Chồng hư tại… chồng
Trong Khóa Tu Nghiệp Giáo Chức mùa hè chuyên đề “Đông Nam Á” do FIRST (Fullerton International Resources for Schools and Teachers) tổ chức đầu mùa hè năm 2002 tại Fullerton, tôi được mời hướng dẫn một số lớp trong Khóa học. Qua đó, tôi có dịp tiếp xúc và trao đổi với một số thầy cô giáo gốc Việt đang giảng dạy tại các trường công lập ở quận Cam. Một cô giáo trẻ ngoài hai mươi đang giảng dạy tại trường tiểu học Martin Luther King ở Santa Ana nhận định:
– Em không muốn làm phụ nữ ở Việt Nam. Về thăm nhà, em mới thấy, phụ nữ bên đó thiệt thòi quá. Nếu chồng ăn nhậu đàng điếm, người ta sẽ nói, “Chắc tại vợ không chăm lo!” Chồng đi lầu xanh, thì lỗi là do “vợ không quan tâm đủ đến việc chăn gối.”
Cô giáo này trưởng thành ở Mỹ, nên rất bỡ ngỡ khi hồi hương sau một thời gian dài sinh sống ở Hoa Kỳ. Tuy tôi trưởng thành ở Việt Nam, tôi cũng đồng ý với nhận định của cô. Trong chuyến về thăm nhà tháng 8, 2008, tôi cũng chứng kiến những oan nghiệt của phận má hồng tại một số vùng nông thôn ở đồng bằng sông Cửu Long. Chuyện chồng đánh vợ vẫn xảy ra như cơm bữa, và những người chồng say sưa nghiện ngập ngược đãi vợ con không phải là chuyện hiếm hoi. Có những cặp vợ chồng mà cả hai đều tốt nghiệp đại học, có công ăn việc làm hẳn hòi, nhưng các ông chồng vẫn vướng vào nạn rượu chè be bét mỗi ngày khi tan sở. Vợ chỉ biết thở dài:
– Ảnh nhậu dữ lắm. Nói hổng được.
Nói không được, thì ngậm đắng nuốt cay ôm lấy khó khăn tài chánh và những trách nhiệm trong gia đình mà lẽ ra người chồng cần gánh vác và chia sẻ. Nói không được, thì tự mình an ủi lấy mình, vì hồi yêu nhau, ảnh đâu có để lộ sự ngang tàng vô kể như ngày hôm nay. Nói không được, thì những người vợ ấy chấp nhận hoàn cảnh, và khuây khỏa tìm quên.
“Diệu Hiền” ly dị chồng
Diệu Hiền là ẩn danh mà tôi đặt cho một cô gái 27 tuổi ở một miền quê thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long. Gia đình cô không được khá giả, nhưng cô chịu khó làm ruộng phụ giúp người mẹ góa bụa. Vì ba cô khi còn sống rất khó tính, nên mẹ cô đâm ra gay gắt với con, ngay cả bao nhiêu năm sau khi ba cô qua đời. Một ông chồng khó tính không chỉ giết chết hạnh phúc của vợ mình, mà của đời con đời cháu mình nữa. Và không chỉ một người tính khí bất thường khó khăn có thể thiêu hủy một gia đình, mà có những thực tế của xã hội cũng nhúng tay vào làm tan vỡ hạnh phúc của phụ nữ Việt Nam. Dọc theo quốc lộ số I và len lỏi giữa bao nhiêu thôn xóm ở miền Tây Nam đất Việt, là những quán Càfê Sân Vườn. Một cái tên nghe thật chân quê và rất thích hợp với nếp sống xanh toàn cầu, nhưng hóa ra lại là những bãi mìn nổ tung đời sống hôn nhân. Càfê Sân Vườn là những địa điểm giải khát trá hình mà phái nam có thể đến để mua vui hưởng lạc. Khi đi qua những bãi mìn này, người tài xế lái xe nói:
– Thường thì con gái ở xứ khác tới mần. Con gái ở đây nó ngại gặp người quen.
Nhưng cũng có khi, ‘khách’ đi lui đi tới, không chỉ đi ‘vui vẻ’ ở Sân Vườn xóm mình. Chồng của Diệu Hiền, tuy sinh sống ở miệt biển Tân Thành, nhưng lại là khách thường xuyên của một Sân Vườn ở thị xã phía Bắc. Mỗi lần đi biển về, chồng của cô lại đi Sân Vườn biền biệt, bỏ mặc mẹ con cô ở nhà. Cô nhỏ nhẹ khuyên chồng dành thời gian cho con. Bà cô chồng đay nghiến, xỉa xói:
– Mày coi, ăn mặc như mày thì làm sao nó không đi ăn chơi được? Mày không thấy thời trang bây giờ, con gái nó ăn mặc tươi mát tới cỡ nào sao? Mày mặc đồ kín mít như vậy, hỏi sao nó không đi kiếm con khác?
Tuy bị hụt hẫng khi bị luận tội là ‘ăn mặc quá đàng hoàng,’ Diệu Hiền vẫn cố gắng nhỏ to với chồng về những ảnh hưởng của việc trăng hoa đến đời sống gia đình. Sau nhiều cố gắng không có kết quả, Diệu Hiền yêu cầu ly hôn. Ly dị chồng, Diệu Hiền không có nơi nương thân, đành quay về nương nhờ mẹ. Những tưởng mẹ sẽ nâng đỡ con gái, không ngờ người đàn bà trung tuần đã một đời góa bụa ấy chỉ biết xua đuổi con mình. Bà xua đuổi mạnh mẽ đến nỗi Diệu Hiền phải đi làm thuê làm mướn để dành dụm tìm một mảnh đất và cất một cái lều để dung thân. Bà xua đuổi con gái vì theo bà, xuất giá phải tòng phu, con gái bà không nên ly dị chồng như vậy, nhất là với gia đình chồng rất khá giả. Khi được hỏi cô đã quen với chồng như thế nào, Diệu Hiền bảo:
– Có quen biết gì đâu chị! Má em mai mối, biểu em lấy thì em phải lấy.
