Khi cái nắng vẫn còn se lạnh, và những mầm non của cội mai vàng bắt đầu nảy lộc là tụi con nít chúng tôi háo hức cho một cái Tết gần kề.
Ngày nhỏ không gì thú bằng những ngày xuân ngồi xem mẹ làm bánh mứt cho 3 ngày Tết. Tôi thích mùi mứt dẻo thơm lừng của thơm, cà chua, cà rốt, dừa sợi, đậu phộng quyện vào nhau trong đêm khuya mẹ tôi ngồi khuấy đều tay cho đến khi chảo mứt dẻo keo, tôi khoái nếm những thìa vét chảo mà tụi con nít ngồi quanh chờ đợi. Nhưng mong ngóng nhất là những ngày cận Tết mẹ gói bánh tét.
Sáng sớm còn mờ hơi sương, tôi xách giỏ theo mẹ đi chợ. Lá gói bánh phải đặt từ trước để có những chiếc lá to bản, xanh mướt, người ở quê từ Chợ Dinh, Tuy Phước cắt từ sớm thồ xe xuống, họ ngồi xổm ở hai dãy đường ven Chợ Lớn. Tre già tước thành sợi lạt, ngâm trong nước cho cọng dai, dễ cột. Thịt heo ba chỉ, đậu xanh đãi vỏ, nếp thơm đều hạt mẹ chuẩn bị từ tối hôm qua. Nhà đông con, tôi thuộc hàng con nít, nên chỉ ngồi xem mẹ và các chị gói bánh, thỉnh thoảng mẹ sai lấy cho mẹ chiếc lá này, sợi lạt kia là xăng xái đi liền. Lá chuối mẹ trải nhiều lớp làm thành hình chữ nhật, rải một lớp nếp ở dưới, đặt ở rãnh giữa miếng thịt ba chỉ đã ướp hành, tiêu, muối. Đậu xanh giã nhuyễn mẹ nắm từng vắt để hai bên, cuối cùng rưới lên trên một lớp nếp nữa rồi cuộn tròn gói bánh. Mẹ dạy chị buộc lạt phải chặt tay, đòn bánh mới ngon. Tôi không hiểu sao có tên là bánh tét, có thể ngày xưa ông bà ta gói bánh vào ngày Tết nên gọi là bánh tết, lâu ngày đọc chệch thành bánh tét, hay có thể đòn bánh tét ăn là phải dùng chỉ tét bánh, nên gọi là bánh tét? Ngày Tết thường ở Miền Bắc gói bánh chưng, riêng ở trong Nam người ta lại gói bánh tét. Thông thường những chiếc bánh gói thêm do còn thừa nếp, mẹ gói nhỏ hơn, làm thành chiếc bánh ú, để khi vớt bánh tụi trẻ con chúng tôi bao giờ cũng giành nhau những chiếc bánh ú này.
Đêm Giao thừa trong mâm cúng ông bà của những gia đình miền Nam không thể thiếu dĩa bánh tét. Những lát bánh dẻo mịn, mềm trên đầu lưỡi quyện cùng với vị bùi của đậu xanh, vị béo đậm đà của thịt heo ba chỉ ăn cùng với củ kiệu ngâm chua ngon không thể tả.
Đêm xuân tiết trời se lạnh, tôi nhớ hai bên dãy đường Nguyễn Huệ người ta nấu bánh tét ở trước mặt nhà vì thành phố ít có khoảng sân vườn như trên quê, nhưng đó cũng là một cái thú. Vì, tụi con nít tha hồ chạy qua chạy lại nhà hàng xóm nhìn ngó nồi bánh tét, chơi nhảy lò cò, đánh nẻ để canh chừng lửa, nếu nhà nào thiếu củi thì chạy qua xin. Đêm về khuya, tụi tôi không chịu đi ngủ, đứa nào cũng thích châu đầu vào nhau ngồi nghe các anh chị kể chuyện, thỉnh thoảng mấy đứa nhỏ hét lên vì bị nhát ma… Gió càng buốt lạnh, mọi người càng quây quần bên bếp lửa, đêm vắng nghe cả tiếng thanh củi nổ lốp bốp, tiếng nhai trầu của nội bên hiên nhà.
Thời gian trôi qua, hình ảnh nấu bánh tét hai bên vệ đường trong các thị tứ không còn nữa, tụi nhóc của tôi không tìm được cái thú, cái hạnh phúc mà ngày xưa tôi có được trong gia đình mình. Tôi cũng vậy, cũng quay cuồng với công việc mưu sinh. Cái gì cũng vội vội vàng vàng, bánh chưng, bánh tét các siêu thị, các chợ bày hàng bán sẵn. Tôi chỉ cần ghé đến mua đem về cúng 3 ngày Tết.
Nhớ ơi là nhớ, ánh lửa bập bùng, những câu chuyện ma, nồi bánh tét đêm khuya của những ngày xưa cũ.

Ảnh minh họa. NGUỒN: WWW.FLICKR.COM