Menu Close

Người đàn bà Hung Gia Lợi

Người đàn bà trung tuần sống ở tầng ba. Lúc nào bà cũng đi cùng với một chú cún. Cả hai thích làm quen với khách bộ hành. Nhưng ở Upper East Side này, không ai quan tâm đến một con chó kém vệ sinh và người chủ thốc thếch của nó.

Bà có một người con trai đã ngoài bốn mươi, tên Tẻo. Bà nói, Tẻo bị côn đồ hành hung năm mười sáu tuổi. (Thật ra, không ai biết Tẻo đã bệnh như vậy khi mới chào đời hay không.) Từ đó, Tẻo bị mất bình thường, và đã sống trong khu nhà dành cho những người bệnh tâm thần. Gần đây, Tẻo về thăm mẹ thường xuyên, gây ra nhiều xáo trộn cho chung cư. Có hôm, hai ba giờ sáng, anh ta về, bấm chuông mà mẹ anh không mở cổng ngoài. Điên tiết, anh ta bấm hết những hộ còn lại. Hôm sau, mọi người đều phản đối với ban quản lý.

Bà cụ bị yêu cầu dọn đi. Bà thuê nhà từ thời tiền thuê còn được bão hòa, nên cả bốn chục năm, bà chỉ trả có năm trăm bạc mỗi tháng. Những cư dân mới dọn đến như chúng tôi phải trả đến gấp bốn lần số tiền đó. Vì vậy mà ban quản lý đã nhiều lần tìm cách đuổi bà đi để sửa căn hộ lại và cho thuê giá cao. Ở thành phố mệnh danh Quả Táo Lớn này, tiền nhà lên ào ào, nhất là vào những mùa người ta hay dọn nhà.

Bà nhờ anh viết thư ủng hộ việc bà ở lại. Anh vui vẻ nhận lời. Bà ra tòa, thắng kiện. Ban quản lý không được đuổi bà nữa. Điều kiện duy nhất: con trai bà không được quyền lảng vảng trong chung cư.

Nhưng Tẻo quen đường, cứ về. Mà anh ta cũng không còn người thân nào khác ngoài bà mẹ già nua mụ mị này. Tẻo còn ngồi bệt trên sàn nhà trong hành lang chính. Có hôm, Tẻo hút thuốc liên tục, mùi và khói thuốc nồng nặc cả cầu thang. Anh lên báo cho bà biết. Bấm chuông cửa căn hộ của bà mãi, bà không chịu trả lời. Anh phải ra tận cổng ngoài, bấm chuông vào. Bà ló đầu ra ban công nhìn xuống, thấy anh, bà mới chịu lên tiếng. Anh vào, leo lên lầu ba. Bà mở cửa, trách anh sao lại cho con trai bà vào cửa. Tẻo đã thừa có người về nhà đã theo họ mà vào được cổng ngoài.

Anh chưng hửng. Thì ra bà ta không muốn cho con mình vào.  Anh nói, không phải anh mở cổng cho Tẻo. Thế nhưng, nếu Tẻo đứng mãi ngoài trời đông, tuyết rơi, sẽ chết cóng. Bà có vẻ không quan tâm. Bà chỉ muốn yên thân ở lại căn hộ này. Con trai bà đã có nhà, là viện tâm thần. Bà chỉ có mỗi căn hộ này để bấu víu.

Căn hộ của bà là một mảng bất động của thế kỷ trước. Nó ọp ẹp, bẩn thỉu, hôi hám. Không có đèn trần kiểu mới như trong căn hộ của chúng tôi. Cái bồn nước nhỏ xíu ở góc trái, bên cạnh cửa ra vào, thấp lưng chừng thắt lưng, thường chỉ thấy trong hình ảnh xưa hay ở viện bảo tàng. Căn hộ không có vách ngăn. Cái bếp ga cổ điển nằm bên vách phải, không biết có còn sử dụng được không. Anh nín thở.

Cái giường của bà nằm ngay giữa phòng. Không biết có bao nhiêu thứ trên đó. Bà mời anh ngồi. Anh định ngồi xuống chỗ bàn ăn kế bếp ga, nhưng thấy toàn những vệt nước đen và tô dĩa chưa rửa nằm la liệt, lại thôi. Anh nói, chỉ muốn cho bà biết con bà đang ở hành lang, rồi chào.

Tẻo tiếp tục lai vãng thường xuyên, bấm chuông nửa đêm, hút thuốc vô tận. Cư dân lại phàn nàn. Tòa lại gọi. Bà bảo anh viết một thư thứ hai. Bà bắt anh phải khăng khăng phủ nhận rằng anh không có thấy Tẻo về chung cư. Anh bất bình, bảo bà buộc anh nói dối.  Anh nói, anh sẵn lòng viết thư ủng hộ bà ở lại, nhưng không thể nào nói dối trắng trợn như vậy được. Bà không vui. Anh không viết thư.

