Trước đây, như đã thành lệ, cứ bắt đầu vào tuần thứ 2 của Tháng Chạp, người dân ở vùng lân cận bán đảo Cam Ranh lại đi chặt mai để chuẩn bị cho ngày Tết. Họ có thể lên rừng hoặc xuống biển để tìm cho mình những nhành mai thích hợp nhất.
Mai rừng vẫn luôn là sự lựa chọn hàng đầu. Vì cánh hoa to, thân lại cao, thẳng vút, có được nhành mai ấy để chưng trong ba ngày Tết làm cho căn nhà như sáng hơn. Nhưng để có được những nhành mai rừng thật cực nhọc biết bao. Họ phải leo lên những cánh đồi đầy gai góc, đầy đá mà chỉ cần một chút sơ sẩy là có thể gãy tay, gãy chân hoặc thậm chí vong mạng. Từ nhiều năm nay, việc chặt mai rừng đem về nhà chưng hoặc mang ra chợ bán đã khiến cho mai trên rừng ngày càng khan hiếm dần. Những người đi chặt mai có kinh nghiệm phải mất cho mình cả ngày để tìm được nhành mai ưng ý. Và cũng không ít người dù bỏ cả ngày công nhưng kết quả chỉ là nhành mai ọp ẹp, thân nhỏ chẳng bù với công sức bỏ ra.
Mai biển thân không được cao, ít cánh lại nhỏ. Người trong vùng thường qua đảo Bình Ba, đảo Bình Hưng hoặc những cánh rừng mé biển chưa bị tận dụng phát triển du lịch để săn mai.

Trên những đồi cát, con đường, khách sạn trước đây là nơi sinh trưởng của loài mai biển ở vùng bán đảo Cam Ranh. Việc xây dựng những công trình trên đã khiến mai biển có nguy cơ diệt vong tại nơi này.
Khu vực bán đảo Cam Ranh là cả một vùng đất cát. Ngày trước ở vùng này cây cỏ mọc theo dạng rừng sa-van. Ở đó, loại mai biển mọc nhan nhản, xen kẽ với cây nhãn rừng. Những người lớn tuổi ở đây còn kể lại, cứ mỗi độ Xuân về, đi ngang qua con đường mà trước đây người Mỹ xây dựng, nhìn xung quanh bạt ngàn là mai ánh lên một màu vàng rực rỡ. Với nhiều người, những đóa mai nở ra báo hiệu cho họ Tết đã gần kề. Từ sau 1975, chính quyền Việt Nam cho lấy cả vùng bán đảo Cam Ranh cho Liên Xô thuê mướn.
Người Nga sử dụng tất cả những gì mà người Mỹ để lại, xây dựng căn cứ hải quân nhằm theo dõi những hoạt động quân sự trên biển Đông và cả vùng. Để đi được vào sân bay được xây dựng từ thời Mỹ phải qua 2 cổng có kiểm soát gắt gao. Phải nói rằng, chính nhờ việc này mà không mấy người vào được trong bán đảo để chặt mai. Có chăng chỉ là những cư dân có nhà ở ngã ba Mỹ Ca vốn đã quen mặt với những lính gác ở đây.
Từ sau khi chính quyền Việt Nam muốn dùng một phần khu quân sự để phát triển kinh tế, biến phi trường Cam Ranh vốn do người Mỹ xây nhằm phục vụ cho mục đích quân sự trở thành phi trường dân, điều này đã làm cho việc đi vào bán đảo thoải mái, dễ dàng hơn. Chính quyền cho bỏ 2 cổng kiểm soát ở ngoài, chỉ còn 1 cổng duy nhất là đi vào vùng 4 Hải quân. Cũng từ đó, việc được tận ngắm những cánh mai tỏa sắc vàng không còn là của chỉ một số ít người, mà nó dành cho bất kỳ ai. Với lòng tham, muốn cái đẹp phải thuộc sở hữu của mình, nhiều người cứ đến Tháng Chạp lại mang dao, vác rựa ra bán đảo chặt mai. Nhưng nguyên cả một vùng bán đảo rộng lớn, mai mọc chi chít chặt làm sao cho hết được?
Từ độ khoảng 5-6 năm trở lại đây, phi trường Cam Ranh được nâng cấp trở thành phi trường Quốc tế, lượng khách ồ ạt từ vùng Viễn Đông của Nga, từ Hàn Quốc và mới đây là từ Trung Quốc đã làm cho bán đảo Cam Ranh trở mình. Giá đất trở nên nóng hổi với những dự án bất động sản. Hàng loạt resort, khách sạn, nhà hàng được xây dựng. Để có đất, chính quyền đã cho san bằng, khai phá cả một vùng đất ven biển biến thành một khu nghỉ mát có tầm cỡ. Những vùng đất trước đây là nơi sinh trưởng của mai, nhãn rừng nay đã trở thành những bãi đất trống hoặc được thay vào đó là những ngôi nhà cao tầng, những công trình xây dựng dở dang. Hoặc có chủ đầu tư chỉ san bằng ra, để đó đầu cơ chờ người mua. Chỉ riêng người Nga, họ đã cho xây dựng ở đây 2 khu resort 4-5 sao. Còn lại, ven dọc bờ biển Bãi Dài đầy ắp những công trình hay dự án cho dịch vụ du lịch.
Chỉ cần ngồi trên xe đi trên con đường từ Nha Trang vào phi trường Cam Ranh sẽ thấy được sự phát triển ồ ạt ở vùng này. Mai cũng từ đấy mà hiếm dần. Những năm trở lại đây, số lượng người đi vào vùng bán đảo Cam Ranh để tìm mai thưa dần, vì có còn mai nữa đâu để chặt. Cả hệ thống xây dựng chằng chịt, nối đuôi nhau men dọc theo bờ biển đã làm cho mai ở đây dần dần bị biến mất. Nếu ngày trước, ngồi trên phi cơ nhìn xuống sẽ thấy được một thảm xanh của thực vật nơi này. Giờ đây chỉ còn là những ngổn ngang của những xây cất chưa hoàn tất.

