Menu Close

Đi xem vở nhạc kịch Ballet “The Nutcracker”

Cuối đông, mưa lạnh, tuyết giăng. Giáng Sinh, năm mới, lễ hội, mua sắm. Sale trước Christmas, rồi sau Christmas. Bỏ tất cả những tất bật đời thường ấy qua một bên, chen chân vào nhà hát thành phố, xem một vở Ballet, bạn sẽ thấy hồn mình hoà nhập vào cái cõi vô cùng của những tất bật ấy một cách kỳ ảo như trong một giấc mơ. Giấc mơ có những gói quà xanh đỏ, các chú lính Nutcracker bằng gỗ treo lủng lẳng đong đưa trên các ngọn thông xanh ngát hương, đèn màu rực rỡ.

Đẹp hơn cả là những người thiên nga trắng, múa những vũ điệu thanh thoát, mảnh dẻ tuyệt đẹp trong cảnh tuyết giăng nơi nơi. Nhạc Tchaikovsky đang trải nền cho những bông tuyết lướt điên cuồng trong điệu Valse trượt băng. Hoặc các cụm bông nõn mềm mại bay trong không trung nhẹ khơi dậy những gót hài Ballet cong lên, gập xuống. Và đôi tay xòe, gấp của người vũ công dang rộng ở tư thế một con thiên nga quay tròn sẽ khiến đôi mắt bạn dõi theo một góc vòng cung huyền nhiệm. Đó là những gì tôi đã cảm nhận khi ngồi trong khung cảnh ấm cúng nhạc vang rền của một nhà hát vào cuối đông .

alt

Ballet cổ điển vẫn được người Hoa Kỳ và Tây Phương ưa chuộng

Vở Ballet “The Nutcracker” được viết dựa trên một câu chuyện cổ tích The Nutcracker and the King of Mice (Chú lính kẹp hạt và Hoàng đế chuột) của nhà văn người Đức, E.T.A. Hoffman. Nhà soạn nhạc Pyotr Ilyich Tchaikovsky đã viết hòa âm cho vở này.
Nutcracker có nghĩa là cái kẹp dùng để làm vỡ những loại hạt có vỏ cứng như hạt dẻ, hạnh nhân, óc chó..v.v.. Chúng được làm bằng kim loại và để đẹp mắt, bên ngoài chúng thường được bọc bằng những hình nhân hay các anh lính bằng gỗ, sơn màu đẹp đẽ. Câu chuyện nguyên thủy xoay quanh giấc mơ trong đêm Noel của một cô bé gái người Đức. Cô mơ thấy anh chàng hoàng tử Nutcracker đã chiến đấu dữ dội chống lại hoàng đế chuột để cứu cô. Sau đó là cuộc hành trình kỳ thú của cô vào một thế giới kỳ ảo đầy sinh động nhiều màu sắc.

Dưới hình thức một vở nhạc kịch, câu chuyện dẫn dắt người xem vào một giấc mơ có quà, nhạc, thú vật trở nên to lớn, những nhân vật tí hon biến thành người, những con búp bê bỗng nhiên cười nói, nhảy múa rất ngộ nghĩnh trong thế giới đẹp đẽ và huyền bí của tuổi thơ. Cuộc du hành của cô bé qua các quốc gia trên thế giới được thể hiện bằng các vũ điệu Ballet trong y trang và vũ điệu của các dân tộc. Những điệu múa đơn, múa đôi hay nhóm được tuần tự trình diễn, tạo sự thay đổi liên tục khiến khán giả không thấy chán.Vở kịch dài khoảng 2 tiếng, gồm hai hồi và một khoảng thời gian giải lao. Vừa đủ cho đám khán giả thiếu nhi hiếu động, vốn không thể ngồi lâu.

Mỗi cuối năm những đoàn vũ kịch Ballet của thành phố hay các nơi khác lại đến và lưu diễn vở kịch này. Năm nay ở Việt Nam cũng có một vũ đoàn Ballet Hàn quốc qua diễn. Mỗi đoàn diễn chung một vở “The Nut Craker” nhưng chi tiết và những y trang cho các tiểu mục thì lại khác. Như trong hồi 2 của vở nhạc kịch, vũ đoàn Hàn quốc diễn ở Việt Nam có hóa trang và múa vũ điệu của người Trung Quốc, trong khi đoàn tôi coi ở Mỹ thì không. Nhưng trong sự góp mặt của các vũ công ở đoàn Los Angeles tôi thấy vài khuôn mặt Á châu như Kenta Shimizu(vũ công chính) của Royal Ballet và Zheng Hua Li của Guangzhou Ballet.

