Buổi tối.
Phố thị lên đèn. Khách bộ hành hối hả như những con thoi, ráo riết xuyên về phía trước, sánh đôi cùng những tia gió bấc.
Cái năng lực của New York có thể làm cho người đến thăm đổ mệt. Phải thật sự can đảm và kiên nhẫn để làm quen với thành phố này. Ai cũng thế, không ngợp vì người, thì sẽ ngợp vì xe, vì gió. Không khéo, những người yếu tim có thể bị thành phố này làm cho giật mình.
Đời sống cao tốc ở Hoa Kỳ được biểu hiện rõ ở cái ồn ào náo nhiệt ở đây.
Sau một tuần lễ, tôi thất vọng nhận ra cái không gian (nằm lọt giữa những bức tường) mà tôi ảo tưởng là rất riêng tư kia, thật ra cũng trực tiếp thông với cái luồng xoắn của quỹ đạo càn khôn vận hành.
Chỉ khi màn đêm chìm sâu vào trong những căn nhà ngủ say, thì đại lộ số 2 mới bắt đầu lên tiếng. Tiếng còi xe, tiếng xe băng trên đường, tiếng la ó của ai đó, vọng vào khung trời tĩnh lặng của khu vườn thưa. Rõ mồn một.
Thằng bé ở dãy nhà bên kia khu vườn đã thức dậy. Nó vươn vai và gí mũi vào cửa sổ để ngóng lên trời. Hôm nay trời đẹp quá, có lẽ nó thích đi chơi hơn là đi học.
Tôi không nhìn rõ được mặt mũi nó như thế nào. Tôi chỉ biết, nó độ chừng tám tuổi, và có một thân hình rất mảnh khảnh. Có lẽ nó thuộc dạng lười ăn. Mỗi khi lên đèn, thì cả một căn phòng hiện ra như trong chuyện cổ tích. Bình thường, căn phòng ấy chỉ hiện hữu như một khung cửa sổ âm u. Khi ánh điện chan hòa, ba khung ảnh nhỏ treo bên cạnh cửa ra vào bắt lấy ánh sáng, soi mập mờ những đường nét của những bức họa không tên. Chiếc giường ngủ của nó được đặt sát cửa sổ. Giữa chiếc giường và tủ quần áo là kệ TV.
Rõ nực cười! Người dân New York tự cho mình là những người rất ‘riêng tư,’ vì họ chả mời ai về nhà để gặp gỡ cả. Có việc gì, cứ hẹn nhau ra hàng ra quán. Nhưng tôi lại nghĩ, làm thế nào để riêng tư trong khi cái hít vào thở ra của mỗi ngày cũng đan chằng chịt bao con người với nhau trong một không gian chật. Riêng tư làm sao được khi bạn chỉ cần bước xuống phố thì thấy từng đoàn người vác quần áo đi giặt, người ta ngồi ở các quán vỉa hè ăn uống chuyện trò, trẻ con mang đàn ra bậc tam cấp và treo bảng “Hát Gây Quỹ cho Malaria,” hay như thằng bé bên kia khu vườn ngày ngày ‘hiện ra’ và ‘biến mất’ cùng với ánh sáng và bóng đêm. Những hàng xóm, tuy bạn không hề biết tên hay không hề chào hỏi, vẫn sống thật gần với bạn, đôi khi chỉ cách một bức tường. Có lẽ riêng tư là ở chỗ đó chăng?
Tôi thấy, New York quả thật không riêng tư, mà rất ư là bình dân và đầy chất sống. Ở khu Upper East Side này, cả ngày nhộn nhịp, cả ngày ‘không riêng tư,’ cả ngày tất bật. Sức sống mãnh liệt của một thành phố ngoi ngóp trong một không khí thiếu Oxy thừa khí thải – một sự nghịch lý lạ lẫm. Mà người ta cứ sống. Sống vô tư. Sống tràn đầy. Sống thật hết mình. Như công viên Carl Schurz bên bờ sông Đông, mỗi mùa một sức sống, mỗi ngày một bầu trời mới. Gió sông thổi vào, có khi mát rượi, có lúc lạnh căm. Và trên đường phố, người ta chen nhau, kẻ hối hả, người thảnh thơi. Những người đi giao thức ăn, hầu như toàn nam giới, đạp xe băng băng, như thể vượt trên cả giao thông và những đôi chân đang chen nhau khắp phố kia. Mà ‘đi trông hướng’ ở đây là một việc rất cần thiết. Không va vào người cũng giẫm phải phóng uế. Thật vậy, chỉ cần vừa đi vừa tránh bao nhiêu là rác rưởi và phân chó trên vỉa hè, rồi giật mình vì có mùi hương đâu đó ập vào mũi, nhìn lên thì trước mặt là một cậu thanh niên đeo balô đang ôm khư khư bó hoa theo mùa trong lòng – cậu giao hoa, hay mang hoa về cho người yêu? Bao nhiêu điều trộn lẫn vào nhau. Tôi luôn ngắc ngoải giữa sự thù ghét thực trạng phóng uế trên đường phố, và cái thú thong dong giữa trời đi tìm dòng sông. Mỗi lần đi dạo phố, tôi không quên lầm bầm trách cứ những con chó không lịch sự và những ông bà chủ thiếu trách nhiệm công cộng của chúng. Kiện ai bây giờ?
