Menu Close

Trái cây mùa Tết

Không có gì ngạc nhiên khi nghe các bà đi chợ bảo rằng trái cây vùng nhiệt đới ngon hơn trái cây miền ôn đới. Và tất nhiên trái cây hàn đới chẳng thể nào so sánh với các loại trái cây của hai vùng miền trên. Vì thế cũng chẳng ngạc nhiên khi nhiều người nói “muốn ăn trái cây thì đi Canada”. Ai có dịp đi Toronto, Vancouver hay các thành phố dọc theo biên giới Mỹ-Canada sẽ bắt gặp những chợ chuyên bán trái cây rất phong phú chủng loại; hầu hết nhập cảng các loại trái cây từ khắp nơi trên thế giới.

alt

 Quầy trái cây bom, táo, lê, đào, nho trong chợ mà người trong nước vẫn cho là loài trái cây sang trọng


Mặc dù là vậy, California hay Florida nhiều năm gần đây đã xuất hiện nhiều loại trái cây thân thuộc với người Việt, tuy chưa nhiều theo kiểu cây nhà lá… vườn người ta. Trái cây nhiệt đới, một phần được người làm vườn thử nghiệm trồng tại chỗ, phần khác nhập cảng từ các nước Trung Mỹ và châu Á, làm đa dạng thêm những loại trái cây nội địa phổ biến như táo, lê, dâu, nho, v.v…

alt

Một gian hàng trái cây đủ loại ở Santa Cruz, California

Khi được nhập cảng, những loại trái này còn đắt hơn mấy lần các loài trái cây tưởng chừng “sang” của người bản xứ. Thật ra là do thị trường cung cầu chênh lệch vì nhiều lý do khắt khe nhập cảng. Cái gì nhiều quá thì trở nên thường, cái gì ít thì đương nhiên trở thành hiếm. Hiếm thì phải đắt thôi. Và ai có thèm hương vị các loài trái cây nhiệt đới vẫn phải bấm bụng mua thùng chôm chôm cho món tráng miệng của những ngày đại tiệc gia đình hay những ngày lễ Tết để nhớ hương vị quê nhà. Đâu chỉ người Việt mình yêu mến trái cây ở VN thân quen mà cả tờ báo Huffington Post của người bản xứ chuyên trang du lịch mới đây có đăng bài viết “21 Reasons to Fall in Love with Vietnam” nhắc đến một trong những lý do đó là, trái cây Việt Nam tươi ngon đa dạng bốn mùa.

Ở xứ mình, trái cây đa dạng là lẽ đương nhiên của nước nông nghiệp nắng mưa hai mùa. Thế nhưng, ở xứ người, như đã nói trên, trái cây nhiệt đới có mặt tại Canada bởi thị trường còn tương đối dễ dàng cho quy định nhập cảng. Còn ở Mỹ, gần như ai cũng biết California hay Florida là những nơi có khí hậu ấm áp hơn các tiểu bang khác, nên trái cây nhiệt đới ngày càng được người làm vườn trồng nhiều hơn như chôm chôm, trái vải hay thanh long. Theo lời những người Việt đến Mỹ ba bốn chục năm về trước muốn tìm mua một trái bưởi da xanh cũng là điều khó.

alt

Vườn nhãn tại Hawaii

Bây giờ thì khác rồi, các loại bưởi xanh bưởi vàng, trừ loại bưởi ruột hường của Texas chua lè, một đô la bốn năm trái, các bà mua vắt ra uống nước giảm cân, chứ hiếm các bà nội trợ mua về chưng trang trí trên bàn. Nhưng thực ra bưởi da vàng hiện nay trồng nhiều ở Hawaii. Không chỉ có bưởi, các loài trái cây nhiệt đới trên hòn đảo tiểu bang thứ 50 của Hoa Kỳ còn có nhãn, chôm chôm, măng cụt, bòn bon, dâu ta, mãng cầu ta (trái na), thanh long, kể cả trái sầu riêng. Mùa nào trái nấy, thường từ tháng 6 trở đi đến hết năm, không thua gì vương quốc trái cây của xứ Tiền Giang Nam phần.