Ballet cổ điển tuy quá xưa nhưng vẫn còn là một loại nghệ thuật mà một số người Hoa Kỳ và Tây Phương ưa chuộng. Ngày nay, người ta quen và thích với Ballet hiện đại và Contemporary hay Modern dance hơn là lối vũ Ballet kinh điển. Vì Ballet cổ điển quá chuẩn mực nên bị hạn chế trong những khuôn mẫu định sẵn khiến coi đi coi lại mãi thành nhàm chán. Do đó Ballet hiện đại ra đời như một cuộc nổi loạn khai phá những phương diện và kỹ thuật mới làm thăng hoa ngôn ngữ nghệ thuật múa.

alt

Thiên nga và hoàng tử Nutcracker

Mùa lễ hội Giáng Sinh và năm mới là giờ phút của vui chơi và giải trí. Có một số các phụ huynh ở Mỹ hay dẫn con em đi xem vở “The Nutcracker” như một tiết mục giải trí truyền thống và để giới thiệu đến các em một nét đẹp của nghệ thuật nhạc kịch cổ điển Ballet. Và dĩ nhiên chính họ cũng say mê Ballet từ ngày còn bé, vì cha mẹ họ từng dắt họ đi trong quá khứ. Có người đã xem vở này mười mấy lần trong đời, ở các nhà hát và các nơi khác nhau. Số lần xem có thể nói tương đương với số lần họ đã dẫn con họ đi Disney Land, thế giới của tuổi thơ (Người Mỹ rất thích dẫn con đi Disney Land). Vở nhạc kịch này không chỉ dành cho các em mà cũng thích hợp với các lứa tuổi. Hơn nữa nó không đòi hỏi một trình độ thưởng ngoạn phải biết hay không biết Ballet, nên ai xem cũng được.

Nhà hát tôi tới ở Los Angeles hôm đó, chật ních người xem, chỉ còn vài ghế trống. Khán giả nhi đồng chiếm đa số. Ông bà, cha mẹ, dẫn con cháu đi xem, quần áo và trang phục đủ màu sắc trông đến vui mắt. Trước mặt, dãy ghế tôi ngồi có một hàng ghế toàn là các em Á Đông. Sau một lát quan sát tôi biết được đó là những em bé Việt Nam được bố mẹ và cô chú cùng gia đình dẫn đến. Trước giờ trình diễn, chúng xem iPhone hay trò chuyện thật rôm rả. Suốt buổi diễn những cái đầu của chúng phía trước tôi cứ trồi lên, thụt xuống không yên. Trong khi những đứa bé ngoại quốc đi chung với bố mẹ quanh tôi lại yên lặng xem kịch một cách chăm chú và điềm tĩnh. Trước giờ diễn người bố Mỹ ngồi gần tôi, giảng giải cẩn thận cốt truyện trong cuốn vở chương trình được phát cho con nghe. Vở kịch câm chỉ có nhạc nền, nên khán giả phải xem cốt truyện trước giờ trình diễn mới hiểu được nội dung. Ngược lại, cha mẹ, chú bác, các em Việt Nam thì để mặc cho tụi nhỏ muốn làm gì thì làm không để ý gì đến chúng cả, và kết quả trong giờ giải lao, tôi nghe tụi nhỏ than thở  “chán quá”  rồi quay qua cái iPhone cầm tay cắm cúi chơi game. Sự khác nhau xảy ra với gia đình này có lẽ vì họ đông con, chưa quen hay chưa biết cách để dẫn dắt các em trong một nỗ lực hòa nhập vào những sinh hoạt văn hóa Tây Phương.

Những năm về sau này mỗi khi đi dự các buổi sinh hoạt văn hóa nghệ thuật của người bản xứ, tôi thường để ý xem có người Á Đông hay người mình tham dự không?. Tôi mừng vì thấy thỉnh thoảng có sự góp mặt của người Á châu, nhưng không nhiều. Tôi ước mong sự có mặt hay đóng góp của người Việt trong lãnh vực nghệ thuật múa ngày càng tăng. Nghệ thuật làm đẹp cuộc sống. Ngôn ngữ của ca múa là sự chuyển động của cơ thể, và như Eckhart Tolle đã nói “Đời sống là một vũ công và bạn chính là vũ khúc”. Bạn hãy tạo ra những kịch bản đời mình để đời sống múa theo hơn là bạn phải vất vả múa theo kịch bản của đời sống. Nếu bạn không có tài tạo dựng kịch bản, phải múa theo những bi kịch của đời sống, thì bạn hãy đứng lên, học múa nhưng phải múa cho giỏi vì nếu quá dở, chẳng ai xem bạn múa. Những vũ công giỏi và hay bởi họ có sự đam mê nồng nhiệt. Hãy múa đi bạn, múa giữa cuộc chiến, trong khi máu đổ, khi cuộn băng che vết thương bị rách và giữ cho mình không gục ngã . Múa khi vết thương lành và bất cứ khi nào bạn cảm thấy mình được tự do.

Nếu bạn có đi xem vở “The Nutcracker”, chúc bạn tận hưởng được những giây phút thú vị tuyệt vời.

alt

Vũ công dang rộng ở tư thế một con thiên nga quay tròn

TTT