Sáng nay, con sóc lông xù hình như hiếu động hơn mọi hôm. Nó thoăn thoắt leo bức tường gạch đỏ đối diện căn chung cư của chúng tôi, kêu chít chít. Trông nó có vẻ mập ra, cái mông mềm của nó thật là tròn trĩnh. Tôi vẫn bảo với người yêu là những con sóc ở thành phố Manhattan không biết sợ mùa đông. Mà cũng đúng. Đâu đã có tuyết rơi đâu nào! Mà đã già Tháng Giêng rồi còn gì?
Khi tân lang của tôi mới đến New York để tìm nhà, anh cứ đinh ninh tôi thích căn chung cư này lắm. Anh bảo, nó rộng vừa phải. Và có rất nhiều cửa sổ. Rồi anh đến bên cửa sổ của phòng khách, lặng im một lúc, rồi hỏi tôi xem đã nghe thấy chưa. Tôi không nghe thấy gì, nên bảo, “Em nghe ra rồi! Sự tĩnh lặng!” Anh mè nheo, lẩm bẩm, “Không phải. Cái cây kia! Anh đang cho em nghe cái cây!”
Từ lầu năm nhìn xuống, là một khu vườn thưa. Chỉ có vài cây to, vươn lên tìm nắng mặt trời, vượt qua cả căn chung cư của chúng tôi, mon men lên đến sân thượng. Những ngày thu gió lộng, những cành lá xum xuê cứ gõ vào cửa sổ nhà chúng tôi, hối hả đòi vào, như thể đi trốn cái giá buốt đang ngày càng khốc liệt hơn. Tôi nhắc người yêu đi báo cho chủ nhà tỉa bớt những cánh tay quá dài kia. Nhưng cũng lại thắt lòng: tội nghiệp, chắc cái cây sẽ đau lắm! Và không biết, khi xuân về, nó ra hoa, có thèm đong đưa vào cửa sổ phòng chúng tôi không nhỉ?
Tôi đặc biệt yêu căn chung cư này. Nó vừa rộng đủ để cho tôi bồng bế mớ sách khảo cứu và văn học từ bờ bên kia sang. Đám sách này, tội một nỗi cũng lênh đênh như cuộc đời của tôi. Chúng nó như đoàn quân hộ tống, trung thành theo tôi như những cận thần không mũ không áo. Những ngày tôi còn ở bờ Thái Bình Dương, chúng nó cũng xúm xít trên chiếc kệ cũ kỹ của ký túc xá ở Crothers Hall. Bây giờ, nằm trong luồng gió Đại Tây Dương, những quyển sách vẫn không dám kêu ca về một kiếp nổi trôi. Âu cũng là cái nghiệp của chúng.
Nhưng tôi nghiệm ra, mình yêu căn chung cư này không phải vì nó cho bầy sách của tôi một nơi để tá túc. Sau những ngày ngồi thừ nhìn ra cửa sổ, lắng đọng để mớ tơ tằm trong lòng được khuây khỏa, tôi chợt nhận ra, những cánh cửa sổ nhìn ra vườn kia đã cho tuổi thơ chết ngạt của tôi một không gian để dung thân. Thật bất chợt, những hình ảnh về quê hương và những ký ức của thuở thiếu thời trộn lẫn vào nhau, chen lấn trong những giấc mơ nhọc nhằn của tôi. Ban đầu, tôi cứ nghĩ những mộng mị mơ hồ ấy đến từ sự thay đổi múi giờ giữa bờ tây và bờ đông Hoa Kỳ. Nhưng mãi về sau, tôi mới biết, khu vườn thưa ấy, với bức tường gạch đỏ, và những cành cây khẳng khiu lung linh trong gió kia, đã hình thành một thế giới riêng, và cho phép linh hồn của tuổi thơ tôi được thoát thai.
Nhiều buổi sáng, ánh nắng khẽ khàng chui qua rèm cửa gỗ mà chúng tôi chọn mua từ Home Depot. Ánh nắng rực rỡ cũng không đẩy nổi mí mắt tôi đang rì chặt lấy con ngươi, bận bịu với những thước phim không có cốt truyện. Những thay đổi không gian và thời gian kết tinh trong một mớ hỗn mang nhiều màu sắc. Rất nhiều lần, tôi nằm mơ thấy bạn bè của tôi ở các đại học Mỹ ngang nhiên đánh nhau với bọn trẻ con xóm tôi ở Việt Nam, rồi lại còn bao nhiêu hình ảnh đan chéo nhau của hai thế giới xa lạ mà cuộc đời của tôi vẫn phải cố bấu víu lấy và kéo lại gần nhau.