Tôi biết được điều này do có người bạn đi thăm thú Hawaii. Nghe kể ban đầu tôi thật ngạc nhiên và sau đó chợt nhận ra rằng, Hawaii nằm trong vùng khí hậu ôn đới thì việc trồng cây ăn trái nhiệt đới là hoàn toàn có thể được. Bạn tôi kể rằng, “nhiều người đi du lịch Hawaii, thường thích tắm biển, uống nước dừa tươi, thăm thú đảo này đảo nọ hoặc dạo loanh quanh thành phố, chứ ít khi nào đi vào những trang trại. Đã có nhiều tour du ngoạn và nếm thử trái cây trồng tại đây. Đi vào trang trại đôi khi du khách sẽ bắt gặp những loài cây cóc, ổi, chùm ruột quê nhà, ngay cả cây ô môi của tuổi học trò nhà quê xa lắc ngày xưa, giờ thuộc loài cây hiếm khó tìm ở quê nhà, lại có thể bắt gặp trên cái hòn đảo đầy nắng gió giữa Thái Bình Dương mênh mông”.

 Không chỉ riêng tôi mà nhiều người yêu mến trái cây Việt và cảm thấy gần gũi hơn khi càng ngày các chợ lớn nhỏ của người Việt mình xuất hiện thêm nhiều chủng loại. Đặc biệt vào những ngày cận Tết ta. Trái cây trưng bày đầy chợ đủ màu sắc, hấp dẫn. Nhiều chợ ở California, Texas nhập bán dưa An Tiêm, bưởi Năm Roi, dừa Hawaii, quýt đường (không biết xuất xứ từ đâu), lồng mứt (loài Sa-pô-chê), xoài cát và cả vú sữa (tuy không nhiều). Tôi cho đó là sự cố gắng rất nhiều của các chủ chợ cung cấp thêm nhiều mặt hàng trái cây đa dạng thân thuộc cho người Việt có được mâm cỗ trái cây chưng cho ba ngày Tết truyền thống.

alt

Trái cây miền nhiệt đới bày bán ở Toronto, Canada

Nhắc đến vú sữa, Tết năm rồi tôi thấy một chợ ở Arlington bán vài ba thùng, có lẽ nhập theo đường tiểu ngạch trung chuyển từ Canada sang. Cầm trái vú sữa trên tay mà tôi cứ lưỡng lự, da hơi nhăn nhưng rõ ràng những trái vú sữa nằm trong thùng giấy có in hàng chữ “Vú sữa Vĩnh Kim”. Bỗng một chị đi chợ bước tới, với tay cầm lấy trái vú sữa nâng niu trìu mến. Thì ra chị là người quê Vĩnh Kim, Tiền Giang, nhà trước kia có vườn vú sữa, chị bảo, “đúng là vú sữa Lò Rèn da xanh. Trái vú sữa Lò Rèn nghe đâu giờ đã được nhập cùng với chôm chôm sang châu Âu và Bắc Mỹ rồi”. Chị quay sang tôi, chìa trái vú sữa, “da hơi nhăn vì từ lúc hái xuống cho đến lúc sang được tận đây, thì đã không còn căng bóng nữa. Vú sữa Lò Rèn rộ vào Tháng Giêng kéo dài qua mùa Tết đến cuối Tháng Hai. Không giống như mâm ngũ quả trên bàn thờ gia tiên đón cúng ông bà của các vùng tỉnh khác, người quê tôi lựa những trái vú sữa to nhất, đẹp nhất hái xuống chưng cúng tưởng nhớ ông bà ba ngày Tết”.

