
Một con đường ở Saigon được trang trí đèn trong dịp Tết này
Từ Đà Lạt, bạn hàng “đánh” về Sài Gòn các chai rượu dâu, hộp hồng sấy, túi khoai lang dẻo được cam đoan là nông sản Đà Lạt chính gốc, để rồi tức giận khi biết đó chỉ là hàng Trung Quốc không nhãn mác, đưa lên Lâm Đồng ‘tút’ lại, dán nhãn đặc sản Đà Lạt.
Một chủ hàng mứt uy tín đã cho biết vài kinh nghiệm mua mứt Tết: Mứt dừa thật thì không trắng tinh, không dẻo quẹo (dừa dẻo không phải là dừa non mà là dừa ngâm hóa chất, thậm chí dừa…nilon). Thích nhâm nhi mứt gừng dẻo, tốt nhất làm lấy, đừng mua, trừ khi thích mứt gừng dẻo làm bằng đu đủ bào. Với mứt gừng khô, không chọn lát gừng lớn vì đó là gừng trâu, gừng Trung Quốc, nên chọn lát nhỏ, là gừng tăm, gừng ta, thơm cay. Khoai dẻo, hồng dẻo, nếu đỏ bóng, vàng lườm, tươm mật, dẻo quẹo thì là đồ dỏm, đừng mua. Đồ thiệt xấu mã, mầu sạm, ăn hơi đanh nhưng ngon. Ngoài bánh mứt, trên thị trường thực phẩm Tết Sài Gòn hiện tại vàng thau lẫn lộn trăm thứ giò chả, dưa món, mực khô, thịt trứng, đường sữa, rượu bia, thuốc hút…đủ làm hoa mắt chóng mặt không chỉ người tiêu dùng mà cả đến quản lý thị trường.

Vẫn có những hàng bán vỉa hè ế khách
Khổ hơn chuyện ăn uống là chuyện đi lại. Trừ phi đi bằng máy bay, còn không, đường sá mọi nơi, nhất là Sài Gòn, từ ngày Hăm Ba ông Táo chầu trời trở đi, bất kể ngày đêm, đều quá tải. Cảnh kẹt xe, đụng xe, cãi vã xảy ra thường xuyên. Tại các bến xe Miền Đông, Miền Tây, các công nhân, sinh viên, người lao động nhập cư vẫn phải vất vả kiếm tấm vé về quê với giá cao hơn ngày thường 60%.
Vào buổi tối, người Sài Gòn chở nhau đi xem các “anh đồ” sinh viên xúng xính khăn đóng áo dài ngồi viết thư pháp bằng chữ Việt trên “Phố Ông Đồ” hay ngắm đèn mầu huyền ảo trên các đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Đồng Khởi, Lê Thánh Tôn, Nguyễn Du…nơi vui chơi quen thuộc khác như Thảo Cầm Viên, Đầm Sen, Suối Tiên, Hội Hoa Xuân Tao Đàn, Chợ hoa Công viên 23 tháng 9, Chợ hoa bến Bình Đông, Đường hoa Hàm Nghi…

Tại các chợ Bến Thành, Bà Chiểu, Phú Nhuận, Tân Định, Đa Kao, Chợ Lớn, các sạp dưa hấu, kiệu cải, lạp xưởng, hàng hoa, hàng bánh mứt, giầy dép chong đèn bán đêm nhộn nhịp. Quà Tết hai bên nội ngoại thì dùng “phong bì” vừa gọn nhẹ vừa thực tế.
Cách Sài Gòn ba giờ đồng hồ lái xe, hoạt động từ thiện của nhóm thanh niên O+ đang tới các xã Bông Trang, Hòa Hiệp, Tân Lâm, Hòa Hội, đem theo tiền mặt, mì gói, bánh chưng và những cánh mai vàng dán lên vách tường những ngôi nhà “ba không”- không tiền, không hạnh phúc, không sức khỏe.
Đến nhà ông Nguyễn văn Cu – xã Bông Trang. Trong khi chờ ông đi kiếm các cháu về nhận quà Tết, người viết đi coi nơi ăn chốn ở của bọn trẻ, mười hai giờ trưa mà bếp núc không một hột gạo, xiêu vẹo hoang tàn. Chỗ ngủ tối tăm, chằng đụp quần áo chăn chiếu lâu ngày không giặt. Cách nhà anh Cu hai con ngõ là nhà anh Quốc Tuấn. Nhà xây gạch, tuy nhỏ nhưng sạch sẽ. Trong nhà đủ vợ chồng con cái. Tiếp khách cũng có ly trà nóng. Vợ bị tật chân, quanh quẩn ở nhà. Chồng làm phụ hồ, khiêng vác nặng nhiều năm, hiện mất sức, cụp xương sống, đái ra máu. Con gái sạn thận nặng, gầy tong teo, héo hắt. Con trai câm điếc bẩm sinh… Ngôi nhà thứ ba nhóm O+ ghé thăm là nhà chị Chanh. Gọi nhà hơi quá, kỳ thực chỉ là cái lều tạm bợ, trống trải, quây bốn tấm bạt nilon gió đánh rách bươm, ban ngày không che được bụi, ban đêm không ngăn được rét. Chị Chanh ‘báo cáo’ ngắn gọn gia cảnh: Chồng thợ tiện, vợ đan lưới, nuôi ba đứa con đi học. Bố chồng tám mươi lăm tuổi, hai chân bại xụi. Có hai mẫu vườn ông cụ chia hết cho các con.
Thấy bố đau rề rề, sáu người con lớn không ai muốn nuôi. Họ ‘bưng’ ông bố tới nhà vợ chồng chị vứt trên giường. Rời nhà chị Chanh, trên đường về, nhóm trưởng O+ nhẩm tính, gói tổng cộng 100 bánh chưng, thêm mì tôm, tiền mặt, cũng chỉ đủ cho mỗi gia đình nghèo một món quà Tết trị giá 400.000 đồng (bằng tiền bữa nhậu lẩu dê bình dân).

Nhóm O+ trao quà Tết cho các con anh Cu
Căn bếp nhà anh Cu