Trong sự nghiệp sáng tác của mình, nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng xuất sắc chẳng những trong truyện dài (Người đi trên mây, Bụi và rác, Kẻ Tà Đạo…) mà ông còn nổi tiếng trong lãnh vực tùy bút. Những trang Sổ Tay của ông trên báo Văn có sức cuốn hút người đọc ở văn chương, ý tưởng và nhận xét về đời sống…
Tôi nghe tiếng nước reo trên bếp
1.
Suốt mấy ngày đầu Tháng Giêng tây, thành phố Thung lũng tôi ở, mưa dầm dề và có những trận gió buốt lạnh. Cái thứ lạnh căm căm giống như cái lạnh ngày đầu khi tôi vừa từ Sàigòn lên Đà Lạt. Vườn sau nhà có một sàn gỗ [deck] rất lý tưởng cho những buổi sáng mùa hè uống cà phê đọc báo hay những chiều họp bạn. Tuy vậy ở đây tôi chưa bao giờ có được cái hạnh phúc bắc ghế ra sân hóng nắng,
Cách đây ba bốn năm, có lần tôi ra sàn tính xem chỗ này có thể đặt cái bàn và mấy chiếc ghế để cuối tuần ngồi uống rượu với bạn bè được không. Tôi bước quanh mép sàn và bất ngờ sụp chân xuống. Mấy chậu hoa đổ theo. Sàn gỗ đã mục từ lâu. Ý định mời bạn bè đến nhà chưa bao giờ thực hiện được dù tôi đã ở đây bảy năm. Bảy năm với những ngày cuối tuần hết đến nhà người bạn này lại chạy đến nhà người bạn khác, ăn uống trò chuyện mà không bao giờ đón được bạn đến nhà mình.
Nhiều lần gọi cô chủ nhà than phiền về cái deck bị sụp, nhiều lần cô hứa cho người đến thay sàn mới, nhưng lời hứa của cô như gió thoảng mây bay.
Sáng nay, nhìn ra sân, những chỗ ván ghép đã thấy đóng rêu xanh, những chậu hoa ngả nghiêng, bụi hoa mọc sát bờ rào bị gió thổi cúi rạp đầu. Một con sóc từ bụi cây cao ngăn hồ nước phía sau nhảy qua sân và biến mất dưới chân sàn. Những con sóc? Tôi nhớ một bài hát hồi nhỏ ở Nha Trang khi đi xem xi-nê ở rạp Tân Tân bao giờ trước khi phim chiếu cũng được nghe bài hát Ma Cabane Au Canada / Căn Lều Của Tôi Ở Canada nằm sâu trong rừng nơi có những chú sóc…Bài hát lặp đi lặp lại một điệp khúc quen tai đến nỗi bọn trẻ chúng tôi đứa nào cũng thuộc nằm lòng. Bài hát đó theo tôi vào Sài Gòn, lên Đà Lạt, vô nhà tù U Minh, vào trại tỵ nạn Phi Luật Tân và bây giờ một buổi sáng mùa đông ở California. Có những bài hát ta nghe nhiều lần nhưng không bao giờ nhớ nổi một câu và có những bài hát dù không còn phổ biến nữa, nhưng nó vẫn cứ vang lên trong đầu bằng một trí nhớ không được chuẩn bị. Những bài hát làm sống dậy hình ảnh và kỷ niệm, sống dậy mùi vị cỏ cây và hơi thở của da thịt. Những con sóc thời thơ ấu và ca khúc Ma Cabane Au Canada của tôi.
2.
Có tiếng gõ cửa. Cái nút chuông có trên vách sao họ không bấm mà lại gõ? Tôi bước ra. Một người đàn ông da đen cao lớn, mặc bộ suit màu đen, đeo kính trắng, mũ đen rộng vành, cầm trên tay một xấp giấy, đứng trước mặt tôi.
