Thời ấy, cái gì cũng khan hiếm.
Đi mua vải, phải xếp hàng thật dài, trình sổ hộ khẩu rõ ràng, thì mới được phép trả tiền mua một tấc vải xô loại kém.
Tôi lên thăm và lưu lại với ông bà Ngoại tôi vào những ngày Chúa Nhật được nghỉ hoặc những kỳ lễ thường niên. Và trong những ngày ấy, tôi mới biết, có nhiều cái kinh hoàng trong cuộc sống khởi đi chỉ từ những gì rất nhỏ.
Lúc ấy, tôi có hai cái sợ. Cái thứ nhất, là những khoảng trống trong nhà không được chiếu sáng lúc đêm xuống. Cái thứ hai, là sợ củi lửa những ngày mưa ẩm. Cái sợ thứ nhất, không biết đến từ đâu, nhưng ám ảnh tôi suốt đến khi tôi đã vào cái tuổi tam thập bất hoặc. Tôi rất sợ những gầm giường tối om, không rõ cái gì đang ở dưới đấy. Khi ở Việt Nam, tôi nhất định phải chèn mùng cho thật kỹ, thì tự nhiên tôi cảm thấy có một sự an toàn vì đã phân định không gian bên trong và bên ngoài mùng.
Cái sợ thứ hai, thì có lý do rất rõ ràng. Đó là vì những khi mưa gió, mấy khúc củi trong bếp cứ bị ẩm cả, không chịu cháy. Mấy lần thổi cơm, tôi đều vất vả. Đầu tiên, khó khăn nhất là phải thấy gạo đã có vẻ ương ương. Đôi khi, tôi phải lén rưới một tí dầu hỏa khan hiếm của thời ‘mới giải phóng’ lên trên mớ củi cay độc kia, chúng mới chịu bật cháy. Nhưng cái độ ẩm đã ngấm vào tận mấy lần xương tủy của những cành củi đó. Sau khi lớp dầu mong manh đã bừng lên một phút huy hoàng, thì cái cổ của tôi cũng trở nên mong manh khi nghĩ đến cảnh không nấu được bữa cơm chiều cho ông bà tôi. Ông tôi mực thước, ăn uống phải đâu ra đấy. Hôm nào cơm nhão, ông không muốn ăn, thì không cần ông hỏi đến, người nấu cơm cũng sẽ sợ đến quên ăn.
Một lần, ì ạch cả nửa tiếng mà củi vẫn hoàn củi, gạo vẫn hoàn gạo, tôi lo điếng người. Mở nắp soong ra, thấy gạo đã có vẻ ương ương, tôi ức lắm. Sau khi cố công nhóm đi nhóm lại nhiều lần mà lửa vẫn không cháy, tôi định thần, lấy lại kiên nhẫn, rồi tiếp tục. Tôi thổi phù phù vào mớ tro nửa say nửa tỉnh, hết lòng dụm lại những cành củi còn cháy hững hờ. Thế nhưng, những đốm đỏ hiếm hoi trên các cành củi ngày càng thưa thớt đi rồi biến mất. Tôi lý giải, và tìm ra một phương cách mới: tôi sẽ nói chuyện với cái bếp.
Hăm ba Tháng Chạp năm nào, người ta cũng đưa ông Táo về trời mà! Có thể thương lượng được. Tôi quỳ xuống trên hai đầu gối, với hết sức chân thành, tay vịn vào ba cục gạch làm bếp, tôi thành khẩn, “Cháy nghe! Cháy đi nghe! Nấu cơm cho ngon nghe!”
Nhưng ông Táo hôm đó đi tránh mưa ở nhà người khác, còn củi thì bị nước vào lỗ tai nên đã điếc mất rồi. Không xong, tôi phải đi tìm Bà Ngoại can thiệp. Nếu không, không chỉ bị ông mắng, mà cả nhà còn không có cơm ăn. Khổ thật, Mẹ tôi hay kể ngày trước, nhà có bếp ga, nấu nướng dễ dàng và nhanh chóng. Sao không giữ giùm tôi mấy cái bếp đó làm của gia bảo không biết! Lại nữa, còn mấy cái bình ga không nằm chỏng chơ ngoài mái hiên, sao không làm ơn đem bơm ga đi! Cuộc đời – có nhiều điều thật khó hiểu.
