Menu Close

Một công trình kỹ thuật chưa từng có

Ngày 21 tháng 1 vừa rồi, nhân kỷ niệm ba năm ngày du thuyền Costa Concordia lâm nạn, chương trình NOVA đã trình chiếu trên đài PBS phim tài liệu tường trình từng bước của công trình giải cứu chiếc du thuyền nằm chênh vênh trên một ghềnh đá tại hòn đảo Giglio đã gần 20 tháng kể từ ngày lâm nạn, đe dọa có thể trôi tuột xuống lòng biển khiến việc giải cứu trở nên phức tạp hơn, nếu không nói là không thể thực hiện được.

alt

Cuốn phim dài gần một tiếng, tựa là “Sunken Ship Rescue – Cuộc Giải Cứu Con Tầu Đắm”, thâu tóm hai năm làm việc ngày đêm không ngừng nghỉ của hơn 500 nhân sự đến từ 21 quốc gia, do hãng Mỹ, Titan Salvage, phối hợp với hãng Micoperi của Ý thực hiện, tốn tổng cộng 1.2 tỉ Mỹ kim (gấp đôi tiền đóng tầu), thiệt mạng một thợ lặn, và nhiều giây phút căng thẳng đến nghẹt thở, không kể những thiệt hại đối với nền kinh tế địa phương. Và đã hẳn là khán giả cũng trải qua những giây phút nghẹt thở không kém.  

alt

Những con số của công trình giải cứu vĩ đại chiếc Concordia. Nguồn: CNN)

Công trình giải cứu con tầu lâm nạn

Giglio là một hòn đảo nhỏ với dân số vỏn vẹn 1,000 người, nằm trong Công viên Quốc gia Quần đảo Tuscany, phía tây của Ý, là một vùng biển được bảo toàn lớn nhất trong vùng Địa Trung Hải, nổi tiếng nhờ nước biển tinh khiết và các hải sinh phong phú. Ngoài những cây san hô nhiều hình dạng và mầu sắc và cá biển đủ mầu đủ loại, đặc biệt dưới lòng biển gần nơi tầu đắm còn là nơi sinh sống của loài nghêu khổng lồ hiếm có cao tới cả 3 feet hiện được bảo vệ.

alt

Du thuyền Costa Concordia, bảy tháng sau khi đụng đá, nằm nghiêng trên ghềnh đá đảo Giglio, Italy. Ảnh Wikipedia, 07/2012


alt

Ngày 13 tháng 1, 2012, chiếc du thuyền Costa Concordia đụng đá khi chạy quá gần đảo Giglio, Italy, hông tầu bị rách một miếng dài tới 160 feet, tức 50 mét, và tầu bị nghiêng chìm một nửa xuống nước, làm thiệt mạng 32 hành khách, dẫn đến một công trình giải cứu công phu và tốn kém chưa từng có, do hãng Titan Salvage của Mỹ phối hợp với hãng Micoperi của Ý và 500 nhân viên từ kỹ sư tới thợ lặn, các chuyên viên, nhân công khác đảm trách. Hình 1) Chiếc Concordia chìm một nửa xuống nước. Hình 2) Neo chiếc Concordia lại, để giữ nó tại chỗ mà không tuột khỏi triền đá xuống lòng biển, bằng cách dùng dây cáp chằng chiếc tầu vào 11 cột trụ chôn trong đá, trái. Hình 3) Xây một cái nền bằng những bao rỗng thả xuống bên dưới mũi tầu, rồi bơm xi-măng vào các bao này, và xây sáu cái sàn bằng sắt, móng chôn dưới lòng biển, để khi kéo tầu trở lại vị trí thẳng đứng thì tầu có chỗ tựa. Hình 4) Mười một thùng sắt rỗng (caissons) được hàn vô hông trái của chiếc tầu dài 952 feet, bằng chiều dài của ba sân football. Sau đó một hệ thống dây cáp được gắn từ thùng vào những sàn sắt dựng dưới lòng biển. Hình vẽ CNN


alt

Hình 5) Kéo thuyền trở lại vị trí thẳng đứng là một kỹ thuật gọi là “parbuckling” phải làm từ từ để tầu không bị kéo quá mạnh và nhanh có thể bị lật về phía bên kia. Sau một đêm dài thức trắng trong tình trạng nghẹt thở, cuối cùng chiếc Concordia được kéo lại vị trí thẳng đứng trước tiếng reo hò của nhân sự trong đoàn mà còn của một số người thức trắng trên bờ theo dõi công cuộc hiếm có này. Hình 6) Một hệ thống thùng rỗng được cột thêm vào bên hông phải của tầu. Hình 7) Không khí được bơm vào các thùng gắn hai bên hông tầu đề nâng tầu lên, một việc làm kéo dài tới 11 ngày mới nâng tầu lên vừa đủ khỏi mặt nước để chuẩn bị cho cuộc hải hành cuối cùng về cảng Genoa ở đông bắc của nước Ý. Hình vẽ CNN

