Cuộc khủng hoảng giá xăng dầu hiện tại có nhiều nguồn cơn, rõ ràng hoặc còn ẩn khuất. Một trong những yếu tố quyết định là sự bùng nổ khai thác dầu hỏa tại Bắc Mỹ trong khoảng 1 thập niên trở lại.
Giá xăng dầu là một trong những đề tài chánh tại cuộc họp thường niên của Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới 2015.
Sau sự kiện giá dầu hỏa lên cao trên $40 mỗi thùng lần đầu tiên trong lịch sử vào giữa thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, được các chánh phủ bật đèn xanh, nhiều hãng năng lượng của Hoa Kỳ và Canada khởi sự bắt tay khoan dầu ở những nơi trước đây hoàn cảnh chưa cho phép. Tại Hoa Kỳ, các khu khai thác dầu hỏa tại tiểu bang North Dakota mọc lên như nấm, dùng kỹ thuật “khoan ngang” (Fracking) hút dầu từ các tầng đá ngầm trong lòng đất. Bên Canada, đặc biệt ở vùng Alberta, cũng xuất hiện hằng loạt công ty khai thác “oil sand”, là loại dầu hỏa trộn lẫn trong cát, đất sét.
Nước cờ buông thả giá, vẫn bơm đầy xăng của các tỉ phú dầu hỏa Trung Đông liệu có gặp phản ứng ngược ?
Trong hơn một thập niên, các nỗ lực này bắt đầu nở bông kết trái nhờ đầu tư ổn định, kỹ thuật ngày càng hoàn thiện, và mức sản xuất dầu hỏa tăng kỷ lục. Nhưng bước sang 2014, thình lình nhu cầu năng lượng trên thế giới giảm sút đáng kể, nhất là tại Âu Châu, Nhật Bổn, và Hoa Lục. Cùng lúc Iraq bắt đầu xuất cảng dầu hỏa ào ạt trở lại, và nước Nga cũng bơm thêm dầu vào thị trường. Đến nửa sau năm 2014, trữ lượng dầu hỏa thế giới vượt xa nhu cầu thực tế. Nhiều nhà sản xuất đành cất dành lượng dầu dự trữ. Và đến tháng 9-2014, xăng dầu bắt đầu rớt giá ngoạn mục.
Một cơ sở lọc dầu của hãng Shell tại Texas.
Cuối tháng 11-2014, lúc khối OPEC tuyên bố không giảm mức xuất cảng dầu hỏa, giá dầu thô trên thị trường thế giới đã giảm 35%. Hết năm, dầu thô mất giá gần 50%. Trong năm 2015 dầu thô có thể tiếp tục mất giá vì các quốc gia thành viên OPEC không bị mất thị phần dầu hỏa. Lấy trường hợp Saudi Arabia, xứ xuất cảng dầu hỏa lớn nhất thế giới, cùng với Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (United Arab Emirates và Kuwait đã dự trữ trên $2,000 tỉ nên không sợ lỗ lã đoản kỳ. Chính Bộ Trưởng Dầu Hỏa của Saudi Arabia đã tuyên bố công khai, cho dù dầu hỏa có xuống đến $40, $30 thậm chí $20 mỗi thùng, thì khối OPEC vẫn sẽ không giảm tốc độ sản xuất.
Dầu thô đại hạ giá là áp lực khổng lồ cho Iran, một xứ xuất cảng dầu hỏa khác trong vùng Trung Đông. Kinh tế nước Nga bị phương hại nghiêm trọng, thất thoát chừng $100 tỉ vì xuất cảng năng lượng chiếm hơn 2/3 thu nhập quốc gia. Riêng tại Hoa Kỳ, kỹ nghệ dầu hỏa “Shale Oil” với phương pháp khai thác “Fracking” đang gặp thách thức lớn.
Một trong các giải pháp năng lượng: Lắp đặt bảng hấp thu năng lượng mặt trời trên mái nhà.
“Fracking” dùng áp suất nước tách các tầng đá ngầm trong lòng đất, rồi hút dầu hỏa lên). Lợi thế của phương pháp này là người ta có thể đâm ngang trong lòng đất (nên còn gọi là “Khoan Ngang”) thay vì bị hạn chế theo chiều dọc. Trong 5 năm qua, chính sự phát triển ồ ạt của các mỏ dầu “Fracking” này đã góp phần thúc đẩy mức sản xuất dầu hỏa của Hoa Kỳ tăng 66%. Tuy nhiên, kỹ thuật “Fracking” rút dầu hỏa “Shale” có thể di hại môi trường, làm nguồn nước nhiễm độc, thậm chí gây nên động đất. Phí tổn khai thác của phương pháp này lại rất cao. Nay với giá xăng dầu hạ giá, giới đầu tư có thể rút lui êm thấm, có thể đưa đến sản xuất đình trệ, thậm chí hoàn toàn đình chỉ.
Tin xấu cho phương pháp khai thác dầu hỏa “Fracking” cũng là tín hiệu bi quan cho cả kỹ nghệ sản xuất dầu hỏa lẫn các tiểu bang có thế mạnh về năng lượng.
