Menu Close

Trồng chuối và đời sống nông dân – Kỳ 1

Nhắc tới làng quê vùng sông nước Cửu Long không thể không nhắc đến việc trồng chuối. Bởi lẽ, nơi các miền quê ấy, bạn đi đâu cũng thấy người ta trồng chuối. Chuối trồng dọc hai bên bờ kinh, chuối trồng theo các bờ mương ngoài đồng, chuối trồng trên các vườn cây ăn trái và chuối trồng ngay cả những vùng đất trũng thấp nữa. Nói thế để thấy việc trồng chuối gắn liền với đời sống nông dân nơi các làng quê như hình với bóng không thể nào tách rời được; hay nói cách khác, chuối là của đồng quê nơi mang nhiều loại cây trái cung ứng cho cư dân nơi các vùng đô hội…

Về các giống chuối, từ hồi còn là Giao Chỉ, Việt Nam mình có cả thảy chín giống chuối: “Chuối lùn (nụy tiêu) trái lớn, vỏ xanh, vị ngọt hơi chua; chuối tiêu (thanh tiêu), trái lớn, vỏ cũng xanh, múi thịt dẽ dặt, vị ngọt; chuối tay bụt (phật tiêu), trái nhỏ, vỏ màu vàng, ngọt gắt; chuối lá (diệp tiêu), trái lớn, vỏ màu vàng, dáng hơi đẫy đà, vị ngọt; chuối mỏ giang (ô chủy tiêu), trái như chuối lá nhưng dài hơn, hơi chua; chuối lá cây (mộc diệp tiêu), trái nhỏ, vỏ màu vàng, thịt nhũn, ngọt gắt; chuối tai mèo (miêu nhĩ tiêu), trái nhỏ dài, vỏ đỏ, vị nhạt; chuối hột (hột tiêu), trái lớn, vỏ vừa xanh, vừa vàng, thịt có nhiều hột, rất ngọt; và giống thứ 9 là chuối rừng (sơn tiêu), cây nhỏ, và lùn, ít khi được ăn trái.”(1)

alt

Chuối lá xiêm trắng Chuối lá xiêm đen. HÌNH: TRẦN NHIẾP

Nhưng tới khoảng năm 1970, ở miền quê Nam Phần có mấy giống chuối mà dân quê ưa trồng như chuối lá xiêm, còn gọi chuối sứ, giống chuối bẹ mốc, cây mọc rất mạnh, lá cũng mốc, trái ngắn, chín ăn rất ngọt. Có hai giống chuối lá xiêm, đó là chuối lá xiêm trắng và chuối lá xiêm đen. Chuối lá xiêm trắng ngọt không bằng chuối lá xiêm đen. Trong họ chuối lá, ở miền quê còn có chuối lá ta với thân mọc cao, trái chín không ngọt bằng chuối lá xiêm, có vị hơi chua nhưng có ưu điểm là sống được các vùng đất thấp, chúng sống lưu lai từ năm này qua năm khác, trồng một lần là chúng tự nhảy thêm cây con và sống tràn lan, không phải trồng lại vì chúng không chết khi bị ngập nước. Loại chuối lá ta này được trồng các nơi đất trũng, nơi không trồng được các giống chuối khác.

Giống chuối thứ ba là chuối cau. Giống chuối này có bẹ màu hơi vàng, trái chín màu vàng, thịt dẻo và rất ngọt, nhứt là chuối cau mẳn lại ngọt gắt, trong khi ấy chuối cau lửa trái có màu đỏ như lửa nhưng khi chín trái ăn hổng bằng chuối cau mẳn lại có vị hơi lạt và chua.

Chuối và (có nơi viết chuối dà, chuối già)(2) có ba loại: chuối-và-cui, chuối-và-hương. Chuối-và-cui trái lớn và dài, hơi cong, thịt ngọt vừa; chuối-và-hương thì trái nhỏ hơn nhưng khi chín thịt trái chuối-và-hương thơm ngon và ngọt hơn chuối-và-cui; về sau này người ta tìm thêm được giống chuối-và-lùn. Giống này cây rất thấp với chiều cao cỡ 1m, buồng và trái giống như chuối-và-cui nhưng hổng ngon bằng hai loại chuối-và trên.

Chuối cơm là loại chuối giống như chuối lá ta nhưng trái lớn hơn chuối lá ta, khi chín chuối cơm thịt hơi nhão, vị hơi lạt. Ở thôn quê người ta thường cặp gắp những trái chuối cơm chín và nướng cho trái chuối vàng lên hoặc hơi cháy khét một chút rồi đem ngâm rượu chung với mít chín cũng nướng như chuối vậy. Rượu ngâm với hai loại chuối cơm và mít nầy giúp trị được chứng nhức mỏi và bổ thận. Mỗi buổi chiều người già uống một ly nhỏ rượu chuối cơm ngâm với mít sẽ ăn cơm ngon và ngủ ngon.

alt

Chuối cau. HÌNH: TRẦN NHIẾP

Chuối tiêu là loại chuối trái nhỏ, dài, hơi uốn cong lại. Giống chuối này chủ yếu trồng để làm thuốc cho trâu bò. Trường hợp trâu bò bị bệnh đau móng hoặc lưỡi chúng bị đẹn không ăn rơm cỏ được, người ta lấy cây chuối tiêu đập giập rồi rơ vào lưỡi bò trâu, chúng sẽ mau hết, lưỡi trâu bò lành lại và có thể ăn cỏ lại bình thường sau vài ba lần mình rơ lưỡi chúng bằng cây chuối tiêu như vậy.