Tuy ngày nay, có nhiều phụ nữ đã chọn con đường ly hôn vì không tìm thấy hạnh phúc và không được tôn trọng trong hôn nhân, nhưng họ vẫn bị coi là ‘có lỗi.’ Ngày ra tòa, Diệu Hiền không luận tội chồng, mà chỉ đơn giản lý giải rằng hai vợ chồng không hợp nhau. Cô sẵn lòng xin để lại con cho bà nội nuôi, vì lý do đơn giản: cô không có một mảnh đất cắm dùi, và biết kinh tế của mình bấp bênh, không bảo đảm được cho đời sống và sự phát triển của con. Làm thuê dành dụm hằng ngày, đến cuối tháng, cô lại đi thăm con, chắt mót từng xu để mua quần áo cho nó. Tuy đứa bé không quấn quýt mẹ, nhưng cô nhủ lòng, khi nó khôn lớn, nó sẽ thấu hiểu sự hy sinh của cô. Ai sẽ là người nói cho nó biết nỗi uất ức và niềm đắng cay của đời Mẹ khi đứa bé ấy thành nhân?
Phận gái của một Việt Nam thời hé cửa
Tất cả khởi đi từ gia đình. Khi từ thế hệ này sang thế hệ khác, người phụ nữ không được quyền định đoạt cho mình, và không được tôn trọng ngay từ trong gia đình mình, thì khi họ lập gia đình, chính bản thân họ cũng không có sự ủng hộ về tinh thần và tình cảm để lên tiếng và lý giải cho hạnh phúc và nhân phẩm của mình. Trong một chuyến cắm trại năm 2009 ở thượng lưu sông Kern với các em thanh niên đại học người Mỹ gốc Việt tại Nam California, một nam sinh đã nói với tôi bằng tiếng Anh:
– Em biết gia đình em vẫn duy trì tinh thần trọng nam khinh nữ. Chị biết không, giả sử có hai bịch chips – mà không, có ba bịch chips, thì ba người chị của em sẽ được một bịch, em sẽ được một bịch, và em trai của em được một bịch.
Vậy mỗi gia đình chúng ta có trao gửi đồng đều những bịch ‘chips’ cho con cái hay không? Hay chúng ta vẫn tiếp tục sống trong tinh thần ‘nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô,’ để còn quá nhiều phụ nữ Việt ở thế kỷ hai mươi mốt này vẫn chưa thực sự định đoạt được quyền sống căn bản cho mình?
Trong khi các nữ phi hành gia, ngay cả gốc Á Châu, đã đặt chân lên những vùng xa xôi ở những hành tinh khác, thì quyền căn bản của phụ nữ ở Việt Nam vẫn còn bị bó buộc và chà đạp.
Trong khi các chính trị gia nữ đã chiếm lĩnh những vai trò cốt lõi trong bàn cờ chính trị thế giới, thì rất nhiều những phụ nữ ở Việt Nam vẫn chưa có được quyền đóng vai trò cốt lõi trong đời sống của chính mình.
Ngoài những cây bút, doanh nhân, họa sĩ, danh ca, hay những nhà hoạt động dân chủ có tên tuổi, thì đại đa số phụ nữ Việt Nam vẫn là những cuộc đời vô danh, nổi trôi theo luật định của ‘số phận’ và tam cương.
Ở những miền quê Việt Nam ngày nay, phụ nữ vẫn đang gánh chịu những thiệt thòi áp bức, vẫn là phận mưa sa, vẫn lệ thuộc vào phụ hệ và phu quyền.
Ở những trung tâm thương mại của Việt Nam, phụ nữ tiếp tục phục vụ cho guồng máy kinh tế với khả năng chuyên ngành nhưng vẫn nhận lương bổng nghiệp dư.
Ở Việt Nam, đa số phụ nữ vẫn nằm trong rọ và trong khi họ phải đối diện với những thách đố của thế kỷ 21 toàn cầu hóa như mọi người, họ không có cơ hội để thăng tiến và sống với đúng nhân cách của mình trong thiên niên kỷ mới.
Và không chỉ ở Việt Nam, mà ở rất nhiều nơi khác, phụ nữ Việt vẫn ngày lại ngày chôn vùi tuổi xuân và cuộc đời đằng sau những hợp đồng xuất khẩu lao động bất công, lê bước trên những chặng đường buôn bán người và đường dây mãi dâm, bưng mặt trong đêm tối vô tận của nông dân mất đất, mòn hơi mỏi họng đi tìm một kế mưu sinh.
Tôi nhận định rằng Việt Nam đang ở thời hé cửa vì trong khi những ảnh hưởng từ bên ngoài đang lan tràn khắp nơi từ thôn quê cho đến thành thị, từ thời trang cho đến các thương hiệu hoàn toàn bằng ngoại ngữ ở Sài Gòn, thì những tinh hoa và xu hướng tích cực mới vẫn chưa được phổ biến ở Việt Nam. Những ảnh hưởng bề nổi đã lọt vào, nhưng chiều sâu thì vẫn chưa có.