Ông tự giới thiệu là Thomas Donahey, người của Thượng Đế. Ông nói thế giới đầy tội lỗi, đã đến lúc mọi người trên trái đất này phải sám hối. Tội ác như một nồi nước đang sôi sùng sục, và cầu nguyện là rút những thanh củi đang cháy ra khỏi bếp. Tôi nói với ông tôi chưa bao giờ phạm tội, tại sao tôi phải cầu nguyện? Ông lấy một tờ giấy màu xanh trong xấp giấy đưa cho tôi. “Đây là những lời kinh sám hối. Ông đọc sẽ rõ. Ông nói ông chưa bao giờ phạm tội à? Thật sao? Trong suốt đời ông, ông chưa bao giờ phạm tội thật à?” “Thật chứ!” Tôi nói. Ông Thomas nhìn tôi, tay ông vẫn chìa tờ giấy màu xanh về phía tôi. Đầu ông hơi nghiêng, gọng kính trụt thấp dưới sóng mũi, mắt ông to, nhưng tròng trắng nhiều hơn tròng đen. Tôi không muốn cầm tờ giấy nhưng thật là bất lịch sự nếu cứ để ông giữ nguyên tư thế đó. Tôi đành đưa tay ra. Ông Thomas tiếp, trên thế gian này không một ai, không trừ một ai – ông nhấn mạnh, mà không phạm tội. Sinh ra đời đã là phạm tội. Làm người đã là phạm tội.
Lúc đó hình như gió thổi mạnh hơn và bầu trời xuống thấp mịt mù mây đen cùng với những giọt mưa lạnh buốt tạt vào mặt chúng tôi. Tôi đẩy rộng cửa, mời ông vào nhà. Ông khoát tay, kẹp xấp giấy vào nách, bật chiếc dù đen đeo ở cánh tay lên. “Cám ơn. Tôi còn nhiều nhà phải đi. Tôi sẽ trở lại với ông một vài ngày sau, nếu ông còn muốn nói chuyện với tôi.” Ông kẹp gọng dù vào cổ, chìa tay cho tôi bắt. Tôi nắm bàn tay to bè của ông, những ngón tay dài mập màu nâu nhưng lòng bàn tay nhạt màu cà phê sữa. Ông bước đi, lưng thẳng, giương chiếc dù lên cao, nhìn về đằng trước. Bỗng nhiên tôi thấy ông giật mình đứng sững lại. Vô tình, ông đã giẫm lên cây ớt trước nhà vừa bị trận gió thổi ngã xuống. Cả một cành ớt chín đỏ nát dưới chân ông.
“Xin lỗi! Xin lỗi!” Ông quay lại nhìn tôi trước khi tiếp tục rảo bước.
3.
Sau bảy năm, từ dưới nam lên miền bắc thung lũng nhận việc làm mới, nay tôi đang có nhiều ngày để tùy nghi. Ngồi trước màn ảnh máy vi tính tôi đọc những bài viết trên các mạng Talawas, Tiền Vệ, Evăn,… Hai cuốn sách đang được nhắc đến nhiều nhất lúc này là Bóng Đè của Đỗ Hoàng Diệu và Cánh Đồng Bất Tận của Nguyễn Ngọc Tư. Những lời khen “cực kỳ” và những lời chê cũng “cực kỳ” không kém cho Bóng Đè, trong khi với Cánh Đồng Bất Tận lời khen chê có phần chừng mực hơn. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên gọi Nguyễn Ngọc Tư là “người viết những câu chuyện bình thường về những điều bình thường của những người bình thường của cuộc sống quanh cô.” Nhưng với Cánh Đồng Bất Tận, “Nguyễn Ngọc Tư đã bắt đầu chạm vào được những vỉa tầng cuộc sống của vùng đất cô sống và viết văn. Dữ dội và nhân tình [tính?] văn Tư bắt đầu là như thế.”
Trong khi đó trên mạng Evăn.com [trích lại từ báo ĐànÔng?] tôi đọc thấy câu “Danh hiệu nhân vật bị búa rìu dư luận ghê gớm nhất trong năm qua có lẽ phải trao cho nhà văn trẻ Đỗ Hoàng Diệu, do chuyện sex trong cuốn Bóng Đè của cô. Trả lời câu hỏi “Tình dục trong văn chương là bình thường hay không bình thường” cô nói “Tình dục, nó là một phần của đời sống. Nó đẹp như đời sống đang diễn ra. Nó nồng nàn như đời sống nhưng mặt khác nó cũng tăm tối như đời sống. Văn chương đạt đến văn chương nhất đấy là khi viết về cái phần ẩn sâu, giấu kín nhất trong con người và sex là cái ẩn giấu nhất ấy. Nó là một trong những cảm xúc lớn lao và bền bỉ của con người. Thế tại sao tôi không được viết sâu về tình dục.”
Điều đáng tiếc là tôi chưa được đọc cuốn Bóng Đè của Đỗ Hoàng Diệu.
4.
