Menu Close

Các nhân vật chánh trong kịch bản xăng dầu

Hôm Thứ Năm giữa tuần trước, giá xăng trung bình tại Hoa Kỳ là $2.24 một gallon. Chỉ duy nhất các bác tài tại Alaska (trung bình $3.09 / gallon) và tại Hawaii ($3.53 / gallon) tốn tiền xăng trên $3 mỗi gallon. Có không ít trạm xăng thậm chí treo giá 1 gallon xăng dưới $1.80.

alt

Bên trong một cơ sở dầu hỏa tại Trung Đông.

Giá xăng đang xuống thấp nhất trong nhiều năm. Dư luận hiện nay rất râm ran về giá xăng giảm một cách ngoạn mục và kỳ lạ. Thêm vào thực tế hôm 30-12-2014, Bộ Thương Mại Hoa Kỳ ban hành một loạt biện pháp nới lỏng lịnh cấm xuất cảng dầu thô vốn đã áp dụng 4 thập niên qua. Trẻ sẽ thử tìm hiểu nguồn cơn lý do xăng dầu thế giới rớt giá; các ảnh hưởng kinh tế/chánh trị/xã hội của nó; các cường quốc/thế lực/cá nhân được hưởng lợi hoặc chịu thiệt hại; tương lai năng lượng… Trên trang báo tuần này, mời quý độc giả cùng chúng tôi điểm qua vài chân dung tài tử chánh trong vụ này.

alt

Bảng giá xăng tại tiệm Costco ở Westminster, tiểu bang Colorado hôm 23-12-2014. Ảnh REUTERS/Rick Wilking

Trước hết, cần kể Saudi Arabia, xứ khai thác, chế biến, và xuất cảng dầu hỏa bậc nhất thế giới. Quyết định của nước này không giảm mức sản xuất có tác động trực tiếp tới việc xăng rớt giá. Hôm 27-11-2014, tại hội nghị khẩn cấp của khối các nước xuất cảng dầu hỏa OPEC, Saudi Arabia đã bác bỏ thỉnh cầu của các nước nhỏ hơn, xin giảm mức độ bơm dầu để giữ giá thị trường. Saudi Arabia thậm chí đã công bố ngân sách quốc gia năm 2015 bị thâm thủng nặng. Nếu năm 2013, họ đạt doanh số xuất cảng dầu hỏa $276 tỉ, thì năm 2014 rớt xuống $248 tỉ. Nước này có trữ lượng dầu hỏa lẫn ngoại tệ đều dồi dào, nên đủ sức… gồng để giữ mức thị phần của mình, mặc tình để cho giá xăng giảm làm điêu đứng các nước khác nhỏ hơn.

Trên nhiều phương diện có thể xem Saudi Arabia là đồng minh của Hoa Kỳ. Cuộc diện xăng dầu hạ giá còn giáng đòn chí tử cho các đối thủ của Hoa Kỳ như nước Nga, Iran, hay Venezuela. Nền kinh tế các nước tùy thuộc hầu như trông cậy hoàn toàn vào lợi tức xuất cảng dầu hỏa.

alt

Một cơ sở dầu hỏa Trung Đông.

Nạn nhân thiệt hại nặng nhất có thể là nước Nga, nơi mà lợi tức xuất cảng dầu hỏa chiếm hơn 1/2 ngân sách chánh phủ trung ương. Nước này đang lâm cơn suy thoái kinh tế đến nỗi Bộ Tài Chánh của Moscow phải mở ngân quỹ dự phòng (Reserve Fund) và dự báo kinh tế quốc gia sụt giảm 4% trong năm 2015. Đồng tiền “Ruble” của Nga cũng rớt giá mạnh. Vì lo sợ hoảng loạn, trong mùa lễ vừa qua, nhiều người tiêu thụ Nga đổ xô đi mua sắm, gợi nhớ những cảnh rồng rắn xếp hàng thời Sô viết cũ. Cách riêng, tâm lý dư luận tại Nga… đổ thừa cho Hoa Kỳ khá phổ biến. Người ta tin rằng Washington ném đá giấu tay, kéo tuột giá dầu, cùng lúc bỏ nhỏ Saudi Arabia tiếp tục bơm dầu như bình thường, hầu làm kiệt quệ nguồn thu nhập của nước Nga.

