Menu Close

Giá xăng dầu và viễn ảnh 2015

Cuối tuần qua, giá xăng tại Hoa Kỳ tiếp tục hạ thấp. Giá trung bình quốc gia cho một gallon xăng là $2.08. Đã thấy lẻ tẻ những cây xăng treo bảng giá xuống tới mức $1.6 / gallon. 

alt

 

Trong nghị trình của Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới 2015 (World Economic Forum) sắp diễn ra tại Davos, Thụy Sĩ, chắc chắn sẽ có đề tài về xăng dầu hạ giá.
 

Trên thị trường thế giới, xăng dầu mất giá trên 40% tính từ tháng 6-2014. Lần cuối cùng xăng dầu rớt giá mạnh là trong khoảng 1997 đến 1998, lúc mỗi thùng dầu thô hạ giá từ $26 xuống còn chỉ $10. Tình thế năm nay, theo công ty tài chánh Morgan Stanley của Hoa Kỳ, giá dầu thô có thể xuống thấp $43 mỗi thùng. Trên bình diện người tiêu thụ, Hiệp hội Xe hơi Hoa Kỳ AAA, một tổ chức vô vụ lợi, tiên báo giá xăng “regular unleaded” (xăng 87) sẽ ở mức dưới $3 một gallon trong suốt năm 2015, với giá trung bình $2.60. Dù sao, giới chuyên gia đa phần đồng ý là giá xăng sẽ nhích lên trở lại vào nửa cuối năm 2015. Các thực tế như bác tài Hoa Kỳ lái xe nhiều hơn, nhiều khách hàng mua sắm xe SUV mới (thay vì xe sedan nhỏ)… có thể dễ dàng thúc đẩy nhu cầu và nâng giá xăng trở lại.

alt

Giá xăng xuống mức $1.69 tại một cây xăng New Jersey cuối tuần qua.

Có nhiều lý do khiến xăng dầu tuột giá ngoạn mục trong thời gian qua, trong đó có những bí ẩn mà có thể nhiều năm sau sự thật mới lộ diện. Trên bề mặt và theo các phân tích chánh thống, nhu cầu sút giảm, đồng Mỹ kim lên giá, và kỹ nghệ sản xuất dầu hỏa Hoa Kỳ tăng mạnh là những nguyên nhân chánh khiến xăng dầu đại hạ giá.

Khai thác dầu hỏa tại Hoa Kỳ tăng trưởng chưa từng thấy bằng phương pháp “khoan ngang” (fracking), hút dầu ra từ các tầng đá sâu trong lòng đất. Cùng lúc nhu cầu xăng dầu toàn cầu yếu nhất kể từ giữa năm 2009 trong lúc nước Nga và Iraq bơm dầu mỗi ngày một nhiều hơn. Phải kể thêm các dấu hiệu giảm sút sản xuất (kéo theo nới lỏng nhu cầu năng lượng) tại Âu Châu và Hoa Lục. Đặc biệt tại Trung cộng, theo thống kê mới nhất, kỹ nghệ sản xuất giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 18 tháng.

alt

Những người chống đối phương pháp khai thác dầu “khoan ngang” (Fracking) vì có thể di hại môi trường, làm ô nhiễm nguồn nước ngầm, thậm chí gây động đất…

Thực tế xăng dầu rớt giá liền kéo theo các điều chỉnh, cắt giảm trong nội bộ kỹ  nghệ năng lượng. Từ tháng 10-2014, thẩm quyền Texas Railroad Commission đã cấp giấy phép khai thác dầu hỏa ít dần. Các công ty khai thác, khoan dầu của Hoa Kỳ chỉ trong 6 tuần gần đây đã đóng cửa trên 200 giàn khoan dầu. Kể từ năm 1986, chưa bao giờ kỹ nghệ năng lượng Hoa Kỳ bị mất nhiều mỏ dầu và liên tục như vậy.

Các công ty năng lượng đa quốc gia cũng đồng loạt đình chỉ các hoạt động khai thác dầu hỏa trên vùng Biển Bắc “North Sea” lẫn Bắc Cực “Arctic” và cả trong vùng Vịnh Gulf of Mexico. Các nhà sản xuất bị bắt buộc phải cắt giảm chi phí, kể cả cho nhân viên thôi việc. Hãng ConocoPhillips của Hoa Kỳ lập tức cắt 230 việc làm trong số 1,650 nhân công tại Anh Quốc. Hãng Royal Dutch Shell của Hòa Lan liền hủy bỏ dự án khai thác dầu hỏa quy mô tại Qatar trị giá đầu tư $6.5 tỉ. Các công ty năng lượng Mexico đã cắt giảm trên 10,000 nhân viên. Hãng Suncor Energy Inc. cũng bắt đầu sa thải nhân viên bên Canada…

alt

Một khu khai thác dầu hỏa “Shale” dùng kỹ thuật “Fracking” tách tầng đá ngầm dưới đất. Ảnh Christopher Halloran / Shutterstock.com

