Tiệc đã tàn
những ngọn nến đã tắt
giờ đây. chỉ còn anh với em
trên đường khuya
những bước chân lang thang
kìa. rạng đông màu xám. đã lên
ở phía chân trời
Những câu trên là thơ của tôi viết, từ lời ca của ban Abba, với chút tưởng tượng riêng, theo bài Happy New Year. Khúc thơ viết đã lâu, vẫn nằm trong bộ nhớ, bây giờ đêm cuối năm nghe lại càng bâng khuâng, nghĩ ngợi.
Tiệc đã tàn, những ngọn nến đã tắt, rạng đông của ngày mới bắt đầu. Dịp này, chắc bạn cũng như tôi đều muốn nhìn lại một vài sự kiện đã diễn ra.
Ôi, bạn ơi. Năm vừa qua quả là một năm đầy biến động căng thẳng ở nhiều nơi trên mặt đất này. Nhớ đã một lần, chúng ta từng ước mơ thế giới là một mái nhà chung, mọi người đều là anh em. Nhưng ước mơ đó đã không là sự thực, đặc biệt là trong năm qua. Hận thù và bạo lực đã như lửa cháy vần quanh. Trung Đông, Á Châu, Đông Âu, và ngay trên nước Mỹ này, đều có những xung đột tôn giáo, chủng tộc, chính trị… Máu và nước mắt đã rơi. Nhưng có điều an ủi là qua những sự biến đã xảy ra chúng ta còn nhìn thấy đây đó chút ánh sáng của tình người và hy vọng trên cái nền xám xịt của năm qua.
Trước hết, bạo lực sắt máu đã như cơn bão không ngừng dấy lên ở xứ Syria và Iraq bên Trung Đông. Ở đây, lợi dụng danh nghĩa chủng tộc và tôn giáo. các phần tử trong tổ chức khủng bố Hồi Giáo có tên IS đã phóng tay giết người. Chúng bắn, cắt cổ những người không ở trong hàng ngũ của chúng, kể cả những nhà báo chụp hình, viết tin. Một trong những nhà báo bị chúng bắt giam và đem ra cắt cổ là James Foley. Foley bị phiến quân bắt cóc vào ngày Lễ Tạ Ơn năm 2012, khi đang đưa tin về cuộc nổi dậy ở Syria. Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo cách đây mấy tuần đã đăng tải đoạn video hành hình nhà báo này và cho biết đây là hành động trả đũa sau khi Mỹ không kích miền bắc Iraq.
Theo báo Huffington Post, nhà báo Foley từng viết nhiều bức thư gửi gia đình trong thời gian bị giam giữ, nhưng phiến quân IS đã tịch thu hết. Do đó, anh nhờ một con tin phương Tây sắp được trả tự do ghi nhớ nội dung anh muốn gửi gắm tới người thân. Là nhà báo can trường dũng cảm, Foley còn là người rất mực thương yêu gia đình. Đọc thư anh viết mà muốn rơi nước mắt. Mở đầu, anh thưa với mẹ cha: “Con nhớ lần đi siêu thị với bố và lần đi xe đạp rất lâu với mẹ. Con nhớ rất nhiều những kỷ niệm đẹp của gia đình. Điều đó như giúp con thoát ra khỏi chốn ngục tù này. Mơ về gia đình và bạn bè đem lại niềm hạnh phúc tràn ngập trong trái tim con.” Trong thư, Foley còn hỏi thăm, nhắc lại những kỷ niệm và bày tỏ mối quan tâm của mình với các em. Anh cũng không quên bà nội, còn nhắc bà nhớ uống thuốc và hẹn ngày về đưa bà đi chơi. Một người công chính, can trường, dũng cảm, nhân ái và yêu thương gia đình như anh mà phiến quân Hồi Giáo nỡ giết chết khiến mọi người vô cùng đau xót. Anh Foley đã trở thành niềm kiêu hãnh của nước Mỹ.
Một câu chuyện khác khiến chúng ta xúc động và suy nghĩ. Câu chuyện xảy ra trên nước Mỹ này, ở Portland, Oregon khi những cuộc biểu tình đòi công bằng cho thanh niên da đen Michael Brown tại Ferguson, bị cảnh sát viên da trắng Darren Wilson bắn chết và được miễn truy tố đã khiến bùng nổ hàng loạt các cuộc tuần hành, thậm chí đã xảy ra nhiều cuộc xung đột. Vậy là vết thương về chủng tộc chưa lành, vẫn âm ỉ và giờ đây rách toạc. Nhiều cuộc bạo động đã xảy ra, cảnh sát đã phải dùng đến hơi cay và bắt bớ hàng loạt để mong đem lại bình ổn cho thành phố. Ngày 25/11, trong lúc cuộc biểu tình ở Portland, Oregon, bùng nổ trong hận thù, tức giận, kinh hoàng…, bỗng người ta thấy một cậu bé da đen xuất hiện với tấm bảng Free Hugs và dòng nước mắt chảy dài. Bất ngờ, một viên cảnh sát chống bạo động khi nhìn thấy hình ảnh đó, đã tiến tới gần và hỏi vì sao em khóc, và sau đó cả hai đứng ôm nhau giữa đám đông. Mọi thứ như bị ngừng lại, và sự xúc động dậy lên trong tất cả mọi người, Bỗng chốc sự tức giận điên cuồng vụt mất, thay vào đó một cảm giác ấm áp và tự vấn lương tâm.
