Có thể nói “Bụi Đường” là tác phẩm tự truyện của nhà văn Vĩnh Hảo. Ông tự tiểu thuyết hóa cuộc đời của chính ông, tạo thành những cảnh ngộ éo leo, tình cảm phức tạp, xen lẫn với nỗi hoan lạc, mê đắm, say sưa. Đọc những giòng chữ của Vĩnh Hảo, độc giả tưởng như đang xem một tấn tuồng đời với đầy đủ cung bậc phù du, ảo mộng, của thế sự thăng trầm. Triết lý Phật Giáo là tư tưởng bàng bạc trong suốt tác phẩm, với những nhân vật là các vị tăng lữ, các tu sinh trong buổi giao thời của năm 1975, khi Miền Nam Việt Nam thuộc quyền cai trị của chính quyền cộng sản. Tôn giáo nào cũng bị nhà nước kiểm soát chặt chẽ, buộc các tu sĩ phải hoàn tục. Một số tu sĩ bị mê hoặc trước chủ thuyết xây dựng đất nước mới, xã hội mới, trở thành cán bộ phục vụ cho chế độ cộng sản. Để rồi sau đó họ bị cuốn theo chiều gió, trôi như bụi đường, giữa vòng xoáy trầm luân trên ván cờ đời. Nhưng chú Khang – nhân vật chính của tác phẩm – thì khác. Chú ở trong chùa, hàng ngày làm ruộng sinh sống; những ngày nghỉ việc ở nhà, nghe Thầy Như Chấn giảng kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật, kinh Lăng Già, kinh Lăng Nghiêm…

“Những kinh ấy Thượng Tọa giám viện đã có giảng cho quý thầy lớn, hoặc cho chúng tôi trước đây, nhưng qua Thầy Như Chấn, tôi thấy tâm mình sáng rõ hơn, thấy rõ con đường và mục tiêu tối hậu của Thiền Học Phật Giáo. Có thể tâm tôi vào lúc ấy, đã như một miếng đất lành vốn được phát quang sạch sẽ bởi thầy tôi, bởi Thượng Tọa Giám Viện, và qua bao nhiêu năm tháng nỗ lực tu tập nên Thầy Như Chấn chỉ cần tưới nước, chăm bón thêm là những hạt mầm tốt đẹp ươm sẵn được vùng dậy, vươn lên, khai mào cho một tiến trình phát triển mạnh mẽ hơn.” [ Trang 54]
Câu văn của Vĩnh Hảo nhẹ nhàng thấm đậm nước Cam Lồ, như âm vang linh chung – một loại pháp khí của Thiền Môn, được gọi là chuông nhỏ hình thù như cái khánh, nhưng có tay cầm ở phía trên, bên trong là quả lắc bằng đồng. Tiếng linh chung ngân vang êm ái phổ nhạc thánh đức vào lòng người, cơ hồ những giọt sương trong ngần rơi trên lá cỏ, lấp lánh dưới ánh bình minh; khiến lòng của Chú Khang cũng như lòng của nhân thế cảm nhận sự bình an, mặc dầu trong nắng trong gió bụi đường trôi nổi tung bay. Người ta thường nói, muốn thưởng thức một áng văn, một bài thơ có Phật Tánh, có Thiền Phong Thiền Vị, phải đi tìm tinh thần Bát Nhã mà tác giả gửi gắm trong đó. Nhưng trong “Bụi Đường” tư tưởng Phật Học không hiển hiện như một đoạn diễn trình hay giảng giải sự uyên thâm về giáo lý, mà chỉ là sự suy nghĩ của các nhân vật. Chú Khang nghe tiếng linh chung trở về với chân tâm. Biết bao con người vì ngã mạn, vì dục vọng, vì sở kiến che mờ chân tâm, biến chân tâm thành tâm thức, vì thế phải gian nan đau khổ trong vòng sinh tử luân hồi. Theo giáo lý nhà Phật, trở về với chân tâm là trở về với bổn nguyên thường trụ, là sự chứng ngộ, được đắc quả, tuy chưa nhập Niết Bàn thành Phật, cũng thành chư hiền Thánh Tăng.

Nhà văn Vĩnh Hảo tên thật là Nguyễn Phúc Vĩnh Hảo sinh năm 1958 tại Nha Trang, nguyên quán Thừa Thiên, hiện cư ngụ tại California. Thuở nhỏ có một thời đi tu, nên hầu hết các tác phẩm của ông có liên quan đến Phật Pháp, một trải nghiệm phong phú với đủ mọi khía cạnh hỉ-nộ-ái-ố, cho thấy con người vừa trần tục, vừa có thể thanh cao. Trong vòng 25 năm ở hải ngoại, nhà văn Vĩnh Hảo viết gần 15 tác phẩm gồm thơ, truyện dài, truyện ngắn, tùy bút tiêu biểu như “Núi Xanh Mây Hồng, Phương Trời Cao Rộng, Bụi Đường, Ngõ Thoát, Cởi Trói 1&2, Mẹ, Quê Hương Và Nước Mắt, Biển Đời Muôn Thuở, Thiên Thần Quét Lá, Giấc Mơ Và Huyền Thoại, Sân Trước Một Cành Mai, Con Đường Ngược Dòng …”
Trong cuộc hành trình đầy gió bụi đi tìm sự thường hằng, hay nói cho đúng thì sự thường hằng không bao giờ bị mất, chẳng phải vội vã đi tìm. Sự thường hằng này ở ngay trong cuộc đời bình thường của mỗi người. Một khi bình an sống, bình an hít thở không khí trong lành của trời đất, bình an chu toàn bổn phận hàng ngày, sự thường hằng tự nhiên đến, không cần phải đào bới trong công án, trong thoại đầu. Đây là suy nghĩ của chú Khang và cũng chính là tiếng nhã nhạc của linh chung ngân vang trong “Bụi Đường.”