Cùng trong gia đình nhà Hành, được xem là “người em út”, Hẹ được xử dụng nhiều trong Đông Y. Đồng thời với Hành và Tỏi, phần dùng chính của Hẹ là Lá và Hạt.
TÊN KHOA HỌC:
Allium schoenoprasum hoặc Allium chinense thuộc họ Liliaceae. Mỹ gọi là Chives, một giống Hẹ khác cũng được gọi Chinese Chives (Garlic chives). Pháp gọi là Ciboulette. Đông Y gọi là Cửu Thái và hạt của Hẹ gọi là Cửu Thái Tử.
ĐẶC TÍNH THỰC VẬT VÀ LỊCH SỬ:
Hẹ, trái với Hành và Tỏi, được trồng tại Mỹ để làm cây cảnh nhiều hơn là làm thuốc. Hẹ có nguồn gốc từ vùng Bắc Âu, Á và Bắc Mỹ, thích hợp với khí hậu mát lạnh. Muốn trồng Hẹ phải có đất xốp và nhiều mùn đất với khí hậu tương đối lạnh, do đó được trồng nhiều tại vùng Scandinavia, Đức và Anh. Riêng Hẹ Tàu được xử dụng từ thời xa xưa và được ghi vào Thần Nông Bản Thảo.

Củ và Hạt Hẹ
Hẹ là loài cây có lá như cỏ, nhưng lá lại là hình trụ rỗng. Mỗi bụi có thể cao tới 60 cm. Hoa màu đỏ tím vươn lên đầu bụi (Hẹ tàu có hoa màu trắng), có mùi thơm thoảng nhẹ. Lá Hẹ cũng có thoảng mùi Tỏi. Hẹ thường được trồng bằng cách gieo hạt, nhưng cũng bằng cách tách bụi cây ra vào mùa Xuân hay Thu, hoặc có thể từ Củ.
Hẹ được ghi nhận trong Thần Nông Bản Thảo và Minh Y Biệt Lục với nhiều đặc tính trị liệu những chứng bệnh liên quan đến Phổi, Bao Tử và Đại Trường.
Cũng như 2 anh em trong gia đình Tỏi và Hành, Hẹ chứa nhiều hợp chất Allyl-sulfur, nhưng khác hơn là nhiều loại đường thực vật như Galactose, Rhamnose, Galacturonic acid, và đặc biệt nhất là Scorodose. Tinh dầu Hẹ chứa khoảng 1% hợp chất Allyl-sulfur.
ĐẶC TÍNH DƯỢC HỌC VÀ CÁCH DÙNG
Y học tây phương ít chú ý đến Hẹ vì chỉ xem Hẹ như một gia vị và nếu cần đến các hợp chất Allyl-sulfur thì đã có Hành và Tỏi.
Tuy nhiên, đặc biệt nhất có lẽ là khả năng của Hẹ trong việc trị chứng Anorexia nervosa, được mô tả như một chứng bệnh tâm thần, sợ trở thành mập nên không cảm thấy thèm ăn. Mùi thơm của Hẹ và Hẹ dưới dạng Trà giúp được người bệnh cảm thấy thèm ăn.

Hoa, Lá Hẹ
Thử nghiệm trên cơ trơn, trích tinh Hẹ cho thấy tác dụng đầu tiên là kích thích sự co thắt, rồi sau đó làm giãn nở cơ trơn nên được xử dụng trong các trường hợp tức ngực khó thở (Anginapectoris).
Riêng với Đông Y, Hẹ là một phương thuốc đa dụng. Hạt của Hẹ và Hoa của Hẹ đều có những công dụng khác nhau. Hẹ (Allilum Chinense), nếu dùng cả củ, được phiên âm là Xie-bai (sách thuốc Nhật ghi là Gaihaku, Đại Hàn ghi là Haebaek). Củ được xem là tác dụng trên các kinh Phế, Đại Trường và Vị, có khả năng thông thoát dương khí và phân tán được Hàn xâm nhập Phế kinh, làm tan được huyết ứ đọng và trục được Đờm đọng, do đó được dùng để trị đau tức nơi ngực, ho, khò khè, khó thở. Ngoài ra, vì do tác dụng thông huyết nên được dùng để trị đau tức bụng do trở ngại máu huyết ngăn chặn Tâm kinh. Khi bị ho, có thể dùng từ 30 đến 50g Hẹ tươi, ăn như gia vị hoặc giã lấy nước để uống.
Hạt của Hẹ (Allium tuberosum), phiên âm là Jiu-zi lại có tác dụng vào Kinh Can và Thận nên được dùng để bồi bổ Dương và giúp bồi dưỡng tinh trùng, trị được Liệt Dương, Di Tinh, tiểu nhiều ban đêm và đau thắt ngang lưng. Liều lượng nên dùng từ 5g đến 9g mỗi ngày.
Hoa Hẹ có tỷ lệ hoạt chất cao hơn hạt, nên có thể dùng thay thế Hạt, và làm thực phẩm rất tốt.