Menu Close

Học vấn, nghề nghiệp và tài chánh

Thủa xa xưa ấy, bằng cấp dính liền với “tri thức” (sự hiểu biết) và “trí thức” (người có học vấn cao); học vấn hầu như chỉ dành riêng cho giới quý tộc và tu sĩ. Quan niệm ấy thay đổi dần và đến ngày nay thì trường học mở cửa cho mọi người, bất cứ ai muốn học và có thể học.

Để san bằng những chênh lệch xã hội, ta có các trường công (học phí thấp hoặc miễn phí) và các chương trình trợ giúp người nghèo khó đi học, từ việc cấp học bổng đến các món tiền cho vay nhẹ lãi. Mục đích của các chương trình trợ giúp ấy cao quý như thế nhưng vẫn bị lạm dụng và lợi dụng. Vẫn có những người nhanh tay lẹ mắt tìm ra cách kiếm tiền, tuy hợp pháp nhưng thiếu đạo đức, từ người nghèo. Các trường học mở ra như nấm sau cơn mưa, quảng cáo rầm trời về các chương trình học mau kiếm tiền lẹ để dụ dỗ học trò. Hậu quả là tiền mất nhưng tật vẫn mang, họ vay mượn để đi học, kiếm mảnh bằng nhưng sau khi “tốt nghiệp”, mảnh bằng kia chẳng có giá trị gì. Học trò không kiếm ra việc làm và mang thêm một món nợ khó lòng hoàn trả.

Cuốn sách vừa được công bố, Aspiring Adults Adrift, tạm dịch là “Những đứa trẻ mới lớn trôi dạt”, của Tiến Sĩ Richard Arum, New York University, và Tiến Sĩ Josipa Roksa, Associate Director, University of Virginia’s Center for Advanced Study of Teaching and Learning in Higher Education, khiến người đọc giật mình. Tác phẩm ấy nghiên cứu, tìm hiểu cách sinh sống của 1,000 sinh viên tốt nghiệp năm 2009. Các bài tường trình trong cuốn sách khá u tối: Khoảng 2/3 số sinh viên này ráo riết tìm việc làm trong năm 2011, 1/3 học tiếp chương trình cao học. Trong số 700 sinh viên tốt nghiệp đi tìm việc, 40% không có việc làm, làm công việc thấp hơn sức học hoặc làm công việc với số lương dưới 20,000 Mỹ kim/ năm.

alt

Theo hai nhà nghiên cứu về giáo dục kể trên, một số lớn các sinh viên tốt nghiệp năm 2009, sau hai năm tìm kiếm vẫn không tìm ra việc làm tương xứng nên lâm vào hoàn cảnh nghèo túng và “bất khiển dụng”. Không có việc làm, các sinh viên này quay về sống với cha mẹ, cậy nhờ cha mẹ chu cấp và hầu như không hội nhập với xã hội chung quanh như một người trưởng thành, nôm na là họ sinh hoạt như những đứa trẻ còn vị thành niên. Một sự thất bại lớn trong tiến trình trưởng thành của một con người. Một người lớn [sống] lênh đênh như con thuyền không mỏ neo, như mảnh gỗ trôi dạt.

Nguyên nhân nào khiến các sinh viên ấy gặp khó khăn như thế ngoài sự không may ra đời sinh sống trong thời kinh tế suy trầm?

Phân tích các chi tiết, Tiến sĩ Arum cho rằng cha mẹ, trường học và sinh viên chia nhau trách nhiệm cho sự thất bại ấy; xã hội không nên chê trách đổ lỗi cho thế hệ Millenium vì vẫn có những người trẻ thành công. Kẻ thất bại là do họ quá cả tin, tin vào bài bản quảng cáo của các trường ốc bán bằng cấp, chỉ cần học tí ti nhưng vẫn kiếm việc dễ dàng và việc làm với lương bổng hậu hĩ. Thí dụ rõ ràng nhất là việc các sinh viên kia chỉ cần tự học hỏi khoảng một tiếng mỗi ngày mà vẫn đạt số điểm toàn khóa trên trung bình, GPA cỡ 3.2 lúc ra trường!