Một nước thường ra mặt kình chống Hoa Kỳ là Iran cũng đang điêu đứng. Dầu hỏa mất giá trị làm phá sản các kế hoạch phát triển kinh tế của Tehran. Hiện tại, mỗi tháng Iran thua lỗ $1 tỉ vì xăng dầu giảm giá. Thiệt hại này còn thấm thía hơn cả khi Quốc Hội Hoa Kỳ ban hành các biện pháp cấm vận mạnh mẽ. Iran đang cận kề bờ vực khủng hoảng đến mức chánh phủ nước này ra chương trình cho thanh niên trả một khoản tiền để không phải đi quân dịch bắt buộc.

alt

Kỹ thuật “khoan ngang” (fracking) dùng áp suất chất lỏng làm nứt các tầng đá trong lòng đất, giúp bơm khí đốt và dầu hỏa lên mặt đất, là một trong những lý do khiến sản xuất dầu hỏa tại Hoa Kỳ tăng trưởng.

Đối với Trung cộng, trên bề mặt họ được lợi lớn với  xăng dầu xuống giá vì họ nhập cảng đến 60% lượng dầu hỏa cần thiết. Từ 2013, Trung cộng đã thay chân Hoa Kỳ, là nước nhập cảng dầu hỏa lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, một phần lý do dầu hỏa thế giới xuống giá là vì nhu cầu tiêu thụ xăng dầu tại Trung cộng giảm sút. Tháng 11-2014 vừa qua, mức nhập cảng của Trung cộng giảm 6.7% so với cùng thời gian năm ngoái, cùng lúc kỹ nghệ sản xuất xuống thấp nhất trong vòng 18 tháng. Không ít giới quan sát tỏ ra bi quan về viễn ảnh của nền kinh tế Trung cộng trên đà sa sút, và giá xăng giảm là để phản chiếu thực tế này.

Tại Nam Mỹ thì Venezuela có thể là quốc gia với trữ lượng dầu hỏa lớn nhất thế giới. Với 95% thu nhập xuất cảng nhờ dầu hỏa, nay xăng dầu xuống giá cũng lập tức đẩy nền kinh tế nước này vào cơn khủng hoảng. Lạm phát tại Venezuela đã lên trên 60%. Xã hội thiếu trầm trọng nhiều hàng hóa gia dụng thông thường như xà bông, dầu ăn, tã em bé, v.v… Đồng tiền mất giá nhanh, thiếu ngoại tệ, chánh phủ không thể nhập cảng thực phẩm, thuốc men, và nhiều hàng hóa thiết thực khác. Venezuela là nước đầu tiên có thể xảy ra các vụ bạo loạn xã hội vì bất ổn do giá xăng dầu hạ.

Trở về Hoa Kỳ, kỹ nghệ sản xuất dầu hỏa phát thịnh dữ dội những năm gần đây. Nếu như vào năm 2008, cả nước chỉ bơm 5 triệu thùng dầu hỏa mỗi ngày, thì đến 2014, mỗi ngày cả quốc gia sản xuất 9 triệu thùng. Dự báo sẽ đạt 10 triệu thùng mỗi ngày trước khi thập niên này kết thúc. Vì thực tế này, ngày nay Hoa Kỳ chỉ nhập cảng chừng 20% lượng dầu hỏa cần tiêu thụ, so sánh với 60% dầu hỏa nhập cảng chỉ mới hồi  2005.

