Menu Close

Trồng chuối và đời sống nông dân – Kỳ 2

Ngoài ra, còn vài giống chuối nữa nhưng ít thông dụng như chuối vông, chuối chà, chuối ngà, chuối nanh heo, chuối lá đen vân vân.. nên dân quê cũng ít trồng.

Ở nhà quê, việc trồng chuối coi như là công việc ai cũng biết và ai cũng trồng được, nhứt là mấy bờ mương vừa mới lên bờ, hoặc vườn cam quýt mới bắt đầu lập vườn là người ta bứng chuối con về trồng xen kẽ với cam quýt. Sở dĩ chuối được dân quê trồng trước tiên vì chuối che bóng mát cho cây ăn trái khi còn nhỏ và chuối mau trổ buồng. Nhớ hồi nhỏ tôi thường nghe Tía tôi nhắc “Trẻ trồng xoài, già trồng chuối” là có ý khuyên người già trồng chuối mau ăn hơn trồng xoài mà thời gian đối với người già không còn nhiều, nên trồng chuối là cách tốt nhất.

Có ba giống chuối mà dân quê ưa trồng nhứt là chuối lá xiêm, chuối cau và chuối và. Trong ba loại giống này, giống nào gặp đất mới cũng sung tốt như nhau nhưng với chuối lá xiêm thời ăn được vài ba buồng là chuối thường bị tim do con sùng đục rễ. Do đó, trồng chuối lá xiêm sau vài mùa là bắt đầu phá ra trồng lại, nếu không, sùng sẽ làm cho chuối bị vàng lá rồi bụi chuối sẽ chết. Riêng hai giống chuối cau và chuối và cui, hoặc chuối và hương, chuối và lùn thì không bị nạn sùng đục rễ nhưng lâu dần khi buồng chuối hơi ít nải, người ta cũng phá ra và bắt đầu trồng lại lớp chuối mới thì mới hy vọng chuối lớn cây và buồng sẽ có nải lớn. Chuối và mía nếu được trồng thay phiên nhau trên cùng một miếng đất sau thời gian vài ba năm, thì cả hai loại giống cây này trồng rất hợp nhau về khí chất và làm cho vườn chuối hay rẫy mía sẽ tốt tươi hơn.(4)

Hồi thập niên 1940-1950, người ta lên bờ trồng chuối bằng cách lấy đất dưới sông đổ cao hoặc đào mương lập vườn cho khỏi ngập nước để trồng chuối. Về sau này, thập niên 1980-1990, các vùng nước ngập hằng năm từ Tháng Bảy âm lịch tới Tháng 10 âm lịch, muốn trồng chuối, người ta trồng trên các nền vườn cũ có từ đời trước hoặc muốn lập vườn mới, vào tháng nước, người ta mướn nhơn công chở một lớp đất mặt từ ngoài ruộng gò đem vô đổ cao khỏi mực nước ngập lập vườn. Với lớp đất ruộng mới đào có nhiều chất phân do trồng lúa, khi người ta bắt đầu trồng chuối, chuối sẽ mau tốt và buồng chuối nào cũng nhiều nải và trái chuối cũng rất lớn so với chuối trồng nơi các nền vườn cũ.

Thực tình ra, hồi đời trước cách nay bảy tám chục năm, vì chuối rất dễ trồng, nên nhà nào cũng trồng năm ba bụi, vài ba bụi, cốt để có chuối ăn thôi, ít ai nghĩ trồng chuối để bán. Về sau này ở nhà quê cũng giữ ý niệm trồng chuối chỉ để ăn nên ít ai trồng nhiều. Ngoại trừ một vài nhà chuối trồng khá nhiều, khi tới kỳ chuối trổ rộ, ăn không xuể, nên người ta mới nghĩ cách chặt chuối xuống rồi đem giú trong các lu mái vú, khi chín đem ra chợ làng bán hầu có thêm chút đỉnh tiền mua dầu lửa, đường cát, cá thịt đỡ phải xuất tiền nhà. Về cách giú chuối cũng đơn giản. Chẳng hạn như đốn chuối và xuống, rồi dùng lưỡi mác bén cắt ra từng nải và đem phơi nắng cho chuối ráo mủ. Xong đâu đấy người ta mới đem chuối sắp xếp vào lu mái vú có lót lớp lá chuối khô ở bên dưới. Khi chuối chất đầy lu rồi, tủ thêm lớp lá chuối khô bên trên và đậy nắp lu lại vài hôm là chuối chín. Có người còn cẩn thận lấy cái nồi bằng đất lót lớp tro bên dưới đáy nồi rồi gắp vài cục than để lên trên và để nồi than này lên mặt lớp chuối trong lu trước khi đậy nắm lu lại với mục đích làm cho lu chuối hầm hơi và chuối sẽ mau chín. Giú chuối như vậy màu chín của chuối rất tự nhiên, không vàng rực nhưng trái chuối ăn rất ngọt, không bị sượng. Sau này các lái mua chuối bày ra cách dùng khí đá để giú chuối hoặc giú xoài có màu chín vàng rất đẹp mắt nhưng các loại chuối hoặc xoài giú khí đá thì ăn không ngon bằng cách giú tự nhiên như hồi đời trước.