Học hành mà dễ như thế thì đâu mấy ai cố gắng dùi mài tìm kiếm?

Một nguyên nhân khác, theo Tiến sĩ Roksa, thay cho các chương trình học thiết thực và nặng ký, trường ốc chỉ chú trọng và quảng cáo ầm ĩ về các sinh hoạt giải trí như phòng thể dục, các trò thể thao để thu hút sinh viên và tiền học phí của họ! Sinh viên ghi danh vì các sinh hoạt tại trường ốc hơn là vì các môn học. Không mấy trường học kê khai chi tiết các chương trình học, giảng dạy những gì, tỷ lệ sinh viên ghi danh/ tốt nghiệp và tỷ lệ sinh viên kiếm ra việc làm khi theo học ngành học ấy!

Bạn thử vào thăm các trang nhà của đại học mà xem, trường ốc nào cũng khoe hình ảnh của sân chơi, phòng thể dục, chỗ ăn ở của sinh viên… Mọi chỗ đều trang hoàng như khách sạn hay khu nghỉ mát để thu hút sinh viên! Đi học mà như đi chơi thì trẻ em nào không thích? Và khi cha mẹ không đầu tư thời giờ tìm hiểu con cái cũng như trường ốc chúng theo học thì việc thất bại là điều khó tránh.

Thêm một điều đáng buồn là trào lưu “kiếm điểm dễ” của sinh viên. Các em bảo nhau ghi danh rầm rộ vào các lớp học “dễ”, giáo sư nhẹ tay chấm điểm, hay ‘học ít điểm nhiều’. Đáng buồn hơn nữa là việc trường ốc ngày nay chỉ mướn giáo sư theo hợp đồng, hiếm khi mời dạy học vĩnh viễn (tenured). Khi giáo sư được nhiều sinh viên ưa thích, ghi danh theo học đông thì hợp đồng với trường học được gia hạn. Giáo sư nào chấm điểm kỹ lưỡng, nặng tay, thì ít được ưa chuộng và khó duy trì được công việc giảng dạy! Tạm hiểu là học trò không chịu thương chịu khó, trường ốc lại tạo điều kiện cho các em không cần chăm chỉ!

Nhìn chung, kinh nghiệm học hành dễ dãi và thiếu thực tiễn ấy không trang bị đủ cho sinh viên tốt nghiệp ra đời kiếm sống vì các lý do sau:

– Học hỏi quá ít. Theo ông Arum và bà Roksa qua cuộc nghiên cứu, 45% số sinh viên không học được cách suy luận, critical thinking, vì họ chỉ ghi danh học các lớp “dễ” và không tự học hỏi suy luận về đề tài giảng dạy trong lớp. Họ chỉ đạt số điểm tối thiểu trong các cours học đòi hỏi sự suy luận, hay trong các lớp “khó”. Các sinh viên này, nếu tìm được việc làm, cũng là những người mất việc trước nhất so với các sinh viên đạt số điểm cao trong các cours đòi hỏi sự suy luận.

– Học các ngành học không được hãng xưởng quý trọng. Như nhiều bài nghiên cứu kết luận: Kỹ sư tốt nghiệp dễ kiếm việc và lương bổng cao. Ngành thương mại cũng là ngành học dễ kiếm việc. Các ngành khác như khoa học nhân văn, đạo đức, truyền thông báo chí… là những ngành học chịu tỷ lệ thất nghiệp cao, 7% – 9%.

– Tốt nghiệp từ các trường “dễ dãi”. Các sinh viên chịu học và theo học các ngành học cần thiết (ngành học được hãng xưởng xem trọng) thì thành công bất kể họ theo học ở đâu. Nhưng với các yếu tố kể trên gom chung với nhau, yếu tố “trường ốc” ảnh hưởng khá nhiều đến lương bổng. Nói chung, sinh viên tốt nghiệp từ các trường có tiếng dễ kiếm việc và kiếm được việc với lương bổng cao hơn so với các sinh viên tốt nghiệp từ trường không danh tiếng.

alt

Hiểu ngọn ngành các chi tiết dẫn đến thất bại của việc học hành thì làm thế nào để thành công?

