Tháng Giêng mở đầu năm mới bằng giọt mưa xuân. Giọt mưa xuân hay giọt lệ trời, như tiếng nói âm thầm của ai đó suốt đời lòng riêng khép kín. Nếu có được bày tỏ chắc cũng chỉ là giai điệu thinh lặng thánh thót rơi, giống hệt hình ảnh giọt lệ thu mà nhạc sĩ Đặng Thế Phong từng âm thầm diễn tả và phác họa. Mỗi một đời sống đều cưu mang hay cất giấu một định mệnh, hoặc bình an hoặc khốc liệt. Người ta chẳng thể ngờ không thể biết, đâu là ngày giã từ cõi thế của bản thân. Trong đời thường, hầu như ai cũng mặc nhiên cam chịu lặng nghe giọt lệ trời chảy ngược vào lòng. Nhưng có lúc đột nhiên cõi người ta đồng loạt ôm mặt khóc rưng rức, khi đau đớn nhận biết rằng cuộc đời đã mang đến cho họ lắm ngày bất hạnh. Cái ngày bất hạnh ấy bất ngờ xảy ra tại tòa soạn của Tạp Chí Charlie Hebdo ở thủ đô Paris, đúng thời điểm truyền thông Pháp Quốc đưa tin: Họa sĩ vẽ tranh biếm họa Georges Wokinski và Jean Cabu là hai người trong số những ký giả bị bắn chết, khi các tay súng trùm đầu cuồng nộ xông vào tòa soạn. Đã có mười bảy người thiệt mạng kể cả hai nhân viên cảnh sát, vì cuộc tấn công khủng bố tệ hại nhất kéo dài ba ngày trên đất Pháp. Tạp Chí Charlie Hebdo nổi tiếng và bị nhiều tai họa, cũng chỉ vì những bức tranh trào phúng gây tranh cãi, tấn công vào các nhà chính trị và các tôn giáo. Tháng 11 năm 2011, tòa soạn từng bị những kẻ khủng bố đặt bom phá hoại, khi xuất bản một loạt tranh biếm họa về tiên tri Mohammed dưới tiêu đề Charia Hebdo. Tháng 9 năm 2012, Charlie Hebdo xuất bản hàng loạt tranh biếm họa khác vẽ tiên tri Mohammed khỏa thân, đúng vào lúc nhiều cuộc biểu tình bạo lực xảy ra tại các quốc gia Hồi Giáo, vì bộ phim có tiêu đề Innocence Muslims xuất bản tại Hoa Kỳ. Thời gian này các trường học, đại sứ quán, lãnh sự quán, trung tâm văn hóa của Pháp ở hai mươi quốc gia Hồi Giáo phải đóng cửa, vì sợ bị tấn công. Tánh mạng của biên tập viên Stephane Charbonnier bị đe dọa, phải sống dưới sự bảo vệ của cảnh sát. Số báo từ tuần trước, Charlie Hebdo đăng hình quyển sách Submission của tác giả nổi tiếng Michel Houellebecq, nội dung tưởng tượng ra một nước Pháp trong tương lai gần, được cai trị bởi một chính phủ Hồi Giáo. Chủ đề mới nhất trên trang Twitter của tạp chí Charlie Hebdo, chế nhạo Abu Bakr al-Baghdadi – chỉ huy của nhóm Nhà Nước Hồi Giáo – đang kiểm soát một vùng đất rộng lớn của Iraq và Syria. Tổng Thống Francois Hollande ngay lập tức đến hiện trường, lên án cuộc khủng bố dã man. Các nhân chứng nói với nhà chức trách, họ nhìn thấy những kẻ bịt mặt, trang bị súng AK Khalashnikov có đầu phóng hỏa tiễn, hét lớn đã báo thù cho tiên tri và Allahu akbar. Vụ thảm sát xảy ra vào khoảng 11:30 sáng, giờ Paris ngày 7 tháng 1 năm 2015.
