Nhà văn Huy Phương tên thật là Lê Nghiêm Kính sinh năm 1937 tại Huế, là cựu học sinh Trung Học Khải Định và Đại Học Quốc Gia Sư Phạm Sài Gòn. Trước khi bị động viên vào khóa 16 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, ông là thầy giáo dạy tại Trung Học Nguyễn Hoàng, Quảng Trị, và là thư ký tòa soạn của nguyệt san Sổ Tay Sư Phạm, một tạp chí ra hàng tháng về chuyên đề giáo dục. Tại Nha Chiến Tranh Tâm Lý, nhà văn Huy Phương giữ vai trò biên tập viên báo chí và phát thanh quân đội. Ông cũng là ký giả của các nhật báo Tia Sáng, Tiền Tuyến, và Diều Hâu trước tháng 4 năm 1975. Tháng 5 năm 1975, nhà văn Huy Phương bị nhà nước cộng sản giam giữ trong các trại tập trung ở Miền Bắc suốt 7 năm. Ông định cư tại Hoa Kỳ vào cuối năm 1990. Ngoài tuyển tập Đi Lấy Chồng Xa phát hành năm 2006; những tác phẩm khác của ông đã xuất bản tại Hoa Kỳ là Hạnh Phúc Xót Xa, 2010; Những Người Muôn Năm Cũ, 2010; Nhìn Xuống Cuộc Đời, 2009; Ấm Lạnh Quê Người, 2007; Nước Mỹ Lạnh Lùng, 2003.
Có thể nói nhà văn Huy Phương chuyên viết tùy bút và bút ký. Những bài văn của ông chứa đựng kinh nghiệm khôn ngoan, chắt lọc từ cách ứng xử trong đời thường của một người đã đi qua gần hết đoạn đường đời, cảm nhận đủ mọi mùi vị cay đắng mặn nhạt, thăng trầm thành bại của kiếp nhân sinh. Tùy bút mở đầu Đi Lấy Chồng Xa cũng là đề tựa của tuyển tập gồm 57 bài ký sự khác, nói đến từng tâm sự từng cảnh đời của những người có hoàn cảnh khác nhau. Người con gái đi lấy chồng xa, mai này có thể là mẹ của một bầy con còn bập bẹ đôi Tiếng Việt. Nhưng rồi qua một đời, hai đời, chị hòa tan vào giòng máu ngoại tộc, từ miếng ăn thức uống, đến chiếc khăn mảnh áo, người ta may ra chỉ còn nhớ tới chị như một người đàn bà đã lâu lắm, từ một đất nước nào đó tới đây, một đất nước rất cần tiền nên phải bán chị đi…Từng câu chữ như dao sắc kim nhọn cứa vào lòng, khiến người ngoài cuộc hay người trong cuộc cũng phải tự cảm thán, vì trót sinh ra làm dân của một nước nhược tiểu, phải sống một đời khốn khổ vì bị nhà nước không biết thương dân cai trị.
Những sầu muộn riêng tư, hay những sầu muộn chỉ vì đời bàng bạc trong câu chữ của nhà văn Huy Phương. Chẳng hạn như trong Nỗi Đau của Đồng Loại, ông viết: Mọi người thật không khỏi xúc động khi sáng nay, được nghe nguồn tin qua đài phát thanh cho hay, Đại Đức Thích Nguyên Thảo, trụ trì chùa Hoa Nghiêm ở Vancouver, Canada quyết định bán một miếng đất vừa mua để dự định xây chùa, lấy 500,000 tiền đô la Canada để cứu giúp nạn nhân sóng thần ở Nam Á…Và ông kể lại một giai thoại về Thiền trong quyển Zen Antics do Thomas Cleary biên soạn nói về ông Hei-zayemoon – một đại phú gia suốt đời hành trì Bồ Tát Hạnh. Trước khi lâm chung, ông lập di chúc yêu cầu dùng tài sản của ông vào mục đích nhân đạo. Khi Hei-zayemoon còn sống, một vị sư đến xin ông đóng góp để xây dựng cổng chùa, ông đã nói: Tôi giúp đỡ mọi người vì tôi không thể nhẫn tâm bỏ mặc họ trong cảnh đời khốn khổ. Nhưng một ngôi chùa không có cổng thì có gì là khốn khổ đâu nào?
Chỉ bằng những câu ngắn gọn trong Nỗi Đau Của Đồng Loại, độc giả có thể nhận biết nhà văn Huy Phương cũng giống như Đại Đức Thích Nguyên Thảo, sẵn sàng nhường cơm xẻ áo theo đúng câu thành ngữ một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ, ông không thích huyễn mộng, không thích xưng tụng sáo mòn, cũng không thích thể hiện bác ái hay từ bi không đúng chỗ. Mỗi khi Lại Nghe Tin Lụt Ở Quê Nhà, ông cảm nhận: Mỗi một trận lụt đều có những thảm cảnh riêng của nó, nhưng đều chung cảnh ngộ con người chống chỏi với sức nước. Nạn nhân đều ở trong những gia đình nghèo khó, nhà tranh vách đất, chỉ cần một cơn mưa lớn.., đủ để cho cái tổ ấm che mưa đụt nắng này tan tác.
Còn rất nhiều bài phản ảnh nhận xét tinh tế, sắc bén của nhà văn Huy Phương trong 57 bài bút ký. Những điều này độc giả sẽ cảm nhận, khi để lòng hòa nhập vào từng câu từng chữ trong tuyển tập Đi Lấy Chồng Xa.