Kỹ nghệ khai thác dầu hỏa tại Hoa Kỳ tăng mau chóng là một trong những nguyên nhân chánh khiến xăng dầu xuống giá ngoạn mục như vừa qua. Trong vài năm qua, Hoa Kỳ gia tăng mức sản xuất bội phần hơn trong quá khứ, một phần vì nỗ lực muốn tự lập năng lượng, một phần nhờ trữ lượng dầu hỏa “shale” (lượng dầu mắc kẹt trong các tầng đá) khổng lồ bắt đầu được khai thác. Mặc dù giá xăng rớt, và số mỏ dầu cũng sút giảm, mức sản xuất dầu của Hoa Kỳ vẫn tiếp tục tăng trưởng. Tại các vùng khai thác dầu hỏa “Shale” trọng yếu, dùng kỹ thuật “Fracking” khoan ngang, ở các tiểu bang North Dakota và Texas, công việc khai thác dầu vẫn gia tăng, thậm chí có những mỏ dầu có thể bơm dầu hỏa nhiều kỷ lục (như tại mỏ dầu Eagle Ford field của Texas và Bakken field của North Dakota).

Trong tuần lễ ngay trước khi trang báo này lên khuôn, sản xuất tăng 60,000 thùng dầu mỗi ngày, lên gần 9.2 triệu thùng – là con số khai thác dầu mỗi tuần cao nhất từ sau 1983. Theo Bộ Năng Lượng Hoa Kỳ, nếu năm 2013 mỗi ngày Hoa Kỳ bơm trung bình 7.44 triệu thùng dầu, năm 2014 là 8.6 triệu thùng / ngày, thì trung bình cho năm 2015 là 9.32 triệu thùng dầu khai thác mỗi ngày. Tốc độ này khiến Hoa Kỳ qua mặt cả Saudi Arabia lẫn nước Nga về mức sản xuất dầu hỏa. Cũng nhờ vậy, ngày nay Hoa Kỳ chỉ nhập cảng 20% lượng xăng dầu cần sử dụng (so sánh với 60% dầu nhập cảng mới hồi 2005), và lần đầu tiên trong vòng 4 thập niên, Hoa Kỳ khởi sự xuất cảng xăng dầu trở lại.

alt

Được trợ giúp một phần do xăng dầu giảm giá, kinh tế Hoa Kỳ tăng trưởng 5% trong nửa cuối 2014 và dự báo tổng sản lượng quốc gia GDP cũng sẽ tăng ít nhất 3% trong năm nay.

Thực tế giá xăng dầu giảm (hay tăng) luôn ảnh hưởng không ít tới nền kinh tế, giá cả hàng hoá, thậm chí an ninh xã hội tại bất cứ nước nào. Xăng dầu hạ giá nói chung là tin vui cho các nước thuộc thế giới thứ ba, trong đó có VN. Trên tầm mức toàn cầu, xăng dầu đại hạ giá cũng có thể vô tình trở nên một cách kích thích kinh tế phát triển mà khỏi tốn công các chánh phủ đầu tư hằng chục ngàn tỉ Mỹ Kim.

Riêng tại Hoa Kỳ, đánh giá chung xăng dầu hạ giá tốt cho kinh tế quốc gia. Người tiêu thụ bớt tiền trả đổ xăng và tiền bill sưởi ấm mùa đông, sẽ rộng tay chi xài những khoản khác. Cũng có không ít cơ sở thương mại hưởng lợi nhờ chi phí vận chuyển hàng hóa giảm. Tờ nhật báo Wall Street Journal khét tiếng vừa ước tính, trong năm 2015, xăng dầu hạ giá giúp khách hàng Hoa Kỳ tiết kiệm trên $90 tỉ, và cả nền kinh tế quốc gia tiết kiệm $300 tỉ. Đã có người gọi thực tế này là một cuộc chuyển tiền mặt khổng lồ (Cash Transfer), thay vì tiền vào túi các nhà sản xuất dầu hỏa, thì nay chảy vào túi khách hàng.

alt

Nguyên thủ các cường quốc sản xuất dầu hỏa mật bàn khẩn cấp đối phó với cuộc đại hạ giá xăng dầu.

Trên trang báo này sắp tới, mời quý độc giả cùng chúng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu các uẩn khúc chánh trị và những hệ lụy đằng sau việc đại hạ giá xăng dầu: những thế lực thua thiệt; những tác hại ngầm đối với kinh tế và công ăn việc làm tại Hoa Kỳ; ảnh hưởng đối với thị trường Á Châu; ảnh hưởng đối với thị trường địa ốc; và viễn ảnh tương lai năng lượng toàn cầu, v.v…

alt

Các yếu nhân thuộc nhóm OPEC xuất cảng dầu hỏa quan ngại dầu hỏa thậm chí có thể rớt giá đến $32 một thùng. Ảnh Reuters/Miraflores Palace

TD