Chúng tôi không phải mở máy sưởi trong suốt cả mùa đông. Đó là do hiện tượng bị hàng xóm hâm nóng.
Hai căn chung cư bên cạnh đều mở máy sưởi thật cao. Chúng tôi không hề thấy lạnh. Thế mới biết, chỉ có hai nhà hàng xóm thôi, thì đã đủ làm cho căn chung cư be bé của chúng tôi nóng ran trong mùa đông lạnh giá rồi. Bây giờ, nghĩ đến mức độ toàn cầu, thì cái sức nóng đang lan tỏa kia đáng sợ là dường nào.
Chúng tôi chủ trương bảo vệ môi trường, nên lúc còn là sinh viên, chúng tôi vẫn thích cưỡi xe đạp khi cần đi lại trong khu vực gần trường. Nhân tiện, tập thể dục luôn. Lái xe hơi, thì phải tìm chỗ đậu khi đi, khi về. Phải đổ xăng. Và phải sống với cái cảm giác tội lỗi là mình đã để lại những dấu chân CO2.
Tối hôm qua, anh đi làm về, sờ tay lên bức tường gạch đỏ bên phải, rồi thảng thốt, “Em ạ, nóng lắm! Phải dời cây đàn guitar đi thôi!” Thảo nào, mấy hôm trước, anh lên dây, tông tiếc cứ loạn cả lên. Chúng tôi loay hoay, nhích cây đàn ra phía ngoài một tí. Có dấu hiệu phải bài trí lại phòng khách rồi đây.
Ngày ngày, ánh mặt trời chiếu qua đôi cửa sổ hình chữ nhật đứng trong bức tường phía nam, thật khẽ khàng ban đầu, rồi dần dà ươm hoa ươm bóng từ những ngón tay khẳng khiu trong vườn.
Có hôm, anh đang ngồi, bỗng giật mình, bảo tôi, “Lạ lắm, Cưng. Cứ như là có cái gì đó đang che một phần mặt trời.” Anh đến bên cửa sổ, tư lự, quan sát, rồi reo lên, “À, khói bốc lên từ ống khói tòa cao ốc bên kia!” Tôi mách nhỏ, “Có hôm, căn chung cư của mình còn bị mặt trời chụp hình.” “Thế ư?” “Ừ. Khi có một vệt mây bay nhanh qua mặt trời, cả phòng sẽ lóa sáng lên như là có flash vậy.”
Tôi khám phá ra, hàng xóm của tôi có nuôi một con mèo.
Con mèo bị nhốt vào nhà vệ sinh mỗi ngày. Thỉnh thoảng, khi mở rèm cửa sổ đối diện với nhà vệ sinh hàng xóm mỗi sáng, tôi lại thắc mắc, sao đèn mở cả ngày. Đến khi tôi nhác thấy bóng con miu, thì mới biết, đó là nhà giam ban ngày của nó. Chủ ngục cũng nhân đạo, mang cho nó một quyển sách để trên bệ cửa sổ, và có lẽ khay thức ăn mà tôi không thấy được từ bên này.
Nhác thấy tôi, con mèo giật mình, rồi phóng thoắt xuống đất, mất dạng. Tôi chỉ thấy cái ức trắng của nó, mồn một giữa bộ lông đen tuyền.
Tôi về, khoe với anh về khám phá mới của mình. “Anh thấy lâu rồi!” Vậy mà cũng không thèm nói cho tôi nghe. Anh ích kỷ thật.
Đúng ra, anh không nói với tôi, có lẽ vì tôi không thích nhìn sang phía ấy. Không hiểu sao, người ta xây nhà thật oái oăm. Phòng ngủ của chúng tôi lại đối diện với phòng tắm của nhà chung vách. Từ nhà bếp, bức tường tẻ đôi, nhưng hai bên chỉ cách nhau có một cánh tay rưỡi thôi. Ban đầu, tôi phàn nàn, sao mất mỹ quan quá! Nhưng may là chúng tôi đặt giường ngủ trong phòng khách, nên chỉ đi ngang phòng ngủ khi cần đi vào phòng tắm kín cổng cao tường của mình.