Mấy năm 1960, nhiều nhà ở quê có nhiều chuối, bắt đầu có lái bơi xuồng dọc theo các kinh rạch mua chuối đóng vóc về bán lại các chợ quận, chợ tỉnh. Cách bán chuối hồi mấy năm ấy, người ta tới vườn mình nếu có chuối ở thời kỳ đóng vóc hoặc chuối sắp già thì họ mua theo chục, mỗi chục là mười nải trơn, và đếm số nải từng buồng, rồi cộng lại thành trăm, thành thiên là tính tiền và mỗi buồng như vậy chủ nhà sẽ không tính nải chót. Do đó lái mua chuối họ lời là nhờ mỗi buồng chuối có nải chót ấy mà nhiều lúc gọi là nải chót nhưng nải chuối cũng rất lớn. Vả lại dân quê bán chuối hoặc bán bất cứ cây trái gì khác như xoài, vú sữa, cam quýt, ổi, bắp, mía vân vân…, mỗi thứ gì mỗi khi bán họ đều cho thêm nên mới có câu “bán không thêm, nằm đêm khó ngủ” nên người mua đi bán lại không sợ bị thiệt thòi gì mà đôi lúc nhờ lòng rộng rãi và tử tế ấy của dân quê mà người đi mua cây trái có thêm chút tiền lời khá bộn. Hồi đời trước ở nhà quê vào hai ngày rằm và ngày ba mươi âm lịch mỗi tháng, dân quê thường ra chợ mua chuối cúng Trời Phật, nên các xuồng mua chuối thường chuẩn bị chuối để bán hai ngày này. Do vậy, lái mua chuối thường vào vườn mua chuối vào các ngày mùng mười và hai mươi lăm âm lịch, nếu có chuối và là họ mua liền và đốn luôn thể để về giú chuối cho kịp chín vào các ngày rằm và ba mươi âm lịch hầu có chuối chín để mang ra chợ bán cho bà con.

Ở các chợ nổi vùng Ngã Bảy Phụng Hiệp, hoặc Cái Răng thuộc Cần Thơ hay chợ nổi các nơi khác như ở Long Xuyên, Châu Đốc các ghe bán vật thực gì họ thường treo các loại cây trái ấy. Chẳng hạn các ghe bán chuối thì họ treo nải chuối hoặc một buồng chuối trước mũi ghe của họ để cho người muốn mua dễ tìm; nhưng cần lưu ý việc mua bán từ xuồng ghe này qua xuồng ghe khác đã có khác với việc mua bán ở nhà vườn. Một đằng mua bán ở nhà vườn là lấy cái thật thà làm nền, lấy cái thuận mua vừa bán với chữ tín làm trọng, trong khi mua bán ở các ghe mua bán với nhau là mua bán có tính toán cân phân lời lỗ nên tính chơn chất ở nhà quê không áp dụng trong việc mua bán có tính chuyên nghiệp của giới thương hồ được. Hồi đời trước, lúc còn mua bán đếm nải tính chục, tính trăm thì có cảnh các ghe mua bán chuối người ta đếm ăn gian với nhau nhứt là với số lượng lớn mức độ ăn gian càng nhiều. Cách ăn gian này thường được gọi là “đếm cách mươi”, tức là họ đang đếm số chuối lên tới 40 nải chẳng hạn, khi người mua không để ý, người bán có thể đếm tăng lên mười nải, thay vì 40, họ đếm 50. Lâu lâu họ “đếm cách mươi” như vậy một lần thành ra ăn gian được nhiều lần thì lời nhiều nhưng rốt rồi khi gác mái chèo thì tiền lời cũng hổng còn nhưng cái tội ăn gian thì còn hoài. Ở nhà quê không bao giờ có màn đếm ăn gian như vậy vì tính chơn chất đã đành mà họ còn sợ tội phước nữa. Dân quê rất sợ việc tội phước, không phải chỉ bị tội một sớm một chiều rồi thôi đâu mà họ sợ tội phước cho nhiều đời con cháu họ sau này lãnh hậu quả do việc họ làm không phải ngay bây giờ. Sau này ở nhà quê bán cái gì cũng cân ký lô tính tiền. Từ lúa tới mận, tới xoài, ổi, cam quýt, bưởi, mít, chuối…, bất cứ thứ gì cũng cân ký ráo trọi, nên thoát được nạn “đếm cách mươi”; nhưng thoát được nạn này thì lại gặp nạn khác, tức là khi cân ký cũng bị nạn “mua cân già, bán cân non”của các người mua đi bán lại, mà thường thường người nhà quê là nạn nhân của các mánh khóe này. Do vậy, bạn vào vườn nhà quê, bạn mua bất cứ thứ gì cũng không sợ bị lầm. Về công dụng của chuối, chẳng những chuối cho những buồng chuối nhiều nải làm cho dân gian có món trái chín ngon lành mà hầu như tất cả các bộ phận khác của cây chuối đều hữu dụng. Chẳng hạn, khi cây chuối còn nhỏ cũng cho được món rau ghém rất giòn, rồi lúc chuối lớn, lá chuối dùng được biết bao công việc từ gói bánh trái ba ngày giỗ Tết đến việc gói bắp, gói xôi ; còn cọng chuối được chẻ làm dây buộc những chiếc nem, đòn bánh; ngay cả khi cây chuối đã được ăn buồng rồi cũng góp phần làm ấm gốc cam gốc quýt, vườn trầu… Đó là chưa kể, dường như đứa bé ở nhà quê nào trước khi biết lội cũng đều phải ôm cây chuối bì bõm tập lội nơi các dòng kinh, dòng rạch… Nói tóm lại, chưa có loại cây nào gần gũi với dân quê như cây chuối.

