi. Sợ quá. Gã móc tất cả tiền trong túi quần đưa cho hắn. Hắn gằn giọng:
“Còn cái đồng hồ nữa.”
Gã xót xa cởi chiếc đồng hồ. Hắn chụp lấy đồng hồ, buông gã ra, nhảy thót lên xe rồi rồ máy phóng ra khỏi con ngõ.
o O o
Trời gần sáng. Gã nhìn quanh. Thì ra gã và David đang ngồi trước cổng trường “Trung Học Phổ Thông Đoàn Kết – Hai Bà Trưng”. Tết nhất. Trường đóng cửa ăn Tết. Không khí âm u. Xa xa, những người dân trong phố bắt đầu thức dậy chuẩn bị cho một ngày bận rộn. Họ lặng lẽ làm việc. Bóng họ như những hồn ma vật vờ. Phố Hồn Ma? Gã nghe ớn lạnh. Trời vẫn chưa sáng hẳn. Khung cảnh vắng vẻ. Xác xơ. Gã gượng cười với David:
“May mà tôi cất giấu passport và chút Mỹ kim trong quần lót của tôi. Chúng mình kiếm một phòng trọ để share, rồi đi ăn sáng. Ước gì có một cái Hamburger. Ngày mai tôi sẽ về lại Sài Gòn và sau đó trở về Mỹ càng sớm càng tốt.”
David cười hiền hòa:
“Tôi cũng đang thèm Hamburger và một lon Coke. Mà ông tính như thế cũng được. Kinh tế nước Mỹ tệ quá. Tôi cũng vừa bị mất việc như ông. Tôi chưa muốn về lại Hoa Kỳ. Ba tôi từng tham chiến ở Việt Nam. Tôi muốn tìm hiểu mảnh đất ba tôi đã phải hy sinh. Mẹ tôi vừa mới qua đời. Tôi tìm thấy ba tôi trong đống hình ảnh cũ kỹ của bà.”
Gã nhìn thẳng vào mắt David bày tỏ sự thông cảm. Bỗng nhiên gã nghe lòng chùng xuống. Gã nói nhỏ:
“Tôi cũng từng là chiến sĩ VNCH, từng sát cánh bên đồng minh như cha anh.”
David nhìn gã thật lâu. Cả hai cùng im lặng. Một lúc sau – để phá tan không khí nặng nề – gã nói nửa đùa, nửa thật:
“Anh cẩn thận. Đất nước này có nhiều bẫy rập lắm. Còn nguy hiểm hơn lúc chiến tranh. Chính tôi cũng không ngờ. Anh coi chừng không có mạng trở về với vợ con.”
David lắc lắc đầu:
“Tôi đã ly dị vợ, như ông. Nói thật, tôi cũng bị sốc khi đáp xuống phi trường Nội Bài. Cảm ơn ông. Câu chuyện của ông khiến tôi phải hết sức cẩn thận.”
Gã xoa tay:
“Thôi. Dầu sao chúng ta cũng phải đứng lên và đi tìm phòng trọ chứ. Tôi cảm thấy con người tôi dơ bẩn quá. Tôi thèm được tắm một cái.”
David đứng dậy, mang ba lô, cười:
“Tôi cũng thế. Cả tuần nay tôi chưa được tắm.”
Gã vỗ vai David, giễu:
“David à. Có chỗ nào dành cho người Việt Ba Lô không?”
“What?”
“Cái gì hả?”. Gã cười. Cả hai cùng sánh bước. Lúc đi ngang qua ngõ 164. Đột nhiên gã phá lên cười một mình. Quỷ ma con nhà ai mà phá phách quá thể. Gã nhìn kỹ bảng tên chỉ đường. Kẻ nào đã tinh ma sơn khéo một lớp sơn màu xanh dương, tiệp với bảng chỉ đường, che lấp hai chữ g và i. Thì ra đây là Ngõ 164 Phố Hồng Mai. Khỉ thật. Thế mà tối hôm qua làm gã sợ hết hồn.
Ánh dương đang lóe lên cuối phố. Một ngày mới bắt đầu. Gã nhẩm tính. Hôm nay là ngày cuối năm.
VP
(**) Tác phẩm của nhà văn Nga, Nikolai Alekseyevich Ostrovsky (1904-1936)