Mà thời ấy, cái khan hiếm nhất là lời giải thích. Người lớn cứ nói với nhau những câu, những lời, những chuyện không rõ ràng. Tôi có hỏi, cũng chẳng bao giờ được trả lời. Như thể bí mật quốc gia ấy, nói ra thì sẽ bị tru di cửu tộc không bằng! Nhưng vì thiếu lời giải thích, nên tôi chú ý quan sát những gì xảy ra quanh mình. Và mới thấy thật rõ ràng, và thấy thật nhiều lần, là có những sự khập khễnh trong những điều trẻ con như tôi phải ghi tâm khắc trí. Những cái khập khễnh ấy, mãi đến khi sống ở hai bờ Thái Bình Dương, tôi mới được khai quang. Và do tôi tự đốt đuốc mở đường đi tìm.
Nhỏ con là một cái tội.
Mẹ tôi sinh tôi ra khi miền Nam vừa trải qua một cuộc thay đổi chính thể. Mẹ lo buồn nhiều, vì cảnh tan tác của đất nước. Nhưng cái biến cố làm cho Mẹ tôi khóc suốt ngày suốt đêm là sự vô tâm biệt tích của Ba tôi sau ngày bị bắt đi tù cải tạo. Mẹ khóc mãi, không dứt. Cơm thì không có ăn, con cái nheo nhóc. Mẹ quên mất mình đang nuôi một đứa con trong bụng. Mẹ khóc cho đến ngày sinh tôi ra, và tiếp tục khóc cho đến khi được tin của Ba tôi. Mẹ bế tôi đi chụp hình, và ghi ở phía sau, “Bốn tháng mong Ba.”Một khi được phép đi thăm nuôi, Mẹ bồng bế gánh gồng túi cơm túi con, vượt bao dặm trường đi thăm chồng. Mẹ nói, lạ lắm, lần đầu gặp Ba mà tôi không lạ, còn chập chững đi tới đúng chỗ Ba ngồi, mà không ghé những người đàn ông khác trong trại. “Máu huyết nó vậy,” Mẹ nói.
Sau này, ‘rút kinh nghiệm,’ Mẹ có thai em tôi khi Ba đã được tự do, Mẹ dưỡng thai thiệt kỹ. Tôi vẫn hay nói đùa rằng, Mẹ tôi có lỗi với một đứa con, mà lại đi đền bù cho một đứa con khác. Tới tuổi trưởng thành, trong khi em gái tôi thì phát triển đầy đặn, cao lớn như một người mẫu, thì tôi vẫn lui cui đi ‘vượt biên tuổi tác’ vào tìm áo quần trong khu dành cho ‘thiếu nữ’ vị thành niên (= con nít). Mà tôi cũng không ham sắm ăn sắm bận và điệu đàng như người ta.
Tôi rất lười đi mua sắm. Khi cần gì, thì phải đi mua ngay. Nhưng tôi lại không có thói quen la cà ở các trung tâm thời trang và giải trí sầm uất. Khi còn sinh sống ở miền Tây Nam Hoa Kỳ, tôi cũng chỉ biết một vài khu mua sắm chính. Có một lần, Ba tôi sai hai chị đưa tôi đi sắm sửa sau khi tôi không chịu mua gì trong lần Ba tôi đưa bốn cô con gái đi mua quần áo. Tôi không thấy gì ưng ý, cũng không thấy gì cần, nên nhất định không mua. Ba tôi bảo, tôi là con gái, phải biết chăm chút bề ngoài. Nếu một ngày nào đó, những người quen của tôi quyết định cùng nhau xin lại những áo quần mà họ đã mua tặng cho tôi trong những dịp sinh nhật hay lễ Giáng Sinh, tôi sẽ trở thành Eva.
Tình yêu một cuộc hành trình vô định.