Không chỉ gia đình của mười bảy nạn nhân phải khóc than trước tổn thất không gì bù đắp được khi người thân qua đời, mà cả thế giới đều chung chia nước mắt ngậm ngùi khi nghe tin những người vô tội phải chết, vì sự cực đoan của những kẻ khủng bố. Hàng ngàn năm qua cõi người ta vui mừng chào đón hằng hà sa số người được sinh ra, và cũng đau buồn tiễn biệt hằng hà sa số người an giấc ngàn thu. Sống chết thời nào cũng có. Nhưng có cái chết bi thảm đến độ khiến người ta hoảng sợ. Lúc này đây sinh tử không còn là sự luân hoán bình an theo bốn mùa thường tại, mà là một hệ lụy khốc liệt của lòng thù hận và nghiệt ngã, khi một nhóm cực đoan tuyên án tử hình cho những người yêu thích quảng bá tự do tư tưởng, dưới muôn ngàn hình thức của muôn ngàn chủ đề. Bên cạnh sự ủng hộ tự do tư tưởng, cũng có những ý kiến mời gọi mọi người cùng bình tâm nhìn lại. Ông Zeid Ra’ad Al-Hussein – Giám Đốc Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc – kêu gọi thế giới tìm kiếm khoảnh khắc hòa bình, không nên tìm kiếm sự trả thù. Lên tiếng trong lễ tưởng niệm các nạn nhân bị thảm sát tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Geneva, Giám Đốc Hussein cho biết: “Là một người Hồi Giáo, những bức tranh biếm họa mỗi ngày được in lại khắp nơi khiến tôi cảm thấy khó chịu, cũng như mỗi một người Hồi Giáo hiện diện trong tòa nhà này, hay 1, 6 triệu người Hồi Giáo trên thế giới đều cảm thấy khó chịu. Nhưng đối với chúng ta, câu trả lời dĩ nhiên không phải là sự giết người hoặc gây ra thương tật, cũng không phải làm cho người khác bị tổn thương dù rất nhẹ. Đặc biệt, giết người hay gây thương tích đều đáng lên án. Thay vào đó chúng ta phải luyện tập chung về các quyền của nhân loại, sao cho khéo léo và tài năng giống như các họa sĩ biếm họa và các nhà văn trào phúng vừa qua đời, để bảo vệ quyền tự do ngôn luận, tự do viết văn, và tự do hội họa.” [“As a Muslim, many of the cartoons which are being reproduced everywhere today are as offensive to me as they are to every Muslim here in this building and every Muslim around the world, all 1.6 billion or so of us. But, but for us the answer is of course not to murder or maim, hurt or slight anyone. That, especially the killing or the wounding, would be abominable. We must instead exercise the same right, practised so skillfully by the late editors, writers and cartoonists of Charlie Hebdo, the right to write, to speak, and to draw freely.” United Nations Human Rights Chief Zeid Ra’ad Al-Hussein.]