Và thêm nữa, nhắc tới chuối, dường như ai cũng nhớ câu ca dao:

“Gió đưa bụi chuối sau hè,
Anh theo vợ bé bỏ bè con thơ!”

Điều đó cũng cho chúng ta thấy chuối rất gần gũi với đời sống của người nông dân ở các miền quê, nhứt là tính chịu đựng của người phụ nữ ở nông thôn với cảnh đời ngang trái dường ấy mà rồi chỉ biết cất cao tiếng hát dỗ con mà cũng để tự an ủi lấy mình dù ruột nát gan bầm trong cảnh đời bất trắc éo le như câu ca dao vừa dẫn. Hơn thế, đối với những người vì hoàn cảnh bẽ bàng họ đành phải rời bỏ quê hương sống một nơi xa lắc quê nhà, lúc bấy giờ quê hương đối với họ không phải là “chùm khế ngọt”, bởi khế không phải là giống cây tiêu biểu cho quê hương, và dĩ nhiên, không phải nhà nào cũng trồng được năm ba gốc khế ngọt; đó là chưa kể nhiều khi cả làng đi suốt từ vàm vô chí đến ngọn không tìm được một cây khế dù là khế chua thôi chứ làm gì có khế ngọt để “cho con trèo hái mỗi ngày” như có nhà thi sĩ nào đó đã viết như vậy; mà quê hương chính là chuối, những bụi chuối ở trên vườn, ở bờ kinh, ở sau hè mới gần gũi và thân thiết với lòng người biết bao.

Vâng, nhà thơ Trần Hoài Thư có lần phải thốt lên hai tiếng “trời hỡi” rất não lòng khi ông bắt gặp bụi chuối bên đường, và chị Yến, hiền thê của nhà thơ Trần Hoài Thư có lần chị cũng kể lần đầu gặp được bụi chuối nơi xứ người, chị đã khóc hết nước mắt:

“Bụi chuối nhà ai bên đường đã mọc,
Chuối mẹ chuối con, trời hỡi quê nhà!”

Hai câu thơ với chữ nghĩa bình thường, mộc mạc, đơn giản mà thống thiết ấy đã được bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, và cũng là một thi sĩ, trong một lần đọc được câu thơ ấy đã phải thốt lên rằng: “Vâng chỉ là một bụi chuối xúm xít mẹ con. Chỉ thế thôi. Nhưng trong anh là cả một quê nhà vằng vặc.(…) Hai tiếng “trời hỡi” mới “cải lương” làm sao! Nhưng nó đã làm tôi muốn rơi nước mắt! Cải lương thật tuyệt vời!”(5)

Vâng, chính chuối là giống cây vừa phổ cập vừa dễ trồng mà bền bỉ với mưa nắng của vùng gió mùa như vùng sông nước Cửu Long này mà lại rất tương hợp với tính chất nhu hòa, chơn chất, mộc mạc của dân cư nơi các làng quê biết bao! Có thể nói mà không sợ trật, chính lúa và chuối là hai giống cây trồng không cách gì tách rời khỏi đời sống người nông dân nơi các miền quê sông nước ruộng đồng nơi các làng mạc miền Tây Nam nước Việt này vậy!

alt

PHOTO TRIEUPHAM – NGUỒN YEUNHIEPANH.NET

HT – Long Xuyên, ngày 30-08-2014
(Trích trong “Một Chút Tình Quê”, sắp in)

Cước chú:
4/ Theo Vân Đoài Loại Ngữ, sđd, trang 438 có viết: ”Sách Quảng Đông Tân Ngữ nói: “Người huyện Tăng Thành (thuộc tỉnh Quảng Đông) trồng nhiều chuối. Cứ ba bốn năm, họ lại đẵn hết chuối đi mà lấy chỗ trồng mía. Mía được đất chuối mọc cũ, thì tốt, và ngọt. Trồng mía một, hai năm, xong họ trồng chuối, trồng xen thêm khoai củ, thì đều được thơm ngon. Chuối với mía, lần lượt trồng thay nhau, khí vị ưa nhau, ngon hơn nơi khác.”
5/ Trong quyển “Nhớ Đến Một Người”, của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, nhà xuất bản Văn Hóa-Văn Nghệ, Việt Nam, năm 2011, với tựa bài “Gọi Chiều Nước Lên” khi tác giả đọc tập thơ “Xa Xứ” của nhà thơ Trần Hoài Thư và có nhận định như vừa dẫn, trang 63.