Menu Close

Tháng Giêng không ăn chơi?

Năm nay, 2015, Tháng Giêng mở cửa với những biến cố lớn xảy ra khắp nơi, sự bất ổn xem ra lan tràn từ Âu sang Á.

Khủng bố tại Paris

Đầu tiên là trận tấn công một tòa báo tại Paris. Quân khủng bố tính sẵn ngày giờ thuận tiện để giết gọn ban biên tập của Charlie Hebdo, một tờ báo trào phúng, chuyên châm biếm hài hước. Bốn tay biếm họa, cartoonist, kể cả vị chủ bút đều tử thương chưa kể 8 người khác bao gồm 2 cảnh sát. Quân khủng bố tấn công tòa báo đúng vào lúc ban biên tập đang họp bàn công việc rồi rút êm. Họ nhân danh Thượng Đế Allah của Hồi Giáo để giết người, reo hò “Allahu Akbar”…

Hành động khủng bố ấy khiến người thế giới phẫn nộ, bá tánh khắp nơi giương cao bảng hiệu “Tôi là Charlie” để phản đối quân khủng bố và bày tỏ sự ủng hộ với tờ báo Charlie Hebdo.

Chủ biên của tờ Charlie Hebdo là ông Stephane Charbonnier, 47 tuổi, đã từng bị đe dọa và đang được cảnh sát bảo vệ. Ông này khi còn sống đã có lần phát biểu rằng “thà chết đứng thẳng còn hơn là sống mà phải quỳ gối” [vì sợ hãi mà im lặng hay thay đổi cách sinh sống, làm việc]. Tháng Mười Một năm 2011, chính tòa báo này đã bị ném bom xăng sau khi đăng tải một bức biếm họa về Giáo Chủ Muhammad. Gần đây tờ báo đăng tải trên mạng nhện trang nhà họ là tấm biếm họa về lãnh tụ của phiến quân Islamic State, Abu Bakr al-Baghdadi.

alt

Một người phụ nữ đặt hoa gần trụ sở của tờ báo châm biếm Charlie Hebdo của Pháp tại ParisNGUỒN INDEPENDENT.CO.UK

Charlie Hebdo là một tờ báo điều hành theo khuôn mẫu lâu đời của nền báo chí Pháp, từ thời vua Louis XVI đến nay, báo chí thường đăng tải những mảnh biếm họa chế giễu các nhân vật quan trọng xuất hiện trong bản tin thường nhật, từ Hoàng Hậu Marie-Antoinette đến quan lại lớn nhỏ và cả các lãnh tụ tôn giáo. Chuyện biếm nhẽ Giáo Chủ Muhammad năm nọ không là một ngoại lệ với tiêu chuẩn điều hành của tờ báo.

Trong khi cư dân Paris chưa hết bàng hoàng thì vụ khủng bố khác đang diễn tiến tại thành phố ánh sáng, xem ra liên quan đến vụ khủng bố tòa báo Charlie Hebdo.

Đồng euro tuột giá

Mặc cho các chính phủ Liên Âu và ngân hàng mạnh miệng la lối rằng với chính sách kinh tế và các biện pháp tài chánh đang được áp dụng, đồng euro sẽ sống hùng sống mạnh và kinh tế sẽ khởi sắc nhanh chóng.

Trong suốt 12 tháng vừa qua euro đã từ từ mất giá khi mua bán với Mỹ kim, nhưng đến tuần lễ này thì đồng euro rơi xuống mức thấp nhất trong suốt 9 năm vừa qua khi Liên Âu công bố bản tường trình về kinh tế. Một euro, theo hối suất ngày 10 Tháng Giêng, 2015, chỉ đổi được 1.1815 Mỹ kim.

Việc tuột giá của đồng euro không là một điều ngạc nhiên cho các nhà đầu tư. Họ đã lo lắng lắm về các chính sách kinh tế của Liên Âu. Các quốc gia chính (Đức Pháp và Ý) trong nhóm [lưu hành] euro đã không làm đủ những điều cần thiết để cứu vãn hàng xóm đang ngắc ngoải chung quanh. Như Thủ Tướng Đức mình đồng tim sắt Angela Merkel đã ngoảnh mặt trước con thuyền kinh tế sắp chìm của Hy Lạp, Tây Ban Nha, Ái Nhĩ Lan và Bồ Đào Nha và nhất định đòi chính phủ các quốc gia này thắt lưng buộc bụng qua việc giảm trợ cấp xã hội, giảm hưu bổng, cắt giảm tiêu xài, tăng thuế… để giảm lỗ hổng chi-thu.

