Ở Việt Nam, người ta hay nói câu “Ra đường hỏi bà già, về nhà hỏi con nít”. Câu này dường như không đúng ở Mỹ, nhất là vào thời buổi này. Con nít ở Mỹ, không đợi ai hỏi, lên trường khai hết. Dĩ nhiên điều này có thể tốt, có thể xấu; không phải tùy người… đối diện mà tùy sự việc. Như một chuyện xảy ra hôm Thứ Hai tuần trước ở tiểu bang Missouri. Chuyện có tới… 5 người: một cậu bé 6 tuổi, bà mẹ, bà ngoại, bà dì, và một thanh niên làm cùng sở với bà dì.
Dù chuyện của 5 người nhưng ban đầu chẳng phức tạp gì. Chỉ là chuyện mẹ dạy con, bà dạy cháu… Có điều sự dạy dỗ này không được hiệu quả như mong muốn. Điều mong muốn này cũng không quá cao xa như chơi piano giống mấy đứa trẻ trên Youtube chẳng hạn. Mong muốn này thực sự rất bình thường và cần thiết. Đấy là không được quá thân thiện với người lạ. Cậu bé, nói hoài vẫn không chừa, cứ thân mật với bất cứ ai. Thấy vậy, cả nhà đều lo; lo nhất là cậu có thể bị bắt cóc như báo với đài hay nói. Cuối cùng, cả ba người (mẹ, dì, và bà ngoại) đồng tâm đồng ý phải dạy một bài học nhớ đời cho cậu tởn. Bà dì nhờ một người quen ở sở làm đóng vai kẻ bắt cóc. Anh này chờ cậu xuống xe buýt rồi tới làm quen và bắt bỏ cậu lên tải. Cậu bị chở vòng quanh thành phố một lúc thì bị trói và bị bịt mắt bằng cái áo jacket vì cậu… khóc dữ quá. Ngay sau đó cậu được chở về nhà và đưa xuống dưới tầng hầm. Ở đây, bà dì cởi quần cậu ra và dọa cậu sẽ bị bán làm… “nô lệ tình dục”. Sau cùng, cậu được cởi trói, cởi bịt mặt và đưa lên phòng khách. Khi đó mẹ với bà ngoại và dì giảng giải cho cậu về những mối nguy hiểm mà kẻ lạ có thể làm đối với cậu. Hôm sau, lên trường, cậu báo ngay cho nhân viên ở đây về chuyện này. Kết quả là cảnh sát bắt giam hết bốn người trong câu chuyện; còn cậu thì được (?) đưa đến một nơi khác do chính phủ trông coi. Cả bốn người bị truy tố hình sự với tội bắt cóc và hành hạ trẻ em.
Tội hành hạ trẻ em thì có thể hiểu được. Cậu bị trói, bị bịt mặt, bị khủng bố về tinh thần. Chứ bảo rằng cậu (thật sự) bị bắt cóc thì e quá xa với sự thật. Đành rằng ở Mỹ có những người bị truy tố những tội không đúng với sự thật trăm phần trăm nhưng không… sai. Chẳng hạn những kẻ chuyên đi dụ dỗ con nít (hoặc suýt soát thành người lớn) ở trên mạng làm chuyện tình dục nhưng trúng phải cảnh sát… chìm giả dạng. Sự thật thì không có trẻ em nào bị dụ dỗ hết cả nhưng những kẻ ấy vẫn phải ngồi tù vì ý đồ của họ. Trường hợp gia đình cậu bé nọ, cả bà mẹ, bà dì, và bà ngoại vì thương cậu mà nghĩ ra màn kịch như thế. Thành ra, truy tố người ta với tội danh như thế cũng hơi bất nhân.
Sau này, khi trưởng thành, không biết cậu bé ấy có nghĩ rằng mình đã làm đúng khi khai báo với nhân viên nhà trường. Nghĩ gì thì nghĩ, chắc chắn cậu sẽ không thương con mình như mẹ (với bà ngoại và dì) đã thương mình. Cậu cũng sẽ dạy con mình cẩn thận với người lạ nhưng chính cậu luôn cẩn thận với con mình khi muốn dạy bảo chúng điều gì. Đó là bài học nhớ đời mà mẹ, bà ngoại, và dì đã vô hình trung dạy cho cậu. Chúc cậu may mắn với quãng đời không có mẹ ở bên!