Tất nhiên, người trẻ không dễ thay đổi ý kiến của họ về trường ốc nhất là việc chú trọng đến cách giao tiếp. Khá nhiều các bài tham luận về sinh viên đại học vẫn chú trọng đến sự giao tiếp trong xã hội, các tác giả này vẫn cho rằng việc giao tiếp dễ dàng sẽ giúp sinh viên kiếm việc dễ dàng. Và các sinh viên dùng nhiều thời giờ để giao tiếp, kết bè kết bạn trong thời gian đi học, học ít chơi nhiều, đã rất hài lòng với kinh nghiệm đại học của họ, dù đang thất nghiệp và phải nương nhờ cha mẹ!

Theo hai nhà nghiên cứu, Tiến sĩ Arum và Tiến sĩ Roksa, cha mẹ chưa hiểu rõ “trọng lượng” của họ trong việc thúc đẩy con em và trường ốc. Phụ huynh có thể đòi hỏi trường học đặt tiêu chuẩn cao về việc giảng dạy và chú trọng đến việc huấn luyện những kỹ năng cần thiết đáp ứng với nhu cầu của thị trường nhân công bằng các phương thức sau đây:

1. Nói thẳng và nói thật. Cha mẹ cần chỉ dẫn cho con em biết sự liên quan giữa kỷ luật (chịu khó, chuyên cần), học hỏi và thành công ngay từ khi còn bé dại. Trẻ em cần hiểu rằng khoảng thời gian của đại học là lúc đầu tư vào tương lai. Đầu tư cẩn thận thì đạt kết quả tốt đẹp. Việc giao tiếp, giải trí, chơi thể thao… chỉ là các sinh hoạt phụ, đi kèm với mục đích chính là học hành.

2. Đòi hỏi chi tiết, chứng cớ để thẩm định: Khi đưa con cái đi thăm viếng đại học, các tour hướng dẫn là các màn trình diễn quảng cáo của trường ốc. Thay vì trầm trồ trước các khuôn viên đẹp mắt, phòng ốc khang trang, cha mẹ hãy hỏi thăm thầy cô hướng dẫn các chi tiết về chương trình giảng dạy, như trường đòi sinh viên bao nhiêu giờ đọc sách mỗi tuần, bao nhiêu bài tham luận (cỡ 20 trang) mỗi lục cá nguyệt, bao nhiêu giờ tự học… Đây là các yếu tố quan trọng của tiến trình huấn luyện kỹ năng suy luận, phân tích.

Rõ ràng cụ thể hơn, cha mẹ nên hỏi về số điểm của sinh viên trong các môn thi về suy luận như the Collegiate Learning Assessment, hay bản tường trình về cours học trong the National Survey of Student Engagement (NSSE). Nhiều trường đại học thu góp các chi tiết ấy nhưng không muốn công bố.

3. Chú trọng đến nghề nghiệp trong tương lai. Cha mẹ cần biết rằng trên 40% sinh viên tốt nghiệp kiếm được việc làm qua các chương trình giới thiệu của đại học, qua các chương trình nội trú (internship), công việc thiện nguyện hoặc các việc làm trước đó.

Công việc từ văn phòng giới thiệu của trường học thường có giá trị hơn so với việc làm đến từ sự quen biết cá nhân. Do đó, cha mẹ cần thúc đẩy trường ốc hoạt động mạnh mẽ hơn trong công việc giới thiệu việc làm, thúc đẩy con em tận dụng cơ hội nội trú, tập các thói quen cần thiết khi được phỏng vấn xin việc, và các dịch vụ liên quan đến kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp.

Sửa soạn cho tương lai người trẻ là một cuộc đầu tư lớn của cha mẹ, của chính các em và của trường ốc. Cha mẹ trong vai trò giám sát cần chú ý đến tiềm năng và sức lực của con em, huấn luyện cho các em các thói quen theo kỷ luật như chuyên cần, chịu khó và dẫn dắt chúng khi vào đại học. Đây là khoảng thời gian quan trọng để đứa trẻ trưởng thành, sống xa nhà là cơ hội phát triển óc tự lập. Được trang bị với các kỹ năng cần thiết, các em sẽ thành công dễ dàng hơn khi vào đời sinh sống.

TLL