Ngày đầu tiên – mà không – đêm đầu tiên tôi đặt chân đến New York, là giữa mùa thu. Mưa giăng giăng, như giấu đi cái ảm đạm của một bầu trời dầy đặc chất ô nhiễm. Cho dù có yêu New York đến đâu, người ta vẫn phải công nhận cái thành phố thừa người thiếu đất này đang ngoi ngóp trong một cái chết dần dà. Al Gore thì lo lắng là Manhattan sẽ đắm mình trong đại dương vì hoàn cầu bị hâm nóng. Bà cụ ngồi bên cạnh tôi trên máy bay thì bất mãn với dòng sông Hudson ngụp lặn những phế chất. Bà sống gần bờ sông, nhưng chả mấy khi muốn đi dạo dọc bờ sông hóng gió.
Tôi ngán ngẩm dõi theo cái xập xình của xe cộ, như một cuộc chơi bất định. Đường sá ngập ánh đèn, loang loáng nước mưa, và âm vang tiếng còi xe. Trên con phố 82nd gần góc đường số 1, tôi thấy có bảng ghi, “Cấm bấm còi xe. Vi phạm sẽ bị phạt $250.” Tôi vẫn thắc mắc, không biết có ai đã từng bị phạt chưa. Vì nhấn còi xe là cái bản năng thứ hai của người dân ở đây. Anh tài xế chiếc Super Shuttle gầy nhom, thỉnh thoảng lại nhận điện thoại và nói chuyện bằng một thổ ngữ Châu Phi. Trong cái tranh tối tranh sáng của một không gian đọng, cái đầu của anh thỉnh thoảng lắc lắc, như bất đồng với sự trói buộc của giao thông. Hay bất đồng với cuộc đời cần lao mạt rận?
Anh tài xế này khá im lặng, không giống như những người tài xế khác. Có anh tài xế taxi đến từ Dominican Republic, kêu khổ vì ở đây lạnh quá, mà đi bốn năm rồi, về lại quê cũ thì nóng quá không chịu nổi. Đi lái xe thì cũng chỉ đủ kiếm qua ngày. Mấy lần muốn đổi đời, qua California để lập nghiệp, nhưng không có vốn. Còn một bác tài xế shuttle khác, da đen nhưng tôi không biết đến từ đâu, thì không đợi tôi hỏi, đã nói ngay khi tôi vừa lên xe, là mùa đông khó khăn lắm, vì quá ít khách. Với phong cách Anh ngữ bồi và cái chất phác của một người dân lao động, ông liệt kê cho tôi những phí tổn phải trả cho công ty bao, cho bảo hiểm, cho phi trường, cho mọi thứ trên trời dưới đất. Thấy tài xế nào cũng than vãn, có lúc tôi cũng toan nói với họ, hành khách không hẳn đã khấm khá hơn tài xế đâu. Nhưng chắc sẽ phải giải thích lâu lắm, nên tôi thôi.
Đôi khi, phải mất đến hai tiếng đồng hồ để đi từ phi trường về nhà. Nếu đi taxi, chắc mất độ nửa tiếng. Đi shuttle, thì chạy vòng vòng, nếu không may là người khách sau cùng xuống xe thì cũng phải đi mấy lượt quanh thành phố. Nhưng sau năm bảy tiếng vật vờ trên máy bay, tôi không còn tâm trí để thưởng thức “New York La Nuit” nữa. Tôi chỉ muốn về đến nhà cho mau, rửa mặt mũi cho thật nhanh, rồi chui vào chăn. À, còn phải leo lên năm lượt cầu thang hình trôn ốc nữa! Đừng hòng tránh cái đoạn này. Dân bờ Tây được nuông chiều quá, sinh viên ở trường cũ của tôi đi từ lầu một lên lầu hai cũng đi thang máy.
Trong cái mênh mang của màn đêm, Manhattan như nấp náu dưới một bức lộng vô hình. Từ căn chung cư nhỏ bé được bao quanh bởi những dãy nhà cao tầng, tôi như đã bỏ lại Manhattan ngoài kia sau hai lần cửa kính ra vào khu chung cư. Bầu trời phía trên kia, qua bức rèm trắng có thêu hình những cánh bướm, như đứng lại, tách rời khỏi cái vũ trụ rất cuồng nhiệt ngoài kia trên những đại lộ vun vút xe của thành phố thời trang.
Rồi trong giấc ngủ uyên ương, bầu trời rơi tõm xuống, hòa vào khu vườn thưa, hạch hoẹ với mùa đông.