Trước vụ thảm sát đẫm máu xảy ra tại tòa soạn Charlie Hebdo, một vấn đề được cộng đồng thế giới đặt ra: Đâu là ranh giới của quyền tự do ngôn luận, và đâu là giới hạn khi bày tỏ tự do tư tưởng về những chủ đề có liên quan đến tôn giáo. Phương Tây là cái nôi của tự do – nơi quyền tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, tự do báo chí được tôn trọng, được phát triển và bảo vệ tối đa. Những quyền tự do này khi đi vào lãnh vực sáng tác văn chương, âm nhạc, hội họa – nhất là đối với thể loại châm biếm trào phúng – chắc chắn cũng sẽ được tôn trọng, được phát triển và bảo vệ tối đa. Ai cũng biết đề tài trào phúng thường nhắm vào tất cả các chủ đề, cũng như nhắm vào toàn thể nhân loại, và không có luật trừ. Từ ngàn xưa đã có những bức tranh hý họa, những bài văn những bài thơ châm biếm, chế nhạo các nhà lãnh đạo và các thần linh. Một bài viết của tác giả Mạnh Kim trên Facebook có đoạn nói rằng: “Vấn đề gây tranh cãi là ranh giới của tự do thông tin, và giới hạn của sự tự do thể hiện các vấn đề liên quan tôn giáo. Trong khi đó, phương Tây vốn quen với tự do thông tin, tự do ngôn luận và hẳn nhiên tự do nghệ thuật. Đặc biệt trong thể loại biếm, gần như không đối tượng nào bị loại trừ. Người ta chẳng lạ gì những tranh biếm bôi bác nhằm vào chính trị gia. Tuy nhiên, có những giới hạn bất thành văn. Lầu năm góc từng gửi thư phản đối Washington Post khi họ đăng tranh biếm bộ trưởng quốc phòng Donald Rumsfeld (của tác giả Tom Toles – cây cọ biếm lừng danh) trong bộ dạng một bác sĩ và nói với một người lính mất tay-chân bị băng bó toàn thân: “Tôi sẽ liệt kê tình trạng anh vào loại “tổn thất chiến trường”. Năm 1999, cuộc triển lãm Sensation tại Viện bảo tàng Brooklyn (do nhà sưu tập Anh Charles Saatchi tổ chức) đã gây phẫn nộ cộng đồng Công giáo Mỹ với bộ sưu tập tranh Mẹ Đồng Trinh Mary được cắt-ghép từ các tạp chí khiêu dâm.” *
Tháng Giêng mở đầu năm mới bằng giọt mưa xuân. Giọt mưa xuân hay giọt lệ trời, gợi nhớ ca khúc Một Cõi Đi Về của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: Đường chạy vòng quanh một vòng tiều tụy. Một bờ cỏ non, một bờ mộng mị ngày xưa. Từng lời tà dương là lời mộ địa. Từng lời bể sông nghe ra từ độ suối khe. Trong khi ta về lại nhớ ta đi. Đi lên non cao đi về biển rộng. Đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng. Ngọn gió hoang vu thổi suốt xuân thì. Đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng, khiến lòng tôi có đôi lần khép cửa. Rồi bên vết thương tôi quỳ. Vì em đã mang lời khấn nhỏ. Bỏ tôi đứng bên kia đời. [“Đêm Thấy Ta Là Thác Đổ.” Trịnh Công Sơn.] Cõi người ta đấu tranh như một người trẻ tuổi, để rồi sống mệt mỏi như một kẻ già nua. Nhân loại đang đứng trước hai con đường, một con đường mời gọi yêu thương tha thứ, một con đường kích động sự trả thù không khoan nhượng. Tâm hồn của nhân loại giống hệt một trung tâm tình cảm, có nhiều cửa hàng nhiều ngăn và nhiều kệ. Trong những cửa hàng nhiều ngăn và nhiều kệ này, nếu có những kẻ chỉ trưng bày sự căm ghét, thù hận, thủ đoạn, cố chấp, giả dối, tàn ác, bất nhân…; thì cũng có những người tuyên xưng tình yêu chậm bất bình đầy nhân ái và độ lượng.
Cho dẫu ở giữa chợ đời, ở giữa sự cố chấp và lòng thù hận, suối nguồn tình yêu thường bị lu mờ một cách thảm thương. Nguyện chúc tôi và chúng ta vẫn luôn nhìn thấy trong bóng mờ trái tim ẩn kín, suối nguồn tình yêu mãi mãi rực sáng như kim cương. Để chúng ta cùng với những người có tâm hồn cao thượng, tìm cách hàn gắn và chữa lành những thương tật nghiêm trọng có trong cõi người ta.
2:40am Thứ Hai ngày 12 tháng 1 năm 2015
* Trích “ Giới Hạn Của Lằn Ranh.” Bài viết trên Facebook của tác giả Mạnh Kim