Buổi sáng, trời thật trong xanh. Nắng, và lạnh.
Gió thổi ngun ngút trên dòng sông Đông, chuyển tiếng cười của cư dân đang đi bát phố hai bên bờ xuống dòng nước lấp lánh.
Phía bên kia, cây cầu tấp nập xe cộ. Đi một đoạn, là công viên cún. Phía trong, gần phố dân cư, là sân chơi dành cho chó lớn hơn.
Sáng Thứ Bảy, nên người dân trong vùng đua nhau đưa chó đi chơi. Cả một cái sân rộng đầy những chó là chó. Có cả một anh thật diện, mặc bộ tuxedo màu đen, có một cái cổ trắng, và một cái nơ đen.
Nhiều con cún còn tuổi nghịch, chạy xoắn xít không định hướng. Nhưng những con cún đã trưởng thành, thì xem đây là cơ hội ‘gặp tuần đố lá, thỏa lòng tìm hoa.’ Có một cô cún xinh xinh bị cả một đoàn thanh niên ví theo, làm cô nương chạy không kịp thở. Cún có chuyện của cún. Chủ có chuyện của chủ. Hình như sân chơi của cún cũng chỉ là nơi để dân cư khu này gặp nhau tán gẫu.
Nhìn những chú cún tung tăng, tôi chợt nghĩ đến thân phận của những con chó kiểng. Có phải cuộc đời chúng nó thật sự sung sướng không? Hay cả một tuần lễ, chúng cũng chỉ mong đến ngày Thứ Bảy, để đi tìm tình bạn, tình yêu. Tôi kể cho anh nghe, ngày xưa, ở Việt Nam, gia đình tôi cũng nuôi chó. Nhưng chó thả rong, chạy khắp làng xóm, ung dung tự toại. Tôi còn nhấn mạnh cái quyền tự do yêu đương và kén chồng của cô chó nhà tôi. Thuở ấy, cô chó Ti nhà tôi rất xinh đẹp, bao nhiêu anh chàng trong xóm trồng cây si. Nhưng anh nào mà không được cô để mắt đến, thì đừng hòng. Và cũng đừng làm phiền cô nữa. Cô sẽ nói thẳng vào mặt.
Nghĩ lại, mới thấy cuộc sống có nhiều trớ trêu. Cô chó nhà tôi ngày xưa, tuy sống làm chó nhà nghèo và bị chính quyền bắt nạt, nhưng vẫn được cái tự do căn bản nhất là chọn lựa đối tượng phối ngẫu. Có nhiều phụ nữ thời nay, bán trôn nuôi miệng, đi làm dâu mười cõi, vô định, vô vọng. Không có được cái quyền căn bản nhất của một con người. Cuộc đời họ, có một lúc nào được dịu xuống, lặng lờ như con sông Hudson đi nữa, thì bên trong, cũng đã bị dòng đời thả vào bao nhiêu là ô uế, cặn bã.
Chiều hôm đó, chúng tôi đi xem vở ballet tam khúc do George Balanchine, một kết hợp của những tác phẩm tiêu biểu của nhà ballet trứ danh. Tiền khúc là một vũ điệu cổ điển “Square Dance,” Trung khúc được diễn tấu theo điệu Liebeslieder Walzer qua dòng nhạc Johannes Brahms, và hậu khúc là vở “Stars & Stripes” về lịch sử Hoa Kỳ.
Trên đường về, chúng tôi lắng nghe Manhattan rền vang muôn làn điệu của cuộc sống muôn màu, trong đó, có cả những rạo rực của đôi vợ chồng mới cưới, đang đón nhận tất cả những vạn pháp đang hiển lộng.