Trời vẫn mưa, gió vẫn tiếp tục thổi rạp mấy bụi cây sân sau, và lạnh vẫn không giảm chút nào. Trời đất thế này tôi ngại ra Starbucks. Thôi đành ở nhà tự đun nước pha cho mình một ly cà phê buổi sáng. Thứ cà phê mà cực chẳng đã do lười biếng tôi mới uống. Thứ Nestcafe’ 100% Colombian, màu đen như than nhưng không mùi vị. Tôi mua vì nó có màu đen đậm, giống như cà phê phin Việt Nam. Một thứ nước màu đen để tạo cảm giác cà phê. Tại sao có thể gọi là cà phê mà không có chút hương vị cà phê?
Lại có tiếng gõ cửa. Hơi dồn dập. Tôi nghĩ chắc lại cái ông Thomas “người của Thượng đế”. Tôi bước ra mở chốt. Người đàn ông đứng trước mặt tôi gầy nhom, hơi thấp, lưng như có vẻ còng xuống. Mái tóc thưa, nhiều sợi bạc. Ông mặc chiếc áo đi mưa bằng ni lông màu vàng. Ông cặp nách một gói giấy, có vẻ như là một cái chai. Đôi giầy thể thao màu trắng sần sùi, lấm nước mưa, hai sợi dây giầy bị tuột thòng xuống gần chấm đất. Gấu quần bị tươm ra, mòn rách. “Có phải ông là ông H. không?” Khách hỏi tiếp. Tôi gật đầu. “Tôi có thể vào nhà ông được không?” “Được chứ.” Tôi đẩy rộng cánh cửa ra. “Mời ông.” Tôi nói. Khách bước lên thảm, tự nhiên, không cởi giầy. Phòng khách nhỏ chỉ có một ghế cho hai người ngồi. Mấy thùng giấy và sách báo đã chiếm hết chỗ. Khách ngồi xuống ghế, đặt gói giấy trên bàn và tự tay mở ra. Một chai rượu. Khách nói đây là chai Les Violettes, Côtes du Rhône, năm 2000. Tôi không phải là người sành rượu đâu. Ông bạn tôi mua dùm cho tôi đó. Ông có đồ khui không?” Tôi nói, có, nhưng tôi vẫn chưa biết ông là ai? “Xin lỗi! Xin lỗi! Một cái tên đâu có nghĩa gì. Ông không biết tôi là ai là phải rồi. Nhưng mà tôi thì tôi biết ông. Tôi có đọc những bài viết của ông. Chắc ông sẽ hỏi tại sao tôi biết nhà ông phải không? Chẳng là tôi là bạn của một người bạn của ông. Ông còn nhớ ông Đ. không. Hiện nay ông ấy làm nghề xây cất dưới Lốt. Trước tôi cùng ở trại tỵ nạn Bataan, Phi Luật Tân với ông Đ. Đâu khoảng năm 1986. Hình như trước ông cũng ở đó phải không. Ông Đ. nói khi tôi đến thì ông cũng vừa rời trại. Hiện tôi làm nghề bỏ báo ở Quận Cam. Tôi đi Xe Đò Hoàng lên đây từ hôm qua, dự cuộc họp mặt mấy người bạn trước cùng đơn vị. Chai rượu này tôi mang lên tặng ông. Ông Đ. nói ông thích vang Pháp, ông ấy bảo tôi cứ mua đại một chai, cứ nhãn hiệu Pháp là ô-kê rồi. Vì làm nghề bỏ báo tôi có dịp đọc đủ loại. Bất cứ sách báo gì viết bằng chữ Việt là tôi đọc ráo. Nhiều bữa buồn hết sách báo tôi đọc luôn cả mục rao vặt. Tuy vậy báo tin tức thì coi xong là xong. Thời sự nó đi qua mau lắm! Tsunami rồi cũng qua. Katrina rồi cũng qua. Iraq thì ngày nào cũng có người chết, xe bom tự sát, riết rồi cứ thấy tin Iraq là tôi cho qua luôn. Nhưng trên giường tôi thì không bao giờ thiếu mấy tờ Hợp Lưu, Văn Học, Văn. Có nhiều bài, nhất là thơ, tôi đọc mà chẳng hiểu gì ráo. Tôi chỉ đọc truyện thôi. Có hôm tôi được đọc bài của ông. Điều tôi muốn nói với ông ở đây là… Khách bỗng ngừng lại: “Sao? Nhà không có đồ khui rượu sao?” Tôi nói, có, nhưng sáng sớm mà rượu chè gì ông anh. Thôi cũng được, khách nói, chỉ là vì tôi muốn cụng ly với ông thôi mà! Vậy nhà có cà phê không?