Có lẽ trong những thành phố ở Mỹ, New York có nhiều nét gần gũi với lối sống ở các thành phố lớn Châu Âu nhất. Một điều rõ ràng, là có rất nhiều người ‘di dân’ từ Châu Âu sang New York. Họ sống và làm việc ở đây, và thường xuyên đi lại giữa New York và các xứ sở quê hương của họ ở bên kia bờ Đại Tây Dương. Khoảng cách địa lý chắc chắn có cái lợi của nó, vì cho dù phương tiện đi lại thời nay có tân tiến đến đâu đi nữa, thì cái chuyện đi về dễ dàng vẫn là một yếu tố quyết định cho những ai sống đời hai quê.
Đêm qua, tuyết rơi.
Sáng nay, anh đi làm, được ít phút gọi tôi. Tôi nhấc máy. “Cưng đã ra khỏi giường chưa?” “Tuyết rơi rồi! Em thấy ngoài ban công.” “Cưng cẩn thận nghe. Hôm nay đi ra ngoài phải cẩn thận.” Tuần trước, anh đi lên dãy phố phía trên, tìm thuê bộ phim, ‘Les Choristes’ cho tôi xem. Giữa đường, anh hớn hở gọi về, “Sắp có tuyết rơi rồi đó Cưng! Tuyết bắt đầu rơi rồi!” Tôi đến cửa sổ nhà bếp, nghiêng đầu nhìn qua cái hình thoi bé xíu giữa bốn bức tường nối phía lưng của bốn căn hộ. “Trời hồng rồi, Cưng!” Cả tháng, hai chúng tôi cứ ngóng lên trời, và trời cứ xám xịt.
Thế nhưng, ngày hôm sau, tuyết cũng không rơi. Tôi bắt đền anh. Anh không biết làm sao cả. Anh bền bỉ thật. Lúc nào cũng trông chờ tuyết cho tôi. Nhưng năm nay, tuyết đùa dai quá. Bắt tôi đợi, nhưng có lẽ anh đợi nó nhiều hơn tôi.
Sáng nay, tuyết viền theo những thanh sắt ngoài ban công, và chấm phá đây đó trên thân cây ngoài vườn. Chỉ một tí thôi. Có lẽ New York sẽ hụt một mùa tuyết rồi. Tháng trước, khi chúng tôi đi dạo dọc bờ sông Hudson ở gần phía đảo Ellis có tượng Nữ thần Tự Do, tôi chỉ cho anh thấy, những thân cây khẳng khiu đã đâm chồi xanh, và có cả những cây đã đơm hoa như thể không đủ kiên nhẫn để chờ đến mùa xuân. “Chúng ta bị mùa đông ăn gian mất rồi!” và anh lơ đãng, như mơ về vùng tuyết trắng trên đỉnh Alps ở quê nhà.
Tôi hứa với anh, nếu chúng tôi sống ở vùng không có tuyết, hằng năm, tôi sẽ đưa anh về thăm quê và đi trượt tuyết. Nhưng tôi lại rất sợ lạnh. Tôi vật vờ trong cái lạnh. Nhưng anh yêu tuyết quá, tôi không đành lòng. Lần anh đến thăm tôi ở Hoa Thịnh Đốn khi tôi đi dự đại hội Fulbright, anh tung tăng như trẻ thơ, nhảy nhót đón lấy tuyết. Anh nói, tuyết đẹp. Và tôi ghen, tưởng như anh yêu tuyết hơn yêu tôi. Anh bảo tôi là tuyết của anh, vì hình như có tôi, thì tuyết mới chịu rơi.

Bảo Huân