Các chặng đường giải cứu Concordia

Do đấy, việc du thuyền Concordia đụng đá chìm là một nhân tai không chỉ làm thiệt mạng 32 người, gây thương tích cho trên 60 người, mà còn là một trái bom nổ chậm đối với môi trường xung quanh. Trong khi đó, thời tiết không phải lúc nào cũng hợp tác với đoàn giải cứu tầu.

alt

Concordia sau khi được giải cứu khỏi ghềnh đá, chờ không khí được bơm vào hệ thống thùng sắt gắn hai bên hông tầu để nổi lại trên mặt nước, chuẩn bị cho chuyến về nơi dừng chân cuối cùng tại hải cảng Genoa, Italy. Nơi đây, chiếc du thuyền yểu mệnh sẽ được gỡ ra từng mảnh cho việc tái chế (recycling), một công tác sẽ kéo dài thêm đôi năm nữa. Ảnh CNN, 07/2014

Dưới sự điều khiển của Nick Sloane, 52 tuổi, gốc Nam Phi, một chuyên viên cứu nạn hàng hải cộng tác với Titan Salvage, trước hết, chiếc Concordia cần được giữ ở vị trí nghiêng trên ghềnh đá để không bị sóng đánh kéo tuột xuống lòng biển. Kế đó, một hệ thống sàn bằng sắt được thiết lập dưới sàn biển để khi tầu được kéo trở lại vị trí thẳng đứng có chỗ tựa. Tiếp theo là hai hệ thống thùng rỗng bằng sắt được gắn vào hai bên hông tầu, rồi không khí được bơm vào các thùng sắt này đặng nâng tầu lên. Trong khi đó, các thợ lặn phải dọn những con nghêu khổng lồ tới một nơi an toàn xa khu tầu đắm để bảo toàn loài nghêu hiếm này.

alt

Một số trong đoàn giải cứu Concordia chụp hình lưu niệm sau trên hai năm làm việc ngày đêm giải cứu chiếc tầu lâm nạn.

Tất nhiên, trước khi thực hiện các công tác trên, 2,300 tấn dầu cần được bơm ra khỏi con tầu có trọng tải 114 ngàn tấn. Công tác này được thực hiện xong hai tháng sau khi tầu đắm. Mãi tới tháng 9 năm 2013, tức 18 tháng sau khi chiếc Concordia lâm nạn, đoàn giải cứu tầu mới kéo được con tầu trở lại vị trí thẳng đứng, đệm một hệ thống thùng chứa đầy không khí vào hai bên hông tầu, chuẩn bị cho chuyến hành trình cuối cùng của chiếc Concordia. Tuy nhiên, vì mùa bão đang tới nên đoàn giải cứu phải chờ tới tháng 7 năm 2014 mới bắt đầu công tác kéo dài tới 11 ngày để bơm không khí vào hệ thống các thùng sắt rỗng gắn hai bên hông tầu để nâng tầu lên cao vừa đủ ngõ hầu các tầu kéo thực hiện việc kéo con tầu bị thương về hải cảng Genoa ở đông bắc nước Ý.

Chuyến hải hành cuối cùng này kéo dài năm ngày, với tốc độ vỏn vẹn 2.3 miles/giờ. Ngoài trọng tải 114 ngàn tấn của con tầu, những thùng sắt chứa đầy không khí cột hai bên hông tầu để giúp cho tầu nổi, cùng với những trang bị cần thiết khác, nặng tới 60 ngàn tấn. Do đấy việc kéo chiếc Concordia buộc phải di chuyển chậm chạp. Ngày 29 tháng 7, 2014 chiếc Concordia được một đoàn tầu kéo về tới cảng Genoa, nơi an nghỉ cuối cùng.

alt

Sau năm ngày hải hành, chiếc Concordia về đến cảng Genoa vào cuối tháng 7 năm 2014. Khi một nhà hàng ở gần cảng Genoa quảng cáo là từ sân thượng của nhà hàng này khách sẽ có thể ngắm chiếc Concordia nổi tiếng thế giới, nhiều người đã phản ứng dữ dội, cho đó là một việc làm thiếu tôn kính đối với vong hồn của 32 người đã tử nạn trên tầu. Tuy vậy, nhiều người cũng đã đến ăn tại nhà hàng La Vetta chính vì muốn nhìn thấy tận mắt chiếc du thuyền nổi tiếng và yểu mệnh này – Ảnh ie.newshub.org)

TD –  01/2015

Xem phim tài liệu “Sunken Ship Rescue” tại http://www.pbs.org/wgbh/nova/tech/sunken-ship-rescue.html