Tôi nói có, nhưng cà phê dở lắm. “Không sao! Không sao! Cà phê gì cũng được, miễn nó là cà phê là ô-kê rồi!” Tôi đến bếp, mở ga nấu nước. Khách hỏi: “Tôi có làm phiền ông không?” Tôi trả lời, không, không, tôi muốn nghe ông nói. “Nói gì?” Khách hỏi. “Thì ông có thể cho tôi biết tại sao ông đến đây gặp tôi, chắc là ông có điều gì muốn nói chứ phải không?” “Gặp ông coi như gặp người đồng hương vậy thôi mà. Mà sao ông viết gì bi quan quá trời vậy? Cái Sổ Tay đó. Ông biết không, tôi ở đây sống một mình. Không gia đình, tứ cố vô thân. Vợ con tôi đã chết hết trong chuyến vượt biên. Hồi ở Sài Gòn tôi chỉ là một người lính quèn. Tôi đi lính chỉ vì đến tuổi lính thì đi lính. Tôi không biết chính trị là gì. Chế độ mới tôi cởi áo lính ra, gia đình nheo nhóc, đi kinh tế mới. Sống không nổi, về Sài Gòn, còn tệ hơn. Vợ chồng tôi dắt díu về Rạch Giá, quê vợ tôi. Thấy người ta vượt biên tôi cũng vượt biên. Tôi đâu có đồng xu dính túi. Vượt biên vì nhà gần bãi, giúp chủ ghe chứa người rồi người ta cho đi theo. Bị lộ, bị bắt, bị tù. Thả ra, vượt nữa. Lại bị lộ, bị bắt, bị tù. Chuyện cơm bữa. Chuyến đi tưởng được trót lọt, thì bị hải tặc Thái Lan. Vợ tôi bị chúng hiếp, xong liệng xuống biển, ghe đi tiếp bị chìm. Ba đứa con tôi nằm trong bụng cá mập. Trên ghe cả sáu chục người chỉ còn có chín. Gần hai mươi năm nay tôi làm đủ thứ nghề toàn là tay chân. Hết bồi bàn rồi bưng phở, hết rửa chén rồi quét dọn thương xá. Thuê gì làm đó. Bây giờ thì đi bỏ báo. Những ngày đầu ở đảo đêm nào cứ chợp mắt là thấy vợ con hiện về. Qua tới Mỹ cũng còn ám ảnh. Nhiều đêm khóc vì nhớ vợ nhớ con. Bây giờ thì nguôi rồi. Thỉnh thoảng thôi. Tôi nghiệm ra người chết thì đã chết, người sống thì phải sống thôi….”
Tôi nói tôi cám ơn ông, nhưng tôi vẫn không hiểu ông muốn nói gì. “Tôi muốn nói, “ông có công ăn việc làm, có vợ có con, mà sao những gì ông viết ra buồn thảm quá. Mỗi lần đọc ông tôi thấy như ông xô tôi xuống một cái hố sâu. Tôi cũng muốn chết quách cho xong đời. Nhưng tôi nghĩ lại, tại sao chớ. Buổi sáng mở mắt ra tôi thấy một ngày vui, đi làm dành dụm được chút tiền tôi gửi về nhà cho mấy đứa cháu. Tôi thấy mình sống có ích. Cái sống là quan trọng. Tôi muốn nói, phải chi ông đừng viết về những điều buồn bã nữa thì tôi rất cám ơn ông. Bất cứ điều gì làm cho thế giới này buồn bã đều là tội ác. Ông không thấy vậy sao? Buổi sáng hôm nay trời đất ở đây mưa gió lạnh lẽo nhưng dưới nam Cali trời ấm áp lắm. Lạnh lẽo thì cũng có cái thú của lạnh lẽo chớ phải không ông?
Buổi sáng hôm nay tôi thấy là một buổi sáng hạnh phúc. Chuyến trở về tôi sẽ kể cho ông Đ. nghe về cuộc gặp gỡ này. Chắc ông Đ. mừng lắm. Khách nói không ngừng. Khi ông dừng lại, tôi nghe ấm nước trên bếp vừa reo lên.

Đinh Cường