Thứ Tư, 7-1-2015, cả thế giới choáng váng trước tin các tay súng Hồi Giáo cực đoan tấn công tòa báo Charlie Hebdo ngay giữa Paris, thảm sát 12 người. Trong mấy ngày kế, tiếp tục có thêm ít nhất 5 người khác thiệt mạng.
Charlie Hebdo là tuần báo trào phúng ra mắt Thứ Tư hằng tuần, với tổng hành dinh đặt tại Paris. Tờ báo trình làng lần đầu năm 1970, đến 1981 phải tạm đóng cửa, rồi tái phát hành từ năm 1992 đến nay. Tờ báo mang ít nhiều phong cách… nổi loạn, chuyên vẽ truyện tranh chọc ghẹo trên đủ mọi phương diện: chánh trị, xã hội, văn hóa, giáo dục, tôn giáo, v.v… Trước nay, một trong những mục tiêu dễ bị Charlie Hebdo châm biếm nặng nề nhất chính là Tòa Thánh Vatican, nơi hướng dẫn đời sống tâm linh của hơn 1 tỉ tín đồ Công Giáo trên khắp thế giới. Cũng vì cái nết hay… cà khịa mà chính Charlie Hebdo đã từng bị khủng bố tấn công vào năm 2011.
Các ký giả cầm bảng “I am Charlie” tại Hongkong hôm 8-1.
Chính vì vụ khủng bố này mà nhà chức trách luôn luôn biệt phái cảnh sát bảo vệ viên chủ bút. Nhưng trong cuộc tấn công lần thứ 2 hôm Thứ Tư vừa qua, chính ông chủ bút và người cảnh sát cận vệ đều thiệt mạng. Tại tòa soạn Charlie Hebdo, có ít nhất 7 ký giả thường trực của tờ báo cũng chịu chung số phận. Trong các cuộc săn lùng thủ phạm sau đó, 1 nữ cảnh sát đã bị sát hại hôm Thứ Năm. Sang Thứ Sáu, trong lúc cảnh sát giải cứu các con tin bị khủng bố cầm giữ, thêm 4 nạn nhân nữa qua đời. Cả 3 phần tử khủng bố đều bị hạ sát trong các cuộc chạm súng với cảnh sát Paris. Và hiện nay, cảnh sát Pháp đang mở các cuộc truy lùng khổng lồ trên khắp nước hầu truy tìm các hung thủ chạy thoát (nếu có), cũng như đề phòng các “chi bộ nằm vùng” (Sleeper Cell) của khủng bố thừa cơ ra tay hành sự.
Vô số lần báo Charlie Hebdo cười nhạo Đức Giáo Hoàng và Giáo Hội Công Giáo. Ảnh Facebook.com/CharlieHebdo
Qua vụ khủng bố này, nổi lên 2 quan ngại chánh: sự hữu hiệu trong việc chống khủng bố của an ninh Pháp Quốc; và khủng bố tỏ ra ngày càng thiện chiến hơn. Qua điều tra sơ khởi, các thám tử tin rằng cuộc tấn công đã được chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Thậm chí các tay khủng bố có thể đã tập dợt từ trước, có cả giải pháp thoát thân. Đây là các tay súng được huấn luyện thành thạo, biết hợp đồng tác chiến, và trang bị võ khí tối tân, không phải dạng khủng bố tự biên tự diễn một mình, mà Anh ngữ gọi là “Lone Wolf”.
Ngay sau khi súng nổ tại tòa soạn tờ Charlie Hebdo, Tổng Thống Francois Hollande gọi đây là cuộc tấn công nhắm vào nền Cộng Hòa của Pháp Quốc, và lập tức đặt quốc gia trong tình trạng báo động cao độ nhất. Lo ngại các “chi bộ nằm vùng” của khủng bố đồng loạt “tổng tiến công”, thẩm quyền an ninh thậm chí yêu cầu tất cả cảnh sát xóa hết hồ sơ cá nhân trên các trang mạng xã hội và luôn luôn mang theo võ khí bên người. Cuộc săn lùng có một không hai quy tụ trên 80,000 thám tử, cảnh sát, lẫn quân nhân. Bước sang cuối tuần, vào lúc có nhiều cuộc xuống đường tuần hành ủng hộ tờ báo Charlie Hebdo và tưởng niệm các nạn nhân, lực lượng an ninh khổng lồ này lại có thêm một sứ mạng mới: bảo vệ an ninh cho đám đông lẫn các cơ sở tôn giáo.