Chuối ngự, có người còn gọi chuối táo quạ, là loại chuối trái hơi lớn, ăn sống hoặc nấu chín thì ngon hơn là ăn trái chín. Ngoài giống như chuối ngự, các vùng Mỹ Tho, Long An còn có giống chuối sáp thường nấu ăn, thịt rất dẻo và hơi ngọt, ít thấy ai ăn chuối sáp chín.

Chuối hột là giống chuối cây lớn, lá rộng và màu hơi mốc, trái lớn và có nhiều hột. Khi chín chuối hột ăn rất ngọt nhưng vì nhiều hột quá nên nơi các miền quê người ta thường ăn khi buồng chuối có trái còn nhỏ, gọi là chuối chát. Xắt mỏng ăn với rau ghém chấm mắm kho hoặc ăn chung với khế khi ăn với thịt bò. Trong các bữa tiệc như đám giỗ, đám cưới lúc nào nhà vườn cũng để dành một buồng chuối hột còn non làm chuối chát ăn với các món như thịt bò hoặc thịt kho rệu là bắt lắm. Ngoài ra, ở nhà quê các chị thường lấy vỏ trái chuối hột phơi khô đốt thành tro rồi đem ngâm tro vỏ chuối hột này lấy nước trong gội đầu thay xà bông vừa sạch, vừa làm cho tóc đen và mịn màng thêm.

alt

Chuối lá ta

Giống như các loại chuối lá xiêm, chuối lá ta, chuối ngự, lá chuối hột được các bà nội trợ dùng gói bánh tét, bánh ít vì nó có bề mặt rất rộng, không có vị nhẫn đắng như các giống chuối-và-cui, chuối-và-hương, chuối-và-lùn cũng như không giòn như lá chuối cau, nên muốn gói bánh người ta ưa dùng loại lá chuối hột này.

Ngoài ra, nơi các miền quê thỉnh thoảng các bạn bắt gặp vài loại chuối lạ như chuối ba nải. Tức là mỗi buồng chuối chỉ có ba nải và một nải chót. Loại chuối này trái mập, lớn, không ngon lắm vì giống lạ nên người ta trồng vài bụi chơi, không trồng nhiều. Tương tự, bạn cũng sẽ gặp giống chuối trăm nải. Giống chuối này từ những năm thập niên 1950-1960 đã có trồng. Nhớ có lần trong một cuộc triển lãm nông nghiệp ở Long Xuyên vào khoảng năm 1957 hoặc 1958 có một gian hàng trưng bày buồng chuối trăm nải. Trong bộ sách “Cây Cỏ Miền Nam” của giáo sư Phạm Hoàng Hộ, quyển II, giáo sư cũng có đề cập đến chuối trăm nải. Mỗi lần trổ buồng, buồng dài từ trăm nải trở lên, có khi chiều dài buồng chuối chấm gần tới mặt đất. Loại chuối này vì quá nhiều nải nên trái không lớn nhưng khi chín chuối rất dẻo, vị ngọt và thơm.

alt

Buồng chuối trăm nải sau một tháng trổ bắp và còn đang tiếp tục trổ thêm

HT

Cước chú:

(*) Ngoài các hình do anh Trần Nhiếp chụp, các hình còn lại trong bài do tác giả chụp.
(1) Theo Vân Đoài Loại Ngữ của Lê Quý Đôn, nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, Hà Nội, năm 2006, Chương IX: Phẩm vật, mục 195, trang 438.
(2) Theo bộ sách Cây Cỏ Miền Nam của Giáo sư Phạm Hoàng Hộ, Bộ Giáo Dục (Trung Tâm Học Liệu) in lần thứ 2, năm 1972, có bồi bổ và sửa chữa, Quyển II, viết “chuối-già”, trang 740. Ngoài ra, trong Từ điển Từ Ngữ Nam Bộ của Huỳnh Công Tín, nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội, Hội Ngôn Ngữ Học Việt Nam, Trường Đại Học Cần Thơ, năm 2007, thì viết “chuối dà”, trang 363. Riêng bộ Việt Nam Tự Điển của Lê Văn Đức & Lê Ngọc Trụ do nhà Khai Trí xuất bản năm 1970, viết “chuối-và”, Quyển Thượng, trang 332 . Trong cuốn “Đại Nam Quốc Âm Tự Vị” của Huỳnh Tịnh Của, xuất bản năm 1895, cũng viết “chuối và hương”, “chuối và lùn”, trang 169.