Nhóm hàng xóm thất cơ lỡ vận đã làm theo ý chủ nợ [để vay được tiền] nhưng các biện pháp ấy đã khiến các quốc gia con nợ xuống dốc thê thảm hơn. Tại Hy Lạp và Tây Ban Nha, tỷ lệ thất nghiệp vẫn cao, khoảng 25%, và kinh tế “xì hơi”; trái bong bóng lạm phát đang xẹp dần qua việc xuống giá của vật dụng, thức ăn, dịch vụ… Tạm hiểu là vật giá giảm vì bá tánh không còn cáng đáng nổi việc mua bán, và tất nhiên là kinh tế trì trệ hơn nữa.

Hàng xóm láng giềng Liên Âu dường như không có biên giới lãnh thổ nên chứng “bệnh” kinh tế èo uột dễ lan tràn nhất là nạn thất nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp, tuy không còn tiếp tục leo thang, vẫn ở mức khá cao và vật giá giảm khoảng 0.2% trên mọi quốc gia lưu hành đồng euro, Eurozone. Đức, Pháp và Ý cũng chịu chung sự trì trệ kinh tế này, sự tăng trưởng ở mức thấp nhất trong nửa năm vừa qua.

Căn bệnh trì trệ kinh tế của các quốc gia lưu hành euro xem ra khó lòng thuyên giảm vì chính phủ của các quốc gia ấy chưa muốn thi hành các biện pháp kích thích tăng trưởng. Điển hình là việc Ngân hàng Trung Ương Âu Châu, European Central Bank, hứa hẹn sẽ “bơm” tiền bạc để kích thích kinh tế nhưng họ chưa xuất quỹ đồng nào. Kết quả (hậu quả?) là quỹ đầu tư Liên Âu chỉ bao gồm một con số khiêm nhường, chẳng thấm tháp chi so với số tiền đang cần tiêu xài.

Trong khi euro sụt ký thì đồng yen của Nhật Bản và bảng Anh cũng hao hụt chút đỉnh khi đổi chác với Mỹ kim vì nền kinh tế của hai quốc gia này chưa theo kịp mức hồi phục của Huê Kỳ. Tóm lại là con cháu chú Sam dường như đang “ăn nên làm ra”, đồng tiền có giá trị nhiều hơn so với những năm trước. Ngay trước mắt là các chuyến du lịch Âu Châu, Nhật Bản xem ra “rẻ” hơn, các món ăn thức uống nhập cảng cũng rẻ hơn nhưng cái lợi trước mắt không hẳn sẽ khiến Hoa Kỳ giàu có hơn. Lý do? Kinh tế Huê Kỳ vừa hồi phục, sức khỏe còn mong manh; đồng Mỹ kim lên giá cũng có nghĩa là hàng hóa xuất phát từ Mỹ sẽ khó tiêu thụ hơn vì giá cả cao.

Trị giá của tiền tệ và sự tiêu thụ đi đôi với nhau trên bình diện quốc tế. Nói chung, sự sụt giá của đồng euro không hẳn hoàn toàn bất lợi, vật giá rẻ hơn sẽ giúp hàng hóa tiêu thụ dễ dàng hơn và ngành xuất cảng hồi phục nhanh hơn, một hình thức kích thích kinh tế giới hạn. Tuy nhiên, nhìn từ xa, ta có thể thấy rằng chính phủ Liên Âu chưa thi hành đủ các biện pháp kích thích kinh tế để duy trì nền tài chánh của chính quốc gia họ và cả láng giềng!

alt

Boko Haram và những tội ác

Như thể họ đang tranh giành tiếng vang trên bình diện quốc tế, bá tánh chưa hết bàng hoàng trước trận tấn công có kế hoạch lớp lang của quân khủng bố tại Paris thì bên trời Phi Châu, một nhóm khủng bố khác đã nổ bom giết người, Boka Haram, cũng dùng tên “Allah”.

Ngày 10 Tháng Giêng, bom đã nổ tại phiên chợ “Monday Market”, một trong những buổi tụ họp buôn bán lớn nhất của dân địa phương tại Maiduguri, Nigeria. Trận nổ bom đã giết trên dưới 20 người và gây thương tích cho 51 người khác.

Nhà hữu trách tường trình rằng tại trạm an ninh ngay cổng vào chợ, nhân viên dùng máy rà vũ khí để kiểm soát đã phát giác một đứa trẻ giấu vũ khí bên trong quần áo. Trước khi họ có thể phản ứng, bom phát nổ.

Chất nổ được buộc vào thân mình một đứa bé gái khoảng 10 tuổi và khi bom nổ, giết chết đứa nhỏ và những người chung quanh. Đây là vụ nổ bom ‘cảm tử’ thứ tư tại chợ phiên của thành phố ấy tính từ Tháng Bảy năm ngoái.