Tấm biển ghi “Tình yêu mạnh mẽ hơn lòng thù hận” tại công trường Place de la République. Ảnh Dominique Faget/AFP/Getty Images
Sự kiện cảnh sát mau lẹ xác định danh tánh khủng bố có phần nhờ 1 tay súng bất hảo, trên đường đào thoát, đã bỏ quên căn cước trong xe hơi. Sau điều tra sơ khởi, họ đều là các phần tử Hồi Giáo cực đoan vốn đã bị ngành an ninh của cả Pháp lẫn Hoa Kỳ cho vào… sổ bìa đen từ lâu. Tên tuổi của các hung thủ có trong bộ dữ liệu 1.2 triệu người mà an ninh Hoa Kỳ liệt vào diện tình nghi khủng bố, cũng như 1 danh sách ngắn hơn, mà tình báo Hoa Kỳ gọi là TIDE, là danh sách các cá nhân bị cấm không được bay đến và đáp xuống lãnh thổ Hoa Kỳ. Tình báo Pháp Quốc trong quá khứ cũng từng xếp các hung thủ vừa qua vào diện “ưu tiên tối hậu” nhưng hiện không ai rõ vì sao một lúc nào đó các sự theo dõi dần dần nới lỏng, để rồi những phần tử bất hảo này lại lộ diện trong cuộc thảm sát vừa qua.
Binh sĩ Pháp bảo vệ an ninh tháp Eiffel ở Paris. Ảnh Gonzalo Fuentes/Reuters
Tuy kết quả cuộc săn lùng sau đó thật chóng vánh và các tay súng chủ chốt đều đã bị triệt hạ, không ít dư luận vẫn đặt nghi vấn ngành an ninh chống khủng bố của Pháp Quốc đã không đủ chặt chẽ và sẵn sàng như tại Hoa Kỳ. Cũng có người đặt giả thuyết chính Washington đã âm thầm trợ giúp Paris những ngày qua, từ phân tích tình báo, kinh nghiệm, các kỹ thuật định vị/nhận dạng, lẫn nhân sự, v.v… Dù sự việc bên trong thế nào, thì vẫn có thực tế một lúc nào đó thẩm quyền an ninh Pháp Quốc đã triệt thoái các nhân sự chuyên đeo bám anh em nhà khủng bố (một nguyên do có thể vì thiếu ngân sách). Đích thân Thủ Tướng Pháp Manuel Valls cũng đã tuyên bố an ninh quốc gia có lỗ hổng trầm trọng trong biến loạn vừa qua.
Một nhóm trẻ Paris tưởng nhớ nạn nhân khủng bố.
Một hệ lụy xã hội khó tránh sau vụ khủng bố này là tinh thần bài Hồi Giáo tại Âu Châu chắc sẽ gia tăng. Dân chúng Âu Châu ngày càng quan ngại về mối đe dọa của khủng bố Hồi Giáo, dễ nảy sinh rồi nuôi dưỡng các khuynh hướng dân tộc cực đoan, chẳng những bài Hồi Giáo, mà thêm chống Liên Âu, chống di dân, chống toàn cầu hóa, v.v…
Một phản ứng của họa sĩ biếm hoạ trước cuộc thảm sát Charlie Hebdo, ngụ ý khủng bố làm phương hại đến hình ảnh Giáo Chủ Muhammad. Ảnh Signe Wilkinson / Staff cartoonist
Từ 2009, Thụy Sĩ đã đặt lịnh cấm xây các nóc vòm đền thờ Hồi Giáo vào trong Hiến Pháp hẳn hoi. Xã hội Thụy Điển vốn yên bình nhưng thời gian gần đây đã thấy dấy lên nhiều vụ quậy phá các đền thờ Hồi Giáo. Đáng ngại nhất tại Đức Quốc, nước có dân số di dân Hồi Giáo đông đảo thứ nhì tại Âu Châu, chỉ sau Pháp Quốc. Đang có nhiều vận động xã hội đòi chấm dứt cảnh “Islamization” Tây Phương (tạm dịch Hồi giáo hóa Tây Phương). Có đến 57% công dân Đức xem Hồi Giáo là hiểm họa và 25% yểm trợ đạo luật cấm tiệt di dân Hồi Giáo.
Trở lại với tuần báo Charlie Hebdo. Khủng bố gây chết chóc, nhưng không cản được những cây cọ cang cường của Charlie Hebdo, đã kịp gói ghém nỗi sầu riêng, để chuẩn bị cho số báo kế tiếp, vẫn phát hành như thường lệ vào Thứ Tư 14-1-2015. Với sự chú ý cao độ của toàn thế giới, số báo này sẽ in ít nhất 1 triệu ấn bản, cao khoảng 20 lần con số bình thường, và cũng sẽ bán ra ngoài nước Pháp.
Cây cọ biếm họa Rob Tornoe (tờ The Philadelphia Inquirer) bày tỏ thái độ.
TD