“Chỉ còn chín ngày nữa thôi, Duyệt ơi…” Đó là tiếng kêu khóc thảm thiết đến xé lòng của chị gái anh Nguyễn Văn Duyệt trong ngày đám tang cha anh là ông Nguyễn Văn Chức, hôm 28 tháng 1 năm 2015.
Chỉ còn chín ngày nữa thôi, anh Nguyễn Văn Duyệt – một trong 14 thanh niên Công Giáo Nghệ An bị ở tù gần 4 năm với tội danh “lật đổ chế độ”, được trở về đoàn tụ với gia đình. Có lẽ, cách riêng đối với một người tù, giây phút được trở về đoàn tụ với người thân, hẳn là giây phút họ mong đợi lắm. Nhưng đối với một người như ông Nguyễn Văn Chức, khi nằm trên giường bệnh, đếm thời gian qua kẽ tay để đợi con, là anh Nguyễn Văn Duyệt trở về, trong giây phút hấp hối, nó đau đớn và thê thiết hơn nhiều.
Và ông đã chết trong niềm hy vọng còn bỏ ngỏ với sự chờ đợi khôn cùng để được gặp con lần cuối.
Trong đám tang ông, tôi nghe tiếng cầu kinh xen lẫn với tiếng kêu khóc của người thân. Nhưng rõ nhất là tiếng kêu khóc của chị gái anh Duyệt. Suốt cả chặng đường đưa tang, tôi nghe chị kêu khóc: “Chỉ còn chín ngày nữa thôi, Duyệt ơi…thầy liên tục kêu tên em cho đến khi nhắm mắt Duyệt ơi… Răng thầy không đợi em con về nhìn mặt lần cuối rồi đi… thầy ơi…”. Nước mắt tôi trào ra. Những người đi cùng tôi cũng ngậm ngùi thương cảm. Trên đường đi từ nhà ông đến nghĩa trang, lòng tôi miên man nghĩ về phận tù trong một gia đình dưới cùng một chế độ.
Cách đây gần năm mươi năm, ông Nguyễn Văn Chức bị đưa đi “cải tạo” 8 năm vì niềm tin tôn giáo của mình mà không có một bản án nào. Ông bị bắt đi khi đang làm ban hành giáo của giáo xứ Yên Hòa. Lúc đó, vợ ông còn bụng mang dạ chửa người con thứ ba. Trên ông, còn có cha mẹ già cần được chăm sóc, dưới ông, còn có vợ và các con thơ cùng với các em ông, tuổi đời còn quá trẻ.
Tuổi trẻ của ông, cả cuộc đời của ông với cuộc sống trung thực, giản dị, tử tế của con người.
Gần năm mươi năm sau, con trai ông là anh Nguyễn Văn Duyệt bị bắt cóc vì tội “hoạt động lật đổ chế độ”. Một tội danh hết sức mơ hồ và tàn khốc đối với những ai yêu chuộng tự do, công lý và hòa bình.
Anh Nguyễn Văn Duyệt, trong mắt bạn bè và người thân, là một chàng trai rất hiền lành và mộ đạo. Khi còn làm việc ở Hà Nội, anh từng đồng hành với anh em xa quê ở Thái Hà để hướng dẫn họ sống đạo. Anh có một tâm hồn trong sáng và có một mong ước được trở thành linh mục để có nhiều cơ hội phục vụ những người nghèo đói và bất hạnh. Anh nuôi dưỡng ước mơ đó, cho đến ngày anh bị bắt đi trong sự ngỡ ngàng của bao người.
Khi anh Nguyễn Văn Duyệt cùng với các thanh niên Công Giáo Vinh bị bắt, chúng tôi thấm thía thêm rằng, ở Việt Nam, người ta không được quyền sống tử tế. Nếu ai muốn sống cho ra con người, muốn đòi thực thi quyền làm người thì cửa các trại “lao động cải tạo” đang mở rộng vòng tay đón họ. Nếu ai muốn được yên thân thì phải biết bịt tai, bịt mắt, bịt miệng trước những điều giả dối, độc ác, bất công tràn lan của chế độ.
Cha của ông Nguyễn Văn Chức đã chết khi ông còn ở tù. Và nay, cha của anh Nguyễn Văn Duyệt cũng đã chết khi anh sắp mãn hạn tù. Cả hai cha con họ ngày về không còn được nhìn thấy cha mình nữa. Anh Nguyễn Văn Duyệt có thể không lường trước được điều này. Có lẽ anh vẫn nuôi hy vọng ngày anh ra tù còn kịp gặp lại cha già.
Cách đây chừng ba tuần lễ, tôi đến thăm ông. Ông bị bệnh ung thư gan giai đoạn cuối. Tôi không nghĩ, đó là lần cuối cùng tôi còn được gặp ông. Trên giường bệnh, ông chìa bàn tay gầy gò và nhăn nheo ra nắm chặt lấy bàn tay tôi, gửi gắm ước nguyện cuối cùng:
“Tui muốn được sống đến ngày con về, nhìn mặt con lần cuối rồi đi. Không biết có kịp không chị ơi? Từ nay đến ngày đó còn ba mươi ngày nữa…”. Tôi yên lặng một lúc, rồi an ủi ông rằng ông sẽ sớm được gặp lại anh Duyệt, để ông yên lòng. Trong khoảnh khắc khi tay tôi siết chặt tay ông, mắt tôi chạm vào mắt ông, tôi cảm nhận nguồn đau cả về thể xác lẫn tinh thần đang giày vò ông và cả niềm hy vọng đang nhen nhúm trong lòng ông khi đợi con về.
Và nay, ông chết trong tiếng gọi con đến phút tắt thở. Tôi hình dung hơn năm mươi năm trước, khi ông ra tù, không còn kịp gặp cha, như anh Duyệt hôm nay, tim tôi thắt nghẹn vì đau đớn.
Tôi nhắm mắt lại cố xua đi những hình ảnh đen tối đó. Nhưng tôi càng nhắm mắt lại, thì tôi càng thấy rõ mồn một ánh mắt khổ đau đầy lương thiện và niềm hy vọng chan chứa trong đôi mắt của ông Nguyễn Văn Chức khi tôi đến thăm ông lần cuối. Ánh mắt ấy, bàn tay ấy đã nói với tôi biết bao điều về cõi nhân sinh, về lẽ sống và tình người trong phút lâm chung.
“Chỉ còn chín ngày nữa thôi, Duyệt ơi…”
Thời gian, đời người… trong phút chốc bỗng hóa thành khoảnh khắc… khoảnh khắc nghiệt ngã đầy ê chề, đớn đau, đơn độc, bi thương, thảm khốc mà dường như sự độc tài, độc quyền và độc ác đang ngạo nghễ lên ngôi để khẳng định uy quyền.
Nhưng không. Tôi tin rằng sự toàn trị, độc đảng, độc tài, độc ác sẽ phải biến mất, để trả lại cho con người tình yêu, tình người trong cõi nhân sinh thăm thẳm và mịt mùng.