Menu Close

Những điều tốt đẹp nhất bạn có thể nói

Lãnh đạo, nghệ thuật, và chiến lược – ba chủ đề luôn hiện hữu trong tâm trí của một giám đốc hay của một nhà  điều hành  –  người được đánh giá là luôn đạt được những hiệu quả tốt đẹp nhất trong quản trị thương nghiệp. Và tại sao lại phải cần đến ba chủ đề nói trên? Ai cũng từng có kinh nghiệm, khi một quy trình thực hiện ăn khớp và chính xác, tất cả mọi việc từ giao dịch cho đến các nhóm cộng tác đều có thể sinh hoa kết trái, tạo ra những thành quả tốt đẹp, giúp việc mua bán tăng theo cấp số nhân. Nếu các bạn muốn thay đổi tình trạng này, hãy cam kết thực hành 11 câu nói sau đây. Hãy thực hiện chúng trong năm nay, và các bạn sẽ thấy  mãi mãi về sau vẫn còn cần dùng đến.

1. Tôi hiểu rằng…, hay tôi hiểu bạn…

Khi các bạn đối thoại với một hay nhiều người, trong lúc theo dõi diễn biến câu chuyện và nói: Tôi hiểu rằng; điều này chứng tỏ các bạn đang “lắng nghe” câu chuyện. Câu nói tôi hiểu rằng không chỉ khẳng định các bạn nắm bắt được những nhu cầu, cảm xúc, ý kiến của người đang đối thoại; mà còn cho thấy các bạn có kỹ thuật giao tiếp tuyệt vời. Nhóm hợp tác làm việc với các bạn sẽ chú ý điều này, sẽ cảm thấy họ được lắng nghe chân thành, ngay cả khi các bạn đưa ra những quyết định trái ngược với điều họ đề nghị.

2. Tôi tôn trọng bạn… hay… tôi tôn trọng phương pháp này…

Hầu như, nếu không muốn nói là tất cả chúng ta, đều mong ước được tôn trọng; cho dẫu sự tôn trọng được bày tỏ bằng nhiều cách khác nhau, chỉ riêng câu “tôi tôn trọng các bạn,” hay “tôi tôn trọng phương pháp này…” đủ để thể hiện sự tôn trọng của chúng ta đối với ai đó.

3. “Tôi tin tưởng bạn có thể…, hay… Tôi tin tưởng bạn sẽ….

Nếu các bạn là một người điều hành – một micromanager đúng nghĩa – phải kiểm soát chặt chẽ công việc của nhân viên, các bạn nên tự buộc bản thân nói Tôi tin tưởng bạn có thể…, hay tôi tin tưởng bạn sẽ… ít nhất một lần / một tuần. Nói ra điều này để nhân viên biết các bạn cần đến họ, và sự giúp đỡ của họ. Bởi vì ai cũng muốn đem tài năng đóng góp, và mục tiêu cuối cùng là tạo ra thành tích nhất là khi họ biết bạn thật sự đặt niềm tin vào họ.

4. “Bạn nói đúng…, hay tôi sai rồi…

Những người lãnh đạo không nên đưa ra câu trả lời. Ngược lại nên khuyến khích nhân viên tham dự những cuộc tranh luận, trong tinh thần tương kính lẫn nhau. Một nhóm chỉ có thể cùng làm việc, nếu như các thành viên cảm thấy thoải mái trong lúc xung đột, không thấy bất an trong lúc trình bày “những mâu thuẫn” với đồng nghiệp và với ông chủ. Hãy cho nhân viên thấy sức mạnh và tài thao lược của người lãnh đạo, khi bạn sẵn sàng thừa nhận với họ rằng: Ở lãnh vực này các bạn đúng và trong việc này tôi sai rồi. Chỉ cần chịu chấp nhận một chút tổn thương, nhưng các bạn sẽ xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp với nhân viên.   

5.  Xin lỗi, đây là sai lầm của tôi.

Người lãnh đạo như đồng xu có hai mặt: – [1] chúng ta nên sẵn sàng nhận trách nhiệm trước những thất bại, cũng như [2] chúng ta nên chia sẻ sự khen thưởng khi thành công. Vì vậy các bạn phải thừa nhận những sai lầm của bản thân. Tuy nhiên, cuối cùng với tư cách là người lãnh đạo, các bạn cần phải xin lỗi và thừa nhận bản thân đã sai lầm trong phạm vi nào đó của vấn đề – kể cả việc đã tuyển dụng sai người thực hiện kế hoạch.  

6. Tôi có thời gian để…

Chỉ là câu nói đơn giản, nhưng gói ghém toàn bộ ý nghĩa “bạn rất quan trọng đối với tôi.” Khi cho nhóm cộng tác biết rằng, các bạn có thời gian xem xét một điều gì đó họ muốn làm, muốn thảo luận, hay muốn thực hiện, có nghĩa là các bạn đã thực hiện vai trò lãnh đạo rất chuyên nghiệp.

