Nhà văn Bùi Ngọc Tấn (1934- 2014) còn có bút danh Tân Sắc. Trước khi bắt đầu sự nghiệp văn chương, ông là phóng viên của báo Tiền Phong Hà Nội từ năm 1954, và là người làm báo, làm rừng, kéo xe bò, thợ sắt, thợ bốc vác, đi buôn, nhân viên văn phòng…
Theo lời nhà văn Vũ Thư Hiên, ông bị công an bắt giam 5 năm (1968-1973) chỉ vì là bạn của ông Hồng Sĩ. Sau khi được trả tự do, ông trở thành “người ẩn dật” với văn chương, ngưng viết trong khoảng thời gian 20 năm (1974-1994). Theo nguồn tin của đài RFA, ông không được phép viết bất cứ điều gì, ngay cả nhật ký cũng thường xuyên bị công an văn hóa xét nhà, tịch thu. Các tác phẩm chính của nhà văn Bùi Ngọc Tấn xuất bản từ năm 1995 gồm có “Hồi Ký Một Thời Để Mất- 1995; Truyện Ngắn Những Người Rách Việc -1996; Truyện Ngắn Một Ngày Dài Đằng Đẵng – 1999; Tiểu Thuyết Chuyện Kể Năm 2000 ; Chân Dung Văn Học Rừng Xưa Xanh Lá Chân Dung -2002; Tiểu Thuyết Biển Và Chim Bói Cá – 2008.”
“Chuyện Kể Năm 2000” là tác phẩm nổi tiếng của Bùi Ngọc Tấn, được dịch ra Tiếng Anh, Pháp, Đức. Theo Tổ Chức Phóng Viên Không Biên Giới [RSF], câu chuyện về người tù mang tên Tuấn mô tả lại cách chính quyền Việt Nam trấn áp trí thức, vì thế không được xuất bản, bị tiêu hủy. Tác phẩm “Biển và Chim Bói Cá” của ông đoạt giải Henri Queffélec tại Liên Hoan Sách Và Biển năm 2012. Mặc dù nổi tiếng với tác phẩm “Chuyện Kể Năm 2000.” “ Biển Và Chim Bói Cá,” nhưng hầu như tất cả các độc giả đều yêu thích câu chuyện “Người Chăn Kiến” trong tuyển tập truyện ngắn cùng tên của nhà văn Bùi Ngọc Tấn, bởi vì sự giản dị trong cách dùng câu chữ, nhưng ý tưởng cưu mang sự thâm thúy vô cùng.
“…Hôm ấy đi làm vệ sinh về, tay B trưởng bắt ra 4 con kiến đỏ bé xíu đựng trong cái vỏ bao thuốc lá. Hắn cầm mẩu gạch non khoanh 4 vòng tròn xuống nền xi măng. 12 anh tù được hắn chỉ định chia thành 3 ca chăn 4 con kiến nhỏ. Ông M không ngờ mình lại mê chăn kiến đến như thế. Công việc kỳ dị ngày càng hấp dẫn ông. Nó làm ông khao khát đến bồn chồn. Cho dù đó là khổ ải. Phải giữ kiến luôn ở trong vòng tròn. Trong ấy có bánh bích quy, có đường, có thịt, kiến ăn nhưng không chịu ngủ, kiến vẫn bò tìm tổ. Phải luôn tay chặn kiến lại và không được làm sứt một cái chân của kiến. Chính những điều ấy khiến ông thèm khát. Nó sẽ giúp ông quên thời gian, quên những thiên thu tại ngoại. Hơn nữa ông quá chán trò cởi truồng đứng trước mặt mọi người.”
Khi được minh oan, ông giám đốc trở về công việc cũ. Mọi việc dường như không có gì thay đổi, nhưng vào giờ nghỉ trưa ông giám đốc luôn khóa cửa “chăn kiến,” và đáng sợ nhất là mặc dù chỉ có một mình, ông đã hốt hoảng cởi bỏ quần áo leo lên bàn, mắt nhìn xa, giơ tay kiêu hãnh trong tư thế của Nữ Thần Tự Do:
“Cũng như mọi xí nghiệp, giờ nghỉ trưa ở đây nhiều vẻ… Uống bia. Ðánh cờ tướng. Tiến lên. Làm vài séc bóng bàn. Chuyện gẫu… Giám đốc mới không tham dự. Ăn trưa xong ông về phòng. Các vị chức sắc cũng muốn kéo ông vào cuộc vui nhưng trả lời tiếng gõ cửa là sự im lặng.
Họ bảo nhau:
– Thôi. Ðể sếp ngủ.
Chẳng một ai biết sau khi gài trái cửa, giám đốc rút ngăn kéo lấy ra một lọ nhỏ, trong đựng 4 con kiến. Ông thả lũ kiến vào một vòng tròn bằng phấn vẽ trên bàn. Ông bẻ bánh cho chúng ăn và lấy những các-vi-dít (Có rất nhiều trong ngăn kéo – của khách và của ông) chặn chúng lại.”
Cái vòng tròn bé xíu không giữ nổi bốn con kiến, nhưng chính là vòng tròn oan nghiệt giam hãm thân phận của một con người. Ông giám đốc M – một hóa thân của nhà văn Bùi Ngọc Tấn – không bao giờ thoát ra khỏi cái vòng tròn oan nghiệt này, bởi vì nó là hiện thân của chính quyền luôn theo dõi, điều tra, xét hỏi, đến nỗi ông trở thành người cùng khốn.
Nhà văn Bùi Ngọc Tấn từng nói, từ viết minh họa cho một chủ trương chính sách đến viết về con người, ông phải mất 35 năm. Con đường quả thật không ngắn nhưng bằng ý lực và tài năng, nhà văn Bùi Ngọc Tấn đã vượt qua từng truông dài đau khổ để hoàn tất ước nguyện. Ông chấp nhận những gì gói tròn trong hai chữ “số phận,” ở bất kỳ hoàn cảnh nào ông cũng cố gắng làm việc để không bị mất hết. Trước khi an giấc ngàn thu, ông đã để lại rất nhiều điều thương tâm, trong đó có câu chuyện “Người Chăn Kiến” làm cảm động lòng người.

1:07am Thứ Hai ngày 29 tháng 12 năm 2014