Bức ảnh do nhiếp ảnh gia tài tử người gốc Việt Johnny Nguyen chụp, đã được tất cả mọi người chia sẻ như truyền đi thông điệp về “cái ôm lan tỏa khắp thế giới”.
Vậy là cậu bé da đen Devonte Hart, 12 tuổi và viên trung sĩ cảnh sát Bret Barnum đã làm nên sự kiện độc đáo của ngày hôm đó. Cuộc biểu tình đã dừng lại. Bức ảnh được gửi đến cho tờ The Oregonian, tờ báo được nhiều quan tâm nhất của tiểu bang. Chỉ vài giờ sau khi bài viết tường thuật và bức ảnh của John Nguyễn xuất hiện, đã có hơn 150,000 lượt chia sẻ. Mọi giới truyền thông ở Mỹ đều đưa lại bản tin này như một sự thức tỉnh bất ngờ.
Nhà báo Tuấn Khanh viết trên blog của mình: Câu chuyện này làm chấn động nước Mỹ, cũng như rất nhiều người đã có tuổi trẻ của mình đi qua cuộc chiến Việt Nam, thời kỳ hippy phản chiến. Giữa lúc súng đạn đi tìm con người, một thế hệ hippy đã chọn cách đi tìm sự hoang dại trẻ thơ để rũ bỏ hiện thực quá khắc nghiệt ở chung quanh. Và 40 năm trước, có lẽ với một niềm tin trẻ thơ pha trộn tuyệt vọng, John Lennon đã viết bài hát bất hủ Imagine, để lại một ước nguyện cho thế giới mai sau.
Bây giờ tới cuộc biểu tình với những chiếc dù và dải ruban vàng của sinh viên Hong Kong. Hình ảnh đó thật đẹp nhưng chỉ kéo dài được ba tháng và đã chấm dứt vào đêm giữa tháng 12 vừa qua với biết bao tiếc nhớ và mong đợi trong lòng mọi người. Nhà báo Tuấn Khanh đã ghi lại một hình ảnh khó quên: “… trong đêm cuối cùng của cuộc Cách Mạng Dù ở đường Harcourt Road tại khu Admiralty, khi hàng ngàn cảnh sát Hồng Kông được trang bị tận răng đánh đập, bắt bớ… những người biểu tình, trong đám đông quả cảm đó, có cả nữ ca sĩ Denise Ho (Hà Vận Thi). Mặc một chiếc áo thun đen và tay cầm chiếc dù vàng, gần như không trang điểm, người nữ ca sĩ lừng danh của dòng Canto-pop này bị lôi đi cùng với nhiều người khác, lẫn trong tiếng hô uất nghẹn của giới sinh viên đòi dân chủ “rồi chúng ta sẽ quay trở lại”.
Không khác gì số phận của các ngôi sao như Châu Nhuận Phát, Lưu Đức Hòa, Lương Triều Vỹ, Hoàng Thư Sinh… giờ đây tên của ca sĩ Denise Ho đã nằm trong danh sách đen của Bắc Kinh, bị coi như những kẻ cứng đầu và nguy hiểm. Họ sẽ bị ngăn cấm, bị đe dọa… trong cuộc sống ngày thường cũng như có thể bị ám hại bởi chính quyền của ông Tập Cận Bình trong nay mai. Với người nữ ca sĩ 37 tuổi này, có lẽ cô đã hình dung trước tất cả mọi thứ khó khăn nhất sẽ đến, nên chọn lựa của cô là dứt khoát đứng về phía giới đấu tranh đòi dân chủ cho Hồng Kông. Tờ L.A Times mô tả rằng khó ai tin được rằng người nữ ca sĩ từng có đến 15 giải thưởng âm nhạc, sự nghiệp rất vững chắc này lại len lỏi trong đám người biểu tình, trang phục đơn sơ nhất, để cất tiếng đấu tranh, chấp nhận rủi ro từ việc Bắc Kinh tức giận và trả thù hèn hạ. Thế nhưng cô kiên cường chấp nhận. “Điều chúng ta tranh đấu hôm nay, là cho tương lai của Hồng Kông, cho con cháu của chúng ta. Nếu từ bỏ cuộc tranh đấu này, đồng nghĩa chúng ta từ bỏ tự do và tương lai của Hồng Kông”, Denise Ho đã nói trong đêm cuối của cuộc Cách Mạng Dù, nhiều người đã khóc và thề sẽ quay lại. Gương mặt quả quyết và điềm đạm của Denise Ho đã in sâu trong trí nhớ nhiều người, gương mặt của một người yêu tự do và là tia hy vọng thắp sáng niềm tin của chúng ta vào tương lai.
Năm 2014 đã đi qua với bạo lực, sắt máu, trong đó có cả tình người và những điều tốt đẹp. Giờ đây bữa tiệc cuối năm đã tàn, bình minh màu xám đục bắt đầu lên ở chân trời. Cả anh và em đều cảm thấy chút gì hoang vắng. Nhưng dẫu thế nào chúng ta không tuyệt vọng. Sẽ không giống ngày hôm qua đâu -hiện tại lúc này chính là thời khắc để chúng ta cùng chúc nhau và chúc mọi người Happy New Year! Happy New Year! Và có lẽ chúng ta có trong trí tưởng một viễn ảnh nào đó về một thế giới mà mọi người đều là bạn của nhau. Và có lẽ chúng ta có cả những hy vọng, ước nguyền để thực hiện. Nếu không như thế, ta sẽ ngã xuống và từ giã thế giới này thôi, cả anh và em!
TN