Không còn mai trên rừng hay dưới biển, những cây mai được trồng trong vườn thay thế dần thú vui chơi mai của người dân trong những ngày Tết.
Chị Diễm, một người chạy taxi trong sân bay Cam Ranh là cư dân ở vùng này cho chúng tôi biết: “Ngày trước tui cùng với bạn bè cứ gần Tết lại vào đây để chặt mai, những lúc khác lại đi hái nhãn rừng ăn. Bây giờ muốn tìm một bông mai vàng phải nổ cả con mắt”. Không phải chỉ riêng chị mà nhiều người khác cũng nhìn thấy điều này.
Thói quen của cư dân lân cận ở bán đảo Cam Ranh cũng thay đổi dần. Vào Tháng Chạp, không còn thấy những nhóm người vào bán đảo để chặt mai nữa, thay vào đó là họ tự trồng cho mình những cây mai để đón Xuân hoặc tự mua cho mình những chậu mai để chưng trong nhà. Những thói quen từ bấy lâu nay đã không còn vì con người đã đổi thay vùng đất. Trong những bản tin về bất động sản cho biết, giá bất động sản ở Cam Ranh còn nóng hơn cả ở Nha Trang. Cam Ranh chỉ là một thành phố nhỏ được nâng lên từ một thị xã nghèo, nay giá đất lại còn mắc hơn cả Nha Trang là điều không thể.
Chẳng thể ủng hộ việc người dân lên rừng hay xuống biển chặt mai, vì tự nó thôi cũng đã là một việc làm xấu, tác động đến môi sinh. Nhưng dẫu gì đó cũng là một nét văn hóa trong những ngày cận Tết của người dân Việt Nam sống rải dọc theo dải đất miền Trung này. Những nét văn hóa ấy đã đi vào nếp sống, thói quen nó dần dần đi vào thi ca. Việc coi trọng phát triển kinh tế nhưng lại bỏ qua những tác động đến môi sinh, văn hóa đã làm cho những nếp sống thay đổi. Người dân ở vùng này từ bao đời dù có đi chặt mai trên rừng hay dưới biển; và dẫu có tác động đến môi sinh nhưng cũng không thể tận diệt mai như cách mà chính quyền triệt phá có hệ thống. Người dân chặt một vài nhành mai, nhưng qua năm sau, từ gốc mai ấy lại trổ ra những nhành mai khác. Trong khi để xây dựng những công trình, chính quyền cho đào bới cả những gốc mai, chẳng còn gì để mọc lên từ vùng đất mà họ đã đào bới.
Gần Tết, ngồi chờ những tốp người mang dao vào rừng chặt mai như ngồi chờ một chuyến xe trở về từ quá khứ. Mất hút.
Những con người ấy bây giờ nơi đâu? Tết này còn ai đi chặt mai?

Không chỉ san bằng đất cát để xây dựng khách sạn, bộ đội cũng chiếm dụng đất đai để xây những khu nghỉ dưỡng, nhà ở . Họ phá hủy đi hàng loạt gốc mai ở vùng này.