Dù chưa có tổ chức khủng bố nào lên tiếng xướng danh [nhận tội], các viên chức địa phương đều cho rằng đó là tội ác của phiến quân Boko Haram.

alt

Quang cảnh vụ nổ tại phiên chợ “Monday Market” ngày 10 Tháng Giêng, Maiduguri, Nigeria. NGUỒN CCTV-AMERICA.COM

 Đầu Tháng Giêng, ngày mùng 3, phiến quân Boko Haram đã tấn công Baga và vùng lân cận kể cả những căn cứ quân đội, gồm 16 thôn làng. Đây là một cuộc tấn công quy mô, sử dụng xe vận tải, xe gắn máy để chuyển vũ khí và quân đội. Phiến quân đã xả súng bắn bừa vào cư dân kể cả những người cố gắng trốn chạy.

Trận tấn công kéo dài nhiều ngày, trong thời gian này, phiến quân đốt phá nhà cửa, thiêu sống luôn những cư dân trốn trong nhà. Con số thương vong lên đến cả ngàn người. Theo tổ chức Amnesty International, khoảng 2 ngàn người thảm tử.

Quân đội chính phủ đang sửa soạn phản công để chiếm lại các thôn làng bị chiếm đóng. Trong khi ấy, cư dân di tản lánh nạn lên đến 30 ngàn người, họ cắm lều chung quanh thành phố Maiduguri, thủ phủ của tỉnh Borno.

Nhà hữu trách đã vận chuyển khoảng 10 ngàn đến Monguno, một thôn làng cách Baga khoảng 60 cây số. Các cư dân chạy qua Cameroon và Chad.

Từ năm 2009, Boko Haram đã khủng bố, cướp phá trường học, nhà thờ, công thự… tại vùng đất phía Bắc Nigeria. Lộng hành nhất là vụ bắt cóc 200 nữ sinh vào Tháng Tư năm ngoái. Một vài nữ sinh trốn thoát nhưng phần còn lại chính phủ sở tại vẫn chưa tìm ra dấu vết (?) trong khi thủ lãnh phiến quân Abubakar Shekau đăng đàn thách thức cộng đồng thế giới trên danh nghĩa Hồi Giáo. Ông ta nói rằng những đứa trẻ ấy sẽ bị bán làm nô lệ, làm gái điếm vì đàn bà con gái không được đi học theo luật Hồi Giáo. Kẻ chống đối, không tuân theo giáo lý là phản đạo sẽ bị trừng phạt thích đáng.

Tổ chức Boko Haram cũng đe dọa sẽ tấn công Camaroon như đã quấy nhiễu Nigeria nếu chính phủ này không ủng hộ họ. Phiến quân công bố rằng mục đích của họ là áp dụng một cách chặt chẽ giáo luật Sharia khắp lãnh thổ Nigeria; chính phủ đương thời chịu ảnh hưởng Âu Mỹ quá nặng nên sẽ bị phá sập.

Thủ lãnh phiến quân Boko Haram là Abubakar Shekau, sinh trưởng tại Shekau, một thôn làng gần biên giới Niger, được huấn luyện bởi một giáo sĩ Hồi giáo và tốt nghiệp tại Borno State College of Legal and Islamic Studies về giáo lý Hồi Giáo. Cầm đầu một nhóm phiến quân khá lớn nhưng thế giới biết rất ít ỏi về con người này. Ông ta làm việc trong bóng tối, gửi chân tay khủng bố khắp nơi, thỉnh thoảng xuất hiện trên phim ảnh, khiêu khích chế giễu sự vô dụng của quân đội Nigeria và đe dọa các chính phủ chung quanh. Tuổi tác Abubakar Shekau cỡ chừng 38-49, con người này ẩn mặt nhưng vẫn chiêu mộ được đông đảo quân lính qua chiêu bài tôn giáo. Các chuyên viên nghiên cứu về phiến quân cho rằng ông Shekau là một người cô độc, nhưng rất giỏi về ẩn trốn, không ra mặt truyền lệnh mà chỉ sai bảo quân lính qua một vài tay chân thân tín. Đây có thể là lý do giúp ông ta ẩn trốn bấy lâu nay dù cộng đồng thế giới treo giải 7 triệu Mỹ kim cho người cung cấp tin tức.

Boko Haram do giáo sĩ Mohammed Yusuf thành lập, chủ trương làm trong sạch Nigeria theo luật Hồi giáo. Năm 2009, thủ lãnh Mohammed Yusuf và 700 đồ đệ bị giết trong một lần càn quét của chính phủ và từ đó, Shekau lên cầm quyền. kế tiếp là những tấn công “rửa hận”. Gần đây nhất là hai vụ thảm sát kể trên.

alt

Một trong nhiều thành tích của Boko Haram, hai kẻ đánh bom tự sát đã tấn công khu vực xe tải tại thị trường dệt may Kantin Kwari thành phố Kano (REUTERS)

TLL