Mấy hôm sau, tôi đi chợ về, thấy bà ngồi ở bậc thềm trước cổng, ôm chó, nhìn phố xá. Bà cười. Tôi chào lại. Bà hỏi tôi có biết anh không. Tôi bảo, “Chúng tôi mới cưới nhau.”  Bà nói, anh thông minh lắm. Tôi đáp, “Thế ư? Vậy mà anh ấy giấu tôi.”

Tuần sau đó, chúng tôi đi viện bảo tàng Metropolitan, gặp bà ở cầu thang. Bà báo, Tẻo đã bị bệnh cúm phổi vì dầm sương suốt mấy đêm, và vì gió bấc. Chúng tôi tỏ vẻ áy náy. Bà thở phào, “Nó không chịu ở trong viện tâm thần. Tối tối lại lén về đây! Bây giờ, nó không về quấy rối tôi nữa rồi.” Ban đêm, không có nhân viên canh gác, nên bệnh nhân tha hồ trốn viện. Bà có báo cho họ nhiều lần, nhưng vô hiệu. Tôi chợt nghĩ, một đứa con tật nguyền đi tìm mẹ, mà chính người mẹ ấy cũng không muốn đón nhận con mình.
Bà thà con mình dầm sương dãi tuyết, chứ không cho nó vào nhà. Trong khu này, có nhiều người gốc Hung Gia Lợi sống. Có rất nhiều Thánh đường và trường học tư do người Hung Gia Lợi sáng lập, và vẫn còn giữ tên gốc. Cách chung cư này bốn dãy phố là một ngôi chợ Hung Gia Lợi, bán đủ các thức ăn quốc hồn quốc túy của xứ này. Ở nhà thờ Thánh Stephan ở bên kia đường, Cha Quản Nhiệm vẫn đưa các linh mục từ Hung Gia Lợi sang để phục vụ cho các giáo dân mới di dân đến New York, lẫn những cư dân đã ở đây từ vài chục năm trước nhưng vẫn nói được tiếng mẹ đẻ.

Hung Gia Lợi cho tôi một ấn tượng vừa lạ lẫm, vừa gắn bó, như những nước Đông Âu khác vốn bị Cộng Sản Liên Xô xâm chiếm từ Thế Chiến thứ Nhất đến 1991. Hung Gia Lợi đã bị Liên Xô chiếm đóng từ 1919 đến khi Liên Bang Xô Viết bị tan rã ở cuối thế kỷ 20. Trong Thế Chiến thứ Hai, Hung Gia Lợi cùng liên minh với Đức để chống Hồng quân Liên Xô, và bị Quân Đội Đỏ coi là kẻ thù. Năm 1945, trong cuộc vây hãm thành Budapest, vô số dân thường đã tử thương, bị bệnh tật, và đói. Có đến hai trăm ngàn phụ nữ và bé gái đã bị Hồng quân hãm hiếp. Nhiều thiếu nữ bị bắt cóc và bị biến thành nô lệ tình dục tại các trại lính Hồng quân, nhiều cô đã bị thảm sát. Ngay cả nhân viên của Đại sứ quán từ những quốc gia trung lập cũng bị bắt cóc, hãm hiếp, và sát hại. Một trang sử đau đớn của Hung Gia Lợi, của nữ giới, của nhân loại.

Trong suốt thời gian bao vây cũng như những tuần lễ sau đó, Hồng quân Liên Xô cướp phá thành phố Budapest một cách vô kể, bất luận giàu nghèo, tịch thu và lấy đi bất cứ thứ gì họ muốn, nhất là thức ăn, quần áo, đồ đạc có giá trị, còn những gì họ không đem theo được thì họ phá hủy, trong đó có những tác phẩm nghệ thuật. Nhiều nhà bị Hồng quân đốt cháy sau khi cướp của và hiếp người. Hồng quân liên tục cướp bóc nhiều nơi và còn trở lại nhiều lần sau đó. Tiền bạc và mọi thứ trong ngân hàng bị hốt trọn, bất cứ là của nước nào.

Khi nhìn vào gương mặt của người phụ nữ ở căn gia cư trên đường 82, Upper East Side, Nữu Ước, người mẹ không cho đứa con dở khùng dở tỉnh vào nhà, người ta thấy lẩn khuất những tiền thân của bao kinh hoàng bà đã chịu dưới gót giày Hồng quân

TGT