Menu Close

Bờ sông lá mục – Phan Lạc Tiếp

Giao Thừa Trên Đảo là một trong số những bài viết về chiến tranh trong tập bút ký Bờ Sông Lá Mục của nhà văn Phan Lạc Tiếp. Năm 1954, sau Hiệp Định Geneve, giòng sông Bến Hải, vĩ tuyến 17, trở thành giới tuyến tạm thời chia đất nước Việt Nam thành hai vùng quân sự. Trong bối cảnh lịch sử này, Phan Lạc Tiếp là người nhập cuộc theo chiếc thuyền lênh đênh giữa trùng dương. Những ngày cuối năm ở trên hải đảo gần như bị cô lập với thế giới bên ngoài, một nơi chỉ có trời và nước, chỉ có chờ và đợi, đất liền là thiên đường mơ ước đầy hấp dẫn nhưng rất xa xôi. Khi nghe tiếng còi tập họp trong đêm Giao thừa, chung quanh chỉ có rừng cây, ghềnh đá và biển…, ông đã cảm nhận:

“Tôi trở về lều. Cửa sổ mở nhìn ra ngoài khơi. Biển vẫn phẳng lặng không một ánh đèn. Tôi thấy xót xa trong lòng. Nếu tàu không tới thì buồn biết mấy. Tiếng hát từ chiếc loa ngoài kia đều đều vọng tới. Giọng hát Thái Thanh nức nở thiết tha. Tôi khêu to ngọn đèn lên. Chiếc kiếm gác trên vách lá. Di vật của người đội trưởng trước tôi để lại, hồi ông ta nổi điên được đưa về Sài Gòn điều trị. Vội vã quên nên không mang theo. Chiếc kiếm với đầy đủ ngù quàng nơi đốc kiếm. Tôi lấy xuống, rút ra. Lưỡi đã có vài vết han rỉ. Tôi tra vào bao và dựa xuống sau đầu ghế vải, thầm hỏi không biết hồi này bịnh tình của ông đã khá chưa. Người con trai thời loạn chẳng lẽ chóng hoen rỉ như lưỡi kiếm này, như chủ nó sao? Tôi cũng không biết, tôi sẽ còn phải trấn giữ hòn đảo này trong bao lâu nữa . Rồi ra tôi sẽ phát điên không? Ai sẽ tới thay tôi, và sau đó ai sẽ tới nữa. Những buổi chiều bóng núi đổ dài ra ngoài khơi. Khí núi xông lên lạnh và buồn. Những anh tuần viên xúm nhau ngồi trên khúc cây khô ca vọng cổ. Rồi đêm xuống dõi mắt ra khơi, tìm những bóng đèn câu lạc loài từ đất mẹ. Khi tiếng những con tắc kè cất lên như những tiếng nghiến răng, thì phần lớn mọi người đã say ngủ. Nhưng cũng từ phút đó nhiều kẻ còn ngồi ngoài ghềnh đá, giương mắt nhìn về phía xa mà hai mắt đỏ nhừ.” [“Giao Thừa Trên Đảo.”]

Tuổi thanh xuân của Phan Lạc Tiếp và đồng đội của ông, chẳng có gì ngoài hình ảnh súng đạn và chết chóc. Những ngày cuối năm, người lính hải đảo âm thầm hồi tưởng một cái Tết nào đó của gia đình. Giữa không khí tĩnh mịch hoang vu này, thường xảy ra những cuộc đánh nhau. Nguyên nhân chỉ vì tâm sự của những người lính quá dài, nói lung tung trêu nhau cho hai bên cùng tức, để rồi cùng so găng rất quyết liệt. Nhưng sau đó họ lại nhanh chóng làm hòa, bởi vì người ta không thể giận lâu khi cùng chờ đợi những chuyến ghe bầu chở vật dụng và thực phẩm ra đảo tiếp tế.

Có thể nói Phan Lạc Tiếp là nhà văn của Hải Quân. Ông viết về đời sống của người lính biển bằng sự hãnh diện của người đồng hội đồng thuyền. Bàng bạc trong câu chữ của ông là những con người bằng xương bằng thịt, trung hậu, nhân ái, tuy có buồn nhưng tích cực. Sau khi Miền Nam thất thủ, nhiều người quá đau khổ thường buông lời oán than số phận, trách móc bản thân, trách móc người chỉ huy, trách móc binh sĩ…Nhưng Phan Lạc Tiếp không có thái độ này. Như nhận xét của nhà văn Võ Phiến, Phan Lạc Tiếp “không trách kẻ dưới, không oán người trên. Mỗi cái quấy có lý do phức tạp của nó, mỗi thất bại, có nguyên nhân trùng điệp. Ông không chì chiết nặng nhẹ. Ông đau cái đau chung, thế thôi. Người như vậy, không mến được sao?” [“Võ Phiến – Tháng 3-1991”]
Nhà văn Phan Lạc Tiếp là sĩ quan Hải Quân tốt nghiệp khóa 11 Sĩ Quan Hải Quân Nha Trang. “Bờ Sông Lá Mục” xuất bản năm 1996,  tái bản ở hải ngoại khi ông định cư tại Hoa Kỳ. Năm 1975, ông xuất bản các tập bút ký “Nỗi Nhớ, Quê Nhà 40 Năm Trở Lại.” Và năm 2011 “Một Thời Oan Trái” ra đời. Có những chuyện đã qua và mờ nhạt được viết lại như một truyện ngắn, nhưng cũng có những sự kiện được ghi chép như một bài phóng sự. Dù viết dưới hình thức nào, nhà văn Phan Lạc Tiếp cũng chỉ muốn ghi lại nỗi buồn chiến tranh, mà ông và đồng đội đã chứng kiến đã chịu đựng từ những ngày xưa, cách đây hơn nửa thế kỷ.  

alt

HNP
3:15am Thứ Bảy ngày 3 tháng 1 năm 2015