Khi còn bé, tôi chỉ muốn đi tu để phục vụ nhân loại. Nhưng, giống như bao nhiêu cô gái mới lớn, tôi cũng có một lần tưởng tượng về hình ảnh một người chồng. Tôi nghĩ, nếu lấy chồng, tôi chắc chắn sẽ chỉ lấy một người mà tôi là người yêu đầu đời của anh, và anh cũng là người yêu đầu đời của tôi. Tôi cứ đinh ninh là mình không phải lo chuyện chồng con, vì mãi đến năm hai mươi sáu tuổi, tôi vẫn còn nuôi ý định đi tu.
Rồi một hôm nắng đẹp, tôi biết đã đến lúc mình phải chọn một con đường cho tương lai. Cùng đích của việc đi tu là giúp đời. Mà trong thế giới đương đại, có nhiều phương cách để cống hiến cho xã hội. Điều làm cho tôi suy nghĩ nhiều nhất và giúp tôi quyết định dứt khoát là sự tự lập của cá nhân. Tôi không ngại vâng lời, và không lo nghèo khó, và cũng chưa yêu ai nên không phải bận tâm đến vấn đề không được lập gia đình. Vậy thì ba lời hứa căn bản của đời tu, tôi đã không gặp trở ngại rồi còn gì! Tuy vậy, cái khó cho tôi không phải là những lời khấn, mà là khuôn mẫu của nhà dòng. Tôi đã quen tung tăng, sống khoáng đạt như cây như cỏ, bây giờ vào làm bonsai, chắc sẽ khó uốn nắn lắm.
Thật ra, nếu không lưu luyến với gia đình và cuộc sống dấn thân xã hội, có lẽ tôi cũng sẽ cân nhắc thêm về đời tu. Nhưng cái gì cũng có duyên của nó. Không đi tu, nhưng tôi vẫn cứ bị chọc là ma-soeur không có áo dòng. Khi gặp anh ở ca đoàn trường đại học, tôi nói dối, bảo đã có hôn ước, và sắp lấy chồng. Chẳng qua là vì tôi đang tìm hiểu về nạn buôn bán cô dâu Việt, nên không muốn bị chia trí. Anh buồn, và tin. Anh chọn làm bạn với tôi. Cho đến khi phát hiện ra rằng tôi vờ vịt chuyện cưới hôn, anh không nhường bước. Tôi có đuổi, anh vẫn nhẹ nhàng theo tôi, như những chàng trai mới lớn ở trung học quê tôi, hiền lành theo tôi, không van nài một hứa hẹn, cũng chẳng kiên quyết một danh xưng. Anh khôn lắm, đọc thơ tôi, và hay ‘trả bài’ với tôi, làm tôi sững sờ. Nhiều lúc, anh cứ bảo tôi, “Ngày xưa ở Việt Nam mình như vậy đó…” làm tôi ấm áp.
Anh yêu tôi chi cho khổ. Anh yêu cái khổ của tôi, cái tang thương của đất nước tôi, cái bần cùng của tuổi thơ tôi, cái nghiệt ngã của kiếp sống gông cùm mà tôi đã trải qua trong 20 năm đầu đời, cái dâu bể của đời lưu vong của tôi. Anh như ánh nắng mai rực rỡ, nhất định trầm mình vào mảnh vườn đã bị giày xéo mà hoa cỏ vẫn còn đang thoi thóp vươn lên. Anh cứ bảo anh sợ anh không đủ nhạy cảm để nâng niu tôi, vì anh được sinh trưởng trong một thế giới quá êm đềm. Còn tôi, lòng vẫn ngay ngáy, sợ những bão giông của hôm qua làm hao gầy nét hồn nhiên của anh. Thế nhưng, chúng tôi có lẽ là những sinh vật nhiều mâu thuẫn nhất. Sợ đấy, nhưng chúng tôi mạnh dạn dấn bước vào cuộc sống của xã hội đương đại nhiều khó khăn này, bước tới vững vàng, cống hiến một trái tim quả cảm và một hoài bão yêu thương.