Các nhà sản xuất dầu hỏa đã thua lỗ hằng chục tỉ Mỹ kim. Giống như thời giữa 1980, lúc dầu thô thế giới rớt giá chỉ còn khoảng $10 / thùng, kỹ nghệ khai thác dầu hỏa Hoa Kỳ lại đứng trước thử thách vỡ nợ nếu xăng dầu vẫn tiếp tục xuống giá kéo dài. Theo thống kê của cơ quan liên bang Bureau of Labor Statistics, trong thập niên qua, chỉ riêng kỹ nghệ khai thác và chế biến dầu hỏa đã tạo thêm 100,000 công ăn việc làm, chưa kể hằng trăm ngàn “job” liên hệ khác. Trong gần cả thập niên qua, kỹ nghệ năng lượng thịnh đạt hơn bất cứ kỹ nghệ nào khác, mỗi năm góp $300 đến $400 tỉ vào nền kinh tế quốc gia. Vì vậy, sự sa sút của kỹ nghệ này là mối họa không nhỏ.
Một cánh đồng quạt gió tạo điện.
Những tiểu bang chịu ảnh hưởng liên đới nặng nhất gồm North Dakota, Montana, Wyoming và Alaska. Tuy nhiên, chú ý cao độ đang hướng về Texas, tiểu bang sản xuất dầu hỏa nhiều nhất nước. Năm qua, Texas tăng trưởng kinh tế vượt xa cả nước, tạo thêm 421,900 công ăn việc làm. Và mặc dù trong 20 năm qua, tiểu bang tìm nhiều cách mở rộng và đa dạng hóa phát triển, kỹ nghệ dầu hỏa vẫn bá chủ. Chỉ trong vòng 3 năm qua, Texas sản xuất dầu hỏa tăng hơn gấp đôi. Nay với giá dầu thô giảm 45%, thu nhập của kỹ nghệ năng lượng Texas có thể giảm 50% hoặc hơn nữa. Trong nửa đầu năm 2015 có thể chưa có thay đổi nhiều, nhưng nếu giá xăng dầu không sớm hồi phục, nhiều công ty năng lượng có thể cho lay-off nhân viên vào nửa cuối 2015.
Đã có không ít giới đánh giá yếu tố giá xăng dầu là “ẩn số lớn nhất cho cả nền kinh tế Texas trong năm 2015, cách riêng là trong kỹ nghệ địa ốc. Dự báo thị trường địa ốc có thể suy giảm khoảng 10% trong năm 2015 vì có số người dọn nhà sang Texas cũng giảm xuống. Năm ngoái, vùng The Woodlands phía Bắc Houston, trở thành 1 trong vài thị trường địa ốc “hot” nhất vì hãng Exxon Mobil loan báo sẽ đưa về đây 10,000 nhân viên toàn thời gian lại lương cao. Nhưng kế hoạch này, trong thời điểm hiện tại, có thể bị đình hoãn, hoặc điều chỉnh đáng kể.
Một khu lưu trữ dầu hỏa.
Đã có ước đoán trong năm nay kinh tế quốc gia có thể thiệt hại $150 tỉ vì xăng dầu xuống thấp. Tuy nhiên, những quan điểm lạc quan hơn nói chung cho rằng việc xăng dầu xuống giá mang lại nhiều điều lợi hơn hại. Thay vì thiệt hại, trường phái này cho rằng kinh tế sẽ tăng trưởng vì các lãnh vực khác tận dụng việc xăng dầu đại hạ giá. Ở tầm mức cá nhân, nhiều người có thể sẽ thêm tiêu xài vì tiết kiệm được tiền xăng và các chi phí cho năng lượng khác. Các vụ mua sắm có thể tăng vọt, từ quần áo, xe cộ, máy móc, đến đi nhà hàng, nghỉ hè… Các nhu cầu này mạnh mẽ hơn cũng có thể thúc đẩy kỹ nghệ thương mại thuê mướn thêm nhân viên. Xưa nay, khi dòng chảy đồng tiền luân chuyển mau lẹ trong xã hội thì công ăn việc làm cũng thường được kiến tạo nhiều hơn.
Những dự phỏng này đưa ta đến viễn ảnh năng lượng trong tương lai. Hiện có rất nhiều thử nghiệm táo bạo về phương án ứng dụng kỹ thuật nguyên tử vào đời sống thường ngày. Hệ thống đại học Hoa Kỳ đang ấp ủ một thế hệ khoa học gia nguyên tử năng mới rất tài năng. Cùng lúc kỹ nghệ năng lượng nhờ sức gió (wind power) và mặt trời (solar power) tiếp tục thăng tiến mạnh. Đặc biệt, kỹ nghệ năng lượng mặt trời gia dụng (gắn hệ thống hấp thu năng lượng mặt trời trên mái nhà) dự báo đến năm 2018 sẽ đạt doanh số $1 tỉ. Các loại bình điện và pin kỹ thuật và nhiên liệu cũng tiến triển rất mạnh, ngày càng thu hút nhiều chú ý. Cái ngày cư dân và bác tài lái xe có thể tự tạo năng lượng cần thiết, và đủ, cho mái nhà cũng như chiếc xe của mình, có thể đang đến gần nhanh hơn nhiều người tưởng. Chúng tôi hy vọng loạt bài về đề tài xăng dầu rớt giá ngoạn mục đã mang đến cho quý độc giả những thông tin ít nhiều hữu dụng.
Bảng giá tại một cây xăng Hoa Kỳ trong tuần qua.
TD