7. “Bạn nghĩ gì?” hay “Bạn giải quyết vấn đề như thế nào?”

Các bạn không nên đóng vai trò người giám sát, trả lời tất cả mọi câu hỏi. Thật vậy, một nhà lãnh đạo có hiệu quả không nên nhanh chóng đưa ra những câu trả lời, ngay cả khi họ biết rõ phải hành động như thế nào. Vì sao một người lãnh đạo nên giữ lại đáp số của một vấn đề?  Xin thưa rằng, cần giữ lại những câu trả lời để các thành viên trong nhóm phát triển, để họ có lợi ích trong lúc đưa ra ý tưởng và sự phản đối cá nhân.

8. “Tôi mở ra…”

Thông thường khi thay đổi việc điều hành và chuyển hướng một vấn đề gì đó, những người lãnh đạo như chúng ta không cần thông báo cho các nhóm cộng tác, kể cả khi quyết định thay đổi những công việc đang thực hiện. Tuy nhiên, cách tốt nhất là đừng để nhân viên phải võ đoán thời gian nào sẽ xảy ra sự kiện này. Ngược lại, các bạn nên thông báo rõ ràng điều các bạn mong muốn, và khích lệ người cộng sự  đưa ra nhận xét của họ khi nói tôi mở ra…  thêm vào điều gì đó mà các bạn dự tính hành động]. Khi nói đúng thời điểm thích hợp, nhóm công tác sẽ bắt đầu chú trọng vào điều các bạn muốn “hoán chuyển,” thay vì phải bàn tán về nó.

9. “Cảm ơn bạn đã…” hay “Tôi đánh giá cao bạn về…”

Câu nói này đơn giản nhưng có vẻ đầy đủ, phải không? Tuy nhiên, rất nhiều khi người ta nói “cảm ơn,” nhưng không thực sự thể hiện rõ ràng điều gì người khác đã làm cho họ hài lòng. Sự đáp tạ và tri ân những gì được xem trọng nên được trình bày cụ thể, đúng lúc, tích cực và  quân bình. Như vậy chắc chắn sẽ giúp các nhà lãnh đạo nói lời cảm ơn với cả tâm tình [về một kết quả nào đó mà nhân viên đã thực hiện, mang lại hiệu quả và lợi ích.]

10. “Bạn có thể làm điều này; tôi tin tưởng bạn.”

Một trong số những người giám sát cũ của tôi từng nói: “Terina, cô có thể làm điều này; tôi tin tưởng cô.” Ngay cả bây giờ tôi vẫn cười tươi khi nhớ lại câu nói của sếp cũ, bởi vì tôi thực sự vui vẻ khi nghe câu này – tưởng như ông đang nói với chính tôi. Khi các bạn muốn một nhân viên phát triển khả năng tiềm ẩn của họ đến mức cao nhất, hay muốn biến họ trở thành một người có khả năng lãnh đạo, hãy đưa cho họ những công việc “khó nuốt” kèm theo sự khẳng định các bạn tin tưởng họ làm được.

11. “Tôi có thể giúp gì cho bạn?” hay “Tôi sẽ giúp bạn bằng cách nào đây?”

Hãy chủ động hỏi nhân viên những câu hỏi này. Người điều hành đừng giả định rằng nhân viên sẽ chỉ đến tìm các bạn, trong trường hợp họ cần sự giúp đỡ. Nên thể hiện thái độ các bạn sẵn sàng hỗ trợ, cũng đừng nghĩ rằng ai đó có vẻ yếu kém hay lép vế người khác khi là người đầu tiên đến nhờ các bạn giúp đỡ. Thứ nhất, nếu các bạn nghĩ như vậy, chẳng ai dám đến nhờ các bạn, ngay cả khi họ thật sự cần. Thứ hai, tôi đề nghị các bạn nên đọc bài viết này để hiểu tầm quan trọng của kinh nghiệm, của việc thiếu kinh nghiệm, để biết đặt vấn đề và tìm hiểu một số chi tiết.

12. “Hãy  nói cho tôi biết.”

Các bạn đã từng sử dụng những câu nói trên với nhân viên hay không? Những câu nào cần thêm vào danh sách sẵn có của các bạn? Là một thành viên của nhóm, các bạn có bao giờ nghe thấy người giám sát / hay trưởng nhóm dùng những câu này nói với các bạn không? Các bạn sẽ có chủ định như thế nào để có thể kết hợp những câu nói này trong suốt cả năm, như một cách thúc đẩy và giúp nhân viên của các bạn phát triển?

HV– 1am Chủ Nhật ngày25 tháng 1 năm 2015

Link tham khảo:
https://www.linkedin.com/pulse/11-best-things-you-can-say-your-team-year-terina-allen?trk=mp-reader-card
The 11 Best Things You Can Say to Your Team this Year!