Nghe hai chữ “Lò Rèn”, tôi rất thích. Bởi nhiều vùng trái cây thường hay dùng tên địa phương gắn vào thương hiệu chẳng hạn như xoài cát Hòa Lộc, ổi Cổ Cò, mận Trung Lương, thơm Tân Lập (Tiền Giang), nhãn lồng Hưng Yên, vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang)… Thật ra địa phương tự hào cho loài cây trái nức tiếng ngon của vùng mình ở nhưng khi cây trồng ra các vùng khác chưa hẳn còn ngon như ở vùng đất thổ nhưỡng nguyên thủy nữa. Xoài cát Hòa Lộc giờ đây đâu chỉ ở Hòa Lộc mà Bến Tre, Đồng Tháp hay tận Nha Trang Khánh Hòa đều được người nông dân trồng bán ra thị trường. Hay nhãn lồng Hưng Yên đâu chỉ ở Hưng Yên mà đã lan rộng ra Bắc Giang, Lào Cai, Hải Phòng,… Tôi thích cái tên vú sữa Lò Rèn, bưởi Năm Roi, dưa hấu An Tiêm hoặc nhãn lồng Miền Thiết bởi những cái tên này gắn liền với ký ức tôi về những địa danh thân thuộc.

alt

Mâm ngũ quả của người Bắc chưng cúng ba ngày Tết tượng trưng cho ngũ hành trời đất

Cũng như tôi thật thích thú khi biết thêm chuyện chưng vú sữa trên mâm ngũ quả ngày Tết của người quê Vĩnh Kim. Thông thường do điều kiện ở các khu vực sinh sống của người Việt có khác biệt nên có nhiều cách bày mâm ngũ quả khác nhau. Mâm ngũ quả của người miền Bắc thường gồm: chuối, bưởi, đào, hồng, quýt, hay chuối, ớt, bưởi, quất, lê. Có thể thay thế bằng cam, táo, lê, lê-ki-na,… Chuối xanh cong lên ôm lấy bưởi mang ý nghĩa đùm bọc. Nói chung, người miền Bắc không có phong tục khắt khe về mâm ngũ quả và hầu như tất cả các loại quả đều có thể bày được, miễn là nhiều màu sắc. Còn mâm ngũ quả người miền Nam gồm mãng cầu xiêm, dừa (hay dưa), đu đủ, xoài, sung với ngụ ý “cầu sung (túc) vừa đủ xài (xoài)”. Đôi khi thêm trái dứa (người Nam gọi là “thơm”) và thường là phải có một cặp dưa hấu để riêng bên cạnh. Khác với người Bắc là gia đình người miền Nam thường kiêng kỵ chưng trái có tên mang ý nghĩa xấu nên mâm trái cây của họ không có chuối (vì âm chuối đọc như “chúi nhủi”, ngụ ý thất bại), cam (“quýt làm cam chịu”), lê (“lê lết”), táo (người Nam gọi là “bom”), lựu (“lựu đạn”) và không có cả sầu riêng cho buồn đời cô Lựu, dù người Nam bình thường rất thích ăn sầu riêng, và không chọn trái có vị đắng, cay. Trong khi đó, mâm ngũ quả miền Trung có nét tinh tế riêng của xứ Huế, nhưng thế nào cũng có nải chuối ngự (chuối cau) quả nhỏ mà thơm.

Tết sắp đến và trái cây mùa Tết đang về trên các chợ Việt Nam tại các địa phương. Nào bưởi, nào cam, nào dưa dấu, táo, lê, cả những trái dừa, thơm, mãng cầu, trái sung đang tô vẻ một màu ấm áp của bức tranh trái cây nhiệt đới cùng hoa xuân khoe sắc trong cảnh chợ Tết mùa đông.

alt

Tháng Giêng bắt đầu vào vụ thu hoạch vú sữa Lò Rèn và người dân nơi đây chọn những trái đẹp nhất, ngon nhất dâng cúng trên bàn thờ gia tiên vào dịp Tết.

TN