– Khi những cơn mưa đầu đông kéo về, nước tại các con sông dâng lên, kéo theo đó là những con tôm, con cá bơi theo dòng nước đổ về các sông tràn ra biển cả. Cũng thời điểm này, rất nhiều người ở các địa phương như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định,…kiếm “cơm” mỗi ngày nhờ “lộc trời” Cất rớ theo nước trời…
Tôi về làng rớ Cửa Đại, phường Cửa Đại, TP. Hội An (Quảng Nam) nằm tại vùng giao thủy sông Thu Bồn và Trường Giang.
Nơi đây, có hàng trăm chiếc rớ cất mỗi ngày, khi thủy triều đỏ con nước, cũng là lúc những ngư dân làng rớ mang lại mang đồ đạc lỉnh kỉnh rổ, nón, đồ uống, thùng xốp,… ra cồn cát Cửa Đại.
Rớ ở cửa biển chủ yếu là rớ trong lộng, ông Mai Văn Trúc (67 tuổi), khối Phước Hải, phường Cửa Đại, TP. Hội An, với hơn 40 năm kinh nghiệm, nói: “Rớ lộng làm dễ hơn, không nhọc lắm, ở đây nước êm nên làm lộng là thích hợp”. Cũng thời điểm tháng chạp, cá tôm cũng lắm, nên nhiều ngư dân trong vùng tranh thủ cất mẻ rớ. Ngay cả trên các ao tù nước đọng, người ta cũng sắm chiếc rớ nhỏ để đánh mẻ.
Ở cồn cát Cửa Đại, nơi sông đổ ra biển, nên cá tôm cứ dâng theo con nước. Mỗi hộ sắp cho mình được 1 – 2 lộng, mỗi lộng có một trục quay, dùng cất, thả rớ, ông Trúc cho biết: “Trục quay được nối với 4 cọc tre, và các cọc được đóng sâu dưới nước, trục quay sẽ nâng, hạ lộng một cách dễ dàng, nhà nào cũng đầu tư hơn 3 triệu cho một dàn trục quay”.
Còn về dàn lưới, tùy chất liệu là cước, ni lông mà giá dao động từ 8 – 15 triệu. Mỗi lộng dài khoảng 37m, rộng 22m. Một dàn lưới có thể dùng từ 10 – 15 năm, lộng được đặt cách bờ 2 – 3m. Ban ngày, rớ được cất lên mặt nước, việc thả rớ chủ yếu vào ban đêm. Với ông Trúc, ông vừa thả ngày lẫn đêm, bắt được con nào hay con ấy, xong ông đem vào ướp lạnh. Còn vài hộ dân gần đấy, chủ yếu là hoạt động về đêm. Trên mỗi chiếc rớ, mắc một bóng đèn cao áp chiếu xuống mặt nước để nhử cá.
Lưới được cất lên, thả xuống, cứ chốc 10 phút lại chạy ra xem rớ một lần. Ông Trúc cho biết: “Chỉ cần nhìn dòng chuyển của nước là biết có cá hay không”. Về đêm, mỗi người cứ cách 2 tiếng lại tỉnh giấc để ra xem cá.
Ở đây, phụ nữ cũng như đàn ông, vợ chồng thay nhau canh rớ, chị Võ Thị Thu, phường Cửa Đại, tp. Hội An, cho biết: “Cứ chồng kéo lộng, vợ lấy cá. Làm rớ phải hai người làm mới xong nhanh được. Kể cũng vui, nhà tôi có 2 rớ, tối đến, cứ mỗi 2 tiếng, lại đánh thức nhau dậy, ra kéo lộng”. Chị nói, lúc được cá, mà trúng phải 30, mùng 1 âm lịch, người ta ăn chay thì mấy bà buôn cá cứ lấy cớ mà trả thấp xuống, còn lúc không có cá, thì mấy bà ấy cứ bảo sao không làm”.
Giữ nghề rớ dù thu nhập chẳng mấy đồng…
Nói về chuyện mua cá trên cồn cát, chị Thu cho biết, cứ mỗi 1 – 2 giờ sáng là các mối cá ở huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) lại tìm lên mua cá, nên làm rớ chỉ đến gần sáng là bán vừa. Giá bán cũng tùy từng loại, người làm rớ, thì kể như vô chừng loài cá, cá đối, cá trám, cá cơm… cho đến tôm, ghẹ. Những lúc nước lớn hơn tý, thì có cá Sơn, ở làng rớ này, chị Thu bảo, người nào thu nhiều cá Sơn xem như một đêm có thể thu về hơn 1 triệu.
Như vậy, bình quân với giá bán dao động từ 30 – 70 nghìn/kg tùy loại cá, người làm rớ thu về chừng 400 – 500 nghìn/đêm. Nhưng cũng vì cực khổ, nằm sương ăn gió mà nhiều người làng rớ phải bỏ nghề mà đi.
Ông Trúc, cho biết: “Hết đời tôi thì giữ lộng làm kỷ niệm, 2 đứa con trai lớn thì có việc cả, cũng không ngó ngàng đến nghề rớ”. Ông kể, ngày xưa, nơi đây vốn rất đông dân làm rớ, từ khi bắt đầu xây cầu Cửa Đại thì cá cũng ít đi, nên người ta bỏ đi làm thuê cả, những người như tôi thì già rồi, thích thì làm thôi”.
Anh Mai Văn Có (49 tuổi) cho biết, ban ngày tôi làm thuê cho người ta, đụng đâu làm đó, bất kể, chỉ có ban đêm là đi làm rớ thôi, nhưng nhọc quá, nhiều đêm thức không nổi, mà cá thì lúc có, lúc không, thu nhập bấp bênh nên lâu lâu tôi mới ra rớ.
Dẫn chúng tôi đến căn nhà nhỏ dựng tại cồn cát, ông Trúc cười: “Đây là nhà tạm bằng tre, ở đây, ai cũng có 2 nhà, tôi có căn nhà xây ở phường Phước Hải. Hết tháng 8, chúng tôi lại về đất liền”. Theo lời ông, người làm rớ cồn cát ở nhà tạm nhiều hơn nhà xây. Quanh năm chỉ có 4 tháng, tức là từ tháng 8 đến tháng 12, là về với con cháu vì những tháng đó, mưa bão nhiều, cất thả rớ đều không được, nước động, cá sẽ chạy.
* Không chỉ có nghề cất rớ có “lộc trời” ngày nước thủy triều dâng, mà mấy ngày nay, tại Bình Định, Quảng Nam,… nhiều ngư dân cũng có cơ hội thu lãi triệu đồng mỗi ngày nhờ nghề bắt tôm hùm giống. Bắt đầu từ tháng chạp, cũng là lúc tôm hùm mẹ kéo nhau về các bãi rạn, vịnh, cồn cát để sinh sản. Mỗi con tôm hùm giống giá 250.000 đồng/con.