alt

Bộ Trưởng dầu hỏa Saudi Arabia, Ali al-Naimi, tiếp báo giới tại hội nghị OPEC tại Vienna (Áo Quốc) hôm 27-11-2014. Ảnh REUTERS/HEINZ-PETER BADER

Và tại Hoa Kỳ thì Texas là tiểu bang sản xuất dầu hỏa nhiều nhất.Texas bơm dầu hỏa nhiều gấp 3 lần tiểu bang sản xuất dầu hạng nhì là North Dakota. Xếp sau nữa là các tiểu bang Alaska, California, và Oklahoma. Chỉ trong tháng 9-2014, một mình Texas sản xuất 3.23 triệu thùng dầu mỗi này (so sánh với cả nước Nga sản xuất 10.9 triệu thùng mỗi ngày). Kỹ nghệ dầu hỏa Texas tăng trưởng hơn gấp đôi chỉ trong 3 năm qua, góp phần lớn vào tăng trưởng kinh tế – chừng 12%. Trong tháng 10-2014, công ăn việc làm tăng 11% và số việc làm mới thêm nhiều nhất vẫn ở kỹ nghệ năng lượng. Tuy nhiên, giá xăng giảm mạnh có thể là ẩn số lớn cho kinh tế năm 2015. Đánh giá chung của giới quan sát là nửa đầu năm 2015 còn bình thường, nhưng kể từ mùa hè 2015, nếu giá xăng còn xuống thấp có thể ảnh hưởng xấu cho cả nền kinh tế tiểu bang.

Giá xăng giảm một cách ngoạn mục đang thu hút rất nhiều chú ý và cả dự đoán, giải thích. Nhiều người cho rằng Hoa Kỳ có nhiều cách triệt nước Nga mà không cần hạ giá xăng dầu. Khối OPEC cũng lệ thuộc Hoa Kỳ trong việc xuất cảng dầu vì đã có thỏa thuận, hợp đồng, không phải… bán xăng lậu như ở VN mà muốn ép giá sao cũng được. Theo nhiều người khác, Hoa Kỳ tuy mở rộng khai thác nhưng vẫn thận trọng với kho dự trữ dầu hỏa và năng lượng, vẫn muốn để dành, luôn phòng xa,  không lấy hết kho dự trữ ra dùng.

Thậm chí có người phỏng đoán là Hoa Kỳ đã tìm ra nguồn năng lượng khác để thay thế dầu hỏa. Năng lượng bí mật đó là gì? Trời biết! Có thể họ đã thử nghiệm nhiều lần, có khi vài chục năm sau mới công bố. Cũng có dư luận hướng đến một dạng năng lượng nguyên tử, với những loại pin điện tử có độ phóng xạ cực thấp, không hơn một cái microwave, có thể cung cấp năng lượng cho các vật dụng gần như vĩnh viễn.

Các phỏng đoán này chính xác đến đâu, và phía sau sự kiện xăng dầu giảm giá còn những ẩn khuất nào, thì trên thực tế người tiêu dùng đang hưởng lợi trực tiếp. Theo thống kê liên bang “Bureau of Labor Statistics”, chi phí cho xăng dầu chiếm 5.1% ngân sách khách hàng Hoa Kỳ trong tháng 10-2014. Nhờ xăng dầu giảm giá, trong năm 2015, ước đoán trung bình mỗi hộ gia đình tại Hoa Kỳ sẽ tiết kiệm $550. Giới du khách đang chuẩn bị các cuộc du hành đó đây cũng có thể được hưởng lợi vì giá vé phi cơ sắp giảm giá đồng loạt. Một số hãng hàng không thậm chí có thể đại hạ giá vé phi cơ đến phân nửa.

alt

Cảnh xe cộ nối đuôi đổ xăng trong vụ khủng hoảng xăng dầu 1973 (khối OPEC không chịu bơm dầu). Sự kiện này ảnh hưởng trực tiếp đến quốc sách năng lượng của Hoa Kỳ.

TD